Vì sao “kỳ án vườn mít” lại đi vào lịch sử tố tụng Việt Nam như một vụ án nan giải nhất? Đã trải qua hơn 9 năm nhưng “kỳ án vườn mít” vẫn chưa đi đến hồi kết.
Người bị coi là hung thủ đã gây ra vụ án hiếp dâm rồi giết người là Lê Bá Mai từng hai lần nhận án tử hình rồi lại... trắng án. Mới đây nhất, bị cáo này lại nhận một mức án khó hiểu: tù chung thân. Và, vụ án này đã đi vào lịch sử tố tụng Việt Nam như một vụ kỳ án nan giải nhất...
Hiện trường nơi phát hiện thi thể nạn nhân
“Kỳ án vườn mít” bị “nhấc lên đặt xuống” nhiều lần vì…
Cụ thể, nội dung cơ bản của vụ án là vào ngày 12/11/2004, Lê Bá Mai (SN 1982) đăng ký hộ khẩu thường trú tại tỉnh Thanh Hóa, tạm trú tại huyện Bình Long (nay là huyện Hớn Quản), tỉnh Bình Phước được một người dân thuê đi rải phân trồng mì tại một trang trại tại huyện Bình Long. Lúc làm việc, Mai thấy hai cháu gái là Thị Út (11 tuổi) và Thị Hằng (9 tuổi) đang mót củ mì gần đó. Đến 9h sáng cùng ngày, sau khi làm việc xong, Mai về chòi lấy xe máy chạy đến, rủ Út vào khu vực vườn Mít cách đó khoảng 1,5km. Tại đây, Mai rủ Út “làm bậy” nhưng bị cháu bé này kháng cự và dọa sẽ mách cha mẹ của mình về việc này. Lo sợ vụ việc vỡ lở, Mai đã dùng tay phải đánh vào gáy, làm Út ngất xỉu. Tiếp đó, Mai thực hiện hành vi giao cấu với Út, rồi dùng chính quần của Út để siết cổ nạn nhân đến chết. Xong việc, Mai đặt thi thể Út dưới một gốc mít cách hiện trường khoảng 3,5m.
Bị cáo Lê Bá Mai
Theo hồ sơ tố tụng của vụ án, thì sau khi người dân phát hiện ra xác của cháu Út tại vườn mít nhà ông Dương Bá Tuân ngày 16/11/2004. Khi đó, cơ quan điều tra nghi vấn và sau đó xác định Lê Bá Mai là nghi phạm vụ án. Đến tháng 3/2005, TAND tỉnh Bình Phước xử sơ thẩm đã tuyên bị cáo Lê Bá Mai mức án tử hình về các tội “Giết người” và “Hiếp dâm trẻ em”. Sau đó, Mai đã làm đơn kháng cáo kêu oan. Tháng 8/2005, tòa phúc thẩm TANDTC tại TP.HCM xét xử phúc thẩm đã bác kháng cáo, tuyên y án tử hình đối với bị cáo. Đến giữa tháng 12/2006, Viện trưởng VKSND tối cao đã có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm hủy hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm. Đầu tháng 2/2007, Hội đồng thẩm phán TANDTC xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm và quyết định chấp nhận kháng nghị, hủy hai bản án để điều tra lại theo quy định của pháp luật.
Xử sơ thẩm lần hai ngày 18/5/2011, TAND tỉnh Bình Phước đã tuyên Lê Bá Mai không phạm tội và trả tự do cho bị cáo ngay tại phiên tòa nhưng bản án sau đó đã bị VKS cùng cấp kháng nghị theo hướng bị cáo có tội. Sau gần một năm được trả tự do, giữa tháng 5/2012, Chánh án tòa phúc thẩm TANDTC tại TP.HCM Trần Văn Cò đã ký lệnh bắt lại Lê Bá Mai để phục vụ công tác xét xử và thi hành án. Phiên xử phúc thẩm sau đó, HĐXX đã tuyên hủy bản án tuyên vô tội bị cáo này để điều tra xét xử lại theo hướng có tội. Đến đầu tháng 3/2013, TAND tỉnh Bình Phước xử phúc thẩm lần hai đã tuyên bị cáo này mức án tù chung thân cho cả hai tội danh “Giết người” và “Hiếp dâm trẻ em”. Bản án ngay sau đó một lần nữa đã bị Viện trưởng VKSND tỉnh Bình Phước kháng nghị yêu cầu tăng án lên tử hình, đồng thời bị cáo Mai và người có nghĩa vụ liên quan trong vụ án (ông Dương Bá Tuân chủ khu vườn nơi xảy ra vụ án) làm đơn kháng cáo kêu oan cho Mai.
Còn nhiều nghi vấn cần được làm rõ
Trong hồ sơ “kỳ án vườn mít”, bị cáo Mai đã bị bắt từ những lời khai của những người được gọi là nhân chứng. Cụ thể, nhân chứng Hằng khai rằng, vào sáng 12/11/2004, Hằng và Út đi mót củ sắn, khi đi cả hai có đem theo cái xà bấc (con dao đi rừng của người S’tiêng - PV). Sau đó, Mai đi xe máy đến rủ Út đi đâu đó và Út có nói với Hằng là đi theo sau. Do Hằng chạy xe đạp nên không theo kịp và bỏ về nhà kể lại cho người nhà. Khi khai nhận với công an viên là Trần Quang Sinh thì Hằng khai nhận là nhìn thấy một thanh niên mặc áo xanh, đội nón lá, đi xe máy màu xanh - đen có chở theo bình xịt thuốc rầy màu xanh, bình đá màu đỏ. Lý do trong biên bản ghi lời khai ban đầu không ghi tên Mai, bởi vì ông Sinh không ghi vào (!?). Nhưng tại năm bản khai sau (do điều tra viên ghi), Hằng lại biết rõ họ tên người thanh niên chở Út là Lê Bá Mai.
