Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết sẽ áp dụng kiên quyết các biện pháp cưỡng chế nợ theo quy định của Luật Quản lý thuế và công khai thông người nộp thuế chây ỳ trên phương tiện thông tin đại chúng.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Mai Sỹ Diến - Thanh Hoá về vấn đề nợ đọng thuế và các giải pháp nhằm khắc phục, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết gần đây nhất Bộ Tài chính có Chỉ thị số 04 của Bộ trưởng về tăng cường công tác quản lý nợ và cưỡng chế thu hồi nợ để giảm nợ đọng thuế. Giao chỉ tiêu thu nợ cho từng Chi cục thuế, đến từng bộ phận, phân công từng cán bộ, công chức thu nợ và áp dụng kiên quyết các biện pháp cưỡng chế nợ theo quy định của Luật Quản lý thuế và công khai thông người nộp thuế chây ỳ trên phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, theo chương trình bộ đã soạn thảo và trình Chính phủ, tới đây sẽ báo cáo Quốc hội sửa đổi Luật.
Ảnh minh họa
Theo người đứng đầu ngành Tài chính, mấy năm gần đây đã thu nợ đọng thuế đạt khoảng 82% số nợ đọng có khả năng thu. Cụ thể, năm 2016 đã thu được 40.049 tỷ đồng, tăng 6,6% so với cùng kỳ. Năm 2017 thu được 44.773 tỷ đồng, tăng 12% so với năm trước và 9 tháng đầu năm 2018, chúng tôi đã thu được 25.382 tỷ đồng, đạt 61% số tiền nợ đọng thuế có khả năng thu hồi đến ngày 31/12/2017. Đồng thời hàng năm đã đôn đốc, thu hồi các khoản thuế truy thu, tiền phạt theo kết luận của cơ quan kiểm toán và đạt trên 80% số kiến nghị tăng thu.
Về tỷ lệ nợ đọng thuế trên tổng thu nội địa thì đã giảm dần qua các năm. Năm 2016 là 8,5%, cuối năm 2017 còn 7,6% và tính đến cuối tháng 9 năm 2018 còn 7,5%.
Về tỷ lệ nợ đọng thuế có khả năng thu trên tổng thu nội địa đã giảm mạnh, năm 2016 là 5,6%, năm 2017 là 4,4% và cuối tháng 9/2018 còn 4,3%.
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, nếu so sánh với các nước trong khu vực ASEAN thì tỷ lệ nợ đọng thuế trên tổng thu nội địa của Việt Nam hiện nay ở mức khoảng 7,5%, trong khi các nước trong khu vực ASEAN bình quân là 8,5%, các nước OECD là 9,2%.
Tuy nhiên, tính đến cuối tháng 9/2018 đang đọng 82.961 tỷ đồng, trong đó nợ thuế không có khả năng thu hồi chiếm 42,1% trên tổng số nợ đọng thuế, tăng 11% so với thời điểm ngày 31/12/2017. Tiền phạt vi phạm hành chính thuế và chậm nộp thuế chiếm tỷ trọng 20% và tăng 6%.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết nguyên nhân nợ thuế chủ yếu do số nợ đọng không có khả năng thu hồi của người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, giải thể phá sản và không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh và tiền phạt, tiền chậm nộp tính 0,03%/ 1 ngày. Hiện Bộ Tài chính đang tổng hợp rà soát phân tích và báo cáo Quốc hội về xử lý nợ đọng thuế không có khả năng thu hồi.
Giải pháp khắc phục tình trạng kinh doanh không xuất hóa đơn
Trả lời chất vấn của đại biểu về tình trạng kinh doanh không xuất hóa đơn VAT vẫn diễn ra phổ biến, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết từ trước đến nay vẫn còn tình trạng một số người nộp thuế không xuất hóa đơn, không kê khai nộp thuế và gây thất thu thuế cho ngân sách.
“Qua thanh tra, kiểm tra chúng tôi thấy không xuất hóa đơn mà có những doanh nghiệp, có những cá nhân lập nên doanh nghiệp để lợi dụng buôn bán hóa đơn và rút tiền hoàn thuế của nhà nước. Đã nhiều doanh nghiệp bị phát hiện như thế và chúng tôi đã phối hợp với các cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan công an xử lý nghiêm một số vụ”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.
Vừa qua Bộ Tài chính cũng đã kiến nghị với Chính phủ, trình với Chính phủ ban hành Nghị định số 119 tháng 9 năm 2018 quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa cung cấp dịch vụ. Trong thực tế, mấy năm vừa qua Bộ Tài chính cũng đã triển khai rất đồng bộ các giải pháp như kê khai, nộp thuế, hoàn thuế hóa đơn điện tử.
Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Tài chính, các doanh nghiệp và nhà đầu tư đã có ý thức chấp hành pháp luật về thuế, bán hàng hóa có xuất hóa đơn và kê khai nộp thuế. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng bán hàng không xuất hóa đơn. Để khắc phục tình trạng này ngoài công tác thanh tra, kiểm tra, cần tổ chức thực hiện tốt Nghị định 119 về hóa đơn điện tử.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đang tập trung vào sửa đổi Luật Quản lý thuế và trình với Quốc hội kỳ này. Cùng với đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mọi người dân hiểu về việc mua hàng hóa dịch vụ phải được cung cấp hóa đơn, chứng từ; tăng cường giải pháp đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt.
Bộ Tài chính cũng sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về thuế và vi phạm pháp luật về hóa đơn.