Ngày chị bước lên “xe hoa” với người chồng ngẩn ngơ, cười một cách vô hồn đi bên cạnh, người dân trong làng nườm nượp kéo đến chỉ trỏ, bàn tán và xì xào chắc "nồi nào úp vung nấy".
Đám cưới không hôn thú
Đó là câu chuyện tình cảm động cứ ngỡ chỉ diễn ra trong cổ tích nhưng lại đang hiển hiện giữa cuộc sống này như một minh chứng cho sự kỳ diệu của tình yêu.
Chị Nguyễn Thị Hằng (sinh năm 1967, ở thôn Văn Hội, xã Văn Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội) sinh ra trong một gia đình nghèo khó. Thời con gái, chị nổi tiếng là người xinh đẹp, nết na và có nhiều người theo đuổi, nhưng cũng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, suốt ngày chị phải lặn lội ngoài đồng “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nên chị không nghĩ đến chuyện đôi lứa.
Thấy chị Hằng đã ngoài 30 mà vẫn chưa có chồng, mấy người đi làm đồng cùng chị thường hay trêu đùa rồi gán ghép chị Hằng với anh Đăng - một người mắc bệnh tâm thần do di chứng chiến tranh ở trong làng. Lúc ấy chị đã giãy nảy lên phản đối.
Tuy nhiên, trong một lần tình cờ đi gặt lúa về, khi đi ngang qua nhà anh Đăng, chị nhìn thấy anh đang ngồi ở một góc nhà, miệng lẩm bẩm, đôi mắt đăm chiêu nhìn vào cõi hư không, đôi mắt như chất chứa bao điều muốn nói, một cảm xúc bất chợt dâng lên trong lòng chị.
Căn nhà nhỏ là nơi 4 con người gồm cả người tỉnh và người "điên" cùng sinh sống
Tìm hiểu kỹ hơn, chị Hằng được biết anh Đăng bị tâm thần phân liệt, thỉnh thoảng điên loạn và không nhớ gì, đó là do di chứng của những năm tháng anh tham gia chiến trường ở Campuchia. Lúc này chị lại càng thương anh hơn, chị muốn chăm sóc cho anh và chính ý nghĩ đó đã khiến chị quyết tâm đến với anh cho bằng được, bất chấp sự ngăn cản của gia đình.
Chị kể: “Ngày đó, khi tôi nói với mọi người trong nhà là muốn lấy anh Đăng thì bị phản đối ghê lắm. Mới đầu thì khuyên can tôi rằng “lấy nó sẽ khổ lắm”, rồi khi tôi vẫn quyết tâm đến với anh thì bố tôi còn bực tức mà nói: “mày xin ai đó một đứa con để nuôi, còn hơn lấy thằng điên, mày mà lấy nó mày đừng có hối hận, đừng có nhìn mặt tao nữa”.
Bỏ ngoài tai tất cả, một đám cưới khiến nhiều người sững sờ đã diễn ra. Người dân ở xã Văn Bình này chưa từng được chứng kiến một đám cưới "lạ lùng" đến thế, khi chú rể cứ ngẩn ngơ, cười một cách vô hồn đi bên cạnh cô dâu. Người dân khắp nơi trong làng nườm nượp kéo đến chỉ trỏ, bàn tán và xì xào chắc "nồi nào úp vung nấy".
Hôn lễ không tấp nập người xe, không loa đài bàn ghế, chỉ vẻn vẹn vài ba mâm cỗ để báo họ hàng, tổ tiên. Đến cái giấy đăng ký kết hôn cũng không có, vì theo luật, một người mắc bệnh như anh không được cấp giấy đăng ký kết hôn.
Kể từ ngày hôm đó trở đi, chị cũng đã biết trước được gánh nặng mà mình sẽ phải mang trên vai, những áp lực, khó khăn trong cuộc sống một mình chị phải gánh vác hết.
Mò cua, bắt ốc nuôi cả gia đình
Cưới nhau được một thời gian, chị Hằng hạnh phúc khi biết tin mình có thai. Và rồi khi đứa con gái lớn của anh chị là cháu Nguyễn Hiểu Ly ra đời cũng là lúc gánh nặng cơm áo gạo tiền đè nặng hơn trên vai chị. Anh Đăng mắc bệnh, cứ ngày điên, ngày tỉnh, sức khỏe lại yếu nên không thể giúp chị bất kể việc gì.
