Múa khèn, ném pao, chọi gụ, chọi gà, chọi bò, bắn nỏ… là những thú vui mà đồng bào dân tộc Mông ở miền Tây tỉnh Nghệ An thường tổ chức vào mỗi dịp Tết đến Xuân về.
Đầu tiên phải kể đến là trò chơi chọi gụ. Đây là một trong những trò chơi dân gian rất phổ biến trong ngày hội, các dịp Tết đến Xuân về của đồng bào Mông. Trò chơi này dành cho nam giới, từ các em nhỏ đến những người trung tuổi đều có thể tham gia.
Để có được chiếc gụ chắc chắn, không bị vỡ khi chọi, phải chọn những loại gỗ tốt, cứng và phải dẻo để đẽo gụ. Khi chơi thường có sự tham gia từ 2 đội trở lên, mỗi đội ít nhất có 2 người.
Chơi chọi gụ không chỉ giúp rèn luyện sức khỏe mà còn tạo không khí vui xuân đón Tết, thắm tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư.
Tiếp theo là trò chơi ném pao, đây là trò chơi có từ lâu đời và được truyền từ đời này đến đời khác. Trò chơi ném pao thường được tổ chức trong các ngày Tết, các lễ hội truyền thống của người Mông. Quả pao được các cô gái Mông tự tay khâu rất tỉ mỉ.
Trò chơi ném pao diễn ra ở những khu đất rộng tương đối bằng phẳng. Ném pao thể hiện tình đoàn kết giữa các cộng đồng, dòng họ người Mông lại với nhau. Mặc dù đây chỉ là trò chơi đơn giản nhưng có giá trị rất lớn trong đời sống xã hội người Mông từ trước đến nay.
Bên cạnh đó, tiết mục Múa khèn cũng đóng vai trò quan trọng và không thể thiếu trong đời sống tâm hồn của người Mông vào những ngày chơi xuân, vui Tết. Mỗi khi tiếng khèn được cất lên, âm hưởng du dương trầm bổng lại vang vọng khắp núi rừng. Những chàng trai Mông thổi khèn hay, múa khèn dẻo luôn nhận được sự quý mến, nể phục của nhiều người.
Từ nhỏ, con trai Mông đã biết đến tiếng khèn, nhiều chàng trai Mông biết thổi và múa khèn từ rất sớm. Với họ, cây khèn không chỉ là nhạc cụ thân thiết, gần gũi với cuộc sống thường ngày mà còn trở thành nét biểu trưng cho văn hóa cộng đồng cần được giữ gìn cho muôn đời sau. Tiếng khèn còn giúp họ kết đôi, xây dựng gia đình hạnh phúc.
Đồng thời, thú vui chọi gà cũng là một trong những trò chơi gần như không thể thiếu được mỗi khi Tết đến, Xuân về đối với đồng bào dân tộc Mông.
Chọi gà không quan trọng thắng thua, không cá cược, chỉ để tạo niềm vui cho mọi người. Trên bãi đất rộng rãi, bằng phẳng, rất đông già trẻ, gái trai tập trung lại, cùng hào hứng theo dõi, cổ vũ và bình luận cho những chú gà chọi khi lên "sới".
Đồng bào dân tộc Mông rất "mát tay" nuôi gà chọi. Họ thường để con gà vào những vị trí thoáng trong nhà, ngoài hiên hay một cành cây trước nhà... và chăm sóc rất kỹ lưỡng. Vì vậy các cặp gà chọi đều “cống hiến” cho khán giả những màn trình diễn rất kịch tính của những chú gà "có hạng".
Tiếp theo là trò chơi có phần hấp dẫn không kém đó là thú vui chọi bò. Cứ vào những ngày đầu xuân năm mới, người dân lại háo hức tham gia hội chọi bò được tổ chức rầm rộ ở các bản có người Mông sinh sống. Đối với đồng bào dân tộc Mông, chọi bò là nét văn hóa truyền thống và là ngày hội trong đời sống văn hóa tinh thần, thể hiện sự cần cù lao động, sáng tạo.
Hội chọi bò còn là nơi gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm của những người chăn nuôi bò. Tại đây, đồng bào dân tộc Mông sẽ hỏi han, chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, vỗ béo loài gia súc thân thiết trong đời sống của cộng đồng này.
Trò chơi cuối cùng thường được người Mông háo hức tham gia mỗi dịp chào xuân năm mới đó là trò bắn nỏ. Ngày xưa, người Mông sử dụng nỏ như một công cụ để săn bắn thú rừng. Hiện, cây nỏ chủ yếu được đồng bào dân tộc Mông dùng để trổ tài trong những ngày lễ, Tết. Bắn nỏ là trò chơi tiêu biểu cho truyền thống thượng võ của đồng bào dân tộc Mông.