Nông nghiệp Quảng Trị: Ứng dụng thành tựu 4.0 để thích ứng trong đại dịch Covid-19

Hoàng Oanh-Hồng Nhi| 29/09/2021 11:32
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, ngành Nông nghiệp cả nước nói chung và Quảng Trị nói riêng đang gặp nhiều áp lực phải đảm bảo đáp ứng đầy đủ nông sản cho nhu cầu tiêu thụ trong nước, chế biến và xuất khẩu.

Tổn thất nặng nề

Tỉnh Quảng Trị đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để thực hiện tốt mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Tuy nhiên các mặt hàng nông sản không thể tránh khỏi những tác động của dịch Covid-19. Sản lượng chế biến, giá trị tiêu thụ của một số nông sản giảm (lúa, gạo, cà phê, chuối, chanh leo, tôm, thịt gia súc, gia cầm các loại…).

Việc lưu thông giữa các vùng, miền gặp nhiều khó khăn, các loại hình dịch vụ du lịch, ăn uống giải trí, tập trung đông người, … tạm ngừng hoạt động; việc xuất khẩu hàng hóa cũng gặp trở ngại do nhập khẩu giảm nhu cầu nhập khẩu từ các nước có thị trường tiêu thụ lớn như Trung Quốc.

Hiện nay, toàn tỉnh còn khoảng 400 tấn chuối tươi, 150 tấn cà phê nhân của niên vụ trước, 13 tấn cao dược liệu thành phẩm, hàng trăm tấn lúa đang được lưu kho cất trữ để chờ giá lên, chưa xuất bán được. Đối với các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ như: Nem, chả, bún, bánh, đậu phụ… chỉ còn khoảng 70%, các cơ sở còn hoạt động, sản lượng chỉ đạt 50% so với trước khi dịch bệnh Covid-19 xy ra.

Việc lưu thông, vận chuyển nguyên vật liệu, thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, sản phẩm chăn nuôi, nuôi trồng đánh bắt thủy sản cũng đang gặp khó khăn. Giá cước tăng cao dẫn đến nhiều hạng mục đầu vào sản xuất tăng (thức ăn, vật liệu làm thức ăn… tăng từ 5.000 đồng/kg). Trong khi, giá đầu ra giảm mạnh (giảm 20.000 – 25.000 đồng/kg) đối với sản phẩm thịt lợn hơi, tôm nuôi, thủy sản đánh bắt. Tốc độ tiêu thụ chậm hơn so với trước đây, đã ảnh hưởng đến thu nhập và sản xuất của người dân trên địa bàn.

Ứng dụng thành tựu 4.0

Để có thể chỉ đạo, điều hành linh hoạt, thích ứng với các điều kiện diễn biến phức tạp của thời tiết khi mùa mưa bão đến và dịch bệnhCovid 19, ngành Nông nghiệp Quảng Trị đã và đang thay đổi phương thức tiếp cận, tập trung ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.

1-bai-nn-qt.jpg
Ông Hồ Xuân Hòe, Giám đốc Sở NN&PTNN Quảng Trị đang trao đổi với PV.

Trao đổi với PV, ông Hồ Xuân Hòe, Giám đốc Sở NN&PTNN Quảng Trị cho biết, đơn vị đang tham mưu UBND tỉnh ban hành Phương án đảm bảo vận chuyển, lưu thông, tiêu thụ hàng hóa nông sản theo từng kịch bản diễn biến của bệnh Covid 19. Trước mắt tập trung phối hợp với các doanh nghiệp, hộ gia đình sản xuất nông nghiệp liên kết với các Doanh nghiệp bưu chính trên địa bàn như: VNPost, Viettel để đưa hàng hóa nông sản lên các sàn thương mại điện tử.

