Làm báo, ai cũng từng phải đi phỏng vấn. Cuộc phỏng vấn thành công hay thất bại phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, và quan trọng nhất là đối tượng trả lời phỏng vấn. Nhân ngày 21/6 tôi nhớ đến một số người thật tuyệt vời, phỏng vấn họ rất thú vị.
Phỏng vấn ở Quốc hội
Tôi nhớ hồi được phân công theo dõi Quốc hội khóa IX, khóa X, anh em báo chí làm việc rất vui. Ngồi trong nhà kính theo dõi Quốc hội họp qua màn hình, chờ đến giờ giải lao là ùa ra sân, lên hành lang hội trường tìm người phỏng vấn. Không khí báo chí rất sôi động.
Những người được phỏng vấn nhiều, và nội dung trả lời phỏng vấn hay cũng là những đại biểu phát biểu nhiều trên hội trường, mà có câu sắp xếp rằng “Nhất Ngoạn, nhì Trân, tam Lân, tứ Quốc”. Theo đó là các đại biểu Đỗ Trọng Ngoạn, Nguyễn Ngọc Trân, Nguyễn Lân Dũng và Dương Trung Quốc. Cũng có cách nói khác nêu tên đại biểu Nguyễn Quốc Thước, Nguyễn Minh Thuyết.
GS Nguyễn Ngọc Trân
Tôi nhiều lần phỏng vấn họ. Phỏng vấn GS Nguyễn Lân Dũng, mở đầu ông thường yêu cầu: Câu hỏi hay vào nhé. Có hỏi hay mới trả lời hay được. Do đó, để phỏng vấn ông, tôi phải chuẩn bị rất kỹ những vấn đề sẽ trao đổi. Hồi đó Quốc hội thảo luận và thông qua Luật Giáo dục, bài phỏng vấn GS Nguyễn Lân Dũng xung quanh vấn đề giáo dục và đào tạo rất hay. Không chỉ nêu những vấn đề lý luận, ông còn giới thiệu về mô hình dạy nghề nuôi ba ba, lươn, ếch mà ông làm cố vấn ở Ninh Bình với đầy đủ thông tin sinh động. Về sách giáo khoa, ông kiên trì nêu quan điểm nên có nhiều bộ sách giáo khoa để các trường và học sinh lựa chọn, tương tự như lựa chọn kem đánh răng. Ý kiến của ông chưa được chấp nhận ở thời điểm đó nhưng bây giờ đã trở thành hiện thực.
GS Nguyễn Ngọc Trân cũng là đại biểu có trí tuệ sắc sảo, thường có ý kiến sâu sắc và thẳng thắn. Phỏng vấn ông cũng rất thú vị, vì trả lời phỏng vấn cũng là dịp ông chia sẻ thêm những điều ông suy ngẫm mà không đủ thời gian nêu trên hội trường, nên dễ có bài báo hay.
Mới đây, báo chí có đăng ý kiến của ông về những phẩm chất cần có của một đại biểu Quốc hội. Ông chia sẻ: Theo ý kiến riêng của tôi, một người đại biểu Quốc hội cần phải có tâm và có tầm để làm tốt trách nhiệm mà cử tri tin tưởng giao phó, làm tốt ba chức năng: Quyết định những vấn đề hệ trọng của đất nước, lập pháp, và giám sát.
GS.TS Nguyễn Lân Dũng
Tâm thể hiện ở chỗ đứng về phía cái đúng và dám bảo vệ nó, dám tranh luận, chất vấn để tìm ra nguyên nhân của những khuyết điểm, bất cập trong tổ chức và vận hành của bộ máy Nhà nước pháp quyền, với tinh thần xây dựng, vì lợi ích của dân của nước.
Ngoài chuyên môn gốc của mình, nhiệm vụ đòi hỏi người đại biểu Quốc hội phải có hiểu biết về rất nhiều lĩnh vực khác và sát với thực tế của xã hội. Đó là tầm. Tầm không phải là một trí tuệ siêu phàm, mà là một quá trình luôn tìm tòi và học hỏi và tự trau dồi. Nghĩa là trong tầm phải có tâm. Sau cùng, biểu quyết một vấn đề với tất cả trách nhiệm đòi hỏi ở người đại biểu Quốc hội vừa tầm, vừa tâm.
Theo dõi các kỳ Quốc hội, chúng tôi thấy ông có đủ những phẩm chất ấy.
Không né vấn đề khó
Đại biểu Dương Trung Quốc cũng là người mà anh em báo chí rất khoái, bởi lẽ ông không né tránh bất cứ câu hỏi nào và ông luôn có những ý kiến sâu sắc, lý giải bằng kiến văn sâu rộng, nhất là có sự so sánh với lịch sử. Đặc biệt là tư duy của ông cực kỳ mạch lạc, nên về giải băng, những phát biểu của ông không cần biên tập lại. Dương Trung Quốc trả lời không vòng vo, nói đi nói lại, mà luôn sáng rõ, mạch lạc, khúc chiết. Theo dõi đại biểu Dương Trung Quốc phát biểu ở Quốc hội người ta cũng nhận ra điều đó.
