Theo thống kê ban đầu, tại tỉnh Ninh Bình, hơn 77.000 ha lúa bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3, trong đó có 66.780 ha bị ngập trắng hoàn toàn. Hiện các ngành chức năng và địa phương đang khẩn trương, tích cực triển khai các phương án hỗ trợ khôi phục sản xuất và ổn định đời sống nhân dân.
Trước, trong và sau bão, cả hệ thống chính trị tỉnh Ninh Bình vào cuộc với tinh thần chủ động, linh hoạt và trách nhiệm cao nhất. Dưới sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương đã đồng loạt triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống bão theo phương châm “4 tại chỗ” nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản, bảo vệ an toàn hệ thống đê điều, đảm bảo ổn định sản xuất và đời sống nhân dân.
Lực lượng Công an, Quân đội, Biên phòng, dân quân tự vệ được huy động tối đa, bố trí trực ban 24/24h tại các điểm xung yếu. Các sở, ngành liên quan triển khai kiểm tra hệ thống hồ đập, cống tiêu thoát nước, các công trình đê điều đang thi công, chuẩn bị đầy đủ vật tư, trang thiết bị, máy móc phòng sự cố.
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh Ninh Bình, tính đến 16h ngày 22/7/2025, toàn tỉnh không ghi nhận thiệt hại về người, song thiệt hại về sản xuất nông nghiệp và cơ sở hạ tầng là đáng kể.
Tổng diện tích lúa mùa bị ảnh hưởng là 77.548ha, trong đó có 66.780ha ngập trắng hoàn toàn, 7.345ha ngập phất phơ và 3.423ha ngập sâu đến 2/3 thân cây. Bên cạnh đó, 783ha rau màu hè thu cũng bị ảnh hưởng do mưa lớn, ngập úng kéo dài.
Trong ngày 21 và 22/7, toàn tỉnh đã vận hành 345 máy bơm tại 110 trạm bơm tiêu nhằm khẩn trương tiêu úng và cứu lúa.
Trong lĩnh vực thủy sản, hàng chục nghìn hecta nuôi trồng, đặc biệt là khu vực ngoài đê bị ngập, đe dọa nghiêm trọng đến sinh kế của người dân. Trước đó, các địa phương đã tổ chức sơ tán khẩn cấp 894 lao động tại 782 lều chòi ngoài đê, 891 lồng bè và 3.510 người dân ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.
Về hạ tầng, tỉnh Ninh Bình đã ghi nhận hai điểm sạt lở nghiêm trọng tại đê bối Nam Quần Liêu (K1+850) và khu vực núi Vái Giời (phường Nam Hoa Lư), tuy nhiên đã được xử lý kịp thời theo phương án “4 tại chỗ”.
Các trụ sở cơ quan, trường học, khu công nghiệp, trang trại chăn nuôi và cơ sở sản xuất cơ bản vẫn an toàn, không phát sinh thiệt hại lớn.
Hiện các ngành chức năng và địa phương đang tiếp tục kiểm kê thiệt hại, triển khai các phương án hỗ trợ khôi phục sản xuất và ổn định đời sống nhân dân.
Song song với với công tác khắc phục hậu quả, các cấp, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về chủ động phòng, chống thiên tai; đồng thời cập nhật, hoàn thiện các kịch bản ứng phó; bổ sung vật tư, phương tiện và tổ chức diễn tập định kỳ…