Qua 13 năm thi hành Bộ luật Hình sự (BLHS) cho thấy, cơ bản BLHS đã phát huy hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm, góp phần bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, dẫn đến việc xử lý tội phạm trong một số trường hợp còn thiếu chính xác, xảy ra oan, sai.
Tổng kết thi hành BLHS vừa qua do các cơ quan Bộ Tư pháp, TANDTC, VKSNDTC, Bộ Công an… thực hiện cũng đã đặt ra điều đó và các giải pháp thực hiện.
3 loại bất cập chính
Theo Báo cáo tổng kết thi hành BLHS của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, VKSNDTC, TANDTC và một số địa phương thì thực tiễn công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự trong 13 năm qua cho thấy, có ba loại bất cập, hạn chế chủ yếu nổi lên trong quá trình thi hành BLHS là: Công tác tổ chức thực hiện BLHS, hạn chế trong chính các quy định của BLHS và hạn chế xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm và yêu cầu hội nhập quốc tế.
BLHS được ban hành trong một thời gian khá dài, một số điều luật còn quy định chung chung, trong khi đó, các văn bản hướng dẫn thi hành chưa được ban hành kịp thời hoặc chưa cụ thể nên khó triển khai thực hiện trên thực tế. Có trường hợp đã có hướng dẫn nhưng lại nằm rải rác tại nhiều văn bản mà chưa được tập hợp, hệ thống hoá; nhiều trường hợp thi hành luật mới nhưng phải vận dụng văn bản hướng dẫn cũ,… Cụ thể là, về chế định đồng phạm và quyết định hình phạt trong trường hợp đồng phạm, BLHS không quy định cụ thể đường lối xử lý cũng như nguyên tắc cá thể hoá hình phạt trong vụ án có đồng phạm. Do đó, dẫn tới việc trong nhiều vụ án có đồng phạm, người giúp sức có vai trò rất nhỏ nhưng bị xử phạt quá nặng theo khung hình phạt áp dụng đối với người thực hành. Điều luật cũng chưa có sự phân định rõ ràng giữa phạm tội có tổ chức và đồng phạm giản đơn dẫn đến khó khăn, nhầm lẫn trong việc áp dụng pháp luật. Quyết định hình phạt nhẹ hơn quy định của BLHS (Điều 47) quy định Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt nhưng phải trong khung liền kề nhẹ hơn của điều luật là chưa phù hợp với nguyên tắc phân hoá trách nhiệm hình sự đối với vụ án có đồng phạm, người giúp sức… dẫn đến người thực hành có vai trò chính trong vụ án có đủ 2 tình tiết giảm nhẹ lại được áp dụng hình phạt với mức nhẹ hơn so với người giúp sức.
Về hạn chế, bất cập trong phần các tội phạm, BLHS đã quy định nhiều tội danh trong cùng một điều luật (tội phạm ghép) với chế tài, khung hình phạt chung cho tất cả các hành vi phạm tội là chưa hợp lý, gây khó khăn cho việc định tội danh và quyết định hình phạt chính xác, công bằng vì tính chất, mức độ nguy hiểm của mỗi loại hành vi không giống nhau, chẳng hạn hành vi mua bán trái phép chất ma túy có tính nguy hiểm cao hơn so với hành vi tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy.
HĐXX trong một phiên tòa hình sự (Ảnh minh họa)
BLHS quy định chưa hợp lý về loại hình phạt, mức hình phạt, khung hình phạt trong các tội phạm cụ thể: Quy định mối tương quan giữa hình phạt tù và các hình phạt khác nhẹ hơn chưa hợp lý, dẫn đến thực tiễn áp dụng quá thiên lệch về hình phạt tù. Việc sắp xếp khung hình phạt trong phần các tội phạm chưa khoa học theo thứ tự tăng dần mức hình phạt từ nhẹ (khoản 1) đến nặng (khoản 2, 3…) vì có một số điều luật lại quy định ngược lại từ mức hình phạt nặng (khoản 1) đến mức hình phạt nhẹ hơn (khoản 2, 3...).
Điểm đáng chú ý là khoảng cách giữa mức khởi điểm của hình phạt với mức tối đa của hình phạt trong nhiều khoản của các điều luật còn rộng nên rất khó khăn trong việc áp dụng hình phạt, dẫn đến áp dụng không thống nhất, không đảm bảo tính công bằng trong việc quyết định hình phạt; quy định bất hợp lý về khung hình phạt cho các hành vi nguy hiểm cho xã hội giữa các tội khác nhau, cụ thể là hành vi nguy hiểm cao hơn nhưng quy định khung hình phạt nhẹ hơn như quy định tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh (khoản 1 Điều 95) với khung hình phạt tù 6 tháng đến 3 năm là bất hợp lý so với tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khoẻ của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh (khoản 2 Điều 105) với khung hình phạt từ 1 năm đến 5 năm…
Nên quy định chặt chẽ hơn các khung hình phạt
Trong tình hình hội nhập quốc tế, sự phát triển nhanh về khoa học kỹ thuật, tình hình kinh tế, xã hội có nhiều thay đổi, dẫn đến nhiều hành vi nguy hiểm cho xã hội mới xuất hiện nhưng chưa được điều chỉnh trong BLHS nên không thể xử lý được như sử dụng công nghệ bán hàng ảo đa cấp; làm và lưu hành thẻ thanh toán ATM giả, thẻ tín dụng đa năng giả để thanh toán khi mua hàng, sử dụng dịch vụ, rút tiền tại các máy trả tiền tự động; xâm phạm trái phép vào mạng chuyên dùng để đánh cắp dữ liệu hoặc làm sai lệch dữ liệu của máy tính; lợi dụng việc giới thiệu trẻ em làm con nuôi để trục lợi; mua bán nội tạng người vì mục đích lợi nhuận; sản xuất, buôn bán nông sản không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; vi phạm nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội...
Theo TS. Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng VKSNDTC, với nhiều vấn đề bất cập như hiện nay của BLHS cần nghiên cứu, bổ sung vào phần chung các khái niệm cơ bản để áp dụng thống nhất như: Phạm tội nhiều lần, phạm nhiều tội, tổ chức tội phạm; tính chất nguy hiểm của hành vi không đáng kể; chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại chưa tới mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự; một số tình tiết loại trừ trách nhiệm hình sự mới như bắt người phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã, chấp hành quyết định, chỉ thị hoặc mệnh lệnh của người có thẩm quyền; rủi ro trong nghề nghiệp, sản xuất, thí nghiệm khoa học, công nghệ; tình huống bất khả kháng…
Sửa đổi Điều 25 BLHS theo hướng mở rộng các trường hợp miễn trách nhiệm hình sự đối với các trường hợp tự thú, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; khắc phục hậu quả; đối tượng thuộc diện chính sách và có nhiều tình tiết giảm nhẹ... để đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Nghiên cứu mở rộng hơn nữa các trường hợp miễn trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên, người già...
Đối với hệ thống hình phạt, quy định chặt chẽ hơn chế định hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo như căn cứ, điều kiện, thủ tục áp dụng, loại tội phạm áp dụng (chẳng hạn không áp dụng chế định này đối với tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, trừ người phạm tội là người chưa thành niên) để tránh bị lạm dụng, phát huy hiệu quả và đạt được mục đích áp dụng chế định này; tăng mức hình phạt tiền cao hơn hiện nay để đảm bảo hình phạt này có đủ sức mạnh cưỡng chế cần thiết đối với người phạm tội, tăng khả năng răn đe và triệt tiêu khả năng tái phạm của người phạm tội.
Quy định rõ mức tối thiểu và tối đa của hình phạt tiền với tính chất là hình phạt chính phải cao hơn mức tối thiểu và tối đa của phạt tiền với tính chất là hình phạt bổ sung để thể hiện triệt để nguyên tắc cá thể hóa hình phạt trong áp dụng hình phạt đối với người phạm tội; Mở rộng việc áp dụng hình phạt tiền đối với các tội phạm xâm phạm sở hữu, tội phạm kinh tế, tội phạm xâm phạm trật tự công cộng. Đối với hình phạt chính là hình phạt tiền cần quy định rõ có thể chuyển sang thành lao động công ích hoặc sẽ thay thế bằng một biện pháp khác nếu người bị kết án không thi hành khoản tiền bị phạt.
Cùng với đó là việc có thể loại bỏ hình phạt tử hình ở một số tội cho phù hợp với chủ trương của Đảng, phù hợp xu hướng nhân đạo chung của các nước trên thế giới, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Điều chỉnh hợp lý về khung hình phạt cho tương xứng với hành vi nguy hiểm cho xã hội giữa các tội khác nhau ở phần các tội phạm.