Mới đây, nhân sự kiện ông Nguyễn Sự, Bí thư Thị ủy Hội An xin từ chức, nghỉ hưu trước 2 năm, báo chí có bài phỏng vấn ông Dương Trung Quốc bên lề Quốc hội. Đọc bài báo, tôi hình dung ra cả giọng nói, cử chỉ và gương mặt của ông. Ý kiến của ông bao giờ cũng vậy, rất sâu sắc, gợi lên nhiều liên tưởng. Ông nói: Cá nhân tôi đánh giá rất cao, tôn trọng việc làm của cá nhân ông Nguyễn Sự. Tôi nghĩ rằng, trước khi có quyết định thì ông Nguyễn Sự đã tính toán hết rồi, từ việc công đến việc tư. Tôi biết ông Nguyễn Sự là một trong những lãnh đạo địa phương rất có uy tín trong dân. Để lại rất nhiều dấu ấn đối với Hội An - thành phố di sản. “Việc làm của ông Sự, tôi cho đấy là một suy nghĩ bình thường của những người có lòng tự trọng” – ông Quốc nói.
Không dừng lại ở đó, ông Dương Trung Quốc bình luận: “Ông Nguyễn Sự nói là về hưu vì không muốn làm cản đường. Nói như vậy thì hình như trong cơ chế của chúng ta có cả một thế hệ này cản đường thế hệ kia. Chưa có lối thông thoát để có thể nâng cao chất lượng bộ máy chính quyền”.
Ông Dương Trung Quốc
Dương Trung Quốc là như thế, ông không ngại phát biểu về những vấn đề khó, nhiều người cho là nhạy cảm với một giọng nói thuyết phục và tấm lòng trong sáng vì sự tốt đẹp của xã hội.
Người được phỏng vấn ghi âm và giải băng
Phỏng vấn ông Nguyễn Trần Bạt, doanh nhân, luật sư, nhà tư vấn, học giả, nhà sáng lập Invest Consult Group (Công ty tư vấn chuyên nghiệp đầu tiên ở Việt Nam về đầu tư và kinh doanh ngay sau khi Việt Nam ban hành chính sách "Đổi mới" vào năm 1987, cũng là trường hợp đặc biệt. Lần đầu tiên tôi gọi điện hẹn phỏng vấn ông Nguyễn Trần Bạt về nội dung “Độc lập, Tự do, Hạnh phúc”. Đúng hẹn, tôi đến Công ty Invest Consult Group trên phố Thái Hà, Hà Nội. Một cô nhân viên đã chờ sẵn và đưa tôi lên gặp ông Bạt. Cầu thang trải thảm đỏ, sạch sẽ và tĩnh lặng.
Ông Nguyễn Trần Bạt tiếp khách, có cô nhân viên ngồi bên cạnh với máy ghi âm và cuốn sổ ghi chép. Buổi phỏng vấn được nhân viên của ông Nguyễn Trần Bạt ghi âm. Thay vì những câu hỏi phỏng vấn ngắn gọn, cuộc phỏng vấn giữa phóng viên và ông Nguyễn Trần Bạt trở thành một cuộc thảo luận đa dạng, lật đi lật lại vấn đề. Vì thế, cuộc phỏng vấn không chỉ thành một bài báo một hai ngàn chữ mà là những bài lớn. Ông Nguyễn Trần Bạt đã tập hợp những bài trả lời phỏng vấn này thành những bộ sách đồ sộ. Ông có một nguyên tắc là không tự viết ra những suy ngẫm của mình nếu không có người yêu cầu. Vì thế, nhà báo là đối tác rất quan trọng, gợi cảm hứng và đặt ra những câu hỏi hay để ông có cơ hội chia sẻ suy nghĩ của mình.
Ông Nguyễn Trần Bạt
Ông Nguyễn Trần Bạt là người suy nghĩ sắc bén, lập luận thuyết phục, dù suốt mấy giờ đồng hồ, ông không dùng bất cứ tài liệu nào. Hỏi gì nói nấy, như nước chảy. Phải nói hiếm có người nào có khả năng hùng biện như ông Nguyễn Trần Bạt. Và dường như ông cũng không từ chối bất kỳ vấn đề nào. Ông Bạt có khả năng diễn đạt những vấn đề khó, nhạy cảm một cách uyển chuyển.
Hôm sau, nhân viên của ông Bạt gửi vào mail cho tôi nội dung cuộc trò chuyện hôm trước đã được giải băng. Nội dung dài vài chục trang A4 đã được chuyển sang bản word một cách chuyên nghiệp. Nhà báo lúc này chỉ việc cắt gọt, biên tập thành bài báo theo yêu cầu. Thực hiện phỏng vấn không nhiều nên tôi không biết có ai ghi âm và giải băng thay phóng viên như vậy không, riêng tôi thấy trường hợp ông Nguyễn Trần Bạt là duy nhất.
Tác giả chụp hình với ĐBQH tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XI
Để có bài báo hay, bài phỏng vấn thành công thì ngoài sự chuẩn bị thật chu đáo, nhà báo còn cần thêm yếu tố “gặp may”, gặp được người trả lời phỏng vấn hiểu biết sâu sắc vấn đề, có khả năng diễn đạt và không né tránh những câu hỏi khó. Người làm báo biết ơn bạn đọc, biết ơn các cộng tác viên và biết ơn những người trả lời phỏng vấn tuyệt vời, như những tên tuổi Nguyễn Lân Dũng, Nguyễn Ngọc Trân, Dương Trung Quốc, Nguyễn Trần Bạt… mà tôi may mắn có dịp được làm việc với họ.