Phiên tòa được mở với quá nhiều nỗi đau trong đó, nỗi đau con mất cha, vợ mất chồng, chị mất em,... sẽ còn dai dẳng mãi.
Cha vợ chém chết con rể rồi chở xác ra Công an đầu thú. Bị cáo bị xét xử tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh.
Minh họa: DAD16
Oan nghiệt một người say
Tại phiên xét xử, hành vi của bị cáo Nguyễn Văn Nam (58 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp, TP.HCM) một lần nữa được nhắc lại sau nhiều tháng tưởng như đã lắng yên.
Theo đó, người bị hại Tôn Thanh Việt và chị Nguyễn Thị Thanh Hiền là vợ chồng sống với nhau từ năm 2008 trong căn phòng trọ tại P.Tân Thới Nhất (Q.12).
Đến cuối năm 2013, do nghi ngờ vợ nhiều thứ nên giữa Việt và Hiền xảy ra mâu thuẫn, cãi vã. Việt thường xuyên đánh đập, chửi bới Hiền.
Đến khoảng tháng 4-2016, vợ chồng Việt dọn về phòng trọ gần nhà cha mẹ ruột của Hiền tại đường số 3, P.13, Q.Gò Vấp.
Tại đây, Việt tiếp tục đánh, chửi bới nên Hiền dọn về nhà cha mẹ ruột ở. Do vợ tự ý về nhà cha mẹ đẻ mà Việt không đồng ý nên có lần Việt đến nhà chửi bới và đánh Hiền trước mặt ông Nam.
Khoảng 16g ngày 14-5-2016, sau khi uống rượu về, Việt chạy xe máy đến nhà cha vợ tiếp tục lớn tiếng chửi bới, thách thức và hăm dọa giết mọi người trong gia đình ông Nam nhưng ông Nam không nói gì.
Sau đó, Việt xô xát và định đánh chị Duyên và một người con gái khác của ông Nam, khiến ông tức giận.
Ông Nam chạy vào bếp lấy dao chém Việt nhiều nhát cho đến khi Việt nằm bất động. Sau đó, ông Nam lấy xe máy của Việt chở Việt đến công an đầu thú. Việt được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện nhưng bác sĩ cho biết Việt đã chết trước đó.
Tại tòa, bị cáo Nam thừa nhận nội dung như trong cáo trạng và nói rằng do bức xúc vì bị con rể chửi bới, dọa giết nhiều lần.
Đau lắm, tòa ơi!
Nhìn thấy bị cáo Nam, chị Tôn Thị Thảo, chị gái ruột của nạn nhân Tôn Thanh Việt, cứ bưng mặt khóc suốt. Khi trả lời hội đồng xét xử (HĐXX) về yêu cầu của gia đình thì chị cứ vặn vẹo đôi tay vì mỗi câu HĐXX hỏi là một lần chị phải nhớ lại chuyện cũ.
Chị Thảo nói đã nhiều tháng trôi qua rồi mà nỗi đau mất em chưa thể nguôi ngoai trong tâm trí chị. Là chị nhưng chị Thảo không khác gì cha mẹ của Việt. Cha mẹ mất sớm, chị Thảo là chị lớn trong nhà nên việc chăm sóc, nuôi nấng em một tay chị làm cả.
Khi chị rời quê hương miền Trung vào TP.HCM lập nghiệp thì đưa Việt đi theo. Chị nuôi em lớn. Em quen bạn gái, về nói chị cưới. Chị nói em đưa bạn gái để chị coi mắt rồi làm đám cưới. Tất cả đều một tay chị lo toan.
Chị Thảo làm nghề đẩy xe ba gác thu gom rác, công việc cực nhọc nhưng có nguồn thu nhập ổn định.
Việt có nghề lái máy xúc, nên sau đám cưới, Việt chăm chỉ làm ăn kiếm tiền nuôi vợ con. Những khi không có việc, Việt về phụ chị đi thu gom và đẩy xe rác. Cũng đôi lần như thế, Việt than: “Em buồn”.
Chị biết em buồn, nên cứ động viên em đi làm việc, rồi mọi chuyện sẽ qua thôi. Vợ chồng nín nhịn nhau để sống, chứ cãi vã không đi đến đâu.
Mỗi lần chị nói vậy Việt lại im im. Chị nghĩ, chắc vậy em cũng hiểu chuyện rồi. Chị Thảo sao mà ngờ được đến ngày chị nhận được tin báo em bị cha vợ chém, người ta đưa vào bệnh viện rồi.
Nói đến đây, gương mặt chị đỏ bừng, rồi tái dại. Những giọt nước mắt xối xả tuôn, tiếng nấc không kìm lại được.
Lời của chị nghe không rõ, thỉnh thoảng lại nấc lên từng hồi. “Đau lắm, tòa ơi! Tôi không thể nào nguôi ngoai được, mỗi khi nghĩ đến việc em mình bị chở xác lên công an” - chị nghẹn lời!
Mong được thanh thản
Con của Việt 6 tuổi, bữa cả nhà ra tòa, đứa trẻ không được đưa đến. Từ bữa xảy ra sự việc, chị Thảo nói em dâu gọi điện thoại xin được đi làm cùng nhưng chị chưa đồng ý vì chưa nguôi ngoai được nỗi đau.
Cũng từ bữa ấy, chị không ghé thăm em dâu, em dâu cũng không qua thăm chị. Nhớ đứa cháu bé bỏng, chị nhờ người quen đón cháu về. “Tôi chỉ muốn làm sao cháu quên đi những hình ảnh đau đớn ấy, bởi nó chứng kiến từ đầu đến cuối” - chị Thảo nói trong nước mắt.
Chị cũng nói đứa trẻ ấy thông minh, ngoan ngoãn lắm. Chị không muốn cháu mình khổ, cũng không muốn cuộc đời nó bị ám ảnh về những câu chuyện đau lòng ấy.
Nhưng khi được HĐXX hỏi chị có yêu cầu gì không, chị nói chú (bị cáo Nam) cũng khó khăn, tôi chỉ xin tiền làm ma chay cho em, chứ không đòi bồi thường gì thêm.
Chị nói cũng biết chú nghèo, vậy nên cũng chẳng vì nỗi đau đớn này mà yêu cầu cô và gia đình bên ấy bồi thường cho những mất mát của mình.
“Tôi có đòi thêm tiền, có đòi tòa xử nặng hay nhẹ cho chú thì em tôi cũng không sống lại được. Mạng sống của em tôi đáng quý, nhưng em tôi đã qua đời rồi, vậy thì giày vò hay dằn vặt chú và gia đình thì tôi được gì. Tôi muốn em được thanh thản và chúng tôi cũng cần thanh thản” - chị Thảo nói.
Sau phần xét hỏi, do xuất hiện một số tình tiết mới nên HĐXX trả hồ sơ để cơ quan điều tra lại vì hành vi của bị cáo có dấu hiệu của một tội phạm khác.
Bị cáo bị dẫn đi, mọi người lục tục rời tòa. Chị Thảo cũng lầm lũi ra về. Nước mắt chị đã thôi rơi, nhưng dường như đôi chân chị vẫn nặng trĩu.
Khi bị cáo có lời khai trước tòa thì phía dưới, vợ, con và người thân của ông sụt sùi khóc. Chị gái và anh rể của nạn nhân cũng đến dự tòa. Họ chào nhau nhưng ngồi ở hai đầu chiếc ghế dài và không nói với nhau câu nào. Cả phiên tòa, bị cáo không dám quay lại nhìn người nhà của nạn nhân. Mái đầu lốm đốm bạc của ông cứ cúi gằm trước vành móng ngựa. |