Văn hóa - Du lịch

Ninh Bình chú trọng phát triển du lịch tâm linh

Hà Kim 18/02/2025 - 13:57

Những năm gần đây, du lịch hành hương, du lịch tâm linh kết hợp nghỉ dưỡng là loại hình thu hút rất đông du khách bởi mang nhiều giá trị không chỉ về mặt tinh thần, mà còn về mặt sức khỏe thể chất. Ninh Bình không những nổi tiếng với những danh lam thắng cảnh thiên nhiên hùng vĩ, Ninh Bình còn là nơi hội tụ nhiều giá trị văn hóa tâm linh sâu sắc. Đây là thế mạnh để Ninh Bình tiếp tục khai thác tiềm năng du lịch tâm linh, góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của địa phương.

Du lịch tâm linh là một loại hình du lịch đặc biệt, kết hợp giữa việc khám phá văn hóa, lịch sử với việc tìm kiếm sự bình yên, thanh thản trong tâm hồn.

Đây không chỉ là một chuyến đi đơn thuần mà còn là một hành trình trải nghiệm những giá trị tinh thần sâu sắc.

goi-y-lich-trinh-du-lich-ninh-binh-3-ngay-2-dem-cuc-chi-tiet-04-1641233516.jpg
Các hoạt động trong du lịch tâm linh rất đa dạng, bao gồm tham quan, lễ bái, thiền định, yoga, tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, tham gia các lễ hội truyền thống

Khác với du lịch thông thường, du lịch tâm linh không chỉ tập trung vào việc tham quan, nghỉ dưỡng, mà còn hướng đến việc tìm hiểu về các giá trị văn hóa, tín ngưỡng, triết lý sống. Du khách tham gia loại hình du lịch này thường mong muốn tìm kiếm sự bình an, tĩnh lặng trong tâm hồn, giải tỏa căng thẳng, lo âu trong cuộc sống.

Dịp đầu xuân, các khu di tích, điểm văn hóa tâm linh trên địa bàn tỉnh thu hút rất đông người dân, du khách đến tham quan, chiêm bái, nguyện cầu những điều may mắn, bình an, hạnh phúc. Tại Khu di tích đặc biệt Cố đô Hoa Lư, nơi lưu giữ những dấu ấn vàng son của ông cha, cùng những công trình kiến trúc cổ kính cũng là một trong những điểm đến luôn tập trung đông du khách. Theo đại diện Trung tâm Bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa Cố đô Hoa Lư, lượng khách trong những đầu xuân tăng cao so với các thời điểm khác trong năm. Tính riêng trong đợt Tết Nguyên đán Ất Tỵ, trung bình mỗi ngày nơi đây đón khoảng 3.000 lượt khách, tăng hơn 10% so với dịp Tết năm 2024.

Bà Lê Thị Bích Thục, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa Cố đô Hoa Lư cho biết: Hàng ngày, Khu di tích đón tiếp rất nhiều du khách đến tham quan, chiêm bái, vãn cảnh. Bên cạnh việc bảo tồn giá trị các công trình, bảo vật, chúng tôi thường xuyên chỉnh trang cơ sở vật chất, cảnh quan để du khách tới đây không chỉ hiểu thêm về lịch sử, công lao các vị vua, Anh hùng dân tộc mà còn tìm đến sự chiêm nghiệm, thư thái, an lành trong tâm hồn.

Chị Lê Kim Dung, du khách Hà Nội chia sẻ: Lý do đầu tiên gia đình tôi chọn Ninh Bình là điểm đến trong những là vì phong cảnh đẹp, mang đến cảm giác thư thái; lý do thứ hai vì “tính thiêng” ở những đền, chùa trong đó có Cố đô Hoa Lư. Không chỉ là dịp để cầu mong cho gia đình luôn mạnh khỏe, may mắn và hạnh phúc mà đây còn là dịp để giáo dục cho các con hiểu được truyền thống yêu nước và tinh thần đấu tranh anh hùng bất khuất của cha ông.

