Suốt phiên tòa phúc thẩm vụ án “Giết người” ngày 19/7/2017, bị cáo Trịnh Thành Phát (SN 1996, quê Bình Định) luôn cúi đầu, thể hiện thái độ ăn năn hối hận.
Suốt phiên tòa phúc thẩm vụ án “Giết người” ngày 19/7/2017, bị cáo Trịnh Thành Phát (SN 1996, quê Bình Định) luôn cúi đầu, thể hiện thái độ ăn năn hối hận. Chỉ vì mâu thuẫn bột phát từ lời nói “đi chết đi”, Phát và tình nhân cũ của người yêu Phát đã xô xát khiến kẻ chết, người đi tù, bỏ lại nỗi đau cho bố mẹ của cả hai gia đình.
Theo lời khai của bị cáo và hồ sơ vụ án, Trịnh Thành Phát theo gia đình từ Phú Mỹ, Bình Định chuyển vào quận 7, Tp. Hồ Chí Minh từ năm 2015. Phát quen biết và nảy sinh tình cảm với chị Trần Thị Mộng Trinh nhưng không biết quá khứ yêu đương của bạn gái.
Trước khi yêu Phát, Trinh là tình nhân của anh Nguyễn Văn Lâm Xuân (SN 1992, quê Vĩnh Long), người đã có “vợ con đề huề”. Sau một thời gian quan hệ, Trinh và Xuân nảy sinh mâu thuẫn rồi đường ai nấy đi. Tuy nhiên, khi hay tin Trinh có người yêu mới, Xuân cũng không buông bỏ, trái lại còn bực bội.
Tối 27/1/2016, Trịnh Thành Phát, Trần Thị Mộng Trinh cùng một số người bạn đang ngồi chơi ở nhà trọ thuộc phường Tân Phong, quận 7. Lúc này, một người bạn của Xuân là Trần Trọng Thái gọi điện vào số điện thoại của Trinh hỏi đang ở đâu. Lúc này Phát nghe máy và nói với Thái “Có gì kêu Xuân ra nói chuyện”.
Bị cáo Phát tại phiên tòa
Nghe chuyện, Thái nói lại cho Xuân, Xuân liền gọi điện thì Phát nói: “Loại đàn ông như mày thì đi chết đi, muốn gì ra đây nói chuyện”. Lúc này Xuân và Thái đang nhậu, sau đó, Xuân gọi điện thoại cho bạn là Đoàn Thái Hậu và nói: “Có thằng kêu anh đi chết đi”. Xuân nói Hậu chạy xe đến chở Thái đi uống rượu tiếp và hẹn gặp nhau tại cây xăng ngã tư Nguyễn Thị Thập — Lê Văn Lương, Hậu nghe xong liền đồng ý.
Khi gặp nhau tại điểm hẹn trên, Thái chở Hậu, Xuân chạy xe một mình. Đến ngã tư đường 65 với đường Nguyễn Thị Thập, Thái hỏi Hậu: “Giờ quẹo vô coi có thằng đó (tức Phát) không?”. Hậu đồng ý, Xuân đang chạy xe phía trước nên không biết. Thái chạy xe vào đường 65 đến quán cà phê nằm ngay góc đường.
Trước đó, Phát có điện thoại cho Trinh kể lại sự việc và nói sẽ gặp Xuân tại quán cà phê trên đường 65 nên Trinh đi theo. Khi đi, Phát có đem theo một con dao bấm để trong túi áo khoác nhưng Trinh không biết.
Khi thấy Trinh đang ngồi uống nước cùng với Phát và Lê Hoàng Phi, Thái nói với Xuân: “Có tụi nó ở trong đó”, Xuân đáp: “Bỏ đi, đi nhậu” rồi nổ máy xe chạy đi. Tuy nhiên, dường như không kiềm chế được, Xuân bất ngờ quay đầu xe vào quán cà phê gặp Phát.
Khi đến quán cà phê, Xuân bước vào chỗ bạn gái cũ đang ngồi và hỏi: “Hồi nãy thằng nào kêu tao đi chết”. Nghe vậy, Phát trả lời: “Tao nè”. Nghe Phát thách, Xuân liền lao đến kẹp cổ và dùng tay đấm vào đầu, mặt của Phát. Thái và Hậu dừng xe nhưng vẫn để máy nổ chờ sẵn rồi xuống xe lao vào dùng tay chân đấm, đá Phát.
Phi đang mặc đồng phục dân phòng thấy Phát bị đánh nên chạy đến can ngăn và nhờ bà Nguyễn Thị Thanh Hà (chủ quán cà phê) điện thoại báo cho công an phường đến giải quyết vụ việc. Nghe vậy, Xuân, Thái và Hậu lên xe máy bỏ chạy. Khi Xuân vừa chạy xe đi thì bị Trinh chạy ra nắm đuôi kéo lại, đồng thời rút chìa khóa không cho Xuân bỏ đi. Trinh hỏi lý do tại sao đánh Phát nhằm kéo dài thời gian chờ công an đến bắt giữ nhóm của Xuân.
Xuân liền bước xuống xe, thấy Phát đứng cách đó khoảng 10m, Xuân xông đến đánh Phát. Tuy nhiên, Phát rút dao tấn công lại trúng ngực Xuân khiến cán dao bị gãy. Xuân tiếp tục đuổi theo Phát được vài bước thì gục ngã xuống đường. Hậu, Trinh chạy đến đưa Xuân đi cấp cứu nhưng nạn nhân không qua khỏi. Gây án xong, Phát ném bỏ cán và lưỡi dao tại hiện trường rồi lên xe tẩu thoát chạy về nhà trọ tại phường Bình Thuận, quận 7 và được anh trai đưa đến công an đầu thú.
Tại phiên tòa phúc thẩm, Trịnh Thành Phát luôn cúi đầu khiến HĐXX phải nhắc bị cáo nhìn lên để trả lời. Phát cho biết rất hối hận và chấp nhận bản án sơ thẩm phạt bị cáo 8 năm tù và buộc bồi thường cho gia đình bị hại hơn 282 triệu đồng. Trong khi đó, đại diện bị hại kháng cáo đề nghị tăng hình phạt, tăng số tiền bồi thường. Vợ người bị hại đề nghị Phát bồi thường một lần nhằm có điều kiện chăm sóc con nhỏ.
Đại diện gia đình bị cáo có anh ruột Phát cho biết đã bồi thường được 20 triệu đồng. Sau khi có án sơ thẩm, dù gia đình khó khăn nhưng vẫn cố gắng thế chấp “sổ đỏ” vay tiền để bồi thường thêm 80 triệu đồng, song gia đình bị hại không nhận. Gia đình bị hại cho rằng không nhận vì có điều kiện phải rút đơn kháng cáo.
Nghe người anh trình bày, Phát giơ tay xin bổ sung: Gia đình bị cáo quá khó khăn, khi ra tù, bị cáo sẽ lao động để thi hành án. Bị cáo xin lỗi gia đình người bị hại, do lỡ tay đâm chết anh Xuân”. Đáp lại, mẹ nạn nhân Xuân bày tỏ: “Bị cáo chỉ biết than vãn, còn gia đình chúng tôi cũng khổ”.
HĐXX tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm, Trịnh Thành Phát luống cuống nhìn xuống người thân rồi bước vội. Phía sau lưng bị cáo, chất chứa nỗi đau của người thân cả hai gia đình, giá như Phát biết kiềm chế thì bi kịch đã không xảy ra. Có lẽ đây là bài học ứng xử chung cho các bạn trẻ, hãy ứng xử có văn hóa, đúng pháp luật để tránh những bi kịch đáng tiếc.