Nông dân cần nâng cao học vấn và kiến thức để sản xuất có hiệu quả hơn

Xuân Lan| 10/12/2019 15:51
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nông dân Việt Nam cần nâng cao học vấn và kiến thức, không những kiến thức khoa học công nghệ mà cả kiến thức về thị trường để sản xuất có hiệu quả hơn, Thủ tướng nêu rõ tại đối thoại gỡ vướng cho nông dân.

Nông dân cần nâng cao học vấn và kiến thức để sản xuất có hiệu quả hơn

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị

Sáng nay, 10/12, tại TP. Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có buổi đối thoại, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, giải đáp những kiến nghị, vấn đề mà đại biểu nông dân, đại diện cho hơn 12 triệu hội viên, nông dân cả nước nêu ra.

Dự cuộc đối thoại do Hội Nông dân Việt Nam tổ chức với chủ đề “Tháo gỡ vướng mắc, liên kết 6 nhà, kiến tạo chuỗi giá trị nông sản" có 600 đại biểu, gồm lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, địa phương, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp và bà con nông dân.

Đây là cuộc đối thoại lần thứ 2 kể từ cuộc đối thoại đầu tiên của Thủ tướng với nông dân tại tỉnh Hải Dương vào tháng 4/2018.

Nông dân trăn trở, kiến nghị các vấn đề

Tại buổi đối thoại, nông dân Ngô Hùng Thắng (ấp Tân Bình, xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò, Đồng Tháp), tác giả hệ thống điều khiển thiết bị tưới vườn hiện đại Smart Viet HT- 8917 hỏi: “Khâu bảo quản sau thu hoạch và chế biến thành các sản phẩm đóng gói, có mã vạch, truy xuất được nguồn gốc đang gặp nhiều khó khăn do nông dân chúng tôi không tự làm được. Đề nghị Thủ tướng cho biết, giải pháp, chính sách gì để hỗ trợ nông dân?”

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh khẳng định, đã có nghị quyết, chủ trương của Đảng, Nhà nước để làm sao doanh nghiệp, chính quyền cùng hỗ trợ nông đân trong việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Tập trung vào chính sách hỗ trợ và sáng kiến kỹ thuật, “nếu có sáng kiến thì chúng tôi cũng sẽ luôn song hành với bà con”.

Cho biết thêm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu vấn đề, tại hội trường ai cũng có điện thoại thông minh, vậy có bao nhiêu người sử dụng điện thoại để truy xuất nguồn gốc, mẫu mã, giá cả. Thủ tướng mong muốn bà con đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới phải bắt đầu từ những việc như vậy.

Nông dân Phan Văn Thế (ấp 3, xã Trinh Phú, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) phản ánh, hiện nay, những mô hình liên kết sản xuất hiệu quả chưa nhiều, nông dân tiêu thụ sản phẩm phụ thuộc vào thương lái, qua các kênh chợ truyền thống. “Như nông dân chúng tôi, việc liên kết với các nhà còn khó lắm, nhất là với doanh nghiệp, nhà phân phối”, ông muốn biết “làm thế nào để có thể tham gia liên kết bền vững, hiệu quả giữa nông dân với doanh nghiệp?”.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam trả lời, từ năm 2017 đến nay, Thủ tướng có 6 văn bản chỉ đạo hỗ trợ phát triển HTX. Trong năm 2019, cả nước đã có 2.500 HTX được thành lập mới. “Chúng tôi cũng đang triển khai trương tình xây dựng chuỗi ở từng địa phương và sẽ báo cáo với Thủ tướng vào thời gian tới”.

Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, đại diện cho 4.000 hộ chăn nuôi heo vùng Đông Nam Bộ bày tỏ, năm 2019 được coi là năm rất khó khăn của ngành chăn nuôi vì dịch tả lợn châu Phi. Ông hỏi về chính sách hỗ trợ nông dân bị ảnh hưởng bởi dịch.

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết: “Chúng tôi chỉ đạo tất cả các chi nhánh khoanh nợ, kéo dài các khoản nợ tạo điều kiện cho người dân, trong đó có người dân bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi có điều kiện tái đàn, khôi phục sản xuất”.

Nông dân Trần Công Danh (TP. Cần Thơ) đặt câu hỏi về việc đưa thông tin giá cả nông sản, dự báo thị trường nông sản lên website để giải quyết tình trạng được mùa mất giá. Ông Dương Văn Tạo, tỉnh Trà Vinh cho rằng tình trạng biến đổi khí hậu ở ĐBSCL hiện nay đang diễn biến hết sức phức tạp và biểu hiện rõ nét đặc biệt là xâm nhập mặn ngày càng gia tăng. Ông hỏi Chính phủ sẽ dành nguồn lực như thế nào để phát triển cho toàn vùng?

Có thông tin rõ ràng hơn về cơ chế hỗ trợ đối với sản phẩm nông nghiệp chủ lực

Dành khoảng 3 tiếng rưỡi lắng nghe 19 đại biểu nông dân phát biểu với 53 câu hỏi, Thủ tướng đánh giá cao tâm huyết, trách nhiệm, khát vọng vươn lên của nông dân. Thủ tướng cũng nhắc tới trường hợp Ánh Viên, vận động viên bơi lội quê ở Cần Thơ, người đã bật khóc khi chưa đạt thành tích như mong đợi mặc dù chị đã đoạt 6 huy chương vàng tại SEA Games 30 đang diễn ra ở Philippines. Thủ tướng đánh giá cao khát vọng của nữ vận động viên này.

