Tiêu điểm

Những nội dung lớn trong đề xuất sửa đổi Luật Phá sản

Mai Đỉnh 21/11/2023 - 15:33

Ngày 21/11, TANDTC phối hợp với Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) tổ chức hội thảo về những nội dung lớn trong đề xuất sửa đổi Luật Phá sản. Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Chánh án TANDTC Phạm Quốc Hưng chủ trì hội thảo.

Tham dự hội thảo có ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội; ông Trần Hồng Hà, Thẩm phán TANDTC; bà Phạm Liên Anh, Trưởng Chương trình Kiến tạo thị trường của IFC; bà Nina Mocheva, Chuyên gia tài chính cao cấp IFC/WBG; bà Trần Thị Phương Hoa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Bộ Tư pháp; ông Lê Hoàng Nhí, Quản tài viên; ông Nguyễn Giang Sơn, Phó Kiểm toán trưởng, Kiểm toán nhà nước.

Cùng tham dự còn có các đại diện Vụ Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học TANDTC; các diễn giả, đại diện Bộ, ngành (Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Tổng Cục thuế, Tổng LĐLĐ, Ngân hàng Nhà nước….); Thẩm phán các Tòa chuyên trách đến từ các Tòa án địa phương.

hoi-thao-luat-pha-san-4-.jpg
Hội thảo lấy ý kiến về những chính sách lớn trong đề xuất xây dựng Luật Phá sản (sửa đổi).

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chánh án TANDTC Phạm Quốc Hưng cho biết, Luật Phá sản năm 2014 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa 13 kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 19/6/2014, có hiệu lực từ ngày 01/01/2015, thay thế Luật Phá sản năm 2004.

Luật Phá sản 2014 ra đời đã khắc phục được những hạn chế, vướng mắc từ thực tiễn thi hành Luật Phá sản năm 2004, tạo ra khung pháp lý vững chắc cho việc phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã. Tuy nhiên, sau hơn 9 năm đi vào thực tiễn, bên cạnh những tiến bộ, tích cực, Luật Phá sản 2014 cũng đã bộc lộ những hạn chế, bất cập nhất định cần phải được nhìn nhận, giải quyết, nhất là trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam có nhiều biến động, nhiều quan hệ kinh tế mới phát sinh; khoa học pháp lý liên quan tới lĩnh vực này cũng có nhiều cách tiếp cận và giải quyết hiệu quả cần được nghiên cứu áp dụng trong thực tiễn tại Việt Nam…

hoi-thao-luat-pha-san-3-.jpg
Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Chánh án TANDTC Phạm Quốc Hưng chủ trì Hội thảo.

Theo Phó Chánh án TANDTC Phạm Quốc Hưng, nội dung của Hội thảo này là những vấn đề hết sức quan trọng mang tính định hướng cho việc xây dựng Luật Phá sản (sửa đổi); qua đó tạo môi trường pháp lý bình đẳng, lành mạnh, hỗ trợ mọi loại hình doanh nghiệp cạnh tranh tồn tại trong sự tiến bộ, phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế.

“Sự tham gia đóng góp ý kiến của các chuyên gia trong nước và quốc tế có kinh nghiệm cả trong lĩnh vực nghiên cứu hoàn thiện pháp luật và hoạt động thực tiễn trong quá trình giải quyết các vụ việc phá sản sẽ giúp cho TANDTC củng cố thêm nhiều cơ sở lý luận và thực tiễn về những chính sách lớn trong sửa đổi Luật Phá sản lần này”, Phó Chánh án TANDTC Phạm Quốc Hưng nhấn mạnh.

hoi-thao-luat-pha-san-2-.jpg
Toàn cảnh Hội thảo.

Chia sẻ quan điểm tại Hội thảo, bà Nina Mocheva, Chuyên gia tài chính cao cấp IFC/WBG cho biết, hiện nay, các tổ chức quốc tế, các quốc gia trong khu vực cũng như trên toàn thế giới rất coi trọng, quan tâm và nỗ lực việc cải cách theo quy định của phá sản. Nhiều nghiên cứu cho thấy thực tế khi triển khai Luật Phá sản đã có những tác động đối với nền kinh tế toàn quốc gia.

