Vì không sinh nở được nên vợ chồng cụ Nguyễn Thị Ba (SN 1938, ngụ tổ 15, phường Chính Gián, quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng) xin nhận 3 người con nuôi và chăm lo như con đẻ. Thế nhưng, khi đến tuổi gần đất xa trời, cụ Ba lại lâm cảnh không nơi nương tựa.
Những ngày gần đây, người dân thôn Thượng Phước (xã Đại Hòa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) thường nhìn thấy cụ Ba ôm gói áo quần đi lang thang quanh xóm. Đi loanh quanh chán, cụ lại ra ngồi ở khu nghĩa địa cuối thôn. Khi được hỏi, cụ bảo mình không còn chỗ nào để ở, nếu ai đó bảo đưa cụ đến trung tâm dưỡng lão thì lập tức cụ giãy nảy không chịu đi, thậm chí cụ còn đòi tự tử. Hiện cụ đang tá túc tại nhà cụ Trương Thị Nhị (SN 1928, thôn Thượng Phước).
Theo thông tin dư luận tại địa phương, cụ Ba có chồng và 3 người con. Chồng cụ qua đời đã lâu, để lại một căn nhà tại TP. Đà Nẵng. Thời gian đầu còn khỏe mạnh, cụ Ba có thể tự lo cho bản thân mình. Những năm gần đây, sức khỏe yếu nên cụ phải sống dựa vào các con. Thế nhưng, ở tuổi xế chiều, cụ bị cả 3 người con ruồng rẫy, không thừa nhận trách nhiệm nuôi dưỡng mẹ già. Bất hạnh hơn, cụ lại bị con trai nuôi lừa bán nhà khiến cụ không còn nơi trú ngụ nên cụ Ba phải quay về quê tá túc nhà người chị dâu của mình.
Cụ Ba giờ trở thành người vô gia cư
Trao đổi với chúng tôi, cụ Nhị cho biết, cụ Ba là em con nhà chú của chồng cụ, lấy chồng và định cư ở Đà Nẵng từ trước ngày giải phóng. Do không sinh được con nên vợ chồng cụ Ba xin nhận 3 người con nuôi. Người con trai lớn tên Trần Văn H (SN 1965), hai người con gái là Trần Thị D (SN 1967) và Trần Thị Nh (SN 1968), cả 3 người con này hiện đang định cư tại TP. Đà Nẵng.
Năm 1996, ông Trần Văn Thắng, chồng cụ Ba qua đời. Cụ Ba đã ở lại nhà cụ Nhị kéo dài khoảng 2 năm. Cụ Nhị cũng cho biết, thời điểm đó cả cụ và cụ Ba còn khỏe mạnh, kinh tế cũng không quá khó khăn nên việc cụ Ba đến ở không có gì phiền toái. Nay hoàn cảnh đã thay đổi nhiều, sức khỏe cụ Nhị đã yếu, thường xuyên đau ốm, mọi việc đều nhờ vào người con gái tên Nguyễn Thị Tho (SN 1960, giáo viên mầm non).
Với tiền lương ba cọc ba đồng, lại nuôi mẹ già và 4 đứa cháu nên chị Tho phải đi làm thêm mới đủ trang trải, thêm cụ Ba vào ở, chị Tho càng thêm gánh nặng. Hơn nữa, cụ Ba lại bị lú lẫn, ngay cả tên chồng con cũng không nhớ, thỉnh thoảng cụ lại ôm túi bỏ nhà đi lang thang khiến những người không hiểu chuyện nghĩ rằng mẹ con cụ Nhị đuổi cụ Ba ra khỏi nhà.
Gần 90 tuổi, cụ Nhị bất đắc dĩ phải cưu mang cô em họ
Tháng 5/2015, một người con rể của cụ Ba chở vào một bao tải đựng áo quần của cụ rồi bảo mẹ cứ ở đó chơi. Khi cụ Nhị bảo đưa mẹ về Đà Nẵng chăm sóc thì anh ta nói gia đình không đủ điều kiện nuôi mẹ. Hai tuần sau đó, chị Tho chở cụ Ba ra Đà Nẵng để giao trả cho người con trai tên H. Trước mặt cán bộ tổ dân phố, H vui vẻ nhận mẹ nhưng đến chiều thì chở mẹ trở vào nhà cụ Nhị, kèm theo đó là bức thư ghi rõ: “Tôi hết trách nhiệm rồi”. Lúc này, cụ Ba rơi vào trạng thái hoảng loạn, cụ không nhớ được gì ngay cả tên của chồng, con.
