Mở phòng mạch chữa bệnh ngoài giờ, Tuyết đâu ngờ có ngày trở thành đồng phạm với bọn buôn ma túy mà ngã rẽ ấy bắt nguồn từ việc nhận điều trị cho các con nghiện.
Hành nghề cứu người lại reo rắc cái chết trắng
Tính đến nay, Lê Thị Tuyết (SN 1964), ở tại 187, tiểu khu 4, thị trấn Mộc Châu, Sơn La đã thụ án được gần 14 năm tại trại giam Thanh Xuân, Hà Nội. Với tội danh “Mua bán trái phép chất ma túy”, tội của Tuyết đáng ra bị tử hình nhưng đứa con trai khi đó chưa tròn 36 tháng tuổi đã giúp chị ta thoát chết. Nhận bản án chung thân, Tuyết bảo nhục chỉ muốn chết nhưng nghĩ về gia đình, về đứa con “hộ mệnh” thì lại mong được sống tiếp. 14 năm là chừng ấy thời gian Tuyết gặm nhấm nỗi đau, ám ảnh tội lỗi và cả những suy tư dằn vặt khi nghĩ về các con, về tội lỗi của mình trước đó.
Trước khi phạm tội, Tuyết là bác sỹ của một bệnh viện huyện. Vì muốn có thêm thu nhập nên Tuyết đã bàn với chồng mở phòng mạch tư nhân tại nhà. Ban đầu chị ta khám chữa một số bệnh thông thường và bán thuốc nhưng rồi thấy số người đến phòng khám của mình chủ yếu là con nghiện tới mua xi-lanh thì Tuyết nảy ra ý định nhận điều trị cắt cơn cho họ. Vậy là ngôi nhà 4 tầng trước kia chỉ có tầng trệt để bán hàng thì nay cả nhà gồm hai vợ chồng và ba đứa con được dồn lên tầng trên cùng, dành 3 tầng dưới để Tuyết khám bệnh, bán thuốc và cho con nghiện tới ăn nằm trong thời gian cai nghiện. Ranh giới giữa cái tâm của người bác sỹ trong việc nhận cai nghiện tại gia và sự mù quáng vì tiền thật mong manh để rồi tới ngày tra tay vào còng số 8, Tuyết mới giật mình hối hận. Tuyết đâu biết rằng, đồng tiền đã biến chị ta từ một bác sỹ hành nghề cứu người trở thành kẻ gieo rắc cái chết trắng cho đồng loại.
Vào trại giam, các phạm nhân nữ thường được bố trí làm một số công việc nhẹ nhàng như: May, đính hạt cườm, đan giỏ hoa…
Nhắc lại quá khứ lầm lỡ của mình, Tuyết đau khổ cho rằng đó là một sai lầm lớn không thể làm lại được. Khi biết chị nhận cai nghiện cho những người nghiện, một số gia đình đã đưa con em tới với mục đích nhờ Tuyết giúp họ đoạn tuyệt hẳn với ma túy. Các con nghiện cũng tỏ ra có thành ý để cai nhưng khi đến phòng khám của chị, thấy không có ai canh coi, quản lý, họ đã ngấm ngầm biến nơi đây thành chỗ để mua, bán, trao đổi ma túy với nhau. Thời kỳ đầu các con nghiện còn mua bán kín kẽ, chỉ là việc trao đi đổi lại vài tép ma túy nhưng dần dần họ biến phòng khám của Tuyết trở thành nơi để những kẻ buôn bán ma túy lẻ góp mặt và rồi là nơi để những kẻ làm ăn lớn hơn gặp gỡ, trao - nhận hàng. Đến lúc này phòng khám của bác sỹ Tuyết trở thành nơi chứa chấp, buôn bán và sử dụng ma túy công khai.
Hỏi Tuyết có biết không, sao lại không ngăn cản? Tuyết khẽ lắc đầu bảo: “Sai lầm của tôi chính là chỗ đó. Ban đầu thì tôi sợ bị trả thù, sau rồi tôi chặc lưỡi, ai làm người ấy chịu và rồi trở thành kẻ tiếp tay lúc nào chẳng biết”.