Theo bà Nina Mocheva, phá sản không phải là khâu cuối cùng của quá trình hoạt động của một doanh nghiệp, mà nó chỉ là một hoạt động của doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính. Đối với hệ thống phá sản, chúng ta cần phải đảm bảo tính khả đoán của nó; đồng thời cần xây dựng một văn hóa hay chế định để làm sao cho hệ thống đó không phải để cho doanh nghiệp đóng cửa mà giúp cho doanh nghiệp hồi phục trở lại và phát triển tốt hơn.

hoi-thao-luat-pha-san-5-.jpg
Bà Nina Mocheva, Chuyên gia tài chính cao cấp IFC/WBG chia sẻ quan điểm tại Hội thảo.

Tại Hội thảo, các chuyên gia tập trung thảo luận vào các nội dung chính như: thủ tục phục hồi kinh doanh; hòa giải trong thủ tục phá sản; hoàn thiện pháp luật về trình tự, thủ tục giải quyết phá sản; chế định Quản tài viên; thành lập Tòa chuyên biệt; cơ chế giải quyết phá sản có yếu tố nước ngoài…; đồng thời đưa ra các vướng mắc, bất cập và kiến nghị cụ thể cho mỗi nội dung.

Đa số các chuyên gia cho cho rằng Luật Phá sản hiện nay của Việt Nam có nhiều điểm chưa phù hợp với thực tiễn nên khi áp dụng đã phát sinh nhiều bất cập, các quy định của Luật Phá sản còn thiếu và chồng chéo lẫn nhau và các luật khác dẫn đến tình trạng các Thẩm phán, Quản tài viên và Chấp hành viên khó hoặc không thể thực hiện được nhiệm vụ của mình.

Cũng theo các chuyên gia, hiện nay, khi nói đến vấn đề pháp lý thường tạo một tâm lý không tốt đối với các công ty, doanh nghiệp Việt Nam, tuy nhiên đối với các công ty, tổ chức quốc tế thì rất bình thường. Chính vì vậy, cần có giải pháp rõ ràng để Luật này đi vào cuộc sống.

Đề xuất thành lập các Tòa án chuyên biệt về phục hồi và phá sản doanh nghiệp tại Việt Nam

Ông Hoàng Ngọc Thành, Chánh tòa Tòa Kinh tế TAND TP. Hà Nội cho rằng, việc thành lập Tòa án chuyên biệt về phục hồi và phá sản sẽ tạo một môi trường thuận lợi cho Thẩm phán, Quản tài viên và Chấp hành viên được đào tạo tốt hơn về công tác hòa giải, công tác tái cầu trúc doanh nghiệp và chuyên sâu về hoạt động thanh lý tài sản.

Ngoài ra, các Thẩm phán, Quản tài viên và Chấp hành viên dành nhiều thời gian và tập trung chuyên môn sâu về phục hồi và phá sản doanh nghiệp để nghiên cứu và giải quyết vụ việc phá sản đặc biệt là những vụ phá sản doanh nghiệp lớn, những công ty đa quốc gia đồng thời thuần thục trong việc giải quyết những vụ phá sản đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Hơn thế nữa, điều này giúp cho thủ tục, trình tự của người dân và doanh nghiệp khi nộp đơn xin phục hồi doanh nghiệp hay yêu cầu tuyên bố phá sản dễ dàng hơn theo định hướng xây dựng Luật Phá sản mới.

hoi-thao-luat-pha-san-1-.jpg
ông Lê Hoàng Nhí, Quản tài viên.

Có thể thấy, việc thành lập Tòa án chuyên biệt về phục hồi và phá sản doanh nghiệp sẽ đem lại hiệu quả cao hơn như cách thức tổ chức các TAND hiện nay. Chú trọng nhiều hơn về kiến thức quản lý doanh nghiệp, tái cầu trúc doanh nghiệp, không chỉ đơn thuần là thực hiện yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp và thanh lý tài sản.

