Giáo dục

Những thầy giáo nặng lòng với nghệ thuật nơi non cao (Bài 2): Ươm mầm tình yêu, chấp cánh ước mơ

Tuyết Nhung 19/11/2023 08:42

Nhìn vào đội ngũ học sinh, sinh viên đông đảo như hiện nay ít ai ngờ Khoa Văn hoá - Nghệ thuật của trường Cao đẳng tỉnh Lào Cai đã phải trải qua những ngày tháng "chết lâm sàng". Với các đồng bào dân tộc thiểu số, tuyển sinh học văn hoá đã khó thì những khoa nghệ thuật lại gian nan gấp nhiều lần. Nhưng ở đó vẫn có những "kỹ sư tâm hồn" kiên trì đi từng bản, xuống từng thôn ươm những mầm xanh về tình yêu nghệ thuật.

nghe-thuat5.jpg

“Gieo” ước mơ

Không chỉ riêng Khoa Văn hoá, Nghệ thuật mà với các cơ sở đào tạo thì ngành nghệ thuật đều không phải là lựa chọn của số đông. Như Tiến sĩ Hà Mai Hương - Giám đốc Học viện Âm nhạc Huế đã từng chia sẻ với báo chí: ‘Mặc dù đào tạo nghệ thuật tại Việt Nam hiện nay đã có nhiều ưu đãi và được quan tâm hơn trước, tạo ra những điều kiện thuận lợi, những cơ hội học tập nhưng xu hướng chung các ngành nghệ thuật không là sự lựa chọn của số đông.

Vì thời gian đào tạo dài, cơ hội việc làm và thu nhập không tương xứng với sự đầu tư ban đầu nên không có nhiều người lựa chọn theo học nghệ thuật. Nguồn tuyển sinh vào các trường nghệ thuật ngày càng ít, có những ngành hiếm hoặc không có người học. Sinh viên ra trường chỉ ở một số chuyên ngành dễ tìm được việc làm còn lại khó có cơ hội làm đúng nghề.”

Cái chung là như vậy nhưng với Khoa Văn hoá, Nghệ thuật thuộc trường Cao đẳng Lào Cai còn gặp phải rất nhiều khó khăn riêng. Như vướng mắc tổ chức dạy văn hóa trong các trường nghề dù đã được Nhà nước quan tâm nhưng vẫn chưa thể giải quyết triệt để.

Như những quy định khắt khe về mở lớp tại Trường Cao đẳng Cộng đồng. Một lớp phải có ít nhất từ 35 đến 40 học sinh. Cơ sở vật chất cũng chỉ được đáp ứng cơ bản như các lớp dạy nghề khác. Trong khi đó, nghệ thuật là bộ môn mang tính chuyên biệt cao, yêu cầu những phương tiện dạy học cũng phải mang đặc thù riêng.

Do vậy, tình trạng thiếu học sinh, sinh viên của Khoa Văn hoá, Nghệ thuật luôn là bài toán khó giải. Các thầy cô đã phải kiên trì đi từng bản, xuống từng thôn để tuyên truyền, vận động các gia đình cho con em mình đi học. Trả lời về vấn đề này, thầy Đỗ Xuân Quỳnh chia sẻ: “Trong công tác tuyển sinh, có một điều đặc biệt là học sinh ở thành phố Lào Cai, thị xã Sa Pa rất yêu nghệ thuật, có năng khiếu nhưng chỉ theo học ngoài, không muốn theo sự nghiệp âm nhạc.

dsc08248-17001221098731348518748.jpg
Ở những nơi khó khăn nhất vẫn có những "kỹ sư tâm hồn" kiên trì đi từng bản, xuống từng thôn ươm những mầm xanh về tình yêu nghệ thuật.

Ngược lại, học sinh những vùng khó khăn như các huyện Si Ma Cai, Mường Khương, Văn Bàn… lại không nhiều học sinh có năng khiếu, gia đình đồng ý cho theo học nghệ thuật nhưng điều kiện kinh tế thường khó khăn. Đặc biệt, phụ huynh lo sau này ra trường không có việc làm. Những năm 2011 đến 2016, Khoa tuyển sinh được ít, chất lượng đầu vào chưa cao.

Các thầy cô trong Khoa đã bàn bạc tìm giải pháp, rất nhiều giải pháp được đưa ra và thực hiện nhưng đều thất bại như phối hợp với các trường THPT ở thành phố cho học sinh vừa học THPT vừa học nghệ thuật. Tuy nhiên, áp lực học phổ thông quá lớn nên các em đều bỏ học nghệ thuật sau một năm theo học.

