Xã hội

Niềm tin Công lý số 28: Đảm bảo công bằng cho trẻ em

Minh Anh 27/05/2025 - 09:55

Trường học là không gian an toàn, là nơi vun đắp tri thức và nhân cách cho thế hệ tương lai. Tuy nhiên, dư luận nhiều lần đã phải phẫn nộ trước những vụ việc giáo viên xâm hại chính học sinh của mình. Chương trình “Niềm tin Công lý” số 28 nhìn nhận lại một vụ án “dâm ô đối với trẻ em” mà bị cáo chính là giáo viên tại ngôi trường mà nạn nhân- một nữ sinh lớp 10 đang theo học.

Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, mỗi năm có hàng trăm vụ trẻ em bị xâm hại, trong đó một phần không nhỏ xảy ra tại chính môi trường học đường – nơi mà lẽ ra phải là “pháo đài” an toàn nhất với trẻ em. Điều này cho thấy mức độ nguy hiểm và phức tạp của loại tội phạm ẩn dưới lớp vỏ bọc “chăm sóc, giáo dục”. Trong chương trình “Niềm tin Công lý” số 28, khán giả sẽ được theo dõi lại phần phục dựng của vụ án một giáo viên môn Địa lý của Trường THPT tại tỉnh Gia Lai, bị áp dụng tình tiết tăng nặng khi bị xét xử về tội "dâm ô đối với trẻ em” do nạn nhân chính là học sinh nơi bị cáo làm việc.

ntcl1.jpg

Theo hồ sơ vụ án, sáng ngày 02/4/2017, em Nguyễn Thị T. (sinh năm 2001) – học sinh lớp 10 – đã tới phòng ở của thầy Đinh Quang D. Tại đây, sau khi đóng cửa phòng, bị cáo D đã thực hiện nhiều hành vi ôm, sờ soạng, ôm ấp… em T. Toàn bộ hành vi này được em T. kể lại cho gia đình nên mẹ của em đã làm đơn tố giác đến cơ quan chức năng.

ntcl3.jpg
Lợi dụng sự ngây thơ của học sinh, bị cáo D. đã thực hiện nhiều hành vi ôm, sờ soạng,… em T.

Ở cấp xét xử sơ thẩm và phúc thẩm, bị cáo chỉ bị xử phạt 07 tháng tù theo khoản 1 Điều 116 Bộ luật Hình sự năm 1999, HĐXX không coi bị cáo có tình tiết định khung tăng nặng “Đối với trẻ em mà người phạm tội có trách nhiệm giáo dục” quy định tại điểm c khoản 2 Điều 116 Bộ luật Hình sự năm 1999.

Năm 2019, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã có Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đề nghị hủy bản án hình sự sơ thẩm và bản án hình sự phúc thẩm vì cho rằng hành vi phạm tội của Đinh Quang D. phải được xét xử với tình tiết định khung tăng nặng “Đối với trẻ em mà người phạm tội có trách nhiệm giáo dục”.

Tại phiên giám đốc thẩm, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; hủy Bản án hình sự sơ thẩm số 55/2017/HSST ngày 02/10/2017 của Tòa án nhân dân huyện Chư Prông, Bản án hình sự phúc thẩm số 97/2017/HSPT ngày 29/12/2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai và Quyết định giám đốc thẩm số 55/2018/HS-GĐT ngày 23/10/2018 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng để xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

ntcl4.jpg
Bị cáo phải nhận bản án nghiêm khắc của pháp luật

Đây là một quyết định có nhận định quan trọng, góp phần củng cố niềm tin vào hệ thống tư pháp và khẳng định, mọi hành vi xâm hại trẻ em, bất kể của ai, đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật theo đúng tính chất, mức độ của hành vi.

Vụ án Đinh Quang D. không phải là cá biệt. Theo thống kê của Bộ Công an, chỉ trong vòng 5 năm trở lại đây, cả nước đã phát hiện nhiều vụ xâm hại trẻ em do chính giáo viên, nhân viên nhà trường thực hiện. Phổ biến là các hành vi như: dâm ô, quấy rối tình dục, cưỡng ép chụp ảnh nhạy cảm, thậm chí là cưỡng hiếp.

Trường học là môi trường mà giáo viên có “quyền uy sư phạm”, khả năng kiểm soát hành vi học sinh, và tiếp cận gần gũi với các em. Nếu đạo đức người thầy bị tha hóa, thì chính môi trường này lại trở thành nơi lợi dụng để thực hiện hành vi xâm hại tình dục.

Ở nhiều vụ việc, học sinh bị xâm hại đã cố gắng nói ra nhưng cũng chịu nhiều áp lực bởi tư tưởng “tôn sư trọng đạo”.

ntcl7.jpg
Các chuyên gia của chương trình nhận định các cơ sở giáo dục cần phải triển khai ngay các giải pháp thiết thực hơn, mạnh mẽ hơn để đảm bảo an toàn cho học sinh

Các chuyên gia của chương trình nhận định: Nhiều cơ sở giáo dục không có bộ phận chuyên trách về bảo vệ trẻ em, không có đường dây nóng tố giác, hoặc có nhưng không được tuyên truyền rộng rãi. Học sinh không biết cách báo cáo; phụ huynh không biết nơi phản ánh. Trong khi đó, hiện tượng “ngại làm to chuyện” và tư duy “giải quyết nội bộ” lại đang phổ biến trong nhiều nhà trường – vô hình trung tạo ra môi trường dung dưỡng cho cái ác.

Vụ án đã mở ra yêu cầu về xây dựng môi trường giáo dục theo hướng lấy an toàn của học sinh làm giá trị trung tâm, để trường học thực sự là nơi gieo mầm tri thức khi mỗi đứa trẻ được đảm bảo an toàn tuyệt đối – về thân thể, nhân phẩm, và cảm xúc.

Đã đến lúc xã hội, ngành giáo dục, và pháp luật phải cùng nhìn thẳng vào sự thật: xâm hại trẻ em không chỉ đến từ yếu tố bên ngoài, mà đôi khi đến từ trong chính hệ thống mà ta tin tưởng nhất. Nếu công lý không lên tiếng kịp thời, thì sự im lặng sẽ là tội ác. Và nếu nhà trường không bảo vệ được trẻ em, thì rất khó để các em có thể học cách lớn lên trong an toàn và nhân văn.

Chương trình Niềm tin Công lý số 28 được phát sóng trên kênh VTV1 vào lúc 22h30 tối thứ Ba ngày 27/5.

Niềm tin Công lý số 28: Đảm bảo công bằng cho trẻ em
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Niềm tin Công lý số 28: Đảm bảo công bằng cho trẻ em