Những vụ án sau giải phóng và bản án nghiêm khắc cho các đối tượng âm mưu chống phá cách mạng

Như Loan (tổng hợp)| 30/04/2019 08:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sau giải phóng miền Nam, lực lượng Công an đã đấu tranh khám phá nhiều tổ chức phản động, đập tan âm mưu chống phá cách mạng Việt Nam.

Bản án thích đáng trừng trị các tổ chức phản động là bài học cảnh tỉnh cho những đối tượng đi ngược lại với lợi ích dân tộc và nhân dân.

Bóc mẽ các tổ chức phản động “Mặt trận phục quốc cứu nguy dân tộc”

 “Mặt trận phục quốc cứu nguy dân tộc” là tổ chức phản động do Hoàng Ngọc Hạnh ở huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định (cũ) cầm đầu.

Theo tài liệu, với bản chất chống phá cách mạng, Hoàng Ngọc Hạnh đã tập hợp lực lượng thành lập tổ chức "Mặt trận phục quốc cứu nguy dân tộc" bao gồm các đối tượng là nguỵ quân, nguỵ quyền, một số tên phản động để thực hiện âm mưu phản động nhằm lật đổ chính quyền.

Để che giấu tung tích, Hạnh đã đổi tên thành Huỳnh Văn Tiết (tức Sáu Bình) tiến hành các hoạt động vũ trang, gây bạo loạn nhưng chưa kip thực hiện đã bị bắt giữ.

Tháng 1/1977, sau khi kế hoạch bị bại lộ, đồng bọn của Hạnh bị bắt giữ, Hạnh lại cùng gia đình bỏ trốn về thôn Bình Sơn, xã Văn Hải, huyện Ninh Hải (nay thuộc TP. Phan Rang-Tháp Chàm) nhờ Trần Kháng (là bạn với con trai của Hạnh) cam kết với chính quyền địa phương để xin cho Hạnh tạm trú. Sau đó y làm thủ tục xin đăng ký nhập khẩu lấy tên là Nguyễn Công Minh (còn gọi là Thầy Tư) và tiếp tục nhen nhóm tổ chức "Mặt trận phục quốc cứu nguy dân tộc".

Tại thôn Bình Sơn, Hạnh đã nhiều lần gặp các tên Trần Khá, Cao Tứ, Ngô Khoán, Tống Dậu, Thái Hân, Nguyễn Chính, Đỗ Tấn để tuyên truyền phản cách mạng và lôi kéo đồng bọn tham gia tổ chức.

Những vụ án sau giải phóng và bản án nghiêm khắc cho các đối tượng âm mưu chống phá cách mạng

Nguyễn Văn Bảy, Nguyễn An Dân, và Trần Ngọc Thành trong nhóm tổ chức phản động“Việt Nam dân tộc cách mạng đảng”

Mỗi lần gặp đồng bọn Hạnh lại lợi dụng những khó khăn của ta sau ngày giải phóng để kích động và y còn dựng lên chuyện các tướng lĩnh của chế độ cũ đã thành lập một chính phủ lưu vong ở hải ngoại. Lực lượng này đã phát triển ở khắp các tỉnh miền Nam, có quân đội trên rừng chờ lệnh tấn công để lật đổ chính quyền cách mạng. Hạnh cho biết y được giao nhiệm vụ tổ chức bộ máy hành chính các cấp tại địa phương, tạo chân rết để chờ lực lượng quân đội của chúng phối hợp cướp chính quyền.

Trong lúc Hoàng Ngọc Hạnh và đồng bọn ráo riết hoạt động thì bị cơ quan Công an đã bắt giữ 17 tên, thu hồi nhiều tài liệu phản động gồm danh sách tổ chức phản động, 40 tờ truyền đơn phản cách mạng, 5 con dấu mang tên "Mặt trận phục quốc cứu nguy dân tộc", lời hiệu triệu... Kế hoạch thành lập tổ chức phản cách mạng do tên Hoàng Ngọc Hạnh cầm đầu đã bị ta phá vỡ. Các đối tượng trong nhóm tổ chức phản động đã phải nhận những bản án thích đáng.