Theo lời cụ Nhị và chị Tho, cách đây 3 năm, H đã bán tất cả đồ đạc có giá trị trong nhà, ngay cả lư đồng trên bàn thờ tổ tiên cũng bị bán nốt. Sau đó H ép mẹ phải bán nhà nhưng cụ Ba không đồng ý. Không ép được mẹ bán nhà, H quay sang khống chế buộc cụ phải đưa tiền, vàng. Nghe được chuyện này, chị Tho khuyên cụ Ba báo công an nhưng cụ Ba không báo vì sợ con trai nuôi hành hung.
Một thời gian ngắn sau, H lại đề nghị mẹ điểm chỉ đơn xin làm giấy khai sinh cho cháu nhưng thực chất đó là giấy bán nhà. Sau biến cố mất nhà, lại thêm bị con trai nuôi khống chế khiến tinh thần cụ Ba bấn loạn. Cụ Nhị khẳng định, không hề có chuyện cụ Ba cho hoặc gửi tiền, vàng cho cụ như dư luận đơm đặt.
Chúng tôi đã gặp anh Trần Văn H (con trai nuôi của cụ Ba) khi anh này đang hành nghề bơm vá xe trước cổng một ngôi chùa tại TP. Đà Nẵng. Người này khẳng định mình và 2 cô em gái là con nuôi của cụ Ba, có giấy tờ nhận con nuôi hẳn hoi. Tuy nhiên, H cho rằng mình không còn trách nhiệm phải nuôi cụ Ba.
Theo giải thích của anh H, thời còn trẻ cụ Ba chủ yếu sống ở quê, tiền bạc làm ra cụ đều đưa về quê cả nên những người đã nhận tiền của cụ phải có trách nhiệm nuôi cụ lúc về già. Về việc ngôi nhà bị bán, anh H cho rằng do cụ Ba nợ tiền vay ngân hàng không trả được nên ngân hàng tịch thu nhà.
Thế nhưng khi hỏi ai đã đứng ra làm thủ tục bàn giao nhà cho ngân hàng thì anh H lại nói: “Tôi là con trai, sau khi cha mất tôi có quyền định đoạt ngôi nhà”. Anh H cũng cho biết hiện tại vợ chồng anh ta rất khó khăn, nợ nần chồng chất, phải ở nhà thuê. Nếu phải nuôi mẹ thì không có chỗ nằm, còn thuê nhà trọ rộng hơn thì không đủ khả năng. Con trai đã vậy, tình cảnh 2 cô con gái nuôi của cụ Ba còn bi đát hơn, bị chủ nợ truy đuổi gắt gao nên không biết hiện giờ đang trốn ở đâu.
Người con nuôi Trần Văn H không thừa nhận trách nhiệm nuôi mẹ
Trao đổi với phóng viên, một vị đại diện tổ dân phố 15 cho biết, trước đây, cụ Thắng chuyên nghề đánh bạc. Sau khi cụ Thắng mất, cụ Ba dùng căn nhà của hai vợ chồng để chứa bạc thu tiền xâu (tiền con bạc bồi dưỡng cho chủ nhà). Do lối sống của vợ chồng cụ Ba mà các con nuôi của họ cũng theo gót cha mẹ lao vào trò đỏ đen. Riêng H còn vài lần đi tù do trộm cắp, cố ý gây thương tích. Chính vì ham mê cờ bạc nên anh em H lâm nợ nần phải lừa mẹ bán căn nhà lấy tiền trả nợ.
Thấy cụ Ba lâm cảnh màn trời chiếu đất, xóm giềng tổ chức quyên góp nhưng số tiền chỉ đủ để cụ sống trong thời gian ngắn. Vị này cho biết thêm, tổ đã báo cáo lên phường để xem xét giải quyết chế độ cho người neo đơn nhưng cụ Ba lại không có hộ khẩu tại phường này. Thêm vào đó, tinh thần cụ đang bấn loạn, không chịu vào trung tâm dưỡng lão nên rất khó khăn cho địa phương.