Đã phạm tội thì phải trả giá, âu đó cũng là quy luật nhân quả mà người gây ra tội ác phải gánh chịu.
Nhưng đôi khi, có những sự trả giá, có những bản án khi được tuyên, nó làm đau đớn không chỉ gia đình, người thân bị cáo, mà còn làm xúc động cả những người làm công tác thực thi pháp luật.
Thẩm phán Nguyễn Công Phong xuống địa bàn
Nỗi ám ảnh trẻ thơ
Mỗi ngày, có biết bao vụ án được đưa ra xét xử, từ trộm cắp, lừa đảo đến giết người, cướp của, ly hôn…, khiến cho người ta không khỏi hoài nghi về sự xuống cấp nhân cách đạo đức của một bộ phận dân chúng trong xã hội hiện nay. Nhưng bên cạnh đó, chốn pháp đình vẫn lấp lánh thứ ánh sáng kỳ diệu của tình người rộng lượng, của pháp luật nhân văn, của người cầm cân nảy mực nghiêm khắc mà bao dung. Điều đó giúp cho con người ta hiểu rằng, bên cạnh những mảng màu xám xịt, tối tăm, thì vẫn còn muôn vàn điều tốt đẹp, để vững tin ở thiên lương trong cuộc đời này. Luôn có sự trăn trở trong mỗi Thẩm phán khi đứng trước quyết định tương lai và vận mệnh của một con người, phải làm sao đánh thức lương tri của bị cáo, đó là tiền đề cho quá trình phục thiện sau các phiên tòa.
Thẩm phán Nguyễn Thị Kim Ngân, nguyên Phó Chánh án TAND huyện Điện Biên Đông
Rất nhiều con đường dẫn con người ta đến quá trình phạm tội, toan tính có, mưu mẹo có…, nhưng đôi khi cũng chỉ vì sự hiểu biết kiến thức về pháp luật đến ngô nghê. Những vụ án kiểu này thường tạo cho người ta cảm thấy tiếc nuối, đau đớn, nhiều trăn trở. Và, nó vẫn diễn ra hàng ngày, hàng giờ ở các huyện vùng sâu, vùng xa.
Thẩm phán Nguyễn Công Phong, Phó Chánh án TAND huyện Quế Phong, Nghệ An kể, lần chứng kiến phiên tòa xét xử bị cáo Vi Văn Bình ở thị trấn Kim Sơn về tội “phòng vệ vượt quá giới hạn cho phép”, là một trong những vụ án khiến anh bị ám ảnh và xúc động nhiều nhất. Hoàn cảnh của Bình hết sức bi đát, mẹ mất, còn bố là thương binh nặng. Hai bố con, hai người đàn ông, một già, một trẻ sống nương tựa vào nhau trong căn nhà tạm bợ nằm rìa thị trấn. Đêm ấy, Bình cùng mấy đứa bạn đi sinh nhật đứa bạn ở xã bên. Trên đường về, nhóm của Bình có xô xát với một nhóm thanh niên khác. Hai bên lời qua tiếng lại một hồi rồi lao vào nhau ẩu đả. Thấy vậy, Bình nhặt cái gậy bên đường vừa chống trả, vừa giải vây cho các bạn. Hậu quả, nhóm bên kia hai người phải nhập viện điều trị.
Ra tòa, Bình bùng nhùng trong bộ quần áo rộng thùng thình, nói năng run rẩy, còn ông bố phải nhờ người đưa vào chỗ ngồi vì bị thương cụt một chân. Cả buổi, ông chỉ lặng im, mặt cúi gằm. Khi được tòa gọi hỏi, ông nhỏ nhẹ: “Tôi gà trống nuôi con, cháu nó thiệt thòi trăm bề. Người làm bố mà không giáo dục được con mình, tôi có tội với nó, với vợ tôi nơi chín suối… Xin tòa mở lượng khoan hồng…!”. Đến khi nghe tòa tuyên con mình được hưởng án treo, thân hình ông rung lên bần bật, cái ống quần cụt lủn cũng rung lên theo từng cơn nấc nghẹn. Những giọt nước mắt lặng lẽ tuôn trong sự kìm nén không thành tiếng. Nhìn cái cách ông lặng lẽ khóc, lặng lẽ đưa tà áo nhàu nhĩ lên lau nước mắt, cả phiên tòa như lặng đi, mắt ai cũng ầng ậng nước.