Việc thành lập Tòa án chuyên biệt về phục hồi và phá sản doanh nghiệp như nhiều quốc gia trên thế giới sẽ giúp Việt Nam tập trung vào việc đào tạo đội ngũ Thẩm phán chuyên trách, những Quản tài viên chuyên biệt về phục hồi, tái cầu trúc doanh nghiệp hay Quản tài viên chuyên thanh lý tài sản. Ông Hoàng Ngọc Thành kiến nghị sẽ thành lập 03 Tòa án chuyên biệt tại 03 thành phố lớn trực thuộc Trung ương là TP. Hà Nội, TP. HCM và TP. Đà Nẵng.

Bên cạnh những vấn đề về thành lập Tòa án chuyên biệt, những khó khăn, vướng mắc đối với công tác quản lý, đào tạo, bồi dưỡng Quản tài viên trong giải quyết phá sản và thực tiễn thi hành các quyết định giải quyết phá sản và đề xuất sửa đổi Luật Phá sản cũng được các chuyên gia đưa ra thảo luận.

Kết thúc Hội thảo, Phó Chánh án TANDTC Phạm Quốc Hưng đánh giá Hội thảo đã diễn ra với tinh thần tích cực, các ý kiến góp ý, đề xuất tại Hội thảo thẳng thắn, đầy tâm huyết nhằm đưa Luật này đi vào cuộc sống. Phó Chánh án TANDTC Phạm Quốc Hưng đề nghị các cơ quan, các thành viên tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm, tham góp ý kiến giúp cho TANDTC củng cố thêm nhiều cơ sở lý luận và thực tiễn về những chính sách lớn trong sửa đổi Luật Phá sản lần này.

hoi-thao-luat-pha-san-6-.jpg
Quang cảnh Hội thảo.

Những nội dung lớn trong đề xuất sửa đổi Luật Phá sản:

Thứ nhất: Xây dựng thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh độc lập, tách biệt đối với thủ tục giải quyết phá sản.

Thứ hai: Nâng cao vài trò và trách nhiệm của Quản tài viên trong giải quyết phá sản, hoàn thiện hơn nữa về chế định Quản tài viên; tiêu chuẩn điều kiện bổ nhiệm Quản tài viên, quản lý giám sát hoạt động của Quản tài viên.

Thứ ba: Thành lập Tòa chuyên biệt về giải quyết Phá sản và phục hồi, tạo ra đội ngũ Thẩm phán và cán bộ Tòa án chuyên nghiệp về giải quyết phá sản.

Thứ tư: Hoàn thiện về thủ tục phục hồi và phá sản đối với doanh nghiệp siêu nhỏ, thực hiện thủ tục phá sản riêng đối với doanh nghiệp siêu nhỏ. Để thủ tục phá sản giản lược hợp lý, giảm bớt sự phức tạp, nhanh chóng và linh hoạt.

Thứ năm: Áp dụng thủ tục hòa giải trong giải quyết vụ việc phá sản. Việc hòa giải, thỏa thuận có thể góp phần giải quyết vụ việc nhanh chóng, hiệu quả, hài hòa lợi ích. Tuy nhiên, Luật Phá sản hiện hành không có quy định về thủ tục hòa giải và công nhận sự thỏa thuận cụ thể, thiếu cơ chế để thực hiện, không mang tính chất đặc thù cho việc giải quyết vụ việc phá sản có yếu tố nước ngoài gây khó khăn cho việc áp dụng.

Thứ sáu: Hoàn thiện về cơ chế giải quyết phá sản có yếu tố nước ngoài. Những quy định trong Luật Phá sản 2014 về việc giải quyết phá sản có yếu tố nước ngoài còn chưa cụ thể, thiếu cơ chế thực hiện, không mang tính chất đặc thù mà chỉ viện dẫn chung, gây khó khăn cho việc áp dụng.

Thứ bảy: Hoàn thiện pháp luật về trình tự thủ tục giải quyết phá sản. Khắc phục những vướng mắc, bất cập về khái niệm mất khả năng thanh toán, thụ lý đơn, quyền nộp đơn, thẩm quyền của Tòa án, biện pháp đảm bảo tài sản,…

Thứ tám: Một số vướng mắc bất cập trong sự phối hợp giữa các bộ ngành có liên quan, giải quyết phá sản trực tuyến, các trường hợp giao dịch vô hiệu, bù trừ nghĩa vụ, kiểm toán báo cáo tài chính, đấu giá tài sản.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những nội dung lớn trong đề xuất sửa đổi Luật Phá sản