Hơn 3 năm trở lại đây, số người mắc bệnh ung thư ở làng Ngọc Hạ, xã Công Thành, Yên Thành, Nghệ An xuất hiện ngày càng nhiều khiến người dân hoang mang, lo sợ. Nguyên nhân chính có thể xuất phát từ kho thuốc sâu cũ, hiện đang nằm trong khuôn viên UBND xã.
Lần theo phản ánh của người dân, chúng tôi tìm về UBND xã Công Thành, nơi trước đây từng là kho thuốc sâu của HTX nông nghiệp cũ. Một khoảng đất rộng trong khuôn viên Ủy ban xã bị bỏ hoang, theo ông Trần Ngọc Dung, Trưởng Công an xã, người có thời gian làm việc lâu năm tại đây: “Khoảng đất này chính là khu vực xây dựng kho thuốc sâu cũ. Thoạt nhìn không ai biết đó từng là kho chứa thuốc sâu, nhưng nếu đào sâu xuống khoảng 60 cm thì mùi thuốc sâu bốc lên nồng nặc”.
Cụ ông Trần Khắc Lợi, 70 tuổi hiện đang làm bảo vệ cho Ủy ban xã Công Thành, đã có 10 năm làm thủ kho của HTX nông nghiệp cũ cho chúng tôi biết: “Kho được xây dựng khoảng năm 1976, là nơi chứa các loại thuốc như 666, phunphatoc, detasua, metin...đây cũng là kho lúa giống và phân bón của HTX.
Sau hơn 20 năm tồn tại, đến đầu thập kỷ 90 khi HTX ngừng hoạt động, kho thuốc không ai quản lý nên nhiều người dân tự ý đến lấy về dùng, thuốc rơi vãi khắp nơi, gây ô nhiễm. Vào những ngày trời nắng rồi bất chợt đổ mưa, mùi thuốc sâu bốc lên nồng nặc không chịu nổi".
Cụ Trần Khắc Lợi chỉ cho chúng tôi khu vực bị nhiễm thuốc sâu
Khu vực kho thuốc sâu bị ô nhiễm nằm sát bên kênh N23B dẫn nước từ sông Vách Bắc về phục vụ cho hơn 100 hộ dân làng Ngọc Hạ. Hàng chục năm nay, người dân ở đây vẫn dùng nguồn nước này cho sinh hoạt và ăn uống. Từ khi có phong trào xây bể cạn chứa nước mưa thì việc dùng nước sông vào việc ăn uống của người dân mới được hạn chế.
Khi HTX ngừng hoạt động, nơi đây trở thành trụ sở UBND xã Công Thành. Để giải quyết nhu cầu nước uống, sinh hoạt cho cán bộ công nhân viên, chính quyền xã lúc bấy giờ đã nhiều lần tổ chức đào giếng gần kho thuốc cũ nhưng nước đều có mùi thuốc nên không dùng được. Sau đó, xã đào giếng lóng ở vị trí xa hơn, lấy nguồn nước sông qua kênh N23B vào lóng để uống. Tuy nhiên, đường dẫn nước từ sông vào giếng lóng lại đi qua khu vực kho thuốc cũ. Đến năm 2003, xã xây bể đựng nước mưa, giếng lóng từ đó bị lấp.
Vừa đến đầu làng Ngọc Hạ, bà Hướng một người dân của làng cho hay, ở đây ai chẳng biết có kho thuốc sâu cũ nằm trong khuôn viên ủy ban xã. Trước đây, tôi từng làm ở tổ giống của HTX, công việc của chúng tôi là xử lý giống rồi cho vào các ô ủ giống đã được đào sẵn. Việc xử lý giống có dùng đến thuốc sâu trong kho của HTX nên mùi rất khó chịu”.
Người dân làng Ngọc Hạ rất hoang mang, lo lắng bởi từ năm 2010 đến nay, cả làng đã có 14 người chết vì bệnh ung thư. Ông Trần Khắc Thâm, Bí thư làng Ngọc Hạ cho biết: “Không hiểu vì sao, mấy năm gần đây, số người chết vì căn bệnh ung thư tăng nhanh chóng, với tuổi đời ngày một trẻ hơn. Nhiều người đang khỏe mạnh thế mà đùng một cái đã lăn ra chết vì ung thư khiến người dân ở đây rất hoang mang”.
Không chỉ có người dân làng ngọc Hạ, số cán bộ từng làm việc ở UBND xã Công Thành đến nay đã có 5 người chết vì căn bệnh ung thư gan, phổi. Hai ông Phạm Xuân Trúc và Phạm Xuân Thịnh từng làm thủ kho của HTX nông nghiệp cũ cũng đều qua đời vì căn bệnh ung thư quái ác. Một số cán bộ xã Công Thành cho rằng, có thể do uống nước ở giếng lóng lâu năm đã làm cho nhiều người bị mắc bệnh ung thư?
Nỗi ám ảnh của bệnh ung thư khiến người dân cũng như đội ngũ cán bộ công nhân viên của UBND xã Công Thành hoang mang, lo sợ, bởi một ngày không xa, án tử này có thể sẽ treo trên đầu họ và những người xung quanh.
Để giải tỏa nỗi lo cho nhân dân xã Công Thành cần lắm sự vào cuộc khẩn trương của các cấp, ngành liên quan.
Theo Chi cục Bảo vệ thực vật Nghệ An, trong cả nước có 1.153 kho thuốc trừ sâu cũ đã được phát hiện thì riêng Nghệ An đã có 913 điểm, trong đó 277 kho có lượng thuốc tồn dư rất lớn. Đặc biệt, có 161 kho chứa các loại thuốc rất độc như DDT, 666.