Chỉ vì tranh chấp đất, không ít gia đình đã rơi vào cảnh “nồi da nấu thịt”. Con cái đoạn tình mẫu tử, anh em dứt tình huynh đệ, thậm chí, có nhiều vụ án đau lòng đã xảy ra khiến người chết, kẻ đi tù...
“Đất của tôi, tôi có quyền lấy lại”
Sáu phụ nữ đứng trước vành móng ngựa là mẹ, là chị gái, chị dâu của bị hại. Người cao tuổi nhất năm nay đã 81 tuổi, thấp nhất đã 43 tuổi và đều đã là cụ, là bà. Vì tranh chấp đất đai, mẹ con, anh em dắt nhau ra tòa, đứng ở hai chiến tuyến để phân tranh “sai - đúng”.
TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án bà Nguyễn Thị C (SN 1932, Sóc Sơn, Hà Nội) cùng 5 người con (2 con dâu, 3 con gái) về hành vi “Hủy hoại tài sản” theo đơn kháng cáo của con trai bà C.
Nguyên nhân bắt nguồn từ việc bà C muốn đòi lại 20m2 đất mà vợ chồng bà đã từng cho con trai là Hoàng Văn Đ (SN 1970) và con dâu là Nguyễn Thị T (SN 1973) nhưng vợ chồng anh Đ không đồng ý.
Anh chị em đã hòa giải nhiều lần nhưng vợ chồng anh Đ vẫn không nhượng bộ mẹ. Cuối năm 2011, anh Đ xây thêm một công trình phụ ở mảnh đất đang tranh chấp. Bực mình, bà C sang tận nhà con trai để mắng chửi, đập phá, gây ra xô xát với con dâu. Bà cụ ngã ngửa. Bà hô hoán con gái, con dâu khác đến “bảo vệ mẹ” khiến chị T phải đi cấp cứu, tổn hại 4% sức khỏe.
Hai ngày sau, bà C và các con dâu tiếp tục đến phá hủy toàn bộ công trình phụ của gia đình con trai, bao gồm chuồng ngựa và chuồng lợn. Anh Đ làm đơn tố cáo mẹ và các chị gái, chị dâu ra cơ quan công quyền. TAND huyện Sóc Sơn tuyên phạt bà C 9 đến 12 tháng tù treo, còn 5 bị cáo còn lại chịu mức án 6 đến 9 tháng tù treo và phải bồi thường 8,7 triệu đồng cho gia đình anh Đ.
Không đồng tình với phán quyết này, vợ chồng chị T làm đơn kháng cáo lên TAND TP Hà Nội đòi “xem xét lại mức bồi thường, tăng mức hình phạt tù đối với các bị cáo” - (lời bị hại).
Công trình của anh Đ bị mẹ và các chị phá đổ
Đứng trước vành móng ngựa, bà C chít khăn mỏ quạ và bộ áo nâu cũ bạc màu. Lưng bà đã còng, đôi mắt mờ đục, đôi tai nghễnh ngãng cố gắng “nuốt” từng lời của vị chủ tọa. 3 trong số 6 bị cáo mù chữ, số còn lại mới qua lớp xóa mù. Điều khiến mọi người cảm thấy đau lòng là tất cả những người tham dự đều là “người một nhà”. Các bị cáo là mẹ, là chị của bị hại. Gia đình bị hại còn là dâu con, cháu chắt của bị cáo.
Tòa hỏi: “Con trai bà đang sinh sống, xây dựng nhà cửa trên mảnh đất đó, sao bà lại sang phá công trình phụ của con?”. Bà C bảo, đó là phần đất mà vợ chồng bà đã sinh sống. Năm 1992, bà cưới vợ, chia đất, làm nhà cho anh Đ, còn bà sang ở với con gái. Năm 2007, bà họp lại các con để chia lại đất cát, thế nhưng, chỉ có anh Đ là không thuận theo ý mẹ. Cuối năm 2011, bà muốn lấy một ít đất nên sang đòi con trai.
“Đất của tôi, tôi có quyền đòi lại. Tôi cho bao nhiêu thì được bấy nhiêu chứ. Thằng Đ còn thách thức tôi bằng cách xây thêm chuồng lợn, chuồng ngựa. Tôi phá sạch, phá hết” - bà C bức xúc.
