Độ tuổi thanh thiếu niên đang là giai đoạn hình thành nhân cách, dễ bị tác động bới yếu tố bên ngoài, chất kích thích, bốc đồng, hay thể hiện. Trong khoảng thời gian này nếu các bậc phụ huynh lơi lỏng, nhà trường, cơ quan chức năng thiếu quan tâm, định hướng, các em dễ bị sa ngã, có hành vi vi phạm pháp luật.
Theo thống kê của Công an tỉnh Ninh Bình trong 9 tháng năm 2024, số vụ thanh thiếu niên vi phạm pháp luật tiếp tục chiếm tỷ lệ cao trong tỷ lệ cơ cấu tội phạm. Nổi lên là tình trạng thanh thiếu niên tụ tập gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích, trộm cắp, cướp, cướp giật tài sản… ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh trật tự trên địa bàn.
Qua tìm hiểu, nghiên cứu các vụ án, vụ việc trên cho thấy nguyên nhân phần lớn là do nhận thức, hiểu biết pháp luật của một bộ phận thanh thiếu niên còn hạn chế. Trong khi đó sự quan tâm, giáo dục, quản lý của một số bậc phụ huynh còn lỏng lẻo; một số thanh thiếu niên thiếu lý tưởng, hoài bão, lười học tập, rèn luyện, thích lối sống hưởng thụ hoặc do ảnh hưởng của những trang mạng xã hội thiếu lành mạnh.
Trước tình hình đó, với vai trò, chức trách, nhiệm vụ của mình, lực lượng Công an đã chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp, giải pháp trong phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tình trạng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật.
Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo lực lượng Công an từ tỉnh đến cơ sở chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, cơ sở giáo dục đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật. Thông báo, nêu rõ nguyên nhân, nguy cơ, chế tài xử lý của pháp luật đối với các hành vi vi phạm bằng nhiều hình thức đa dạng để phòng ngừa, răn đe chung.
Lực lượng Công an từ tỉnh đến cơ sở triển khai đồng bộ các biện pháp công tác, nắm chắc tình hình, quản lý chặt chẽ các đối tượng có tiền án, tiền sự, đối tượng ma túy, các đối tượng có biểu hiện, dấu hiệu vi phạm pháp luật để quản lý, phòng ngừa.
Siết chặt công tác quản lý cư trú và các ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự …kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những sơ hở, thiếu sót, không để tội phạm lợi dụng thực hiện hành vi phạm tội.
Phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường nắm tình hình, theo dõi, xử lý nghiêm các trang mạng xã hội, trò chơi trực tuyến có nội dung kích động, cổ xúy bạo lực, dâm ô, đồi trụy, trái đạo đức, trái với thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật; đồng thời chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi lợi dụng không gian mạng để thực hiện hành vi phạm tội.
Phát huy tối đa hiệu quả hoạt động của các Tổ công tác 161 trong tăng cường tuần tra, kiểm soát, nhất là trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp thanh thiếu niên có hành vi vi phạm pháp luật.
Làm tốt công tác tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác về tội phạm. Nâng cao chất lượng công tác điều tra, xử lý tội phạm thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, đảm bảo mọi hành vi vi phạm pháp luật đều được phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng người, đúng tội, không oan sai, không bỏ lọt tội phạm.
Tuy vậy, trong thời gian tới, tình hình tội phạm trong lứa tuổi thanh thiếu niên dự báo sẽ còn những diễn biến phức tạp. Ngoài sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng Công an, để phòng, chống tội phạm trong lứa tuổi thanh thiếu niên, góp phần bảo đảm tốt an ninh trật tự trên địa bàn đang đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ cho các cấp, các ngành.
Mỗi người, mỗi nhà cần thực sự quan tâm nhiều hơn nữa đến công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tình trạng vi phạm pháp luật trong thanh thiếu niên, từ đó góp phần bảo đảm tốt an ninh trật tự trên địa bàn, vì cuộc sống an toàn, lành mạnh cho mỗi người, mỗi nhà và toàn xã hội.
Gây mất trật tự công cộng là hành vi gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm đến quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân. Người có hành vi gây mất trật tự công cộng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tội gây rối trật tự công cộng được quy định tại Điều 318 Bộ luật Hình sự. Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi gây rối trật tự công cộng hoặc đã bị kết án về tội gây rối trật tự công cộng, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù cao nhất lên tới 7 năm.