Nợ đọng thuế có xu hướng gia tăng

Lan Trần| 23/04/2019 15:05
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, tính đến 31/3/2019 số nợ đọng là 82.972 tỷ đồng, chiếm 7,1% tổng số dự kiến thu nội địa năm 2019, tăng 8,7% so với thời điểm 31/12/2018.

Thông tin trên đã được Tổng cục Thuế báo cáo tại Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ Quý I và tiếp tục triển khai nhiệm vụ trọng tâm công tác quản lý thuế năm 2019.

Cụ thể theo báo cáo của Tổng cục Thuế, tính đến 31/3/2019 số nợ đọng là 82.972 tỷ đồng, chiếm 7,1% tổng số dự kiến thu nội địa năm 2019, tăng 8,7% so với thời điểm 31/12/2018; giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2018 (31/3/2018). Trong đó: Tiền thuế nợ có khả năng thu là 45.332 tỷ đồng, chiếm 54,6% tổng số tiền thuế nợ thuế và nợ không còn khả năng thu là 37.640 tỷ đồng, chiếm 45,4% tổng số tiền thuế nợ thuế.

Nợ đọng thuế có xu hướng gia tăng

Ảnh minh họa

Báo cáo cho thấy tình hình nợ đọng thuế trong quý 1/2019 diễn biến phức tạp và đang có xu hướng tăng dần lên qua các tháng. Ngoài nguyên nhân do ý thức chấp hành pháp luật thuế của một bộ phận người nộp thuế chưa cao, chưa nộp đúng, đủ, kịp thời số phát sinh phải nộp vào NSNN theo quy định của pháp luật thì còn có nguyên nhân chủ quan do các đơn vị quản lý nợ chưa áp dụng triệt để các biện pháp đôn đốc cưỡng chế theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế nên hiệu quả công tác thu nợ chưa cao.

Theo Tổng cục Thuế, nợ đọng thuế tăng ở hầu hết các địa phương. Nguyên nhân khách quan là do tình trạng doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính, mất khả năng thanh toán, ngừng hoạt động, bỏ khỏi địa chỉ kinh doanh, tự giải thể, phá sản và một bộ phận người nộp thuế ý thức chấp hành pháp luật thuế chưa cao và số nợ thuế của nhiều năm trước tồn đọng kéo dài không thu hồi được, số tiền chậm nộp tính 0,03%/ngày tăng lên. Tuy nhiên cũng còn nguyên nhân chủ quan là do các doanh nghiệp kê khai thuế tháng 12/2018, quý 4/2018 và quyết toán thuế năm 2018 phát sinh thuế phải nộp nhưng chưa nộp kịp thời, đúng hạn vào ngân sách nhà nước.

Qua kiểm toán quyết báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017 tại các địa phương, Kiểm toán nhà nước kiến nghị ghi tăng thêm số nợ đọng tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (3.440 tỷ) của các dự án vướng mắc giải phóng mặt bằng, chưa đi vào khai thác sử dụng, cơ quan thuế đã kiến nghị UBND địa phương, Bộ Tài nguyên môi trường thu hồi đất, thu hồi dự án và Cục Thuế các địa phương chưa tổng hợp vào tổng số nợ đọng.

Nhiệm vụ thu NSNN năm 2019 Quốc hội, Chính phủ giao cho Bộ Tài chính là 1.411.300 tỷ đồng, trong đó nhiệm vụ thu giao cho cơ quan Thuế là 1.168.100 tỷ đồng (chiếm 82,8% tổng thu NSNN). Do đó, để thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã yêu cầu ngành Thuế  tiếp tục hoàn chỉnh chương trình pháp luật theo chương trình Bộ giao, trong đó đặc biệt chú ý đến 2 dự án quan trọng đó là Luật Quản lý thuế (dự kiến được QH thông qua tại kỳ họp tháng 5/2019); Đối với Nghị quyết về xử lý nợ đọng thuế không có khả năng thu hồi cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét cho ý kiến thông qua vào kỳ họp tháng 10/2019.

Bộ trưởng cũng yêu cầu rà soát lại công tác hiện đại hóa, cải cách hành chính, sự phối hợp với các bộ ngành, địa phương trong giải quyết thủ tục hành chính. Trước khi có giải pháp căn cơ, đồng bộ, các địa phương cần chủ động thực hiện và Tổng cục Thuế cần có sự hậu thuẫn kịp thời.

Đối với công tác đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế, Bộ Tài chính đã ban hành Chỉ thị 04, yêu cầu ngành Thuế tiếp tục thực hiện và triển khai ngay từ ngày đầu tháng đầu. Công tác thanh kiểm tra cũng cần được quyết liệt triển khai để tăng thu cho NSNN. Bên cạnh đó, đẩy mạnh kiểm tra giám sát kê khai của người nộp thuế, quản lý, giám sát chặt chẽ công tác hoàn thuế đảm bảo nhanh, tạo điều kiện cho DN, người dân thực hiện sản xuất kinh doanh; có kế hoạch cụ thể kiểm tra đối với những DN có rủi ro cao về thuế và kiên quyết xử lý đối với những vụ việc sai phạm.

Ngoài ra, ngành Thuế cần đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền bởi đây thực sự là một công đoạn quan trọng của công tác quản lý thuế. Cùng với đó, tiếp tục hoàn thiện đề án thu thuế điện tử đối với khu vực ngoài quốc doanh, nhất là các hộ kinh doanh; Triển khai đề án hóa đơn điện tử; Đề án kế toán thuế đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ để thúc đẩy DN phát triển... Xây dựng dữ liệu cơ sở Quốc gia về người nộp thuế; Thực hiện giám sát thanh tra, kiểm tra theo phương thức điện tử...vẫn tiếp tục là những nội dung được chú trọng thực hiện trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nợ đọng thuế có xu hướng gia tăng