Nộp hồ sơ đại học là trúng tuyển: Cơ hội trong tầm tay!?

Nhật Minh| 30/07/2016 21:04
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đợt xét tuyển NV1 bắt đầu từ 1/8 - 12/8. Với điểm số đã có trong kỳ thi THPT Quốc gia vừa qua, thí sinh nên làm gì để nộp hồ sơ xét tuyển đại học dễ đậu, giảm nguy cơ... trượt?

Nộp hồ sơ đại học là trúng tuyển: Cơ hội trong tầm tay!?

PGS.TS Trần Văn Nghĩa tư vấn xét tuyển, chọn trường cho các thí sinh kỳ tuyển sinh ĐH năm 2016. Ảnh: Q. Anh

Đến thời điểm này, có lẽ nhiều em đã tự đưa ra cho mình những quyết định về việc chọn trường, chọn ngành học phù hợp với năng lực, sở thích, và cơ hội đầu ra sau khi tốt nghiệp (hoặc cũng có thể theo sự sắp đặt của bố mẹ). Tuy nhiên, bầu trời mơ ước của các em (lựa chọn việc học ĐH là hướng đi cho mình) chỉ có thể mở khi tên em chính thức xuất hiện trong danh sách những thí sinh trúng tuyển.      

Nói cách khác, với điểm số đã được công bố trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, chọn trường sao cho có thể đậu dễ dàng (an toàn tối đa) là điều bất kỳ phụ huynh và thí sinh nào cũng đều quan tâm.    

Các căn cứ để ĐKXT “an toàn”

Theo PGS.TS Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD-ĐT, trước khi quyết định nộp hồ sơ xét tuyển vào trường ĐH nào, các thí sinh cần lưu ý căn cứ vào các điểm quan trọng như: ngành yêu thích là gì, kết quả thi như thế nào, sau đó so sánh điểm trúng tuyển của các ngành đó với năm trước. Thông thường, điểm chuẩn các ngành theo từng năm sẽ “không có quá nhiều biến động”, ông cho biết thêm.

PGS.TS. Trần Văn Nghĩa cho rằng, cơ hội trúng tuyển có thể nằm trong tay thí sinh nếu các em biết tự phân tích, so sánh đối chiếu, và nắm kỹ cách thức nộp hồ sơ đúng quy định. Theo ông, thí sinh nên sử dụng tối đa số nguyện vọng mình được phép đăng ký để có cơ hội trúng tuyển cao. Đặc biệt, các em cần tỉnh táo lựa chọn đăng ký trường phù hợp với điểm thi và sở trường của mình.

Cụ thể, theo quy định của Bộ GD-ĐT, trong kỳ xét tuyển vào ĐH đợt 1, mỗi thí sinh được đăng ký tối đa 2 trường, mỗi trường được đăng ký tối đa 2 ngành xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 2.

Riêng Nhóm GX, thí sinh ĐKXT được tối đa 4 trường (mỗi trường 1 NV), thứ tự ưu tiên từ 1 đến 4. Nếu thí sinh đăng ký 3 trường thì 1 trường đăng ký 2 NV và 2 trườngcòn lại đăng ký 1 NV/trường. Hoặc đăng ký 2 trường, mỗi trường 2 NV. Thí sinh không được thay đổi NV và các trường cũng không công bố danh sách, điểm thi của các thí sinh.

“Thí sinh cần xem kỹ phổ điểm, căn cứ vào điểm thi và sở thích để chọn ngành, chọn trường ĐKXT cho phù hợp. Năm nay, thủ tục xét tuyển ĐH đã có nhiều thay đổi, thí sinh cần lưu ý những quy định mới để tránh mất quyền lợi, thậm chí trượt oan”, PGS. TS Trần Văn Nghĩa chia sẻ tại Ngày hội tư vấn xét tuyển ĐH-CĐ năm 2016 diễn ra hôm 24/7 ở TP HCM.

Nộp hồ sơ đại học là trúng tuyển: Cơ hội trong tầm tay!?

Đồ họa: VnExpress

Từ chiều 28/7 - 17h00 ngày 31/7, Bộ GD-ĐT cho phép thí sinh thử nghiệm việc đăng ký trực tuyến trên trang https://thisinh.thithptquocgia.edu.vn. Đợt xét tuyển nguyện vọng 1 (NV1) bắt đầu từ 1/8 kéo dài đến 12/8, và kết thúc vào 17h00 ngày 11/8 đối với hình thức nộp hồ sơ trực tuyến. Việc kết thúc sớm trước một ngày nhằm giúp thí sinh không xét tuyển được bằng hình thức online sẽ đăng ký bằng cách chuyển phát nhanh qua bưu điện hoặc nộp trực tiếp tại trường.