“Những vụ án có yếu tố trẻ em là những vụ khiến người làm công tác xét xử phải suy nghĩ nhiều nhất, đặc biệt trong các vụ án ly hôn. Phần lớn trong các vụ án này, bậc làm cha, làm mẹ đôi khi mới chỉ nghĩ đến bản thân mình, họ ly hôn coi như một sự giải thoát cho nhau. Họ tin tưởng một tương lai tươi sáng hơn chờ đợi bản thân mình. Nhưng, còn những đứa trẻ trong các cuộc hôn nhân đổ vỡ này, đã ai dám chắc về một tương lai tươi sáng. Đôi khi, chúng còn chưa đủ lớn để hiểu về sự chia ly. Có đứa khi đến tham dự phiên tòa vẫn còn chơi đùa vô tư lự; có đứa được mẹ đón từ trường học đưa thẳng đến tòa trong bộ áo đồng phục chỉ để trả lời câu hỏi: “Con ở với ai?!”, anh Phong tâm sự.
“Con ở với ai?!”, những câu hỏi kiểu như thế luôn là vết dao cắt cứa không chỉ đối với các bậc làm cha mẹ trong mỗi vụ án ly hôn, mà nó còn trở thành nỗi ám ảnh, day dứt khôn nguôi đối với mỗi cán bộ Tòa án. Đơn giản, họ cũng là người bằng xương, bằng thịt, họ cũng đau xót khi đứng trước những thảm cảnh éo le. Thế nên trong thời gian gần đây, các Tòa án trên cả nước đều quan tâm, chú trọng đến công tác hòa giải. Nếu hòa giải thành, thì vừa đỡ tốn kém thời gian, tiền bạc cho đương sự, vừa hàn gắn được phần nào được những vết thương cho xã hội, vừa giữ được tình làng nghĩa xóm.
Phải “gần dân”, để “hiểu dân”
“Người quê vốn trọng chữ Tình, nếu mình làm tốt công tác hòa giải thì tỷ lệ hòa giải thành sẽ rất cao. Mà muốn hòa giải tốt thì trước hết phải “gần dân”, để “hiểu dân”, Thẩm phán Nguyễn Thị Hiền, Chánh án TAND huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau, chia sẻ. Đến giờ, chị Hiền vẫn còn nhớ một vụ tranh chấp đất đai giữa gia đình ông Thái Văn Bình và bà Nguyễn Thị Hồng ở xã Tam Giang Đông, huyện Năm Căn. Cả hai đương sự trong vụ án này là hàng xóm láng giềng “tối lửa tắt đèn có nhau” từ nhiều năm trước, lý do họ dắt nhau đến chốn pháp đình nhờ phân xử cũng chỉ bởi cái hàng rào do nhà bà Hồng vừa mới dựng lên không được thẳng.
Chánh án TAND huyện Năm Căn Nguyễn Thị Hiền: “Phải “gần dân”, để “hiểu dân”
Chị Hiền bảo, ở Năm Căn này, xưa giờ hàng xóm láng giềng như ông Bình, bà Hồng có ai nghĩ tới chuyện làm một ranh giới giữa hai nhà. Có khi đó chỉ là con lạch nhỏ chạy hết đất, được đào lên lúc lập vườn để phân định tượng trưng, trên bờ trồng mấy thứ cây ăn trái lâu năm. Những thứ cây mọc hai bên bờ lạch ấy cũng không quan tâm đó là biên giới, tầng lá đan vào nhau. Bầy gà cứ bay qua bay lại, bạ đâu đẻ đó, gốc chuối đống rơm, không quan tâm chuyện trứng nằm vườn nào mới phải. Vườn dày cỏ tới cỡ nào, cũng có con đường mòn mà người hai nhà thường đi tắt để qua lại với nhau.
Lúc ấy ai mà biết được đến một ngày, đất đai lên giá, cũng những đứa trẻ, cũng những người hàng xóm thân thiết ngày xưa giờ ai có gậy cầm gậy ai có dao cầm dao, máu vằn tia lên mắt, đứng hai bên bờ lăm le xông vào nhau chỉ vì cái ranh đất mới được đổ bằng tê tông “trót” không thẳng. Con mương ranh giới mà người hai nhà từng cùng tắm táp sau buổi làm đồng về, giờ họ cùng tắm hằn thù hung hiểm. “Con gà tức nhau tiếng gáy”, chả bên nào chịu nhún nhường, thế là họ lôi nhau ra nhờ tòa phân xử.
“Trong những vụ việc như thế, điều quan trọng và cần thiết nhất là mình phải làm thật tốt công tác hòa giải. Bởi nếu có đưa ra xét xử, mọi thứ phơi bày ra hết, dù ai thắng ai thua thì cái mất lớn nhất của cả hai bên là tình nghĩa xóm giềng. Hơn thế nữa, an ninh trật tự trên địa bàn xóm ấp đó cũng vì thế mà bất ổn kéo theo. Nghĩ vậy nên tôi năm lần bảy lượt lặn lội đến gặp riêng từng gia đình để phân tích, nói điều hơn lẽ thiệt. Ban đầu, cả hai bên đều tỏ ra rất cương quyết, không chịu hợp tác. Tôi vẫn quyết không từ bỏ. Phải đến sau lần chứng kiến tôi đội mưa, lội bùn ngã xoành xoạch vào nhà, ông Bình mới chịu nhún, rút đơn khởi kiện. Đối với hai gia đình ấy, giờ tôi trở thành “thượng khách”, chị Hiền kể.
