Chiều 6/6, Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Công ty CP Phân bón Bình Điền và cùng nhiều doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp đô thị tổ chức Hội thảo “Nông nghiệp đô thị - lợi ích kép cho người dân đô thị”.
Với hơn 150 khách mời đến từ các cơ quan quản lý như đại diện Bộ NN&PTNT, Sở NN&PTNT TP.HCM, các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp…, Hội thảo phản ánh những bất cập về thực trạng sản xuất nông nghiệp tại các thành phố lớn, nhằm mang lại lợi ích kép như nâng cao năng suất, chất lượng thực phẩm, tiết kiệm chi phí cho người dân đô thị.
Tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thành Lợi - Ủy viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị cho biết, hiện nay tốc độ đô thị hóa ở Việt Nam quá nhanh đã gây ra nhiều hệ lụy, trong đó có vấn nạn ô nhiễm môi trường, thiếu hụt về cây xanh, thực phẩm sạch. Những bài toán này hiện đang cần lời giải để giúp người dân đô thị cân bằng lại cuộc sống.
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp, những lợi ích từ nông nghiệp đô thị mang lại là vô cùng to lớn. Hoạt động này góp phần phủ xanh đô thị, tăng lượng ô xy, góp phần làm giảm phát thải khí nhà kính, cung cấp nguồn lương thực, thực phẩm tại chỗ cho người dân đô thị.
Hiện nay, các mô hình nông nghiệp đô thị đang phát triển ở Việt Nam theo hướng chính quy (được tổ chức sản xuất tập trung tại các không gian rộng như các trang trại ở ngoại thành) và phi chính quy (do các hộ gia đình tận dụng không gian hạn hẹp nơi sinh sống để tự trồng trọt, chăn nuôi). Tuy nhiên, hiệu quả của các mô hình này hiện còn hạn chế do người dân chưa tiếp cận được nhiều công nghệ mới.
Đồng quan điểm, ông Ngô Văn Đông - Tổng Giám đốc Công ty CP phân bón Bình Điền cũng đánh giá, quá trình đô thị hóa đang tiếp tục diễn ra mạnh mẽ kể cả quy mô và tốc độ. Dân số tăng nhanh ở khu vực đô thị đang đặt ra yêu cầu cần phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp trong nội đô và vùng ven đô, phù hợp với điều kiện đất đai hạn hẹp.
Cũng theo lãnh đạo Công ty CP phân bón Bình Điền, với sự cố vấn của Hội đồng khoa học kỹ thuật và sự hợp tác với rất nhiều viện nghiên cứu và trường đại học trong cả nước, Công ty Bình Điền bắt đầu nghiên cứu và cung ứng ra thị trường các dòng sản phẩm chuyên dùng chất lượng cao cho nông nghiệp đô thị, nhất là vùng ven đô. Các dòng sản phẩm không chỉ là NPK mà còn bổ sung các yếu tố trung vi lượng thông minh, hữu cơ, giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt.
Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS Nguyễn Văn Bộ - nguyên Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng khoa học Công ty CP Phân bón Bình Điền nhận định, đô thị hóa là xu thế tất yếu khách quan, là động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, đầu tư cho phát triển nông nghiệp đô thị chính là đầu tư cho sản xuất tốt hơn, dinh dưỡng tốt hơn, môi trường tốt hơn và sức khỏe tốt hơn.
Còn theo TS Nguyễn Đăng Nghĩa - chuyên gia Nông nghiệp, trong xu thế phát triển nông nghiệp đô thị, việc áp dụng công nghệ cao còn hạn chế, chủ yếu trồng trọt và chăn nuôi các loại động thực vật thích hợp như hoa kiểng, rau, sinh vật cảnh. Các thành phố và đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Long Xuyên... cũng đang manh mún hình thành các mô hình nông nghiệp đô thị.
“Với một quốc gia có thế mạnh về nông nghiệp, việc nhanh chóng ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp đô thị, hy vọng Việt Nam sẽ có nhiều nông trại trong đô thị cung cấp thực phẩm sạch, đồng thời tăng mảng xanh cho đô thị cũng như tạo môi trường giáo dục, giải trí lành mạnh cho cư dân thành phố”, TS Nguyễn Đăng Nghĩa bày tỏ.
Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp, doanh nghiệp có chung nhận định, trong bối cảnh tình trạng quỹ đất mỗi ngày một thu hẹp, nếu phát triển nông nghiệp theo kiểu truyền thống sẽ gặp nhiều khó khăn, nên việc phát triển nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ vào sản xuất là xu thế tất yếu.
Nông nghiệp đô thị được hiểu là việc sử dụng các diện tích nhỏ, các lô đất trống, sân vườn, thảm cỏ, ban công, sân thượng… trong các thành phố lớn để trồng cây hoặc chăn nuôi gia cầm, gia súc nhỏ phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu, thủy văn, bảo đảm sự cân bằng sinh thái, tạo hiệu quả sản xuất, hiệu quả kinh tế, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng môi trường...