Chiều 23/10, sau khi Chánh án TANDTC trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đã báo cáo thẩm tra nội dung này.
UBTP nhận định, TANDTC đề xuất Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến là cần thiết trong tình hình hiện nay.
Tổ chức phiên tòa trực tuyến cần thiết trong giai đoạn hiện nay
Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết: Thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, Đảng và Nhà nước đã phải áp dụng các biện pháp giãn cách, cách ly xã hội nhiều đợt với thời gian dài để phòng, chống dịch bệnh. Hoạt động xét xử của Tòa án bị ảnh hưởhg, nhiều đương sự, bị can, bị cáo đang cư trú hoặc bị tạm giam tại vùng cách ly, vùng có dịch, không thể trực tiếp tham gia phiên tòa. Hiện nay, dịch bệnh đang được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc.
Dự báo năm 2022, tình hình dịch bệnh trên thế giới và ở nước ta còn diễn biến phức tạp, khó lường. Khoản 2 Điều 31 Hiến pháp 2013 quy định “Người bị buộc tội phải được Tòa án xét xử kịp thời trong thời hạn luật định…”. Các luật tố tụng hiện hành đều quy định cụ thể thời hạn xét xử đối với các vụ án hình sự, dân sự, hành chính. Do đó, cần có giải pháp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho Tòa án trong công tác xét xử; bảo đảm thời hạn xét xử do luật định; bảo vệ quyền con người của bị cáo, quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; góp phần ổn định trật tự, an toàn xã hội và đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh.
Do các luật tố tụng hiện hành chỉ quy định hình thức xét xử trực tiếp và được tiến hành tại phòng xử án; chưa quy định về tổ chức phiên tòa trực tuyến nên TANDTC đề xuất Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến là cần thiết trong tình hình hiện nay.
Theo Chủ nhiệm UBTP, tổ chức phiên tòa trực tuyến là một bước cụ thể hóa việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác xét xử, hướng tới xây dựng Tòa án điện tử ở nước ta. Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến sẽ nâng cao hiệu quả tố tụng; các vụ án thuộc diện xét xử trực tuyến sẽ được đưa ra xét xử khẩn trương, kịp thời trong thời hạn luật định; tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí cho người dân, doanh nghiệp, xã hội. TANDTC đề xuất tổ chức phiên tòa trực tuyến phù hợp với quan điểm, chủ trương, định hướng của Đảng về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của các cơ quan tư pháp.
Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương tại phiên họp thứ 13 ngày 26/8/2021 đã tán thành với chủ trương tổ chức xét xử trực tuyến. Mặt khác, việc tổ chức phiên tòa trực tuyến phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế về tư pháp. Một số nước trên thế giới đã và đang ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động tư pháp, trong đó có hoạt động xét xử trực tuyến.
Vì vậy, UBTP tán thành với TANDTC đề nghị Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến mà TANDTC trình.
UBTP cũng nhận định do yêu cầu đột xuất, khẩn cấp về phòng, chống dịch bệnh Covid-19, để bảo đảm cho việc xét xử bình thường của Tòa án, kịp thời bảo vệ quyền con người của bị cáo, quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân, nên TANDTC trình Quốc hội quyết định việc áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn trong xây dựng, ban hành Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến là có cơ sở.
Nội dung nghị quyết đảm bảo tính khả thi
Liên quan đến nội dung dự thảo nghị quyết, TANDTC đề nghị cho phép “tổ chức phiên tòa trực tuyến để xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm vụ án hình sự, dân sự và hành chính có tính chất, tình tiết đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng”.
UBTP tán thành với đề nghị của TANDTC trình Quốc hội cho phép Tòa án tổ chức phiên tòa trực tuyến; tán thành phạm vi tổ chức phiên tòa trực tuyến như đề nghị của TANDTC. Bởi vì xét xử trực tuyến là hình thức xét xử mới chưa được các luật tố tụng hiện hành quy định, liên quan đến quyền con người, quyền công dân, nên cần được tiến hành thận trọng, từng bước chắc chắn. Việc TANDTC giới hạn phạm vi chỉ tổ chức phiên tòa trực tuyến đối với một số vụ án hình sự, dân sự, hành chính với các căn cứ, điều kiện cụ thể, chặt chẽ (vụ án có tính chất, tình tiết đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng); không tổ chức phiên tòa trực tuyến các vụ án khác, là đã có sự cân nhắc thận trọng, bảo đảm tính khả thi.
Tiếp đến là nội dung TANDTC đề nghị quy định: “Phiên tòa trực tuyến là phiên tòa được tổ chức tại phòng xử án, có sử dụng các thiết bị điện tử, liên kết với nhau thông qua môi trường mạng, cho phép bị cáo, bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác tham gia phiên tòa tại địa điểm khác do Tòa án quyết định, nhưng vẫn bảo đảm trực tiếp theo dõi đầy đủ hình ảnh, âm thanh và tham gia tất cả trình tự, thủ tục tố tụng của phiên tòa bằng lời nói, hành vi tố tụng trực diện, liên tục, công khai, có sự chứng kiến của các chủ thể vào cùng một thời điểm”. UBTP cơ bản tán thành với dự thảo quy định khái niệm về phiên tòa trực tuyến, đồng thời sẽ tiếp tục rà soát để quy định khái quát, ngắn gọn hơn.
TANDTC đề nghị quy định: “Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến phải tuân thủ các quy định của pháp luật; bảo đảm quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; bảo đảm công khai, bình đẳng, dân chủ, nghiêm minh, khách quan, đúng pháp luật; bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng và sự tôn nghiêm của Tòa án”.
UBTP tán thành với dự thảo Nghị quyết quy định về các nguyên tắc cơ bản của phiên tòa trực tuyến bao gồm việc tuân thủ các quy định của pháp luật tố tụng hiện hành và bổ sung thêm một số nguyên tắc của phiên tòa trực tuyến để thể hiện rõ tính chất đặc thù của phiên tòa trực tuyến.
UBTP cũng cho rằng, việc tổ chức phiên tòa trực tuyến còn liên quan đến Tòa án quân sự và các cơ quan tố tụng trong quân đội; do đó, đề nghị bổ sung Bộ Quốc phòng vào khoản 1 và khoản 2 Điều 2 dự thảo Nghị quyết. Sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết, TANDTC sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan ban hành Thông tư liên tịch và tổ chức thực hiện.
Ngoài ra, xét xử là hoạt động tố tụng; trình tự, thủ tục đã được quy định đầy đủ, chặt chẽ trong các luật tố tụng. Vì lý do áp dụng các biện pháp cấp bách trong điều kiện phòng, chống dịch bệnh Covid-19, nên Quốc hội mới xem xét, quyết định theo thủ tục rút gọn về việc ban hành Nghị quyết cho phép Tòa án tổ chức phiên tòa trực tuyến. Về lâu dài, việc tổ chức phiên tòa trực tuyến cần được quy định trong các luật tố tụng. Do đó, UBTP đề nghị quy định thời hạn cụ thể để TANDTC báo cáo Quốc hội về kết quả tổ chức phiên tòa trực tuyến sau một thời gian thực hiện (chậm nhất là 03 năm kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực), UBTP đề xuất.