Là một bác sỹ trực tiếp điều trị cắt cơn cho các con nghiện nên ngay từ lúc họ mua bán, trao đổi ma túy với nhau, Tuyết đã biết nhưng vì sợ bị trả thù nên chị đã không lờ đi, coi như không biết. Tuyết cũng không dám tâm sự với chồng mặc dù biết việc làm của các con nghiện là vi phạm pháp luật ngay trong nhà mình. Từ sự làm ngơ, bỏ mặc, ai thích làm gì thì làm, Tuyết đã biến một phòng khám uy tín của thị trấn thành nơi chứa chấp, buôn bán và sử dụng ma túy công khai, khiến các con nghiện coi cơ sở chữa bệnh, cai nghiện trở thành tụ điểm để trao đổi, mua bán và tiêm chích ma túy.
Cho rằng mình không làm thì không phải chịu trách nhiệm, Tuyết đã mặc nhiên thừa nhận sự trái pháp luật ngay chính trong ngôi nhà của mình để rồi từ những suy nghĩ nhầm lẫn đã có những quyết định sai lầm khác. Thấy Tuyết không tố giác, những kẻ đang mua bán ma túy tưởng nữ bác sỹ này đồng lõa, muốn tham gia cùng bọn chúng, muốn chia lợi nhuận nên đã tìm cách lôi kéo. Con đường ma túy đến với Tuyết như một sự tất yếu vẫn thường xảy ra với những người không có lập trường.
“Lúc đó thật sự tôi không nghĩ nhiều, vẫn biết việc buôn bán, sử dụng ma túy là phạm pháp, tôi cứ nghĩ mình không có liên quan gì đến việc mua bán đó, không hưởng lợi thì vô can. Nhưng tôi đã nhầm”, Tuyết nghẹn ngào.
Đầu tháng 10/1998, có một người đàn ông tên Quân đến phòng khám của Tuyết chữa trị vết bỏng ở chân do ngã xe máy. Quá trình điều trị vết thương, giữa Quân và nữ bác sỹ trở nên thân thiết. Quân đã hỏi Tuyết về những con nghiện đang cai ở phòng khám của chị ta rồi ngỏ ý nhờ tìm người bán ma túy để anh ta mua. Mấy ngày sau, Tuyết tìm gặp Trần Đăng Dung (SN 1961), ở tại tiểu khu 8, thị trấn Sơn La, hỏi về việc mua ma túy sau đó nối máy cho Quân nói chuyện với Dung. Sáng 14/10/1998, Dung đến phòng khám của Tuyết đón Quân đến nhà một đối tượng tên là Hua, ở bản Co Cháy, xã Lóng Xập, thị trấn Mộc Châu. Hua tiếp tục dẫn Dung và Quân đến nhà Lầu A Trọ, mua 6 bánh heroin với giá 8.000USD/cặp.
Sai lầm chết người của Tuyết chưa dừng lại ở chỗ giới thiệu cho kẻ mua, người bán gặp nhau mà còn biến ngôi nhà mình thành điểm hẹn để các đối tượng trao, nhận ma túy. 9 giờ tối ngày 15/10, Lầu A Mua, con trai của Lầu A Trọ đem 6 bánh heroin đến nhà Tuyết, bán cho Quân, nữ bác sỹ đã xăng xái khi cho họ vào buồng của mình để kiểm tra chất lượng và thanh toán tiền. Tuyết còn đưa vỏ hộp thuốc Gentamincin cho Quân gói hàng trước khi cùng phụ xe của Dung là Lò Văn Hải (SN 1969), ở bản Áng, xã Đông Sang, Mộc Châu mang đi cất. Ngay tối đó, khi Quân và Hải mang số ma túy trên ra bến xe Mộc Châu thì bị lực lượng Công an phát hiện, bắt giữ.
Thắt ruột khi nghĩ về chồng con
Với tang vật là 6 bánh heroin, vụ mua bán ma túy với sự giúp sức của nữ bác sĩ được hé lộ. Tại bản án sơ thẩm ngày 24/9/1999, TAND tỉnh Sơn La đã tuyên phạt Trần Đăng Dung, Lò Văn Hải và Lê Thị Tuyết mức án tử hình; Lầu A Trọ mức án chung thân. Không thể ngờ rằng cái giá phải trả lại nghiệt ngã đến thế, Tuyết làm đơn kháng cáo nhưng phiên tòa phúc thẩm vẫn giữ nguyên mức án. Bàng hoàng, tuyệt vọng, Tuyết như chơi vơi giữa hiện thực và suy tưởng thì cũng trong thời khắc ấy, đứa con trai thứ 3 đã trở thành cứu cánh. Do chưa đủ 36 tháng tuổi nên đứa trẻ đã trở thành ngôi sao may mắn, giúp Tuyết được miễn thi hành án tử hình. Tuyết bảo đứa con trai bé nhỏ ấy đã cứu rỗi cuộc đời chị ta, là “ngôi sao may mắn” của Tuyết song cũng là nỗi ám ảnh để chị ta sống trong dằn vặt.
