Hôm nay, tại Hà Nội Tạp chí Năng lượng Sạch Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn Phát triển năng lượng xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo trong xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư quốc tế vào Việt Nam.
Tại diễn đã các Bộ, Ban, Ngành, chuyên gia và các nhà đầu tư đã thẳng thắn chia sẻ những chính sách phát triển nguồn năng lượng hóa thạch cũng như nguồn vốn tái tạo, chuyển dịch cơ cấu năng lượng gắn với phát triển bền vững.
Theo như phân tích của PGS. TS Bùi Quang Tuấn - Viện Kinh tế Việt Nam, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, nước ta chịu ảnh hưởng ngày càng lớn bởi biến đổi khí hậu cũng như vấn đề ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, vẫn tiếp tục phải thực hiện các cam kết quốc tế về giảm phát thải, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững...
Nhận thức về tăng trưởng xanh vẫn còn hạn chế, nguồn ngân sách phân bổ cho các hoạt động, dự án, chương trình để hiện thực hóa chiến lược tăng trưởng xanh còn thiếu; sự tham gia của tư nhân còn hạn chế trong các ngành, lĩnh vực...
Bởi vậy, PGS. Tuấn cho rằng trong bối cảnh hiện nay, cần nhận thức đầy đủ về “cơ hội vàng” cũng như các thách thức và phương hướng phải làm trong thời gian tới để đổi mới mô hình tăng trưởng. Đẩy mạnh sản xuất xanh, tăng trưởng xanh, dần dần thực hiện lối sống xanh, thúc đẩy tiêu dùng xanh, tiêu dùng có trách nhiệm.
Còn theo ông Nguyễn Ngọc Hưng - Phòng Kinh tế Năng lượng – Viện Năng lượng, Bộ Công Thương kiến nghị, cần giám sát nghiêm ngặt đối với mọi cơ sở khai thác và sản xuất năng lượng có phát thải ô nhiễm môi trường. Đồng thời, có các chế tài nghiêm ngặt đối với các cơ sở năng lượng vi phạm quy định phát thải ô nhiễm ra môi trường vượt mức cho phép.
Đặc biệt, nghiên cứu áp dụng các công cụ tài chính (thuế, phí, chứng chỉ…) nhằm điều chỉnh hành vi sản xuất và tiêu thụ năng lượng và tạo nguồn thu cho hoạt động đầu tư vào các giải pháp năng lượng sạch.
Cũng trong buổi diễn đàn này, TS. Lê Thị Thoa - Chuyên viên cấp cao Dự án bảo vệ khí hậu thông qua phát triển thị trường năng lượng sinh học bền vững (BEM) đưa ra các thực trạng hiện đang gặp phải như: thiếu thông tin đầy đủ về các công nghệ hiện đại; thiếu sự hợp tác chuyển giao công nghệ là rào cản để phát triển thị trường năng lượng tái tạo. Năng lực của cấp địa phương trong quy trình lên kế hoạch và cấp phép các dự án năng lượng tái tạo còn nhiều hạn chế.
Theo đó, bà Thoa nhà đầu tư vào năng lượng tái tạo còn thiếu thông tin và tiếp cận với chuyên gia để đánh giá tính khả thi và tiềm năng của dự án năng lượng sinh học; Năng lực của cơ quan tài chính trong việc đánh giá dự án năng lượng sinh học; Không tiếp cận được cơ chế tài chính phù hợp.