Nhằm khôi phục sản xuất nhưng vẫn đảm bảo nhiệm vụ chống dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp đã quay trở lại hoạt động 100% công suất, tăng tốc thực hiện để sớm hoàn thành những đơn hàng và hợp đồng đã ký kết với các đối tác.
Tập trung cao khôi phục sản xuất
Chỉ còn chưa đầy 4 tháng nữa là kết thúc năm 2021, dù đã trễ nhịp thị trường, cơ hội đã phần nào qua đi nhưng các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh đã sẵn sàng tâm thế phục hồi sản xuất, kinh doanh khi dịch bệnh đang dần được kiểm soát tốt. Một số cơ sở kinh doanh, dịch vụ, DN bắt đầu mở cửa hoạt động trở lại; lực lượng lao động tại các DN cũng được huy động tăng dần lên, cán cân cung - cầu đang dần lấy lại thế cân bằng.
Để bắt tay nhanh vào triển khai khôi phục sản xuất phù hợp với trạng thái bình thường mới, các doanh nghiệp đều triển khai đồng bộ nhiều giải pháp; chủ động tháo gỡ “nút thắt” đang gặp phải nhất là vấn đề về lao động nhằm khôi phục nhanh chóng và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn.
Nhận thức được tầm ảnh hưởng của COVID-19 tới sản xuất, nhiều đơn vị đã tăng cường, rà soát nguồn cung ứng vật liệu đầu vào để kịp thời cập nhật giá cả cũng như kế hoạch giao hàng. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp cũng tăng cường quản lý quản trị về kinh doanh, cắt giảm chi phí trong sản xuất…
Các DN còn đề xuất phương án đối với lĩnh vực sản xuất công nghiệp khi địa phương đã thực hiện kế hoạch “bảo vệ vùng xanh” có thể xem xét thực hiện “2 tại chỗ” kết hợp “1 cung đường 2 điểm đến” (DN thuê nơi ở gần nhà máy tự tổ chức đưa đón công nhân). Mặt khác, lao động trong thời gian dài thực hiện “3 tại chỗ” phát sinh nhiều bất cập nên cần tính đến phương án sản xuất khác phù hợp với tình hình chống dịch kéo dài.
Chẳng hạn, Công ty cổ phần May xuất khẩu Hà Phong, xã Đoan Bái (Hiệp Hòa) là đơn vị chuyên sản xuất quần áo người lớn, trẻ em xuất khẩu sang các nước: Mỹ, Canada, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc… Trong tháng 5, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên nhiều lao động của Công ty thuộc vùng cách ly và giãn cách xã hội tạm thời nghỉ việc. Hơn 2 tháng trở lại đây, dịch cơ bản được kiểm soát, DN đã nhanh chóng bắt tay khôi phục sản xuất, kinh doanh. Công ty đã tái thiết lại mô hình hoạt động trong tình hình mới, vừa sản xuất vừa tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng dịch.
Hay tại Công ty TNHH Crystal Martin Việt Nam (KCN Quang Châu), đơn vị đã tuyển và gọi đủ 10.000 lao động đi làm trở lại. Các dây chuyền sản xuất vận hành bình thường, đạt công suất 100% như thời điểm chưa có dịch.
Còn tại Tổng Công ty CP May 10, hoạt động sản xuất vẫn duy trì bình thường và đảm bảo cho DN không bị động về nhân lực, tạo cơ hội thúc đẩy tiến độ giao hàng đúng theo hợp đồng đã ký kết tới các khách hàng trên toàn cầu. Qua đó, bù đắp được khoảng trống do lùi thời hạn giao hàng. Đây là phương pháp rất hợp lý để khoanh vùng dập dịch mà vẫn đảm bảo phát triển kinh tế.
“Uyển chuyển” thích nghi với mọi tình huống
Thực tế, trong quá trình khôi phục sản xuất, công tác phòng dịch COVID-19 của các đơn vị đã được kích hoạt ở mức cao nhất, song không làm chậm quá trình sản xuất.
Sống chung với đại dịch, ổn định sản xuất, May 10 vẫn áp dụng triệt để theo các kịch bản về công tác phòng, chống dịch tại nơi làm việc và xử lý tình huống trong tình trạng khẩn cấp. Thường xuyên đánh giá nguy cơ lây nhiễm tại đơn vị.
Ngoài ra, DN còn áp dụng linh hoạt về thời gian giãn ca, thay ca luân phiên giữa các nhóm người lao động trong điều kiện kiểm soát dịch bệnh trong DN. Đặc biệt, phối hợp với các cấp chính quyền để tiêm vaccine (mũi 2 tại Hà Nội), tiến tới toàn bộ người lao động tại 7 tỉnh, thành có các nhà máy của May 10 đang hoạt động.
Nhà máy dệt may M2F thuộc Công ty CP M2 Việt Nam thì chủ động xây dựng kịch bản để ứng phó với dịch bệnh một cách linh hoạt và hiệu quả, bảo đảm an toàn sức khỏe cho toàn thể người lao động. M2F yêu cầu người lao động tuân thủ triệt để quy định 5K khi làm việc hay thậm chí là lúc giải lao. Các bàn ăn đều sử dụng vách ngăn và giới hạn tối đa 4 người, trên bàn luôn có poster tuyên truyền để nhắc nhở người lao động về quy định phòng dịch.
Hiện nay, các DN đều chấp hành nghiêm công tác phòng, chống dịch. Tại mỗi DN đều thành lập Tổ an toàn COVID để giám sát sức khỏe người lao động, khách hàng ra, vào công ty; bố trí phòng y tế khu cách ly cho công nhân, đo thân nhiệt cho người lao động trước khi vào và lấy mẫu xét nghiệm đủ số lần được yêu cầu.
Đa số các doanh nghiệp cũng đưa ra nhiều phương án phát triển để không rơi vào thế bị động, cùng xây dựng xã hội “bình thường mới”, chuẩn bị sẵn tâm thế để có thể bắt nhịp ngay sau khi hết giãn cách. Hiện các đơn vị không còn thực hiện kế hoạch theo quý, theo tháng, thậm chí cho cả năm, bây giờ kế hoạch có thể thay đổi từng ngày, từng giờ tùy theo diễn biến thực tế. Ngoài ra, nhiều DN cũng nỗ lực tìm kiếm đơn hàng để người lao động được sản xuất các sản phẩm chủ lực, mang lại hiệu quả cao; tìm cách cùng các DN khác tăng cường liên kết chuỗi trong sản xuất, để các đơn vị trong chuỗi cùng ổn định và phát triển.
Phó Chủ tịch Kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Hà Nội (HANOISME) Mạc Quốc Anh từng nói: "Nền kinh tế không thể đợi đến khi chúng ta kiểm soát hoàn toàn dịch bệnh. Chúng ta cần có những biện pháp linh hoạt hơn, mạnh dạn hơn để khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, đảm bảo "mục tiêu kép" đã đề ra”. Và nhiều DN trên cả nước đã làm được điều đó, vì một nền kinh tế phục hồi và phát triển hậu COVID-19.
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NĐ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)