Thủ tướng nhấn mạnh, các thành viên Chính phủ sẽ tiếp thu, giao Văn phòng Chính phủ phối hợp với Hội Nông dân Việt Nam tổng hợp các đề xuất, kiến nghị của nông dân để hình thành chủ trương, giao các bộ, ngành thực hiện.

“Còn nhiều vấn đề tồn tại trong sản xuất nông nghiệp của cả nước nói chung và ĐBSCL nói riêng. Thời gian ngắn không thể giải quyết chi tiết thấu đáo tất cả các câu hỏi, nhưng qua buổi thảo luận hôm nay có thể hình dung một cách hệ thống hơn những vấn đề bà con nông dân quan tâm”, Thủ tướng nói và khái quát lại những vấn đề lớn mà bà con nêu ra.

Trước hết, bà con rất thắc mắc, băn khoăn về cơ chế hỗ trợ, trong đó có cơ chế ứng dụng công nghệ cho phát triển thương mại điện tử, về thủ tục còn rườm rà, tốn thời gian, vấn đề hỗ trợ lãi suất, về quy hoạch vùng nuôi, đặc biệt là hỗ trợ và tìm kiếm thị trường, về liên kết sản xuất, về hỗ trợ các yếu tố sản xuất, vốn, giống, thức ăn và đặc biệt là quy hoạch rõ hơn các vùng và liên kết vùng…

Bà con nông dân còn thắc mắc về cơ chế kiểm soát để phát triển bền vững, về tình trạng nhũng nhiễu tiêu cực ở bộ phận này, bộ phận khác của các cơ quan có liên quan, tình trạng phân bón, thuốc trừ sâu giả, đánh cá bằng chất nổ, tồn tại bất cập về xuất khẩu lao động ở nông thôn, đặc biệt vấn đề môi trường. Công tác dự báo còn yếu kém, tình trạng được mùa rớt giá vẫn còn.

Do đó, Thủ tướng yêu cầu trên trang web của Bộ Công Thương, Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT, của Hội Nông dân Việt Nam nên có thông tin rõ ràng hơn về thị trường, về dự báo các khả năng xảy ra, đặc biệt về các cơ chế hỗ trợ đối với những sản phẩm nông nghiệp chủ lực, liên quan đến công tác quy hoạch, thị trường hoặc các yếu tố đầu vào của sản xuất. Đồng thời cần nêu rõ những sản phẩm vật tư hóa chất nào trong bảo vệ thực vật được phép sử dụng vì vấn đề này liên quan đến an toàn thực phẩm, uy tín thương hiệu Việt Nam…

Hướng dẫn nông dân sản xuất theo chuỗi, ứng dụng công nghệ

Một vấn đề rất lớn đối với ngành thủy sản là giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong triển khai Nghị định số 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản, trong đó có chính sách cho vay đóng tàu cá. “Trả nợ được thì như thế nào, không trả nợ được như thế nào, hoán đổi làm sao…”.

Thủ tướng nêu rõ, các cơ quan liên quan cần chủ động rà soát các thủ tục liên quan đến hoạt động của người nông dân như thủ tục vay vốn, thủ tục nhận hỗ trợ, hướng dẫn nông dân phát triển thương mại điện tử. Thủ tướng bày tỏ vui mừng khi nghe đại diện Ngân hàng Nhà nước phát biểu, khẳng định cung ứng đủ vốn cho nông dân, bãi bỏ thủ tục phiền hà cho nông dân đồng thời đặt vấn đề giảm lãi suất phù hợp để giảm chi phí cho sản phẩm nông nghiệp.

Thủ tướng cho biết, ông có đọc một bài báo nói về hàng loạt mô hình khởi nghiệp độc đáo tại ĐBSCL, ví dụ, những mô hình du lịch sinh thái Cần Thơ. Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu sau Hội nghị này, các bộ, ngành, địa phương phải có những chuyển biến thực chất, tạo thuận lợi cho bà con nông dân sản xuất, kinh doanh có hiệu quả hơn. Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương hướng dẫn nông dân, nhất là ngành nông nghiệp sản xuất theo chuỗi, ứng dụng công nghệ, phát triển mạnh mẽ nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch.

Việt Nam cần một lớp nông dân đổi mới

“Một câu hỏi lớn là nông dân phải làm gì để cùng Nhà nước thực hiện câu nói của Bác: Nông dân giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”, Thủ tướng nêu rõ. “Và tại đây chúng ta có một yêu cầu đặt ra, đất nước Việt Nam chúng ta cần một lớp nông dân đổi mới” như không để đất manh mún, nhỏ lẻ.

Nông dân Việt Nam cần nâng cao học vấn và kiến thức, không những kiến thức khoa học công nghệ mà cả kiến thức về thị trường để sản xuất có hiệu quả hơn.

“Nông dân của chúng ta phải cứu mình trước khi đòi hỏi Nhà nước cứu mình”, Thủ tướng đặt vấn đề về một tinh thần tự lực, tự cường của nông dân Việt Nam.

Thủ tướng cũng ghi nhận cần tiếp tục tăng cường nguồn lực cho nông nghiệp nông dân, trước hết là những vấn đề cấp bách, bảo vệ chống sạt lở và biến đổi khí hậu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nông dân cần nâng cao học vấn và kiến thức để sản xuất có hiệu quả hơn