Các con gái khác của bà cũng khẳng định: “Đất của mẹ thì chúng tôi sang đòi cho mẹ. Mẹ kéo đổ mái, còn chúng tôi đạp đổ tường, đập vỡ ngói và vứt đi…”.
Nghe thế, chị T bức xúc: “Mảnh đất đó là đất lấn chiếm, xã không cấp sổ đỏ cho”. Chị T yêu cầu nâng mức hình phạt từ án treo lên án tù giam cho các bị cáo. Tất cả mọi người trong phiên tòa sững lại, hướng ánh mắt về phía bị hại.
Vị hội thẩm hỏi: “Bị hại là con dâu và con đẻ của bị cáo mà vẫn muốn mẹ chồng và chị chồng vào tù?” Chị T lạnh lùng: “Vì mẹ quá đáng”.
“Quá đáng đến mức phải cho mẹ chồng đi tù không?”. Thấy vợ im lặng, anh Đ nói: “Đến nước này thì không còn tình nghĩa mẹ con, anh em gì hết. Tôi giữ nguyên yêu cầu tăng hình phạt”.
Nghe thế, một vài bị cáo nức nở, bà C thở dài: “Tòa xử sao, tôi nghe vậy”. Vị Hội thẩm nhân dân nói: “Đây là một vụ án đau lòng. Không có người con trai, con dâu nào lại muốn đưa mẹ và các chị vào tù. Mọi người hãy ngẫm lại thái độ ứng xử và hành vi của mình để đến mức như ngày hôm nay”. TAND TP Hà Nội bác đơn kháng cáo của chị T, bà C đi về cùng các con. “Tôi tiếp tục kháng cáo để được công bằng” - anh Đ nói.
Đâm chết em trai vì... đất
Vừa qua, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Văn Soi (SN 1944, trú tại Thanh Oai, Hà Nội) về tội Giết người có tính chất côn đồ. Nạn nhân trong vụ án là người em trai cùng cha khác mẹ với bị cáo, ông Nguyễn Văn H (SN 1954).
Vợ mất, bố ông Soi đi bước nữa, có thêm 2 người con trai, ông H là con trai út. Trước khi mất, ông cụ không để lại di chúc, nên giữa ông Soi và người em trai thứ hai của ông Soi tranh chấp nhau mảnh đất do tổ tiên để lại.
Mâu thuẫn kéo dài chưa có hồi kết thì ông Soi xây tường rào bao quanh mảnh đất này để xây công trình phụ. Người em trai kia không chấp nhận, bèn nhờ ông H (em út) và con trai ông H đến đập phá bức tường.
Hai bên xung đột, ông Soi làm đơn tố cáo hành vi của bố con ông H, khiến con trai ông H bị truy tố về tội Hủy hoại tài sản và phải ngồi tù. Quá bức xúc việc bác cả đẩy cháu vào tù, ông H nhiều lần đến nhà anh trai chửi bới, gây sự.
Bị cáo Nguyễn Văn Soi tại phiên tòa xét xử
Ông Soi cũng không vừa, mỗi lần ông H đến, ông lại ra “đấu khẩu”. Đỉnh điểm xung đột, ông Soi cầm dao nhọn đâm ông H khiến ông H tử vong.
Suốt phiên tòa, gia đình ông Soi và vợ ông H đứng ở hai “chiến tuyến”, liên tục nói lời lăng mạ nhau. Chủ tọa phân tích: “Vì tranh chấp đất đai mà một người chết, một người vào tù có đáng không? Bị cáo có mâu thuẫn thì phải nhờ chính quyền giải quyết chứ không lẽ để nó kéo dài cả đời con, đời cháu hay sao?”. Vợ bị hại trách móc: “Mảnh đất ấy bố mẹ đã cho anh hai, mà anh ấy cứ sang đòi rồi gây hấn”.
Nghe thế, vợ bị cáo lại phủ nhận và tố: “Ông H mới là người đến nhà tôi đánh đập mọi người, cả đứa cháu vài tháng tuổi cũng không nương tay...”. Bị cáo Soi bị tuyên phạt 18 năm tù.
Những phiên tòa khép lại, nhưng đau đáu trong lòng những người tham dự là một nỗi niềm. Không gì mua được tình máu mủ ruột rà, chỉ cần mỗi người nhường nhau một chút, không đặt nặng vật chất lên trên tình cảm, thì có lẽ, cả gia đình, anh em không phải dắt nhau đứng trước vành móng ngựa.