Theo bà Nguyễn Thị Hằng, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ du lịch Ninh Bình, những năm gần đây đặc biệt kể từ sau đại dịch COVID-19, du lịch hành hương, du lịch tâm linh kết hợp nghỉ dưỡng là loại hình thu hút rất đông du khách bởi mang nhiều giá trị không chỉ về mặt tinh thần mà còn về mặt sức khỏe thể chất. Loại hình này giúp du khách thư giãn, giảm stress, tìm lại sự cân bằng trong cuộc sống, đồng thời mở rộng hiểu biết về văn hóa, lịch sử.

chua-bich-dong-1024x570.jpg
Chùa Bích Động - một ngôi chùa cổ được ví như viên ngọc quý nằm bình yên giữa núi non đại ngàn

Các hoạt động trong du lịch tâm linh rất đa dạng, bao gồm tham quan, lễ bái, thiền định, yoga, tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, tham gia các lễ hội truyền thống. Ninh Bình là một trong những địa phương đứng đầu về tiềm năng, thế mạnh để khai thác loại hình này. Từ dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ đến nay, Công ty đã nhận lịch và dẫn hàng trăm tour du lịch kết hợp hành hương, chiêm bái tại Ninh Bình, trong đó ghi nhận sự gia tăng của nhiều đoàn khách nước ngoài.

Đánh giá về tác động của loại hình du lịch này đối với sự phát triển bền vững, bà Dương Thị Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh cho rằng, du lịch tâm linh đóng góp quan trọng không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà cả lĩnh vực xã hội và môi trường. Có thể nhận thấy rõ sức hút của du lịch tâm linh nhìn từ kết quả của du lịch Ninh Bình trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2025. Lần đầu tiên, doanh thu của du lịch Ninh Bình “bước vào đường đua” nghìn tỷ, lọt top 10 địa phương có doanh thu du lịch lớn nhất cả nước trong dịp Tết.

Về lĩnh vực xã hội, du lịch tâm linh góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao nhận thức cộng đồng về lịch sử, văn hóa, lan tỏa những giá trị tốt đẹp của cha ông. Về môi trường, bà Dương Thị Thanh cho rằng, du lịch tâm linh là loại hình ít gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và cảnh quan.

Tuy nhiên, cũng theo đại diện của Hiệp hội Du lịch tỉnh, nhìn từ các địa phương hiện nay, việc khai thác du lịch tâm linh cũng đặt ra không ít thách thức trong quản lý và bảo tồn các di tích lịch sử - văn hóa cũng như nâng cao sản phẩm, chất lượng dịch vụ. Thách thức này đòi hỏi sự đầu tư lớn về kinh phí, nhân lực và sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp chính quyền, các tổ chức tôn giáo và cộng đồng dân cư.

Đồng thời,ngành cần cần tiếp tục xây dựng những chiến lược phát triển du lịch tâm linh bền vững, tránh thương mại hóa du lịch tâm linh, làm mất đi tính tôn nghiêm, linh thiêng của các di tích. Ngoài ra, cần chú trọng đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên, thủ từ chuyên nghiệp, am hiểu về lịch sử, văn hóa tâm linh.

Để khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch tâm linh ở Ninh Bình, bà Dương Thị Thanh cũng đặc biệt nhấn mạnh đến hoạt động liên kết với các địa phương để xây dựng các sản phẩm hấp dẫn như con đường du lịch Phật giáo (kết nối 3 ngôi chùa nổi tiếng đó là chùa Hương - chùa Tam Chúc - chùa Bái Đính); con đường du lịch về nguồn gắn với các hành cung thời Trần (hành cung Thiên Trường, Nam Định - hành cung Lỗ Giang, Thái Bình và hành cung Vũ Lâm, Ninh Bình); hoặc khai thác con đường du lịch tâm linh gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ… Trong đó, con đường du lịch Phật giáo đã được nhiều công ty, đơn vị lữ hành khai thác hiệu quả.

Để khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch tâm linh một cách bền vững, Ninh Bình cần tiếp tục xây dựng những giải pháp đồng bộ. Trong đó đặc biệt chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao chất lượng dịch vụ, xây dựng thương hiệu du lịch tâm linh để Ninh Bình khẳng định vị thế là một điểm đến du lịch tâm linh hàng đầu của Việt Nam và khu vực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ninh Bình chú trọng phát triển du lịch tâm linh