Chân tướng đối tượng phản động Nguyễn Văn Bảy

Theo hồ sơ lưu, Nguyễn Văn Bảy (SN 1964, trú quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng) từng được tướng ngụy Ngô Quang Trưởng đánh giá là “con bài chiến lược” cho “kế hoạch hậu chiến” ở vùng Quảng Nam - Đà Nẵng. Bảy nhiều lần được Ngô Quang Trưởng gặp gỡ, bàn bạc kế hoạch. Bảy còn là sĩ quan tâm lý chiến và tham gia tổ chức Siêu chính trị (Super -  Politique), còn được gọi là “thành phần thứ ba tại Việt Nam”.

Nhận được sự “tín nhiệm” của Ngô Quang Trưởng nên sau ngày miền Nam giải phóng, Bảy đã tập hợp lực lượng để lập ra tổ chức lấy tên là “Việt Nam dân tộc cách mạng đảng” với mục đích nhằm chống phá chính quyền.

Để chính danh, y suy tôn Ngô Quang Trưởng làm Chủ tịch đảng và cùng với Nguyễn An Dân (SN 1947, trú tại Điện Bàn, Quảng Nam) soạn thảo chính cương, điều lệ, tuyên ngôn, tuyên cáo... Với chiêu bài “dân quyền và nhân quyền”, Nguyễn Văn Bảy lôi kéo các đối tượng là ngụy quân, ngụy quyền, các đảng phái phản động và lợi dụng tình hình đất nước, đời sống nhân dân còn gặp khó khăn để tung tin bịa đặt nói xấu chế độ.

Trước sự hoành hành của tổ chức “Việt Nam dân tộc cách mạng đảng”, Công an Quảng Nam - Đà Nẵng quyết định thành lập Ban chuyên án nhằm phá tan âm mưu thâm độc của tổ chức phản động này. 

Quá trình đấu tranh, lực lượng Công an đã làm rõ cơ cấu tổ chức, âm mưu hoạt động, tài liệu và phương tiện hoạt động của tổ chức phản động này. Ngày 10/12/1977, được sự đồng ý của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) và Thường vụ Tỉnh ủy, Công an tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng quyết định phá án, bắt tên cầm đầu Nguyễn Văn Bảy cùng 10 đối tượng khác.

Tuy nhiên, với bản chất lưu manh, lì lợm, dù bị giam trong tù nhưng Nguyễn Văn Bảy vẫn ngoan cố, y lấy biệt danh là Văn Nguyễn viết thư tuồn ra ngoài chỉ đạo đồng bọn tiếp tục hoạt động chống phá cách mạng. Vì thế, sau một thời gian thấy tình hình im lặng, Nguyễn An Dân với tư cách là “Ủy viên Trung ương” lên thay Bảy đã củng cố đưa tổ chức trở lại hoạt động mạnh hơn trước.

Cũng với chiêu trò “khởi nghĩa”, bọn chúng lừa quần chúng ở các địa phương như Hòa Vang, Đại Lộc...tham gia tổ chức và đã phát triển lực lượng khá đông đảo.

Từ đầu năm 1978, lãnh đạo Ban Chuyên án có bí số N235 đã triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ, nắm rõ từng di biến động của các đối tượng trong tổ chức phản động này. Ngày 7/7/1978, Công an Quảng Nam - Đà Nẵng quyết định phá toàn bộ tổ chức phản động “Việt Nam dân tộc cách mạng đảng”. Xác định đây là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng nên Ty Công an Quảng Nam - Đà Nẵng huy động nhiều lực lượng tấn công vào sào huyệt và xóa bỏ 2 “mật khu” Nam Yên và Phú Túc, bắt giữ nhiều đối tượng cầm đầu và tài liệu của chúng.

Tại 2 “mật khu” của nhóm phản động, lực lượng Công an đã thu toàn bộ phương tiện, vũ khí và tài liệu phản động gồm 218 bản chính cương, điều lệ, tuyên cáo, các quyết định bổ nhiệm và sổ sách ghi chép các tài liệu phản động. Sau khi tập kích sào huyệt của nhóm phản động, Nguyễn An Dân bị bắt và nhiều đối tượng khác đã tự nguyện ra đầu thú.

Đến ngày 18/7/1978, đã bắt Ông Văn Chính - một trong những tên được tổ chức phản động chọn cử ra nước ngoài, ngăn chặn được sự câu kết của tổ chức phản động với bọn phản động ở nước ngoài.