Xem chi tiết Hướng dẫn đăng ký xét tuyển ĐH trực tuyến

Hội đồng xác định tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào tuyển sinh ĐH chính quy năm 2016 của Bộ GD-ĐT xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào tất cả các tổ hợp xét tuyển (tức khối thi) đều là 15 điểm. Mức điểm này dành cho tổng số điểm 3 môn không có nhân hệ số, đối với thí sinh KV3 và nhóm không ưu tiên.

Ở các khối thi truyền thống như A, B, C và các tổ hợp môn thi có ít nhất từ 2 môn tự nhiên (toán, lý, hóa, sinh) trở lên, thì mức điểm trung bình thí sinh đạt được nằm trong khoảng 16 - 18 điểm. Trong khi đó, các tổ hợp gồm môn toán kết hợp với các môn xã hội hoặc môn ngoại ngữ thì điểm thi trung bình thấp hơn, chỉ ở mức 13 - 15 điểm.

ĐKXT theo 3 cách, tăng cơ hội trúng tuyển?

Thí sinh có thể ĐKXT bằng 3 cách: qua đường bưu điện, đăng ký trực tuyến, hoặc nộ hồ sơ tại trường. Mỗi cách thức sẽ có những yêu cầu và quy trình khác nhau. Thời gian ĐKXT ở các đợt cũng được điều chỉnh rút ngắn hơn so với năm ngoái (đợt 1 là 12 ngày, các đợt bổ sung: 10 ngày). Do đó, theo PGS.TS Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, thí sinh cần hết sức cân nhắc, tìm hiểu kỹ thông tin hướng dẫn đã được đăng tải trên các website của các Sở GD-ĐT, các trường ĐH, CĐ.

Khi ĐKXT, bạn cần lưu ý:

1. Ngành học bạn thích là gì?

2. Bạn được bao nhiêu điểm?

3. Liệt kê danh sách các trường tương đương theo sở thích + Điểm trúng tuyển năm 2015

4. Lựa chọn NV theo mức giảm dần: Bạn có 4 NV. Hãy chọn những ngành bạn rất thích nhưng điểm hơi cao. Xếp các ngành giảm dần theo điểm trúng tuyển. Lưu ý, khoảng cách điểm giữa các NV càng cách xa nhau thì mức độ an toàn càng cao.

“Biết người biết ta”: Một số trường tốp trên công bố mức điểm xét tuyển ngang với mức điểm sàn của Bộ GD-ĐT (15 điểm), hoặc nhỉnh hơn một chút. Tuy nhiên, bạn cần thật tỉnh táo.

Thông thường, các trường tốp trên rất khó giảm điểm chuẩn trúng tuyển, hoặc nếu có thì chỉ giảm rất nhẹ so với những năm trước. Và nên nhớ rằng, bạn cũng không được rút - nộp hồ sơ để có thể tìm cho mình cơ hội khác. Mạo hiểm với các trường tốp trên, trong khi điểm thi chỉ nhỉnh hơn mức điểm sàn một chút là điều không nên.

PGS.TS Trần Văn Nghĩa đặc biệt lưu ý trường hợp một số thí sinh cho rằng, nếu nộp bằng cả 3 hình thức thì cơ hội vào trường sẽ cao hơn. Ông cho biết, dữ liệu đăng ký ở các trường ĐH sẽ được nhập lên hệ thống xét tuyển chung của Bộ GD-ĐT (2 trường cho 1 thí sinh). Do đó, 2 trường thí sinh đã cập nhật trước sẽ được hệ thống công nhận.

Thí sinh cũng chỉ được đăng ký tối đa số NV và trường dự tuyển theo đúng quy định của từng đợt. Trong khi, những trường “tốp dưới” do tâm lý muốn đủ chỉ tiêu nên thường sẽ cập nhật sớm. Như vậy vô hình chung, chính các em đã tự làm mất đi cơ hội của mình ở những trường được đánh giá là tốp trên hoặc là những trường mà các em hằng mơ ước.

Ngoài ra, PGS.TS Trần Văn Nghĩa cũng lưu ý, trong lịch xét tuyển năm 2016, sau khi các trường công bố kết quả xét tuyển, thí sinh phải xác nhận với trường mình trúng tuyển là có nguyện vọng học bằng cách nộp cho trường bản chính giấy chứng nhận kết quả thi (mỗi thí sinh chỉ được cấp 1 bản chính). Các thí sinh chỉ trúng tuyển một trường cũng phải đăng ký xác nhận nhập học. Nếu thí sinh nào không nộp giấy báo điểm thì nhà trường coi như em không học và sẽ hủy kết quả trúng tuyển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nộp hồ sơ đại học là trúng tuyển: Cơ hội trong tầm tay!?