Sau khi bị cáo Mai bị bắt, thì lúc này các vật chứng của vụ án được cơ quan chức năng dần bổ sung vào để buộc tội nghi phạm. Để làm cho khớp, cơ quan điều tra đã dùng ít nhiều những “thủ thuật” để hô biến cho phù hợp với những gì phải có ở hiện trường. Rõ nét nhất, ngay cả phương tiện mà nghi can dùng để chở bị hại đến nơi gây án, cơ quan chức năng cũng mang đi để đục lại số khung, số máy và xịt lại màu sơn cho đúng với lời khai của nhân chứng. Điều này được thể hiện qua phiên xét xử vào ngày 3/1/ 2013, Viện kiểm sát đã thừa nhận tại tòa là những vật chứng có bị thay đổi.
Các nhân chứng của vụ án
Điểm đặc biệt quan trọng là địa điểm Mai thực hiện hành vi phạm tội cũng chưa được làm rõ. Bởi theo lời khai của Mai, bị cáo rủ nạn nhân đi theo hướng đến ngã ba có con mương thì rẽ trái, Mai cho xe chạy thẳng vào vườn mít và thực hiện hành vi hiếp, giết cháu bé… Thế nhưng, khi vào mùa mưa, con suối này luôn ngập nước nên Lê Bá Mai không thể chạy xe máy qua để thực hiện tội ác (?!). Nếu căn cứ theo lời khai và bản vẽ của Mai thì địa điểm giết, hiếp cháu Út so với bản vẽ hiện trường vụ án và nơi phát hiện xác nạn nhân là không trùng khớp nhau (sau này, bị cáo Mai khai nhận là bị các điều tra viên dụ dỗ để khai nhận như vậy).
Đây là vụ án không phải phạm tội quả tang. Bị cáo bị bắt từ sự thay đổi lời khai mơ hồ của nhân chứng Hằng, còn lời khai nhận của bị cáo còn nhiều điểm chưa rõ, quá trình điều tra lại có nhiều vi phạm tố tụng. Đáng lý ra, cần làm rõ các chứng cứ buộc tội và gỡ tội nhưng cấp sơ thẩm chỉ tập trung vào các chứng cứ buộc tội, bỏ qua các chứng cứ gỡ tội của Mai là không đúng quy định.
Hơn nữa, khi vụ việc xảy ra vào năm 2004 thì nhân chứng trực tiếp nhất của vụ việc là Hằng còn khá nhỏ, mới chín tuổi. Đến nay, khi vụ việc đã trôi qua cách đây hơn chín năm, những ký ức, hình ảnh về vụ việc trong tâm trí của Hằng cũng phần nào đã mờ phai nên tính chính xác và tin cậy của thông tin do nhân chứng cung cấp cũng phần nào bị “giảm giá trị”. Trong khi đó, thì ngay khi bắt tay vào điều tra hung thủ của vụ việc, các điều tra viên đã có những sơ suất nhất định trong việc tìm kiếm vật chứng trong vụ án. Cho đến thời điểm này, khi chín năm trôi qua vụ án này vẫn chưa được làm rõ. Và, số phận của “hung thủ” Lê Bá Mai vẫn đang bị... “treo”.
Lời khai nhân chứng không đủ cơ sở làm chứng cớ Theo luật sư Phan Long Ẩn (Đoàn luật sư Long An), cho rằng, biên bản lời khai và biên bản hiện trường, chứng cứ vụ án rất mâu thuẫn. Hồ sơ vụ án khẳng định nạn nhân ăn củ sắn, nhưng khi khám nghiệm tử thi thì không thấy sắn trong dạ dày nạn nhân. Đối với củ sắn khi ăn, buộc phải có vết răng cắn nhưng phần còn lại của củ sắn thu tại hiện trường lại là vết cắt sắc ngọt của dao! Trong hồ sơ vụ án thể hiện bình xịt thuốc rày màu xanh, bình đá màu đỏ nhưng trang trại của ông Tuân hoàn toàn không có. Ngay cả lời khai của Hằng cũng cho rằng có một người giống Mai chở Út đi chứ không khẳng định người đó là Mai. Luật sư Ẩn viện dẫn điều 72 Bộ luật Tố tụng hình sự thì lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ nếu phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án. Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội. |
Lê Bá Mai khẳng định mình không giết người! Trong một phiên xét xử, khi chủ tọa phiên tòa hỏi Lê Bá Mai còn nhớ ngày 12/11/2004 mình đã làm gì, Mai khẳng định không nhớ vì ngày đó đã trôi qua quá lâu. Tuy nhiên, bị cáo Lê Bá Mai khẳng định: “Tôi không hiếp dâm và giết cháu Út!”. Chủ tọa phiên tòa cho biết đến nay vụ án này đã có tới sáu bản án, trong đó có bản án Lê Bá Mai đã nhận tội. Lê Bá Mai khẳng định: “Đó là do cơ quan công an tự thu thập chứng cứ ở hiện trường, bắt bị cáo khai theo yêu cầu của cán bộ điều tra, các cán bộ điều tra đã đánh đập bị cáo để ép cung”. |