Tính đến ngày 28/8/1978, Công an Quảng Nam - Đà Nẵng đã bắt được 239 tên trong tổ chức phản động tại các địa phương như Đà Nẵng, Hội An, Hòa Vang, Điện Bàn, Duy Xuyên, Đại Lộc... Ngoài ra, Công an Quảng Nam - Đà Nẵng đã cung cấp tài liệu và phối hợp với Công an tỉnh Bình - Trị - Thiên khám phá tổ chức phản động có tên “Mặt trận thống nhất dân quân phục quốc Việt Nam” tại Huế vào ngày 26/12/1978. Từ đây, tổ chức phản động mệnh danh “Việt Nam dân tộc cách mạng đảng” bị xóa sổ toàn bộ.

Sau thời gian bị bắt giam, phiên tòa xét xử nhóm phản động này diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 01 đến 03/3/1979 thu hút rất đông người dân đến xem. Tòa phúc thẩm TANDTC tại Đà Nẵng đã tuyên phạt Nguyễn Văn Bảy cùng 5 tay chân đắc lực là Trần Ngọc Thành, Nguyễn An Dân, Ông Văn Chính, Nguyễn Hữu Lang, Lê Đình Khôi mức án tử hình. 15 tên khác mức án tù từ chung thân đến 20 năm tù giam trở xuống và tập trung cải tạo 88 tên.

Đập tan tổ chức phản động “Quân đội cộng hoà phục quốc nội biên Việt Nam”

Theo tài liệu, cuối năm 1989 đầu năm 1990, lợi dụng tình hình Đông Âu biến động, các thế lực thù địch tiến hành phản kích điên cuồng vào hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa. Chúng ra sức tập hợp bọn phản động người Việt lưu vong móc nối bọn phản động tại chỗ hình thành tổ chức, phối hợp hoạt động trong ngoài để lật đổ chính quyền cách mạng. Trước tình hình đó một số tên nguỵ quân, nguỵ quyền không chịu cải tạo ráo riết móc nối, dựng lại tổ chức "Cộng hoà phục quốc" ở một số tỉnh Nam bộ, Nam Trung bộ, Tây Nguyên.

Ở phía Bắc tỉnh Thuận Hải (nay là Ninh Thuận), ngụy quân, ngụy quyền, phản động đã móc nối, gây dựng được một khung trung đoàn gồm 20 tên lấy tên là Trung đoàn 227, do Nguyễn Văn Xuân (được phong trung tá) làm Trung đoàn trưởng.

Với âm mưu chống phá cách mạng, các đối tượng phản động đã xây dựng chính cương, điều lệ, có cờ, có dấu, lời hiệu triệu và di chuyển mật khu về Cà Đú để thiết lập căn cứ.

Trước tình hình này, tháng 4/1990, Ban Giám đốc Công an tỉnh Ninh Thuận quyết định xác lập Ban chuyên án lấy tên H.490 do đồng chí Trần Hồng Trinh, Phó Giám đốc Công an tỉnh làm Trưởng ban.

Bằng sự đấu tranh quyết liệt của Ban chuyên án, tên cầm đầu trung tá Nguyễn Văn Xuân - Trung đoàn trưởng 227 đã sa lưới. Sau khi đấu tranh khai thác tên Xuân, kết hợp với công tác trinh sát, ngày 20/4/1990, ta tiếp tục bắt giữ các tên: Vũ Bá Anh (tức Tèo - Trưởng ban 5), tên Nguyễn Hiển (Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1).

Đến ngày 29/4/1990, các tên còn lại trong tổ chức phản động "Quân đội cộng hoà phục quốc nội biên Việt Nam" đã lần lượt bị bắt giữ cùng tang vật gồm: 40 tờ chứng chỉ tại ngũ, 18 tờ quyết nghị bổ nhiệm, 1 tờ nghị định thăng cấp, 1 tờ thông báo hiệu triệu kêu gọi đồng bào giúp đỡ khi lực lượng của chúng tiếp quản, con dấu của Trung đoàn E-227, vải để may cờ...

Khi đưa ra xét xử, tên trùm Nguyễn Văn Xuân bị tuyên án tù chung thân, còn lại 150 năm tù dành 18 đối tượng khác trong tổ chức phản động này.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những vụ án sau giải phóng và bản án nghiêm khắc cho các đối tượng âm mưu chống phá cách mạng