Với phương châm “trò giỏi không tìm đến với thầy thì thầy giỏi sẽ tìm đến với trò”. Từ tháng 4 đến tháng 6 hàng năm, Giảng viên Khoa Văn hóa Nghệ thuật đi khắp các trường THCS và THPT trên phạm vi toàn tỉnh và một số huyện như Tân Uyên, Than Uyên, Tam Đường của tỉnh Lai Châu hay Lục Yên, Văn Yên của tỉnh Yên Bái để tuyển sinh, sơ tuyển năng khiếu và tư vấn nghề nghiệp. Giải pháp này hiệu quả nhưng cũng đầy khó khăn, thách thức.

Thầy cô ở Khoa tuổi đều trên dưới 30 nên đa số mới lập gia đình, con nhỏ nên việc đi huyện tuyển sinh xa gia đình cả tuần. Tiền công tác phí ít ỏi, không đủ chi phí cho phương tiện đi lại. Các thầy cô đều phải dùng tiền cá nhân và ăn ngủ nhờ nhà người quen hoặc nhà học sinh đang học ở khoa mỗi khi đi huyện.

Tỷ lệ sinh ngày càng giảm ở miền núi kéo theo các trường THPT, Giáo dục Thường xuyên cũng thiếu học sinh. Các trường ở Hà Nội, Hải Phòng cũng lên đây tuyển sinh với những lời mời chào hấp dẫn như vừa học vừa xin cho làm thêm và ra trường có công ty ký sẵn hợp đồng. Do vậy, công tác tuyển sinh các chuyên ngành nghệ thuật tại huyện lại càng khó khăn hơn nữa.

Có những học sinh trúng tuyển rồi nhưng lại được một số thầy cô, người thân khuyên không theo học vì lo ngại ra trường không có việc làm và e ngại kinh tế khó khăn không nuôi con theo học được ở thành phố.

Thắp ngọn lửa khao khát đến trường

Thầy Xuân Quỳnh ví von công việc tuyển sinh nghệ thuật trên vùng cao như “đãi cát tìm vàng”. Nhưng nó được các thầy cô trong khoa đặt tên rất đẹp đó là “Hành trình chắp cánh cho những ước mơ nghệ thuật”. Đây là những động lực to lớn để các giáo viên không nản trí và kiên định, đổi mới, sáng tạo với mục tiêu của mình.

Trong một buổi sáng mùa thu, sau những thất bại liên tục của các mùa tuyển sinh, thầy Quỳnh suy nghĩ có phải vì người dân chưa hiểu được giá trị của chuyên ngành nghệ thuật nên họ không học, không để các con theo nghề. Vậy điều cần làm là thay vì cứ lao đi tuyển sinh thì hãy nâng cao giá trị chuyên ngành mình đang dạy. Khi vị thế đã được chứng minh thì cũng là lúc “ngọn lửa” đến trường được thắp sáng.

Từ đó thầy suy nghĩ, tìm tòi cách để các học viên của mình có được những cơ hội khẳng định bản thân, thay đổi cuộc sống từ chính ngành nghệ thuật các em đang theo học. Vậy là, các thầy cô đã bỏ công sức đi từ Lào Cai tới Sapa – mảnh đất du lịch nổi tiếng của tỉnh để tìm kiếm những cơ hội việc làm cho các em sinh viên của mình.

Câu chuyện về em Giàng Seo Phử là một ví dụ điển hình và luôn là tấm gương để các lứa học sinh, sinh viên noi theo. Đầu năm 2014 em Giàng Seo Phử quê ở Thải Giàng phố, Bắc Hà, khi đó em mới16 tuổi. Vì niềm đam mê với sáo trúc, Phử đã đăng ký tham gia thi và trúng tuyển. Em buổi sáng học văn hoá, chiều trung cấp chuyên ngành sáo trúc. Seo Phử là một học viên rất tài năng, tiếng sáo của em được các thầy cô đánh giá cao trong tất cả các kỳ thi.

Tuy nhiên, gia đình em lại rất nghèo, bố mẹ không có kinh phí. Thầy trưởng bộ môn Nhạc cụ truyền thống Nguyễn Đình Chí và các thầy cô trong khoa đã phải hỗ trợ từ gói mỳ tôm, từng chiếc chăn trong những ngày mùa đông. Em có nguy cơ phải bỏ học khi chỉ còn vài tháng nữa tốt nghiệp. Lúc đó, thầy Xuân Quỳnh đã chở Phử gần 40km bằng chiếc xe máy từ Lào Cai lên Sapa và xin cho em được thổi sáo trong quán café Cộng. Đầu tiên, quản lý của quán cũng không chào đón nhiệt tình nhưng vì thương hai thầy trò đi quãng đường xa nên họ vẫn để Seo Phử biểu diễn.

