Những tâm sự thầm kín của thế giới người đồng tính (kỳ 1)

Thiên Di| 19/06/2014 07:49
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đến nay, xã hội đang có cái nhìn thoáng hơn đối với người đồng tính. Tuy nhiên, cuộc đời của những người mang giới tính thứ ba vẫn chan đầy nước mắt. Họ không thôi khao khát tìm đến bản ngã thực của mình và được xã hội, pháp luật, cộng đồng công nhận.

KỲ 1: ĐẮNG CAY MANG DANH ĐỒNG TÍNH

Nơi trú ngụ trở thành địa ngục

Hiện nay, Mai Văn Lời là học sinh lớp 11 của một trường phổ thông trung học trên địa bàn quận 3 (TP.HCM). Trước đây, Lời sinh hoạt bình thường, không hề biết đến việc mình là người đồng tính. Cách đây ba năm, khi học lớp 8, Lời phát hiện trái tim mình rung động trước một cậu bạn trai cùng lớp. Lời hoảng hốt, tìm mọi cách để điều chỉnh lại cảm xúc nhưng vô vọng. Không một ai có thể chia sẻ được tâm trạng của mình, Lời chôn giấu tình cảm vào cuốn nhật ký. Lời sợ cha mẹ biết nên giấu rất kỹ cuốn sổ này.

Một hôm, đang học tiết toán tại trường, cha đến xin phép cho Lời về nhà. Trên đường, cha không nói gì nhưng với khuôn mặt đằng đằng sát khí, Lời cảm nhận có điều gì đó không hay đã xảy ra. Vừa bước vào nhà, cha vứt cuốn nhật ký xuống sàn và buông lời chửi mắng. “Lúc đó, không còn từ miệt thị nào mà cha không nói”, Lời nhớ lại. Mặc dù hoảng loạn nhưng điều khiến Lời mệt mỏi nhất là nước mắt của mẹ. Mẹ cậu không nói gì chỉ nức nở khóc. Đến bây giờ nhớ lại, cậu vẫn không thể quên ánh mắt của cha mẹ trong thời khắc đó.

Suốt ba ngày tiếp theo, cả cha lẫn mẹ ở nhà, đóng cửa chửi rủa với hy vọng Lời sẽ thoát khỏi ý nghĩ mình là một người đồng tính. Lời xin cha mẹ cứ dùng roi vọt để đánh chứ đừng hành hạ mình bằng lời nói. Tuy nhiên, cha mẹ cậu không đồng ý. Lợi chỉ biết khóc, cố giãi bày rằng, không phải học đòi mà bản chất bên trong mình là người đồng tính.

Thời gian này, không thấy Lời đến trường, giáo viên chủ nhiệm phân công một học sinh đến nhà Lời xem sao. Cậu học sinh này vô tình nghe được những lời mắng chữi của cha Vinh. Thế là hôm sau, thông tin Lời là một người đồng tính được lan khắp trường. Ngày quay trở lại lớp học, thấy bạn bè nhìn mình có vẻ khác biệt lại bị cô bạn ngồi cạnh hỏi: “Mày là gay hả?”, Lời thấy như cả bầu trời đang sập xuống. Lời chỉ úp mặt khóc.
Những ngày tiếp theo là chuỗi thời gian đen tối nhất của cuộc đời Lời. Về đến nhà, cha mẹ “ca bài ca không quên”. Đến lớp, bạn bè gọi Lời là bóng, là pê đê, ô môi… tới thầy cô cũng có cái nhìn khác lạ đối với cậu. Gia đình, lớp học trở thành địa ngục. Lời không chịu nổi dư luận nên tự tử nhưng được cứu. Mặc dù vậy, người thân lẫn bạn bè vẫn không thôi miệt thị cậu.

Một lần, trước lời mắng chửi của cha mẹ, Lời quyết định phải lên tiếng, bảo vệ giới tính cho mình. Cha Lời cho rằng, con trai cãi lại là thể hiện sự hỗn hào nên bảo cậu là “quái thai, mất dạy…”. Đêm hôm đó, cậu bỏ đi trong im lặng. Tuy nhiên, chưa đầy một tuần, trong túi không còn tiền nên Lời đành quay về.

Lời cho biết, trước đây em là học sinh giỏi, luôn nằm đầu bảng của lớp. Thế nhưng, khi giới tính thực bị phát hiện, cậu không thể dồn tâm trí cho việc học nữa. Đến nay, sức học của Lời bị giảm sút rất nhiều. Lời bảo, hiện giờ, trong suy nghĩ luôn thường trực gánh nặng về giới tính nên vẫn ấp ủ việc tự tử. Điều cậu mong muốn nhất hiện nay là cha mẹ hãy nhìn vào thực tế và chấp nhận giới tính thực của cậu.

Có lẽ, điều Lời cần nhất hiện nay là sự thấu hiểu, chia sẻ của gia đình. Thế nhưng, chính mái ấm không còn là nơi yên ổn nên cậu mới có những suy nghĩ yếm thế, thậm chí thường trực ý định tự tử như vậy. Cậu còn quá trẻ, vẫn chưa thể ý thức hết mọi việc ở trên đời nên cần sự định hướng của mọi người, đặc biệt là cha mẹ. Chỉ mong rằng, khi cha mẹ của Lời đọc được những dòng này sẽ suy ngẫm lại và có cách cư xử đúng nhất để con của mình không rơi vào bế tắc, mặc cảm.