“Có lần tự nhiên biến mất khỏi nhà khoảng 3 tháng, chị cùng anh em họ hàng chia nhau đi tìm mà không thấy. Cứ ngỡ anh đi lạc không nhớ đường về, hay chẳng may chết đường chết chợ thì bất ngờ 3 tháng sau anh trở về. Lúc tỉnh anh kể đã đi lạc vào tận Thanh Hóa, may mà có người thương cho anh cơm ăn, cho tiền về nhà”, chị nhớ lại.
Chồng đã bệnh tật thế, nhưng niềm hi vọng lớn nhất là đứa con lớn Hiểu Ly cũng dần vụt tắt. Càng lớn, con bé càng có biểu hiện không bình thường giống bố. Năm nay đã hơn 14 tuổi, nhưng cô bé rất ngờ nghệch, nói câu được câu chăng, lúc thì xem ti vi cười hềnh hệch, lúc thì đi ra sân đuổi gà, đuổi chó chạy quanh nhà.
Đau lòng hơn, cô con gái thứ hai sinh năm 2009 của anh chị mang tên Ngọc Anh cũng có dấu hiệu mắc bệnh như cha. Chị bảo, những lúc nó lên cơn, hai mắt cứ trợn ngược lên, chạy nhảy cả ngày rồi lại cười khanh khách.
“Rất nhiều lần hai đứa bị ốm và nôn ra máu, đứa thì kêu đau đầu, đứa thì kêu ù tai. Lúc này tôi mới nhớ lại lời mẹ chồng kể rằng anh bị thương ở chiến trường, vùng đất đó từng là nơi Mỹ rải nhiều chất độc dioxin. Chắc có lẽ vì thế mà các con tôi mới bị di chứng từ cha nó” - Chị Hằng nói trong nước mắt.
Chị Hằng bên người chồng và đứa con đang đau ốm vì bệnh tật
Có một đứa con ốm đau đã vất vả, đằng này cả hai đứa con và người chồng đều ngẩn ngơ, bệnh tật, một lúc nuôi bốn miệng ăn, gia đình chị càng trở nên túng bấn. Hoàn cảnh gia đình hai bên nội ngoại cũng đói kém nên chẳng giúp đỡ được gì. Để lo cho chồng con, chị Hằng không ngại làm việc gì từ làm thuê, kiếm mướn đến mò cua, bắt ốc đi bán lấy tiền mua gạo.
Khi anh không lên cơn bệnh, chị còn an tâm đi làm thuê, làm mướn ở xa. Những lúc trái gió trở trời, anh hết vật vã trên giường lại đi lung tung, đập phá đồ đạc, đánh người… Thế nên ngày ngày chị chỉ dám lọ mọ đi làm, đi mò cua bắt ốc ở gần nhà nhỡ chồng có chuyện gì còn về kịp.
Chị kể: “Lúc con còn nhỏ nhưng để có cái ăn cho cả gia đình nên tôi vẫn phải ẵm con ra đồng. Con ở trên bờ, mẹ ở dưới nước. Cứ thế đến chiều tối tôi lại cõng con ra chợ, bán ốc bán cua, lấy tiền đong gạo nuôi bốn miệng ăn qua ngày. Chỉ cần tôi ốm một bữa, thì cả chồng và con sẽ đói. Thế nên tôi không được phép ốm”.
Cuộc sống là vậy nhưng mà chị Hằng chưa bao giờ kêu khổ, than phiền về cuộc sống hiện tại. “Con tôi khổ, chồng tôi khổ, chứ tôi cực mấy cũng chịu được”.
Bốn con người trú ngụ trong ngôi nhà cấp 4, tường rêu hoen ố, nằm lọt thỏm giữa thôn với những căn nhà cao tầng khang trang. Đã hơn 17 năm nay, chị Hằng một mình “thân cò lặn lội” để nuôi sống những con người trong ngôi nhà cũ kỹ ấy, họ vẫn nương tựa vào nhau sống qua ngày theo cái cách của họ - có gì ăn đấy.