Toàn tỉnh Quảng Trị hiện có 63% Hợp tác xã được trang bị máy tính, trong đó có 95,8% máy tính được kết nối mạng Internet; 26,1% cán bộ hợp tác xã, tổ hợp tác sử dụng thành thạo máy tính. Có 75,8% số hộ sản xuất nông nghiệp có điện thoại thông minh, trong đó 65,5 % số hộ có điện thoại, máy tính kết nối internet, 84,8% số hộ sử dụng thành thạo điện thoại thông minh, máy tính. Đây là tiền đề, cơ sở quan trọng để tập trung các giải pháp nhằm chuyển đổi phương thức, cách làm trong sản xuất nông nghiệp thông qua việc ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng 4.0.

Nông dân là trung tâm, mục tiêu động lực của chuyển đổi số trong nông nghiệp” – ông Hòe nhấn mạnh. Chuyển đổi số sẽ bắt đầu từ việc giúp nông dân thay đổi phương thức canh tác, quản lý, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh thông qua các thiết bị thông minh đơn giản như: Smart phone, máy tính có kết nối internet…

Quyết tâm chuyển đổi số

Trong thời gian tới, tỉnh Quảng Trị xác định đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế. Thông qua chuyển đổi số để nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh tranh của nông sản trên thị trường, nâng cao thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.

2-bai-nn-qt.jpg
Ông Hà Sĩ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị (tứ hai bên phải) đang đi kiểm tra thực địa ngành Nông nghiệp trong mùa đại dịch Covid-19.

Ông Hà Sĩ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị cho biết,chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp là cơ hội để các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh nông sản trên địa bàn tạo ra bước đột phá, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu tái cơ cấu ngành gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững trong bối cảnh diễn biến phức tạp của Covid 19 cũng như xu thế hội nhập toàn diện của nền kinh tế. Tỉnh sẽ ưu tiên chuyển đổi số trên một số nhiệm vụ trọng tâm như: Xây dựng cơ sở dữ liệu lớn Big Data ngành nông nghiệp, số hóa các quy trình quản lý, vận hành, xử lý công việc đạt 100% trên môi trường mạng….

Toàn bộ quy trình từ trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, chế biến sản phẩm sẽ được ghi lại và số hóa, truy xuất nguồn gốc, giúp nông sản có thể tích hợp đa giá trị thông qua đó giúp nâng cao giá trị, thu nhập từ chuyển đổi số. Quá trình chuyển đổi số sẽ thúc đẩy các Hợp tác xã trở thành những Doanh nghiệp công nghệ số và mỗi người nông dân sẽ trở thành thương nhân. Những sản phẩm nông sản sẽ được chào bán thông qua các sàn thương mại điện tử, các cửa hàng ảo trên môi trường mạng như: voso.vn, Portmart, Tiki, Shopee, Lazada…

Trong thời gian vừa qua, Quảng Trị đã tập trung hỗ trợ cho HTX, người sản xuất tiếp cận với các sàn giao dịch thương mại điện tử, gần 20 sản phẩm OCOP đã được niêm yết, giao dịch qua môi trường mạng. Hơn 1.000 ha lúa được ứng dụng thiết bị bay không người lái (drone) để chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh, giúp giải phóng sức lao động cho nông dân. Nhiều phần mềm, hệ thống quản lý thông minh được ứng dụng trong các trang trại chăn nuôi tập trung như:Ứng dụng Hệ thống thông tin địa lý - GIS trong việc giám sát và khống chế bệnh Cúm gia cầm. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), Big Data, công nghệ viễn thám, GIS trong giám sát, quản lý mất rừng, suy thoái rừng, cảnh báo cháy rừng trên địa bàn toàn tỉnh...

Tất cả những ứng dụng đó đã bước đầu mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp, giúp ngành NN& PTNT có thể quản lý chỉ đạo, điều hành linh hoạt, thích ứng với các điều kiện diễn biến phức tạp của thời tiết và dịch bệnh.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NĐ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nông nghiệp Quảng Trị: Ứng dụng thành tựu 4.0 để thích ứng trong đại dịch Covid-19