Những sự kiện giáo dục nổi bật trong tháng 10/2018

Xuân Diệp| 28/10/2018 18:29
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Công bố kết quả thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh năm 2018, 67 trường đại học tốt nhất Việt Nam năm 2018, 27 tỉnh thiếu giáo viên nhưng không được giao chỉ tiêu tuyển mới… là những sự kiện giáo dục nổi bật trong tháng 10/2018.

67 trường đại học tốt nhất Việt Nam năm 2018

Mới đây, Hệ thống xếp hạng giáo dục đại học quốc tế UniRank vừa công bố Bảng xếp hạng 67 trường đại học tốt nhất Việt Nam năm 2018. Theo bảng xếp hạng giáo dục của Đại học quốc tế UniRak, các trường đại học nằm trong top 15 lần lượt là: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Đà Nẵng, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học FPT, Đại học Cần Thơ, Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP Hồ Chí Minh, Đại học Hutech, Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh, Đại học Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh, Đại học Công nghệ Thông tin TP Hồ Chí Minh, Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Duy Tân, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Ngoại thương Hà Nội.

Những sự kiện giáo dục nổi bật trong tháng 10/2018

Ảnh minh họa. Nguồn Internet.

Được biết,  UniRank là hệ thống xếp hạng giáo dục đại học quốc tế đánh giá và xếp hạng hơn 13.600 trường đại học tại 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các trường được xếp hạng thỏa mãn các điều kiện sau: Được cấp phép và/hoặc được công nhận kiểm định bởi tổ chức có liên quan đến giáo dục đại học hợp pháp của Việt Nam; cấp bằng đại học thời gian đào tạo ít nhất 4 năm (bằng cử nhân) hoặc sau đại học (thạc sĩ hoặc tiến sĩ); thực hiện phương thức đào tạo trực tiếp. Trong 67 trường đại học tốt nhất năm 2018, thì ĐH Quốc gia Hà Nội dẫn đầu.

Bộ GD-ĐT công bố kết quả thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh năm 2018

Ngày 04/10/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 135/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 46/2017/NĐ-CP ngày 21/4/2017 của Chính phủ quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục.

Sau khi Nghị định này có hiệu lực thi hành, Bộ GD-ĐT đã hoàn thành việc cắt giảm, đơn giản hóa các ĐKKD được đề xuất tại Phương án đề xuất liên quan đến Nghị định số 46/2017/NĐ-CP.

Những sự kiện giáo dục nổi bật trong tháng 10/2018

Ảnh Hải Nam.

Cụ thể: Cắt giảm 57/212 ĐKKD, chiếm 26,9%;  Đơn giản hóa 36/212 ĐKKD, chiếm 17%. Kết quả, đạt tỉ lệ 43.9% tổng số ĐKKD, trong đó:

Cơ sở giáo dục mầm non: cắt giảm 12 ĐKKD; đơn giản hóa 9 ĐKKD; Cơ sở giáo dục phổ thông: cắt giảm 12 ĐKKD; đơn giản hóa 6 ĐKKD; Cơ sở giáo dục thường xuyên: cắt giảm 10 ĐKKD; đơn giản hóa 5 ĐKKD.

Trường chuyên biệt: cắt giảm 8 ĐKKD; đơn giản hóa 3 ĐKKD; Trường TCSP, CĐSP, đại học: cắt giảm 7 ĐKKD; đơn giản hóa 11 ĐKKD.

Kiểm định chất lượng giáo dục: cắt giảm 6 ĐKKD; đơn giản hóa 2 ĐKKD; Tư vấn du học: cắt giảm 2 ĐKKD.

Như vậy, năm 2018 tổng số ĐKKD đã cắt giảm, đơn giản hóa tại Nghị định số 86/2018/NĐ-CP (thay thế Nghị định số 73) và Nghị định số 135/2018/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung Nghị định số 46/2017/NĐ-CP) là 121/212 ĐKKD, chiếm 57,1% tổng số ĐKKD (hoàn thành vượt mức 5.2% so với tỷ lệ ĐKKD đã đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa tại Phương án đề xuất).

27 tỉnh thiếu giáo viên có nhu cầu tuyển dụng nhưng không được giao chỉ tiêu tuyển mới

Tính đến 15/8/2018, cả nước có 1.161.143 giáo viên Mầm non, Phổ thông (công lập 858.772, ngoài công lập 23.691). Trong đó, nhiều nhất là giáo viên ở bậc Tiểu học, đây cũng là bậc học có ít giáo viên ngoài công lập hơn cả.

Cụ thể, số giáo viên từng bậc như sau: Mầm non 309.770 (công lập 262.155, ngoài công lập 47.615); Tiểu học: 395.848 (công lập 390.873, ngoài công lập 4.975); Trung học cơ sở (THCS): 305.815 (công lập 300.990, ngoài công lập 4825); Trung học phổ thông (THPT): 149.710 (công lập 135.819, ngoài công lập 13.891).