Gần 50 tuổi nhưng Tuyết vẫn còn rất đẹp với nước da trắng mịn. Nhớ về quá khứ, Tuyết bảo đã nhận được nhiều ưu ái của số phận nhưng lại không biết giữ gìn. Sinh ra trong một gia đình cơ bản, cả 5 chị em Tuyết đều được học hành tử tế. Sau khi tốt nghiệp trung cấp y, Tuyết về bệnh viện huyện công tác rồi tiếp tục con đường học vấn cho đến khi có trong tay tấm bằng đại học. 21 tuổi, xinh xắn, lại là một bác sỹ, khỏi phải nói thời đó, Tuyết “đắt hàng” đến thế nào. Người giàu có, danh giá, điển trai đều có cả. Thế nhưng, trong số rất nhiều người giàu có, thành đạt ấy, Tuyết lại chọn một anh công chức bình thường để gửi gắm cuộc đời. Nhắc đến chồng, Tuyết bảo hai người rất yêu nhau và chính tình yêu của người chồng đã nâng đỡ Tuyết vượt qua những khó khăn và cả những tuyệt vọng bây giờ.
Được hai bên nội ngoại hỗ trợ nên cưới nhau được một thời gian, vợ chồng Tuyết có một ngôi nhà kiên cố và những đứa con xinh xắn lần lượt chào đời. Khi các con đến tuổi đi học, vợ chồng Tuyết cũng tích cóp được một khoản tiền và phòng khám tại nhà đã ra đời với sự ủng hộ nhiệt tình của người chồng. Tuyết bảo mới ngoài ba mươi, có tất cả công danh sự nghiệp, chồng con và kinh tế như Tuyết không phải ai cũng đạt được, vậy mà Tuyết đã có cả, chỉ tiếc là mọi thứ có được ấy lại do chính tay Tuyết hủy hoại đi tất cả.
“Mỗi lần nghĩ đến đó, tim tôi thắt lại, tôi có lỗi với tất cả gia đình, người thân và những người luôn yêu quý, tin tưởng tôi. Đối với tôi, những tội lỗi đó là quá lớn và không bao giờ nói được thành lời”, Tuyết nghẹn ngào. Trời đã cho Tuyết tất cả nhưng vì Tuyết không biết trân trọng, giữ gìn nên những thứ ấy lần lượt ra đi. Ban đầu là Tuyết vào tù, giờ là đến người chồng sau 13 năm dài đằng đẵng nuôi con đợi vợ, đã không thể đi tiếp con đường đơn độc. Anh đã chọn cho mình một lối đi khác mà trên con đường ấy, “người bạn đồng hành” với anh là một người phụ nữ khác. Tuyết bảo không trách chồng, không hận anh phụ bạc vì biết sớm muộn gì rồi anh cũng đi lấy người khác nhưng “khi nhận được tin chồng xây dựng hạnh phúc mới, tôi bị sốc và rất buồn”. Nỗi đau chưa nguôi, Tuyết lại tiếp tục nhận thêm một tin dữ là mẹ mình đã qua đời. Trong một lần đọc báo, tình cờ đọc bài viết về con gái mình, nhìn thấy đứa con gái gầy sọp, hao mòn trong bộ quần áo phạm nhân, người mẹ thương con đã bị tăng huyết áp đột ngột và qua đời. Tuyết khóc khi nhắc đến mẹ, tự trách mình là nguyên nhân gây ra cái chết của mẹ. Chị ta bảo nhiều đêm nghĩ đến mẹ, thấy thương mẹ đến quay quắt…
Nhắc đến con cái, nét mặt Tuyết chợt vui hẳn lên. Chị ta khoe hai cô con gái giờ đều là sinh viên đại học; cậu con trai thứ ba cũng đang phấn đấu theo gương các chị, học hành giỏi giang.
Từ mức án chung thân, Tuyết đã được giảm xuống án có thời hạn. 20 năm là gần nửa cuộc đời nhưng với Tuyết lúc này, con đường trở về đã lấp ló trước mặt. Chị đã đi được gần 14 năm cải tạo và hẳn lúc này, trong đầu Tuyết đã có rất nhiều dự định cho những ngày đoàn tụ với các con. Chắc chắn những ngày sau này, mỗi khi cần phải dạy bảo con cái, hẳn Tuyết sẽ lấy tấm gương mình ra làm bài học cho các con.
Lam Trinh