Luôn phải đấu tranh giữa lý và tình
Thẩm phán Nguyễn Thị Kim Ngân (SN 1966), nguyên Phó Chánh án TAND huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên từng tâm sự, sau hơn 30 năm công tác, điều làm chị đau đáu và trăn trở nhất là đồng bào mình nhẹ dạ, cả tin, u mê, lầm lạc quá, nhiều khi họ phạm tội vì những lý do rất đơn thuần. Tất cả cũng bởi trình độ nhận thức về pháp luật của họ còn nhiều hạn chế. Trong tất thảy những kẻ “đổ đời” theo ma túy rồi “dựa cột”, hoặc “ôm vài chục cuốn lịch vào nhà đá bóc dần” ở Điện Biên, thì phần lớn họ đều là những thanh niên trai tráng người dân tộc thiểu số, ít được học hành, sinh ra trong những gia đình khốn khó. Đói nghèo quấn bíu lấy họ. Rồi đến một lúc nào đó, không chịu nổi những bữa cơm đạm bạc, lại bị kẻ xấu xúi giục, họ cuồng quẫy lao vào ma túy.
“Trong hơn 30 năm công tác trong ngành Tòa án, tôi đã trải qua rất nhiều phiên tòa cảm động, chứng kiến những hoàn cảnh éo le, những mảnh đời khổ đau đến tột cùng. Lắm lúc thẩm vấn bị cáo mà nước mắt chỉ chực bung ra, nhưng phải kìm nén, tiết chế cảm xúc để làm tròn phận sự, đưa ra phán quyết hợp tình, hợp lý nhất”, chị Ngân tâm sự.
Đến giờ, chị Ngân vẫn nhớ như in phiên tòa xét xử bị cáo Thò Y May ở xã Pú Nhi, huyện Điện Biên Đông về tội “Buôn bán trái phép chất ma túy”. Chồng May nghiện, quanh năm suốt tháng không chịu làm ăn, chỉ lo trộm cắp vặt để chích hút. Đồ đạc trong nhà từ thóc gạo, xoong nồi đến con trâu cày cũng lần lượt bị y đem bán hết để lấy tiền mua ma túy. Xót của, May lần tìm được chỗ ma túy chồng cất giấu, mang “bán bớt” đi một tí gọi là “thu hồi” được đồng nào hay đồng ấy để mua gạo cho con. Trong lúc đem bán, May bị bắt.
Phiên tòa xét xử diễn ra, hàng trăm con mắt ái ngại đổ về phía người đàn bà gầy guộc, lam lũ, chỉ vì nông nổi, thiếu hiểu biết pháp luật mà xảy ra cơ sự. Hai bố mẹ đi tù, ba đứa con May vẫn lơ ngơ chơi ngoài sân Tòa án. Chúng quá bé nhỏ để hiểu được khái niệm “đi tù” là gì, và chúng cũng không nhìn thấy được những tháng ngày cơ cực đang chờ đợi mình phía trước. Khi được mọi người hỏi han, đứa lớn nhất chỉ lí nhí trả lời: “Mẹ hứa mua cho cháu váy mới mà mãi chưa thấy…!”. Chứng kiến cái bi kịch của gia đình này, cộng với sự ngô nghê, trong trẻo của đứa trẻ, đã làm lay động toàn bộ những người có mặt trong phiên tòa hôm đó.
“Phiên tòa ấy ám ảnh tôi lắm, vì phải đấu tranh giữa lý và tình. Nhưng pháp luật thì phải thượng tôn, mình biết làm sao? Chỉ tội cho mấy đứa trẻ. Cả ba đứa đều gầy gò, đen đúa, quần áo rách bươm. Từ ngày mẹ bị bắt, chúng sống vạ vật nhờ bà con hàng xóm, bữa đói nhiều hơn bữa no. Kết thúc phiên tòa hôm ấy, mấy anh chị em trong cơ quan phải góp mỗi người một ít tiền và quần áo để cho lũ trẻ. Sau đó tôi còn liên hệ với chính quyền xã và một số cơ quan đoàn thể để tìm cách hỗ trợ lũ trẻ về lâu dài”, Chị Ngân nhớ lại.
Còn nhiều, nhiều lắm những tấm chân tình của những người Thẩm phán như thế trên khắp dải đất này. Để rồi ngay giữa chốn pháp đình, nơi tưởng chừng như chỉ diễn ra những cảnh tù tội, tan vỡ chia ly, vẫn tỏa ta thứ ánh sáng của lòng nhân và điều thiện. Từ những trăn trở, đau đáu phận người, từ những phiên tòathấm đẫm tính nhân văn ấymà chúng ta thêm củng cố niềm tin, vào một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh và bác ái.