Nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp tài chính y tế hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân

Lan Trần| 29/06/2019 15:36
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Việt Nam đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp tài chính y tế hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân trong 02 thập kỷ qua.

Ngày 28/6/2019, Hội nghị chung Bộ trưởng Tài chính và Bộ trưởng Y tế G20 đã diễn ra tại Fukuoka, Nhật Bản dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản Ông Taro Aso và Bộ trưởng Y tế Nhật Bản Ông Takumi Nemoto. Đây là Hội nghị chung lần đầu tiên giữa các Bộ trưởng Tài chính và các Bộ trưởng Y tế các nước G20 theo sáng kiến của nước chủ nhà Nhật Bản nhằm tạo cơ hội cho hai nhóm Bộ trưởng Tài chính và Y tế thảo luận và thúc đẩy hợp tác chặt chẽ hơn trong tiến trình cải thiện hiệu quả tài chính cho y tế.

Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Tài chính, Bộ trưởng Y tế các nước thành viên G20, Lãnh đạo các tổ chức quốc tế (Quỹ Tiền tệ quốc tế, Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Y tế thế giới WHO, ADB …) và 09 nước khách mời. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đại diện cho đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị.

Nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp tài chính y tế hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng và Bộ tưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tham dự Hội nghị. Ảnh: Mof

Chương trình chăm sóc sức khỏe toàn dân (UHC) góp phần phát triển nguồn nhân lực, hướng đến tăng trưởng bền vững và bao trùm, đồng thời thúc đẩy phòng ngừa, phát hiện và ứng phó với các trường hợp khẩn cấp về y tế, từ đó tăng cường an ninh y tế quốc gia, khu vực và toàn cầu. Tầm quan trọng của UHC đã được công nhận rộng rãi để phát triển chính sách.

Các quốc gia đang phát triển phải đối mặt với nhiều thách thức như huy động nguồn lực không đầy đủ, dân số già, hỗ trợ phát triển không phù hợp cho y tế, thiếu hiệu quả và bất bình đẳng trong hệ thống y tế như một loạt trường hợp về đại dịch và kháng kháng sinh là mối đe dọa đối với tăng trưởng kinh tế và ổn định xã hội. Do đó, việc thiết lập các hệ thống tài chính y tế mạnh mẽ trở nên quan trọng, tạo nền tảng vững chắc cho sự tăng trưởng dài hạn và xây dựng không gian chính sách cần thiết để chuẩn bị cho tương lai.

Tại Hội nghị, đại diện cho đoàn Việt Nam, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đánh giá cao sáng kiến hỗ trợ thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân để thiết lập một hệ thống quốc gia, đảm bảo cho tất cả mọi người được sử dụng các dịch vụ y tế cơ bản, có chất lượng. G20 khẳng định cam kết đối với báo cáo Hiểu biết chung của G20 về tầm quan trọng của tài chính đối với chương trình UHC ở các quốc gia đang phát triển. Đây là Báo cáo đầu tiên để thúc đẩy các vấn đề tài chính cho chương trình UHC trong G20, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ưu tiên các nguồn lực tài chính trong và ngoài nước và tầm quan trọng của các hệ thống y tế hiệu quả, công bằng và bền vững, nâng cao năng lực và sự đóng góp của khu vực tư nhân. 

Chia sẻ tại Hội nghị, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, Việt Nam đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp tài chính y tế hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân trong 02 thập kỷ qua. Đặc biệt phải kể đến đó là trợ cấp toàn bộ chi phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng khó khăn ngay từ giai đoạn đầu, đồng thời phát triển mạng lưới cơ sở y tế rộng khắp, tăng tiếp cận dịch vụ y tế. Chính phủ Việt Nam tăng cường đầu tư và đẩy mạnh quá trình cơ cấu lại ngân sách nhà nước trong lĩnh vực y tế, ưu tiên bố trí ngân sách, bảo đảm tốc độ tăng chi cho y tế cao hơn tốc độ tăng chi cho ngân sách. Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực phát triển hệ thống y tế, đa dạng hóa các hình thức hợp tác công - tư.

Với những nỗ lực cải cách trên, Việt Nam đã có 89% dân số tham gia bảo hiểm y tế, đạt chỉ số bao phủ dịch vụ y tế thiết yếu là 73 điểm (trên 100 điểm), cao hơn mức trung bình của khu vực Đông Nam Á (59 điểm) và toàn cầu (64 điểm). Mức độ bảo vệ tài chính cho người dân trong chăm sóc sức khỏe được cải thiện, chi tiêu y tế thảm họa trên 25% tổng chi tiêu hộ gia đình chỉ còn 1,8%; nghèo hóa do chi y tế đã gần như bị loại bỏ (1,3%).

Việt Nam cũng như các nước G20 cam kết tiếp tục thúc đẩy tăng cường hợp tác đa phương và hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan tài chính và y tế, thúc đẩy hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế với mục tiêu chung nhằm đảm bảo an ninh y tế quốc gia, khu vực và toàn cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp tài chính y tế hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân