Những trận thủy chiến nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam (kỳ 3)

Vũ Chân Thư| 31/07/2014 08:26
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trận Bạch Đằng năm 1288 là một trận đánh quan trọng của quân dân nhà Trần trong ba lần kháng chiến chống giặc Nguyên - Mông ở thế kỷ XIII. Đây là trận thủy chiến vẻ vang bậc nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta.

Kỳ 3: Trận Bạch Đằng đánh tan giặc Nguyên - Mông

Xâm lược Đại Việt lần thứ ba

Năm 1258, quân Nguyên Mông xâm lược nước ta lần thứ nhất. Vua Trần Thái Tông và quân dân Đại Việt đã cản phá quân giặc tại bến Đông Bộ Đầu. Giặc tan vỡ.

Năm 1285, quân Nguyên Mông lại sang xâm lược nước ta lần thứ hai. Thái Thượng hoàng Trần Thái Tông và vua Trần Thánh Tông lãnh đạo quân dân ta kháng chiến, làm nên các chiến thắng Tây Kết, Hàm Tử Quan, Chương Dương Độ, Vạn Kiếp khiến cho Nguyên soái Toa Đô bị chém đầu, Thái tử Thoát Hoan phải chui ống đồng tháo chạy về nước, Ô Mã Nhi một thuyền vượt biển trốn thoát. Quân Nguyên Mông đại bại lần thứ hai trước hào khí Đông A của vua tôi Đại Việt.

Vó ngựa Nguyên – Mông tưởng chừng bách chiến bách thắng, sau hai lần thất bại vẫn chưa hết dã tâm xâm lược nước ta. Vào năm 1287, nhà Nguyên lại khởi binh  xâm lược Đại Việt.

Trước sự hung hãn của giặc, nhà Trần thực hiện chính sách “vườn không nhà trống”. Giặc chiếm được kinh thành Thăng Long nhưng không một bóng người,  không có lương thảo, chúng đốt phá kinh thành. Quân ta tổ chức đánh địch kiểu du kích. Thủy quân Đại Việt do Phó tướng Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư chỉ huy đã đánh tan nát đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ trong trận Vân Đồn. Sau mấy tháng bất lợi, quân Nguyên tổ chức rút về Trung Quốc theo nhiều hướng.

Ngày 7 tháng 3 năm Mậu Tý (8 tháng 4 năm 1288), cánh quân Nguyên Mông rút bằng đường thủy đi tới Trúc Động, tại đây họ bị quân nhà Trần chặn đánh, nhưng tướng Nguyên là Lư Khuê chỉ huy quân này đánh lui quân nhà Trần và chiếm được 20 thuyền chiến.

Ngày 8 tháng 3 (9 tháng 4 năm 1288), Ô Mã Nhi không cho quân rút về bằng đường biển mà đi theo sông Bạch Đằng, vì tính rằng đường biển đã bị thủy quân nhà Trần vây chặt thì phòng bị đường sông có thể sơ hở, hơn nữa sông Bạch Đằng nối liền với nội địa Trung Quốc bằng thủy lộ, thuận lợi cho việc rút lui.

Mai phục chờ địch

Năm 1288, sau khi rút lui khỏi kinh đô Thăng Long, Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo chỉ huy quân dân Đại Việt chuẩn bị một trận địa mai phục lớn trên sông Bạch Ðằng. Các loại gỗ lim, gỗ táu đã được đốn ngã trên rừng kéo về bờ sông và được đẽo nhọn cắm xuống lòng sông ở các cửa dẫn ra biển như sông Rút, sông Chanh, sông Kênh làm thành những bãi chông ngầm lớn, kín đáo dưới mặt nước. Ghềnh Cốc là một dải đá ngầm nằm bắt ngang qua sông Bạch Ðằng nhưng phía dưới sông Chanh, đầu sông Kênh, có thể sử dụng làm nơi mai phục quân lính phối hợp với bãi chông ngầm nhằm ngăn chặn thuyền địch khi nước rút xuống thấp. Thủy quân Đại Việt bí mật mai phục phía sau Ghềnh Cốc, Ðồng Cốc, Phong Cốc, sông Khoai, sông Thái, sông Gia Ðước, Ðiền Công, còn bộ binh bố trí ở Quảng Yên, dọc theo bờ bên trái sông Bạch Ðằng, Tràng Kênh ở bờ bên phải sông Bạch Ðằng, núi Ðá Vôi..., ngoại trừ sông Ðá Bạc là để trống cho quân Nguyên kéo vào. Ðại quân của hai vua đóng quân ở Hiệp Môn (Kinh Môn, Hải Dương) trong tư thế sẵn sàng lâm trận cho chiến trường quyết liệt sắp xảy ra.

Những trận thủy chiến nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam (kỳ 3)

Tượng đài Trần Hưng Đạo tại Kinh Môn, Hải Dương

Khi Ô Mã Nhi dẫn đoàn thuyền tiến vào sông Bạch Đằng nhân lúc nước lớn, thủy quân nhà Trần tràn ra giao chiến, rồi giả thua chạy vào sâu bên trong. Ô Mã Nhi trúng kế khích tướng nên thúc quân ra nghinh chiến, các tướng Phàn Tham Chính, Hoạch Phong cũng ra tiếp ứng. Khi thuyền quân Nguyên đã vào sâu bên trong sông Bạch Đằng, tướng Nguyễn Khoái dẫn các quân Thánh Dực ra khiêu chiến và nhử quân Nguyên tiến sâu vào khúc sông đã đóng cọc. Khi thuyền giặc đã vào sâu trận địa mai phục, quân Trần đợi cho thủy triều xuống mới quay thuyền lại và đánh thẳng vào đội hình địch. Bình chương Áo Lỗ Xích của Nguyên Mông đã bị bắt sống trong cuộc chiến đấu quyết liệt của quân Thánh Dực.

Thủy quân Đại Việt từ Hải Đông - Vân Trà, từ các phía Điền Công, Gia Đước, sông Thái, sông Giá nhanh chóng tiến ra sông Bạch Đằng, với hàng trăm chiến thuyền cùng quân lính các lộ dàn ra trên sông và dựa vào Ghềnh Cốc thành một dải thuyền chặn đầu thuyền địch ngang trên sông. Trong lúc thủy chiến đang diễn ra dữ dội thì đoàn chiến thuyền của hai vua Trần đóng ở vùng Hiệp Sơn (Kinh Môn, Hải Dương) bên bờ sông Giáp (sông Kinh Thầy, vùng Kinh Môn, Hải Dương) làm nhiệm vụ đánh cầm chừng và cản bước tiến của địch, cũng tấn công từ phía sau khiến quân Nguyên càng lúng túng và tổn thất rất nặng. Đại Việt sử ký toàn thư chép: "Quân Nguyên chết đuối nhiều không kể xiết, nước sông do vậy đỏ ngầu cả". Bị bất lợi hoàn toàn, rất nhiều thuyền chiến của quân Nguyên bị cháy rụi, một số cánh quân Nguyên bỏ thuyền chạy lên bờ sông bên trái của Yên Hưng để tìm đường chạy trốn thoát, nhưng vừa lên tới bờ họ lại rơi vào ổ phục kích của quân Trần, bị chặn đánh kịch liệt.

Trời về chiều khi giao tranh sắp kết thúc, Ô Mã Nhi cùng với binh lính dưới quyền chống cự tuyệt vọng trước sự tấn công của quân Trần, vì quân Nguyên của Thoát Hoan không tới cứu viện, nên đạo quân này hoàn toàn bị quân Trần tiêu diệt. Theo Nguyên sử, truyện của Phàn Tiếp chép rằng kịch chiến xảy ra từ giờ mão đến giờ dậu, tức là từ sáng kéo dài đến chiều tối mới kết thúc. Nguyên sử có chép về tướng Nguyên Phàn Tiếp: "Tiếp cùng Ô Mã Nhi đem quân thủy trở về, bị giặc đón chặn. Triều sông Bạch Đằng xuống, thuyền Tiếp mắc cạn. Thuyền giặc dồn về nhiều, tên bắn như mưa. Tiếp hết sức đánh từ giờ mão đến giờ dậu. Tiếp bị thương, rớt xuống nước. Giặc móc lên bắt, dùng thuốc độc giết".

Bia Lý Thiên Hựu cũng chép: "Tháng ba, đến cảng Bạch Đằng, người Giao chắn chiến hạm ngang sông để chống cự quân ta, đến lúc nước triều rút, thuyền không tiến được, quân tan vỡ…". Lý Thiên Hựu là 1 viên tướng Nguyên cũng tham gia trận Bạch Đằng.

Quân nhà Trần đại thắng, bắt được hơn 400 chiến thuyền, tướng Đỗ Hành bắt được tướng Nguyên là Tích Lệ Cơ và Nguyên soái Ô Mã Nhi, Tham chính Sầm Đoàn… dâng lên Thượng hoàng Trần Thánh Tông. Thượng hoàng đã vui vẻ hậu đãi những viên bại tướng này.

Khoảng hơn 4 vạn tướng sĩ Nguyên Mông đã bị loại ra khỏi vòng chiến. Tướng Nguyên là Phàn Tiếp bị bắt sống, rồi bị bệnh chết (không giống như Nguyên sử chép) trong khi một bại tướng khác là Phạm Nhan thì đã bị Trần Quốc Tuấn cho trảm quyết. Cánh thủy quân của quân Nguyên hoàn toàn bị tiêu diệt.

Trận thủy chiến lớn nhất trong lịch sử kháng chiến của dân tộc

Chiến thắng vinh quang của quân Đại Việt trong trận sông Bạch Đằng năm 1288 được xem là một trận đánh hủy diệt và thủy chiến lớn nhất trong lịch sử kháng chiến của dân tộc Việt Nam, và cũng được xem là thắng lợi tiêu biểu nhất của quân Đại Việt trong ba cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên-Mông, dẫn đến chấm dứt thắng lợi cho Đại Việt trong cuộc Chiến tranh Nguyên Mông-Đại Việt lần thứ ba.

Đại thắng của quân dân Đại Việt trong trận sông Bạch Đằng không chỉ hoàn tất mục đích đập vỡ đoàn binh thuyền của Ô Mã Nhi, mà còn hoàn toàn phá vỡ âm mưu xâm lược Đại Việt, và qua đó Đế quốc Mông Cổ không thể nào làm chủ cả Đông Nam Á.

Có ý kiến cho rằng, ngay từ khi nhận chức Tiết chế ở Bình Than, Trần Quốc Tuấn đã theo kế của Ngô Quyền, muốn ngăn quân địch tiến vào bằng cọc nhọn ở Bạch Đằng. Số cọc nhọn làm năm 1288 chỉ là số bổ sung thêm.

Ngay từ năm 1284, Trần Quốc Tuấn đã giăng bẫy ở đây và muốn dồn địch vào trận địa cọc, nhưng quân Trần yếu thế không thực hiện được ý định. Kết quả quân Nguyên vượt qua an toàn.

Năm 1287, khi Ô Mã Nhi tiến vào cũng mang quân đông và mạnh khiến quân Trần không thể dồn quân Nguyên tới bãi cọc vào thời điểm triều rút, do đó việc bố trí cọc cũng vô hiệu.

Có ý kiến cho rằng, các tướng Nguyên - Mông không thể không biết về bài học trận Bạch Đằng, 938 của Nam Hán; nhưng do hai lần đã đi qua dễ dàng, quân Nguyên chủ quan không đề phòng cạm bẫy ở sông Bạch Đằng năm 1288. Chính vì vậy khi rút lui đã bị sa vào trận địa và bị diệt hoàn toàn.

Chiến công trên sông Bạch Đằng vào năm 1288 của các vua Trần và Trần Quốc Tuấn, cùng với đại thắng của Ngô Quyền trong trận đánh tại đây thuở xưa, đã khiến cho dòng sông này trở nên gắn bó sâu sắc với lịch sử dân tộc Việt Nam, trở thành niềm tự hào của dân tộc ta.

Sông Bạch Đằng đến nay nước còn đỏ

Có rất nhiều tác phẩm văn học ngợi ca dòng sông lịch sử này. Có thể kể đến bài Phú sông Bạch Đằng của một môn khách của Hưng Đạo Đại Vương là Trương Hán Siêu. Đây được coi là một bản hùng văn trong lịch sử văn học Việt Nam. Qua tác phẩm này, Trương Hán Siêu đã ca ngợi công đức của hai vị minh quân Trần Thánh Tông cùng với Trần Nhân Tông, ca ngợi Trần Hưng Đạo, nêu cao khí phách của Vương triều nhà Trần - "hào khí Đông A" - đại thắng hiển hách trong trận Bạch Đằng.

Vua Trần Minh Tông về sau cũng viết bài thơ "Bạch Đằng Giang", trong đó có đoạn: "Non sông này xưa nay đã hai lần mở mắt/ Cuộc hơn thua giữa Hồ và Việt thoáng qua như một lúc dựa vào lan can/ Nước sông chan chứa rọi bóng mặt trời cuối ngày đỏ ối/ Còn ngỡ là máu chiến trường thuở trước chưa từng khô."

Nguyễn Trãi cũng có bài thơ "Bạch Đằng hải khẩu", trong đó có đoạn: Như cá sấu bị chặt, cá kình bị mổ, núi chia từng khúc một/ Như mũi qua chìm, cây xích gãy, bên bờ lớp lớp chồng/ Quan hà hiểm hai người chống trăm người do trời xếp đặt/ Hào kiệt lập công danh đất ấy từng là nơi."

Cũng trong thời kỳ ấy, danh sĩ Nguyễn Mộng Tuân có bài "Hậu Bạch Đằng Giang phú", ca ngợi toàn thắng này: "Tiếng thét vang trời, núi non tưởng chừng sạt đỉnh; thây trôi đầy biển, tôm cá được dịp đầy nang!/Thế ta bừng bừng, trận Xích Bích nào sánh kịp; cảnh giặc hoảng loạn, gió Hoài, Phì nọ truyền sang!".

Sau này, Thám hoa Giang Văn Minh đi sứ sang nhà Minh, khi vua Minh ra vế đối: “Đồng trụ chí kim đài dĩ lục” nghĩa là “Cột đồng đến nay rêu đã xanh”, nhắc đến truyền thuyết cột đồng Mã Viện, ông đã khẳng khái đối lại: “Đằng giang tự cổ huyết do hồng” – Sông Bạch Đằng từ xưa đến nay máu vẫn còn đỏ, nhắc lại những chiến thắng lừng lẫy trên sông Bạch Đằng, máu giặc  xâm lược phương Bắc đến nay chưa hết đỏ. Nhà Minh thấy nhục nhã đã hèn hạ sát hại ông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những trận thủy chiến nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam (kỳ 3)