Cả nước có 93,08% giáo viên ở các trường công lập, trong đó 78,87% được tuyển dụng theo hình thức hợp đồng làm việc (có thời hạn, không thời hạn), còn lại tuyển dụng theo hình thức hợp đồng lao động (trong chỉ tiêu, ngoài chỉ tiêu biên chế); gần 7% giáo viên ở các trường ngoài công lập.

Những sự kiện giáo dục nổi bật trong tháng 10/2018

Ảnh Hải Nam.

Số lượng nhân viên trong các cơ sở Mầm non, Phổ thông là 263.930 được tuyển dụng theo các hình thức tương tự như giáo viên: Mầm non là 110.951, Tiểu học là 70.570 nhân viên, THCS là 54.950 và THPT là 27.459 người. Tính ra, số nhân viên hợp đồng trên 60% tổng số nhân viên.

Theo Bộ GD-ĐT, so với nhu cầu sử dụng theo định mức, số giáo viên còn thiếu sau khi được giao biên chế lên tới gần 76.000 người. Toàn quốc chỉ có 2/63 tỉnh, thành là Đà Nẵng và Đồng Nai là không thiếu giáo viên; 21 tỉnh thành thiếu từ 1.000 giáo viên trở lên, đặc biệt là bậc mầm non, tiểu học.

Bộ GD-ĐT cho biết, có 27 tỉnh thiếu giáo viên, có nhu cầu tuyển dụng nhưng không được giao chỉ tiêu tuyển mới trong năm học 2018-2019. Trong số các địa phương không được giao chỉ tiêu tuyển mới năm nay, tỉnh Hải Dương có nhu cầu lớn nhất với gần 4.000 giáo viên. Do việc tăng dân số tự nhiên mà năm học 2018-2019, tỉnh này tăng đến 24.184 học sinh.

Thái Bình là địa phương xếp thứ hai với nhu cầu tuyển hơn 3.600 giáo viên do số học sinh tiểu học tăng 7.000 so với năm học trước.

Hà Nội là địa phương thiếu nhiều giáo viên nhất, tới 12.681 người, nhưng năm học này tổng biên chế được giao tuyển mới chỉ là 8.211. Như vậy, nếu tính cả số tuyển mới nếu được, Hà Nội vẫn thiếu hơn 4.000 giáo viên.

Theo thống kê, tổng số lượng biên chế giáo viên mầm non, phổ thông được giao để tuyển mới cho năm học 2018-2019 là 34.242. So với nhu cầu sử dụng theo định mức quy định, số giáo viên còn thiếu sau khi đã được giao thêm biên chế để tuyển dụng là 75.989 người (mầm non 43.732 người, tiểu học 18.953 người, THCS 10.143 người, THPT 3.161 người).

Đặc biệt ở cấp THCS hiện nay có tình trạng thừa, thiếu cục bộ giữa các môn học ở một số cơ sở giáo dục, giữa các địa phương trong một tỉnh mà không điều tiết được và giữa các tỉnh/ thành phố. Do đó, đến thời điểm hiện tại, mặc dù toàn quốc thiếu 10.143 giáo viên THCS nhưng cũng vẫn thừa 12.165 giáo viên THCS.

Sách giáo khoa mới do Bộ GD-ĐT biên soạn sẽ có thêm phiên bản điện tử

Bộ GD-ĐT đã hoàn thành xây dựng chương trình tổng thể và các chương trình môn học; tổ chức thực nghiệm những điểm mới về nội dung và phương pháp dạy học theo chương trình mới. Bộ GD-ĐT cũng chỉ đạo chuẩn bị tài liệu hướng dẫn và kế hoạch tập huấn cho các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn sách giáo khoa.

Những sự kiện giáo dục nổi bật trong tháng 10/2018

Ảnh Hải Nam.

Theo quy định của Quốc hội, Bộ GD-ĐT sẽ chủ trì biên soạn một bộ sách giáo khoa; tổ chức thẩm định sách giáo khoa đảm bảo khách quan, công bằng (gồm bộ sách giáo khoa do Bộ GD-ĐT chỉ đạo việc tổ chức biên soạn và các sách giáo khoa khác do tổ chức, cá nhân biên soạn); phê duyệt, cho phép sử dụng sách giáo khoa dựa trên kết quả thẩm định của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa.

Đồng thời, bộ sách giáo khoa do Bộ chủ trì sẽ được công bố công khai, trong đó có phiên bản sách điện tử để giáo viên, học sinh sử dụng rộng rãi, bình đẳng. Bộ đang thực hiện các thủ tục theo quy định để ban hành Thông tư Chương trình giáo dục phổ thông trong tháng 10 năm 2018.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những sự kiện giáo dục nổi bật trong tháng 10/2018