Từng là điểm nóng ma túy nơi vùng biên Nghệ An, bản Xốp Mạt (xã Lượng Minh, huyện Tương Dương) đã trải qua những năm tháng khó khăn, khi đàn ông sa vào tệ nạn, phụ nữ và trẻ em lặng lẽ gánh vác cuộc sống. Nhưng rồi, từ vực thẳm, người dân nơi đây đã kiên cường đứng dậy, biến “bản không chồng” năm nào thành Làng văn hóa vững vàng giữa đại ngàn.
Những năm tháng buồn
Bản Xốp Mạt – một cộng đồng nhỏ của người Thái nằm nép mình bên dòng Nậm Nơn thơ mộng – từng mang trên mình những biệt danh khiến ai nghe cũng chạnh lòng: “Bản không chồng”, “Bản nghiện”, “Bản trắng”. Bởi đã có giai đoạn, nơi đây là điểm nóng về ma túy, khiến cuộc sống yên bình dần bị che phủ với những bất an và khốn khó.
Ông Lô Văn Phê – Trưởng bản Xốp Mạt – bồi hồi nhớ lại: “Có lúc, tôi không dám để xe máy ngoài hiên, gà vịt cũng phải nhốt kỹ vì sợ bị lấy mất. Nhiều người đàn ông trong bản vướng vòng lao lý hoặc đi biệt, để lại sau lưng là những người vợ, đứa trẻ, cụ già. Chúng tôi không thực sự sống – mà chỉ đang cố gắng bám trụ qua ngày…”
Cái gọi là "bão ma túy" đổ về Xốp Mạt từ những năm cuối thập niên 1990, khi trên đỉnh Pù Lôm xuất hiện các nhóm người lạ đến dựng trại, tổ chức buôn bán, trung chuyển ma túy từ Lào vào Việt Nam.
Ban đầu, người dân trong bản chỉ tiếp cận với vai trò cung cấp nước uống, lương thực – công việc tưởng như đơn giản nhưng mang lại thu nhập cao hơn nhiều so với làm nương rẫy. Thế rồi, dòng xoáy âm thầm cuốn họ đi xa hơn: có người nhận lời vận chuyển, có người dính vào nghiện ngập, thậm chí bị lôi kéo tham gia vào các hoạt động phi pháp.
Nhiều câu chuyện buồn được kể lại như những lời thì thầm chua xót: “Có khi bước ra khỏi cửa đã thấy 3 – 4 đám tang, phần lớn đều là những người ra đi vì sốc thuốc hay xô xát”. Có thời điểm, cả bản chỉ còn lác đác hơn chục người đàn ông còn khỏe mạnh, số còn lại vướng vòng lao lý, suy kiệt sức khỏe hoặc qua đời khi tuổi đời còn rất trẻ.
Tình trạng nghiện hút, trộm cắp, bạo lực gia đình từng lan rộng, để lại những vết thương sâu trong lòng cộng đồng. Có những đứa trẻ lớn lên mà không kịp biết mặt cha, những người phụ nữ lặng lẽ gồng gánh cả gia đình trong căn nhà trống trải. Một vùng thung lũng thơ mộng từng trải qua những năm tháng trầm lắng đến quặn lòng như thế.
Cùng nhau vực dậy- Khi bản làng nói không với “cái chết trắng”
Hồi ức của bà Lương Thị Hồng (63 tuổi) vẫn còn vẹn nguyên nỗi ám ảnh: “Có những đêm, tiếng la hét của người nghiện vang vọng cả bản. Họ gõ cửa, đòi tiền, khiến ai nấy đều bất an. Nhiều gia đình phải bán trâu bò, đất đai để nuôi người thân vượt qua cơn nghiện. Khó khăn là vậy, nhưng không ai dám lên tiếng vì sợ bị trả thù…”
Bước ngoặt bắt đầu từ năm 2008, khi Công an huyện Tương Dương phối hợp với các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội triển khai nhiều chương trình hỗ trợ. Các mô hình cai nghiện cộng đồng ra đời, tổ tự quản được thành lập, phụ nữ và già làng cùng tham gia giữ gìn an ninh bản làng.