Ngay buổi đầu tiên, hiệu ứng đã rất tốt và giúp quán ngày càng nhiều khách. Tuy nhiên, tiền công vẫn chưa được trả. Bởi họ muốn phải có ít nhất 1 tuần để xem hiệu quả ra sao. Không làm thầy thất vọng, Seo Phử đã “cháy” hết mình trong từng bài sáo và em đã nhận được tiền lương là 300k/1 buổi. Những ngày đầu chưa có phương tiện, Phử phải đi xe buýt đến biểu diễn trên Sapa. Sau một thời gian, em đã có đủ kinh phí để trang trải tiền học, tiền ăn và tự mua xe. Ra trường, Phử cũng lên làm việc trực tiếp tại đây và có nguồn thu nhập ổn định. Trung bình mỗi tháng Phử làm ra được 30 triệu. Cao điểm đã có tháng em có được 50 triệu từ việc thổi sáo của mình.

nghe-thuat2.jpg
Thầy Xuân Quỳnh và học trò của mình.

Nắm bắt cơ hội đó, các thầy cô trong khoa Nghệ Thuật thuộc trường Cao đẳng Lào Cai đã tiếp tục tìm kiếm những đối tác khác là các nhà hàng, các bên tổ chức sự kiện để đưa học trò của mình tới biểu diễn. Đó vừa là cơ hội để các em thực hành và cũng là nơi để có thêm thu nhập. Khi cảm thấy nguồn lợi ích từ học nghệ thuật, các gia đình đã chủ động tìm hiểu thông tin và đăng ký cho con em mình theo học.

Điều đó đã chứng minh suy nghĩ của thầy Quỳnh là đúng: “Chỉ khi chứng minh được ngành nghề mình học kiếm ra tiền, nuôi sống bản thân thì lúc đó nó sẽ có giá trị và được mọi người biết đến”. Còn với các đồng nghiệp, không đành lòng nhìn từng người bỏ nghề vì lương ít ỏi, thầy Xuân Quỳnh đã quyết định một ý tưởng táo bạo. Với nguồn vốn tiết kiệm được cộng sự giúp đỡ của gia đình và nguồn vốn vay từ ngân hàng, thầy đã mở Trung tâm bán đàn và dạy học đầu tiên tại Lào Cai có tên “Nhạc Cụ Xuân Quỳnh”.

Ở đây, ngoài bán các loại nhạc cụ còn là nơi dạy nghệ thuật cho con em lứa tuổi chủ yếu từ 05 đến 18 tuổi. Trung tâm thu hút được nhiều học sinh đến học ngoài giờ và cũng là nơi của nhiều giảng viên khoa Văn hóa Nghệ thuật kiếm thêm thu nhập ngoài lương và ngoài giờ lên lớp chính khóa.

ngheeea.jpg
Các thầy cô tìm tòi cách để các học viên của mình có được những cơ hội khẳng định bản thân, thay đổi cuộc sống từ chính ngành nghệ thuật các em đang theo học.

Không giấu nghề, thầy còn hỗ trợ về kinh nghiệm và cách khởi nghiệp cho các giảng viên trong khoa để mở các trung tâm dạy nhảy, múa, khiêu vũ thể thao, xưởng mĩ thuật… chỉ sau 5 năm, cuộc sống của đa số giảng viên Khoa Văn hóa Nghệ thuật đã được cải thiện đáng kể. Giảng viên làm thêm ngoài không ảnh hưởng đến chất lượng lên lớp mà còn giúp giảng viên tiếp cận với nhu cầu thị trường, phương pháp dạy học hiện đại và cách thức tiếp cận dạy học công nghệ số.

Và đây cũng là nơi các học trò của thầy có thể đến để tìm kiếm những cơ hội để khẳng định bản thân. Và nơi đây cũng trở thành cầu nối giữa nghệ thuật truyền thống với hơi thở của thời đại. Cái nhìn của những người dân vùng cao với nghệ thuật cũng rõ ràng, chính thống và thiện cảm hơn.

Thực hiện: Tuyết Nhung

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những thầy giáo nặng lòng với nghệ thuật nơi non cao (Bài 2): Ươm mầm tình yêu, chấp cánh ước mơ