Tàu Trung Quốc cố tình tạo cớ gây hấn với tàu kiểm ngư Việt Nam; Cháy chung cư ở TP.HCM, nhiều hộ dân hốt hoảng bỏ chạy... là tin nóng nhất 24h qua.
Tàu Trung Quốc cố tình tạo cớ gây hấn với tàu kiểm ngư Việt Nam
Ngày 2/7, các lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam tiếp tục cơ động tiếp cận giàn khoan Hải Dương 981 để tuyên truyền, khẳng định chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa.
Nếu như trước đây các tàu của Trung Quốc chỉ ngăn cản các tàu của Việt Nam ra xa giàn khoan khoảng 14 hải lý thì những ngày gần đây liên tục truy đuổi, ép các tàu của Việt Nam ra xa khu vực giàn khoan khoảng 20 hải lý và tốc độ truy cản ngày càng cao để đâm va khi có điều kiện.
Khi tàu Cảnh sát biển và các tàu Kiểm ngư tiến vào cách khu vực giàn khoan khoảng 13,5 hải lý để tuyên truyền, ngay lập tức có 5 tàu của Trung Quốc chia thành 2 hướng chạy với tốc độ cao lao ra truy cản. Trong đó, 3 tàu Hải cảnh mang số hiệu 1401, 12101, 13101 cùng 2 tàu đầu kéo liên tục tăng tốc, bám sát tàu Cảnh sát biển 4033 và các tàu kiểm ngư khi các tàu này tiếp cận giàn khoan Hải Dương 981.
Tình hình trên biển diễn ra thực sự quyết liệt khi tàu Hải cảnh của Trung Quốc liên tục tăng tốc, lao thẳng về phía tàu Cảnh sát biển 4033. Khi đã đẩy các tàu của Cảnh sát biển ra xa giàn khoan khoảng 17 hải lý, tàu Hải cảnh mang số hiệu 1401 và 2 tàu đầu kéo của Trung Quốc không rõ số hiệu tiếp tục truy cản các tàu của Kiểm ngư với tốc độ cao. Trong đó, tàu Hải cảnh 1401 luôn bám sát các tàu Kiểm ngư 630 và 765 ở khoảng cách gần nhất khoảng 50m.
Tàu Hải cảnh 1401 có hành vi tăng tốc nhằm chạy song song với tàu của Kiểm ngư để quay phim và chụp ảnh, đồng thời cố tình tạo cớ để gây hấn với các tàu của Việt Nam. Các tàu của Trung Quốc liên tục tăng tốc truy cản các tàu của lực lượng thực thi pháp luật Việt Nam ra xa khu vực giàn khoan hơn 19 hải lý mới dừng lại. Đáng lưu ý, hôm nay, từ hướng Tây, lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam phát hiện 1 tàu pháo và 1 tàu tên lửa tấn công nhanh của Trung Quốc liên tục di chuyển cách các tàu của Việt Nam từ 2,5 đến 3 hải lý.
Cháy chung cư ở TP.HCM, nhiều hộ dân hốt hoảng bỏ chạy
Vụ cháy xảy ra vào khoảng 17h30 ngày 2/7 tại lầu 2 chung cư 162 Nguyễn Thị Nhỏ, P.15, Q.11, TP.HCM, nhiều người dân sinh sống tại đây hoảng loạn, bỏ chạy khỏi nhà.
Theo thông tin ban đầu, thời điểm trên, nhiều người đang tập thể dục tại công viên trước chung cư thì ngửi thấy mùi khét, sau đó họ phát hiện khói bốc lên từ một căn hộ lầu 2 thuộc lô A của chung cư.
Những hộ phía dưới lầu 1 nhanh chóng dùng bình cứu hỏa chạy lên lầu 2 dập lửa. Căn hộ bị cháy là căn hộ số 39, thời điểm bị cháy không có người ở nhà, cửa khóa ngoài. Mọi người nhanh chóng phá khóa vào dập lửa.
Theo một người dân tham gia dập lửa, khi vào phòng thì thấy ngọn lửa bốc cháy từ ổ điện và lan qua các dụng cụ bằng gỗ gần đó. Do lửa đã lan rộng nên việc dập lửa gặp nhiều khó khăn. Chỉ đến khi lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đến, đám cháy mới được khống chế hoàn toàn.
Thêm 2 bị cáo kháng án trong vụ 'bầu' Kiên
Chiều 2/7, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội cho biết Tòa vừa nhận được đơn kháng cáo của 2 bị cáo trong phiên tòa xét xử sơ thẩm Nguyễn Đức Kiên và các đồng phạm.
Tòa đã nhận được đơn kháng cáo của 4 bị cáo, gồm: Nguyễn Đức Kiên, Lý Xuân Hải, Trịnh Kim Quang và Huỳnh Quang Tuấn. Đến nay, danh sách kháng cáo được bổ sung thêm 2 bị cáo nữa là: Lê Vũ Kỳ và Phạm Trung Cang (đều nguyên là Phó Chủ tịch HĐQT ngân hàng ACB).