Bi kịch nối dài bi kịch

Lâm Thanh Vinh được mọi người biết đến với biệt danh Lộ Lộ. Năm nay, Vinh vừa tròn 35 tuổi và đang sinh sống tại quận 4, TP.HCM. Ngay từ nhỏ, Vinh đã nhận thấy giới tính của mình có nhiều điều khác biệt đối với những người xung quanh. Mang dáng hình là một cậu con trai nhưng Vinh lại thích thú với những bộ áo quần của giới nữ. Không ít lần, theo mẹ ra chợ, Vinh khóc đòi mua một bộ váy cho mình mặc. Mẹ Vinh ái ngại trước mọi người khi cậu con trai có ý thích kỳ dị.

 

Những tâm sự thầm kín của thế giới người đồng tính (kỳ 1)

Trải qua biết bao khó khăn,Vinh mới sống với giới tính thật của mình

Bước vào tuổi trưởng thành, ý thức giới tính của Vinh ngày càng mạnh mẽ. Vinh khát khao được mọi người công nhận mình là một đứa con gái chứ không phải là một thằng con trai như dáng hình bên ngoài. Thuở đó, đồng tính là điều quá mới lạ và thường bị mọi người khinh miệt. Không chỉ thế, bà con dòng họ của Vinh khi thấy Vinh khác biệt đối với mọi người luôn dè bĩu, lời ra tiếng vào khiến cha mẹ Vinh vô cùng trăn trở.

Trước sức ép của người thân, cha Vinh không ít lần đánh đập, chửi mắng Vinh. Mỗi lần như thế, Vinh chỉ biết rơi nước mắt cầu xin. Mẹ Vinh thương con, nhưng không dám trái ý chồng. Lắm khi, mẹ ngồi bên, rơi nước mắt khi vuốt tóc con. Vinh không biết phải làm gì, chỉ câm nín. Lúc đó, Vinh giận cha vô cùng vì không chịu hiểu cho con. Tuy nhiên, giờ đã lớn, ngẫm lại, Vinh hiểu, không còn trách cứ cha nữa.

Những năm cuối cấp hai, là khoảng thời gian tồi tệ nhất của Vinh. Bạn bè thấy vẻ yểu điệu nên không thôi lôi Vinh vào những trò miệt thị. Vinh ấm ức, khóc nức nở khi bị bạn bè gọi là “đồ pê đê”, “đồ lại cái”, “đồ bệnh hoạn”… Không chỉ thế, Vinh còn hay bị bạn bè trêu chọc bằng cách tụt quần Vinh để xem “của quý” khiến Vinh cảm thấy rất khổ sở. Không còn tâm trí học hành, năm lớp 11, Vinh bị lưu ban. Lúc đó, Vinh buồn lắm nhưng giờ nghĩ lại thấy có lẽ đó là sự may mắn vì cơ hội này đã khiến Vinh tách biệt với đám bạn hay trêu ghẹo Vinh.

Tốt nghiệp phổ thông, Vinh đậu vào một trường đại học tại TP.HCM. Vùi đầu vào sách vở, Vinh hy vọng quên đi những đau đớn của giới tính. Thế nhưng, gia đình quá khó khăn, vừa học hết năm nhất, Vinh đành rời giấc mơ đại học vì không có tiền đóng học phí. Rời ghế nhà trường, Vinh đi xin việc làm thuê với hy vọng tự chủ được kinh tế thì người thân sẽ nhìn nhận giới tính của mình. Tuy nhiên, với ngoại hình là con trai nhưng dáng đi ẻo lả nên đến đâu Vinh cũng bị từ chối. Cầm hồ sơ trên tay, Vinh chỉ biết khóc cho số phận của chính mình. Đây là lúc buồn bã, vô vọng, Vinh tìm đến cái chết hai lần nhưng không thành công.

Sau đó, thông qua bạn của cha, Vinh xuống chùa Viên Không ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đi tu. Khi vào chùa, Vinh được sư trụ trì gọi trò chuyện. Sư trụ trì cảm động với những nghĩ suy của Vinh nên cho xuống ở tu cùng với các sư cô. Các sư cô xem Vinh là nữ nên trò chuyện, lắng nghe mọi tâm tư tình cảm. Lần đầu tiên trong đời, Vinh cảm thấy đang được sống đúng với bản chất của mình. Tuy nhiên, một biến cố khác diễn ra, khách đến chùa thấy một người có ngoại hình nam lại ở chung với các ni cô nên lời ra tiếng vào. Một hôm, sư trụ trì gọi Vinh lên cho biết không thể để cậu ở chùa nữa. Thấu hiểu nỗi khổ của sư trụ trì, Vinh chấp nhận hoàn tục trong nước mắt.

Về đến nhà, Vinh được gọi khám và nhập ngũ. Sau đó không lâu, Vinh bị đơn vị trả về vì lý do là người đồng tính. Vinh quyết làm lại cuộc đời bằng cách xin vào làm phục vụ trong một quán karaoke. Rồi, quán này đóng cửa, Vinh lại thất nghiệp. Vinh chơi vơi, cảm thấy cuộc đời của mình quá u ám. Thế rồi, qua tìm hiểu, nhận được sự động viên của những người đồng tính, Vinh tham gia vào nhóm tiếp cận truyền thông dự phòng HIV cho những người nam có quan hệ tình dục với nam và nam hành nghề mại dâm trên địa bàn thành phố…

Mong xã hội có cái nhìn thiện cảm

Trong tâm tưởng, Vinh vẫn mong muốn có ngoại hình đúng với bản chất của mình nên thời gian qua đã tiêm hóc môn nữ. Ngoài ra, Vinh nghe bạn bè bảo thuốc tránh thai có thể tăng hóc môn nữ nên cậu cũng dùng. Điều Vinh mong muốn nhất hiện tại là xã hội có cái nhìn thiện cảm hơn đối với những người đồng tính để mình có thể sống, làm việc giống như những người bình thường.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những tâm sự thầm kín của thế giới người đồng tính (kỳ 1)