Những rủi ro cần biết khi đầu tư vào ETF (P3)

05/02/2014 09:05
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Do ETF là một dạng đầu tư chỉ số, rủi ro hệ thống của ETF cũng tương đương với rủi ro biến động của thị trường. Khi thị trường giảm, chỉ số giảm và nhà đầu tư phải gánh chịu thua lỗ.

TOÀN CẢNH VỀ HOẠT ĐỘNG CỦA QUỸ EXCHANGE TRADED FUND (ETF)

Giới thiệu thông tin chi tiết về cơ chế hoạt động của ETF, phân tích lợi ích và rủi ro khi đầu tư vào ETF; đồng thời đưa ra những chiến lược đầu tư thường được áp dụng khi đầu tư vào quỹ ETF qua chuỗi bài viết gồm 5 phần.

Rủi ro khác biệt giá trước khi niêm yết. Trước khi được phát hành, quỹ ETF huy động vốn từ các nhà đầu tư tổ chức để hình thành nên vốn mồi (seed fund). Vốn mồi được sử dụng để tập hợp các chứng khoán cơ cấu và sau đó sẽ đổi thành chứng chỉ quỹ để bán ra công chúng.

Như vậy, từ lúc góp vốn cho đến lúc quỹ được phát hành và niêm yết thì sẽ cần một khoảng thời gian nhất định. Trong khoảng thời gian đó, nhà đầu tư phải đối mặt với rủi ro biến động giá của tài sản cơ cấu và của ETF.

Mức sinh lời của quỹ không vượt trội so với chỉ số. Do ETF mô phỏng chỉ số nên ngay cả khi thị trường trong giai đoạn tăng trưởng mạnh thì ETF cũng không thể thu được mức lợi nhuận vượt trội chỉ số mà nó mô phỏng. Đây có lẽ cũng là điểm yếu lớn nhất của quỹ ETF.

Rủi ro hệ thống đối với chỉ số mô phỏng. Về mặt lý thuyết, đầu tư vào một danh mục sẽ giảm được mức biến động giá và tác động của từng chứng khoán riêng lẻ lên toàn bộ danh mục. Tuy nhiên, bản thân của chính danh mục đầu tư cũng không thể tránh khỏi rủi ro hệ thống.

Các quyền khác với cổ phiếu thường. Đối với ETF, nhà đầu tư phải thông qua công ty quản lý quỹ để mua chứng chỉ quỹ. Nắm giữ chứng chỉ quỹ ETF cũng giống như nắm một rổ chứng khoán cơ cấu.

Tuy nhiên, do các chứng khoán thành phần vẫn thuộc về công ty quản lý quỹ, các nhà đầu tư nắm giữ ETF không có các quyền đối với chứng khoán thành phần mà chính công ty quản lý quỹ mới đóng vai trò là cổ đông của các cổ phiếu cơ cấu và có được các quyền liên quan (như tham dự đại hội cổ đông, nhận cổ tức, cổ phiếu thưởng…).

Sai số trong mô phỏng. Sai số mô phỏng là độ lệch chuẩn giữa tỷ suất sinh lợi của ETF và tỷ suất sinh lợi của chỉ số cơ sở. ETF có sai số mô phỏng càng nhỏ thì càng thu hút được nhà đầu tư.

Đối với nhà quản lý quỹ ETF, chức năng chính và quan trọng nhất là duy trì sai số mô phỏng càng nhỏ càng tốt bằng cách cơ cấu lại danh mục của quỹ.

Trong thực tế, do sự biến động của thị trường và nhiều yếu tố khác như các hoạt động chia, tách, sáp nhập doanh nghiệp hay phát hành cổ phiếu thưởng… làm cho nhiệm vụ giảm thiểu sai số mô phỏng trở nên khó khăn hơn, đặc biệt trong trường hợp thị trường thiếu thanh khoản.

Tình trạng chênh lệch giá. Giống như cổ phiếu, ETF chịu ảnh hưởng bởi khối lượng giao dịch. Khi khối lượng giao dịch tăng lên nhanh chóng trong thời gian ngắn, hoặc giảm xuống một cách đáng kể sẽ tạo ra chênh lệch giữa giá giao dịch và NAV.

Mặc dù ETF có cơ chế giao dịch đặc biệt từ thị trường sơ cấp và thứ cấp, tình trạng gia tăng (premium) hoặc khấu trừ (discount) vẫn có thể diễn ra và sẽ gây bất lợi cho nhà đầu tư.

Rủi ro tỷ giá đối với các ETF nước ngoài. Biểu hiện dễ thấy nhất của rủi ro này là trong trường hợp ETF được niêm yết ở thị trường nước ngoài còn rổ chứng khoán cơ cấu được niêm yết ở thị trường trong nước. Nếu đồng nội tệ bị mất giá so với ngoại tệ, NAV của ETF cũng giảm theo và nhà đầu tư phải gánh chịu mức lỗ này.

* Quỹ ETF hoạt động như thế nào? (P1)

* Những lợi ích của Quỹ ETF (P2)

Phòng Nghiên cứu Vietstock

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những rủi ro cần biết khi đầu tư vào ETF (P3)