Đơn kháng cáo của Lê Vũ Kỳ: bị cáo đưa ra lý do bị cáo chưa có điều kiện tham gia các chương trình đào tạo về quản lý kinh tế và chưa được học các kiến thức chuyên sâu về công nghệ thông tin. Do đó, hiểu biết và nhận thức của bị cáo về các quy định quản lý kinh tế của Nhà nước còn nhiều hạn chế. Điều này đã dẫn đến sai phạm khi bị cáo đồng ý với chủ trương đầu tư cổ phiếu và ủy thác cho các nhân viên đi gửi tiền tại các tổ chức tín dụng khác. Bị cáo Kỳ mong Tòa cấp phúc thẩm chiếu cố hoàn cảnh của bị cáo về tuổi cao, sức yếu, nhiều bệnh tật… để cho bị cáo được giảm nhẹ hình phạt.
Trong đơn kháng cáo bị cáo Phạm Trung Cang phân tích về 2 hành vi mà bị cáo bị Tòa kết tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Thứ nhất là việc bị cáo Cang tham gia cuộc họp HĐQT Ngân hàng ACB (ngày 22/3/2010) để ra chủ trương cho phép ủy thác cho nhân viên gửi tiền tại các tổ chức tín dụng khác. Về hành vi này, bị cáo Cang đưa ra thời điểm ngày 31/10/2010, bị cáo Cang đã làm đơn từ nhiệm HĐQT, thường trực HĐQT tại Ngân hàng ACB để bị cáo Cang sang làm việc tại Ngân hàng Eximbank. Theo đó, từ ngày 1/1/2011 trở đi, bị cáo Cang không còn chịu trách nhiệm về những hoạt động diễn ra tại ACB. Trong khi đó, việc 19 nhân viên của ACB đi gửi tiền tại Vietinbank xảy ra từ tháng 6 đến tháng 9/2011. Do vậy, bị cáo Cang cho rằng sai phạm này không thuộc về trách nhiệm của bị cáo Cang.
Thứ hai, bị cáo Cang nêu rằng: Hành vi ký chủ trương “cấp hạng mức đầu tư 700 tỷ đồng để mua cổ phiếu có giá tốt trên thị trường” là chỉ đạo bình thường của Thường trực HĐQT đối với hoạt động Ngân hàng. Bị cáo hoàn toàn không có chủ trương cấp tín dụng để mua cổ phiếu của ACB. Việc thực hiện sai chủ trương đó của Thường trực HĐQT, bị cáo Cang khẳng định phải do chính cá nhân Nguyễn Đức Kiên và những người khác chịu trách nhiệm. Bị cáo Cang nói rằng bị cáo không phạm tội “khi ra chủ trương không vi phạm pháp luật”. Trên cơ sở phân tích 2 hành vi này, bị cáo Cang đề nghị Tòa cấp phúc thẩm xem xét lại tội danh cho bị cáo.
Hàng trăm người biểu tình dân chủ ở Hồng Kông bị bắt giữ
Ngày 1/7, một cuộc biểu tình đòi dân chủ lớn nhất trong một thập kỷ vừa qua đã diễn ra ở Hồng Kông. Cuộc biểu tình đúng vào ngày kỉ niệm, Anh trả Hồng Kông cho Trung Quốc vào năm 1997. Tất cả những tấm áp phích kêu gọi tự do dân chủ được dán khắp nơi.
Sau khi Anh trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc, Trung Quốc đã chấp nhận việc 'một nước hai chế độ", Hồng Kông có pháp luật và chế độ nhà nước riêng ngoại trừ đối ngoại và quốc phòng, chế độ được thực hiện trong vòng 50 năm. Tuy nhiên hiện tại Trung Quốc đang muốn nhập Hồng Kông lại thành 'một nhà nước, một chế độ' khiến cho người dân nơi đây phản đối, biểu tình.
Trong tháng sáu, một trưng cầu dân ý không chính thức về cách chọn người đứng đầu của Hồng Kông đã thu hút gần 800.000 phiếu bầu. Tuy nhiên Trung Quốc cho rằng đó là trò hề bất hợp pháp. Trung Quốc quyết định sẽ thực hiện việc phổ thông đầu phiếu vào 2017. Điều này đã vấp phải ý kiến đối ngược của người dân. Họ không muốn thuộc một thành phố của Trung Quốc.
Cuộc diễn hành hàng nghìn người diễn ra trong một ngày.Sau khi diễu hành chính đã kết thúc, hàng trăm người biểu tình đã tổ chức một ngồi ở trong ngôi nhà thuộc cơ quan nhà nước của thành phố của thành phố. Việc ngồi ở đây là trái phép và cảnh sát đã bắt những người vi phạm.