Nỗi đau sau những "bi kịch ác thê"

An Dương| 24/08/2016 13:15
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hai phiên tòa sơ thẩm vợ sát hại chồng vừa được TAND tỉnh Đồng Nai đưa ra xét xử có nhiều tình tiết khiến những ai tham dự đều không khỏi xót xa.

Từ Nguyễn Thị Kiều (29 tuổi, ngụ xã Xuân Thạnh, huyện Thống Nhất) dùng bạo lực để phản kháng chồng bạo hành đến Trần Tô Minh Châu (25 tuổi, ngụ xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu) gây án do nhất thời mâu thuẫn với “chồng hờ” sau tiệc nhậu. Nhìn những đứa trẻ bơ vơ, có lẽ các bị cáo đều vô cùng thấm thía hậu quả của một phút nông nổi.

Cả hai nữ bị cáo Nguyễn Thị Kiều và Trần Tô Minh Châu đều có hoàn cảnh hôn nhân khá giống nhau, đó là lận đận trên con đường tình duyên. Kiều đến với anh Nguyễn Minh Hùng (ngụ Đồng Nai) trong sự phản đối gay gắt của gia đình chồng. Dù vậy, hai người vẫn đến với nhau, cùng thuê nhà trọ để sống.

Thời gian đầu, mối quan hệ giữa Kiều và anh Hùng khá êm ấm. Tuy nhiên, từ khi Kiều báo tin giọt máu của anh Hùng đã “nảy mầm” thì tình cảm giữa hai người bắt đầu có sự xáo trộn.

Kiều nức nở khai tại Tòa: Khi biết bị cáo có thai, phía gia đình chồng có nói anh Hùng nên xuất ngoại để tránh xa bị cáo. Anh Hùng thương bị cáo nên không nghe, sau đó Kiều sinh con và rời nhà trọ để về sống chung với anh Hùng.

Theo Kiều, đó là bước ngoặt lớn nhất trong mối quan hệ vợ chồng của bị cáo. Từ khi vợ chồng Kiều có thêm thành viên mới, sức ép về kinh tế trở nên nặng nề. Ngoài ra, trách nhiệm người chồng, người vợ khiến bị cáo và anh Hùng nảy sinh nhiều mâu thuẫn. Từ chỗ thường xuyên cãi nhau, Kiều bắt đầu tỏ ra bất mãn khi chồng thường vắng nhà, đôi lần có uống rượu và “thượng cẳng tay, hạ cẳng chân” với vợ.

Nỗi đau sau những

Hình minh họa

Mâu thuẫn vợ chồng Kiều lên đến đỉnh điểm vào chiều 2/3/2015, anh Hùng đi nhậu đến chập tối mới về nhà. Lúc này, Kiều rất giận chồng nên nảy sinh ý định sẽ thu dọn hành lý để rời “tổ ấm”.

Kiều gạt nước mắt trước vành móng ngựa: “Bị cáo có nói thân làm vợ mà không giữ được chồng thì làm vợ để làm gì... Nói xong bị cáo vào phòng lấy quần áo định bỏ đi. Lúc này anh Hùng có đánh vào mặt bị cáo. Cơn giận trào lên không thể kiềm chế, bị cáo đã chạy xuống bếp lấy dao lên đâm chồng nhiều nhát rồi bỏ chạy”.

Kiều không thể ngờ chồng trúng thương quá nặng nên qua đời ngay sau đó. Kiều bỏ về nhà mẹ, kể lại bi kịch và được mẹ khuyên đến Công an đầu thú để được hưởng khoan hồng của pháp luật.

Nếu như Kiều thành khẩn khai báo, tỏ ra ăn năn hối cải thì bị cáo Trần Tô Minh Châu lại cho rằng việc truy tố tội giết người là oan cho bị cáo. HĐXX đã lần lượt công bố biên bản lấy lời khai, bản tự khai của Châu trong quá trình điều tra, đối chiếu với lời khai của những người làm chứng và các tài liệu, chứng cứ khác để chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo.

Theo đó, Châu sinh ra trong một gia đình đông con, do khó khăn nên bị cáo bỏ học, sớm “vào đời” bằng nghề tiếp viên các quán cà phê. Ở độ tuổi mới đôi mươi, Châu đã phải tay bồng, tay bế, một mình nuôi hai con nhỏ, trong đó đứa lớn chưa được 4 tuổi. Trong hoàn cảnh khốn khó đó, anh Nguyễn Văn Dũng (ngụ tỉnh Đồng Nai) xuất hiện trong cuộc đời Châu như một vị “ân nhân”.

Bỏ qua hoàn cảnh éo le của bạn gái, anh Dũng tình nguyện yêu thương, dọn đến ở nhà mẹ Châu để chăm sóc, đỡ đần “bạn gái”. Mặc dù hai người chưa đăng ký kết hôn nhưng trên thực tế, anh Dũng xem Châu như vợ, đối đãi rất mực đàng hoàng. Cũng như vụ án Trần Thị Kiều, tình tiết dẫn đến vụ án này cũng xuất phát từ việc anh Dũng uống rượu, sau đó xảy ra mâu thuẫn với vợ.

Ngày 15/10/2014, anh Dũng cùng Châu và một số bạn bè nhà anh Lê Kim Cương (ấp Vàm, xã Thiện Tân) tổ chức ăn nhậu. Cuộc vui kéo dài thâu đêm đến rạng sáng 16/10/2014, vợ chồng Châu lời qua tiếng lại rồi ẩu đả lẫn nhau. Theo cáo trạng, Châu đi xuống nhà bếp lấy con dao giấu trong người rồi ra về. Lúc này, anh Dũng kéo Châu lại định đánh thì bất ngờ bị Châu dùng dao đâm một nhát vào ngực khiến nạn nhân tử vong ngay sau đó. Châu bị khởi tố, bắt tạm giam về tội “Giết người”.

Tội danh và hình phạt của các bị cáo Kiều và Châu được HĐXX làm rõ, cân nhắc và tuyên mỗi người 14 năm tù. Kiều nức nở và ân hận khi nghe vị Thẩm phán chủ tọa phân tích về hành vi có tính côn đồ. Khi vợ chồng phát sinh mâu thuẫn, nếu hạnh phúc hôn nhân không đạt được thì có thể chọn giải pháp ly hôn. Không thể lấy lý do vì mâu thuẫn để rồi dùng dao, là hung khí nguy hiểm, thực hiện hành vi tước đoạt sinh mạng người khác. Đặc biệt, người bị hại lại là chồng, nghĩa tình sâu nặng.

Đối với Châu, mặc dù bị cáo không thừa nhận hành vi phạm tội nhưng căn cứ lời khai người làm chứng và các chứng cứ khác, HĐXX nhận định anh Dũng không có mâu thuẫn với ai, Châu đã cầm con dao gây án. Từ đó, việc quy kết bị cáo phạm tội “Giết người” là có căn cứ. Châu tỏ ra dửng dưng như chính thái độ của bị cáo đối với cuộc đời mình. Có lẽ, người đau khổ nhất là mẹ bị cáo bởi khi Châu bị bắt giam, bà phải nuôi nấng, chăm sóc 2 cháu nhỏ. Sự ám ảnh trong phiên tòa khi Kiều rơi lệ nói lời sau cùng, thể hiện nỗi đau khổ và hối hận, tạ tội và cầu mong cha mẹ, anh chị khoan dung tha thứ cho sai lầm bị cáo gây ra. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗi đau sau những "bi kịch ác thê"