Người nghiện được vận động đến trạm y tế xã để điều trị, cắt cơn. Những người từng vướng vòng lao lý vì ma túy, khi trở về đã được tạo điều kiện vay vốn làm ăn, học nghề, dần tái hòa nhập cộng đồng.
Đặc biệt, nhiều mô hình phòng, chống tệ nạn được triển khai sâu rộng, tạo hiệu ứng tích cực: “3 không” (không buôn bán, không vận chuyển, không sử dụng ma túy), “Bản làng không có tội phạm và tệ nạn xã hội”, “Phụ nữ tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc”... trở thành những khẩu hiệu hành động lan tỏa từ già đến trẻ.
Trưởng bản Lô Văn Phê xúc động kể, từng người một được dân bản khuyên nhủ, không ai bị hắt hủi. Có người từng ba lần vào tù, khi trở về vẫn được đón nhận, động viên làm lại cuộc đời. “Không còn chuyện chê trách nhau nữa. Chúng tôi tin rằng, giúp một người cai nghiện thành công là đang gìn giữ hạnh phúc cho cả một gia đình, mở ra hy vọng cho cả một thế hệ”.
Nếu như năm 2008, bản có đến 20 người đang thụ án vì ma túy thì đến năm 2025, con số đó chỉ còn 3. Những người còn lại đã thay đổi, sống trách nhiệm, chăm chỉ lao động và trở thành minh chứng sống cho hành trình rũ bỏ quá khứ để hướng tới tương lai tốt đẹp hơn.
Từ “bản trắng” thành Làng văn hóa
Ngày bản Xốp Mạt được công nhận là Làng văn hóa vào năm 2018, bà con mở hội, đốt lửa trại suốt đêm. Lúc ấy, nhiều người đã khóc. Bởi chẳng ai nghĩ bản của mình – nơi từng bị gán cho cái mác “bản trắng”, “bản ma túy” – lại có ngày được vinh danh vì sự đoàn kết, phát triển và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Bà Hồng – người từng “một tay nuôi cả nhà” khi chồng con nghiện ngập – giờ đã là chủ trại chăn nuôi heo, gà, bò, với doanh thu hàng trăm triệu mỗi năm.
Từ những con giống được Nhà nước hỗ trợ, bà vay thêm vốn, học cách ủ thức ăn từ phụ phẩm rừng và truyền nghề lại cho nhiều chị em khác – trong đó có cả em gái bà từng đi tù vì buôn bán ma túy.
“Quan trọng là mình không được buông xuôi. Mình làm ăn được thì em gái mới có gương để học theo, để tránh vết xe cũ”, bà Hồng cười, tay vẫn thoăn thoắt thái chuối cho heo ăn.
Nhiều gia đình trẻ ở Xốp Mạt giờ có nhà xây khang trang, con cái được đến trường đầy đủ. Năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của bản giảm xuống chỉ còn 17%, so với hơn 60% cách đây một thập kỷ.
Các hoạt động văn hóa dân gian như múa lăm, thổi khèn bè, đánh chiêng, hát dân ca Thái... được khôi phục trong các dịp lễ hội. Người dân không chỉ gìn giữ mà còn quảng bá bản sắc tộc mình cho du khách, qua các tour du lịch cộng đồng mới bắt đầu manh nha hình thành nhờ cảnh sắc thiên nhiên nguyên sơ.
Hành trình “hồi sinh” của bản Xốp Mạt không chỉ là câu chuyện về một ngôi làng vượt qua ma túy. Đó còn là bản hùng ca giữa đại ngàn – về nghị lực con người, về sự đoàn kết, về lòng nhân ái và sự sẻ chia của cả một cộng đồng.
Giữa đại ngàn miền Tây Nghệ An, tiếng gà gáy sáng vang vọng bên dòng Nậm Nơn, lũ trẻ tung tăng đến lớp, những cánh rừng đang hồi sinh... Và bản Xốp Mạt – giờ không còn là bản trắng, mà đã là ngôi làng của hy vọng.