Giảm giá cước điện thoại di động, gian lận để trục lợi bảo hiểm bị phạt 100 triệu đồng,… là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 5/2018.
Giảm giá cước các mạng điện thoại di động
Kể từ ngày 1/5/2018, Thông tư 48 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về mức giá cước mới đối với mạng điện thoại di động.
Theo đó, giá cước kết nối cuộc gọi giữa hai mạng thông tin di động được giảm từ 500 đến 550 đồng/phút còn: 400 đồng/phút đối với mạng di động của Tập đoàn Viễn thông Quân đội; 440 đồng/phút đối với mạng di động của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, MobiFone, Vietnammobile, Công ty cổ phần Viễn thông di động Toàn cầu. Ngoài ra, giá cước kết nối cuộc gọi thoại từ mạng nội hạt vào mạng di động giảm còn 320 đồng/phút (Quy định hiện nay là 415 đồng/phút).
Gian lận để trục lợi nhận tiền bảo hiểm sẽ bị xử phạt 100 triệu đồng
Theo Nghị định 48 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số nêu rõ có hiệu lực từ ngày 10/5 nêu rõ: phạt tiền từ 90 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm về gian lận trong kinh doanh bảo hiểm mà số tiền chiếm đoạt dưới 20 triệu đồng hoặc gây thiệt hại dưới 50 triệu đồng. Đặc biệt, hành vi ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức sẽ bị phạt tiền từ 40-50 triệu đồng.
Phạt 30 triệu đồng nếu giả mạo chứng từ kế toán
Kể từ ngày 1/5/2018, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 41 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập. Theo Nghị định này, sẽ phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với các hành vi sau: Giả mạo, khai man chứng từ kế toán nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; Thỏa thuận hoặc ép buộc người khác giả mạo, khai man chứng từ kế toán nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; Lập chứng từ kế toán có nội dung các liên không giống nhau trong trường hợp phải lập chứng từ kế toán có nhiều liên cho một nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh; Không lập chứng từ kế toán khi nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh... Ngoài ra, nếu cá nhân tẩy xoá chứng từ kế toán cũng sẽ bị phạt từ 3-5 triệu đồng.
Công ty bán hàng đa cấp phải có vốn điều lệ 10 tỷ đồng trở lên
Nghị định 40 của Chính Phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp có hiệu lực từ ngày 2/5. Theo Nghị định này, các tổ chức đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp phải đáp ứng những điều kiện sau: Là doanh nghiệp được thành lập tại Việt Nam theo quy định và chưa từng bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp; Vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng trở lên; Có mẫu hợp đồng tham gia bán hàng, quy tắc hoạt động, kế hoạch trả thưởng, chương trình đào tạo cơ bản rõ ràng, minh bạch và phù hợp với quy định...
Doanh nghiệp Nhà nước không được sử dụng vốn để đầu tư bất động sản
Theo Nghị định 32/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp có hiệu lực từ ngày 1/5/2018, doanh nghiệp Nhà nước không được sử dụng vốn để đầu tư bất động sản.
Cụ thể, doanh nghiệp Nhà nước không được sử dụng tài sản, tiền vốn, quyền sử dụng đất thuê để góp vốn hoặc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản (trừ doanh nghiệp Nhà nước có ngành nghề kinh doanh chính là các loại bất động sản theo quy định của Luật kinh doanh bất động sản), không được góp vốn, mua cổ phần tại ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán hoặc công ty đầu tư chứng khoán, trừ những trường hợp đặc biệt theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Đối với đầu tư, mua sắm tài sản cố định bên ngoài đưa về sử dụng (kể cả phương tiện vận tải phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ), doanh nghiệp phải thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu và các quy định khác của pháp luật có liên quan.