Không giống như ở Thủ đô Hà Nội, tại khu vực nội thành Hải Phòng vẫn tồn tại những cửa hàng sửa chữa đồng hồ bình dân trên vỉa hè với những người thợ già cần mẫn và luôn hoài niệm về một thời phát đạt trong quá khứ.
Nghề đã qua thời kỳ phát đạt
Trong thời mở cửa, khác với Thủ đô Hà Nội, khi những cửa hàng sửa chữa đồng hồ bình dân bị đẩy dần ra các vùng ngoại thành hay các con đường vành đai bụi mù để nhường chỗ cho các cửa hiệu trưng bày đồng hồ sang trọng thì ở Hải Phòng, ngay tại các tuyến phố nội thành tấp nập như Tô Hiệu, Lạch Tray người ta vẫn dễ dàng bắt gặp những tiệm sửa chữa đồng hồ bình dân trên vỉa hè.
Đó là hình ảnh những người lao động âm thầm, lặng lẽ ngồi sau chiếc tủ kính nhỏ ở một góc vỉa hè, với chiếc kính lúp gắn trên mắt đang cần mẫn làm việc với những chi tiết nhỏ xíu, tinh vi.
Công việc của họ là “bắt bệnh” và “phục hồi sự sống” cho đủ các loại “máy thời gian” như đồng hồ đeo tay, đồng hồ để bàn, đồng hồ treo tường. Phần đông những người thợ sửa đồng hồ không còn trẻ, chủ yếu đã hơn 40 tuổi và nhiều người vẫn tiếc nuối thời kỳ làm ăn phát đạt của nghề này trong quá khứ.
Ở cuối đường Lạch Tray đối diện với khu giảng đường B Trường đại học Hàng hải, bà Lê Bút, 75 tuổi, ngày ngày vẫn ngồi sau chiếc tủ nhỏ chứa đầy đồng hồ, nép mình mưu sinh trên một góc vỉa hè.
Bà cho biết: “Trước đây chồng tôi là một thợ sửa đồng hồ có tiếng ở Hải Phòng, các con trai cũng theo nghề cha, bản thân tôi nhờ thường xuyên phụ chồng nên cũng học được nhiều kinh nghiệm sửa đồng hồ. Gần 20 năm trở về trước nghề này đem lại thu nhập rất khá, một người thợ giỏi, có thể nuôi được hai, ba người phụ thuộc và sau vài năm hành nghề, khéo tích cóp là có dư tiền để mua xe, mua đất mở cửa hàng nhưng giờ thì chỉ kiếm đủ ăn”.
Một tiệm sửa chữa đồng hồ vỉa hè trên đường Lạch Tray (Hải Phòng)
Ông Phạm Bá Thu, một thợ sửa đồng hồ từ năm 1967, hành nghề ở gần Nhà sách Tiền Phong, đường Lạch Tray, chứng kiến bao thăng trầm của nghề cho biết: “Hơn chục năm trở về trước, đồng hồ được ưa chuộng và trở thành vật “bất ly thân” của nhiều người, kể cả những tầng lớp bình dân.
Vì vậy, những người thợ làm cả ngày, cả đêm không hết việc. Sẵn có nghề trong tay ngoài sửa chữa, tôi tân trang đồng hồ cũ thành đồng hồ mới rồi bán cho khách hàng cũng đem lại những khoản thu nhập khá, lo đủ tiền ăn học cho 4 đứa con.
Tuy nhiên, ngày nay, cùng với sự phát triển nhanh của điện thoại di động có chức năng hiển thị giờ, ngày tháng khiến thói quen sử dụng đồng hồ để xem thời gian của mỗi người không còn.
Ngay cả chiếc đồng hồ treo tường trong nhiều gia đình cũng là đồ điện tử mà hầu hết thợ đường phố như chúng tôi chỉ chuyên về đồng hồ cơ học. Vì vậy, nhiều bạn đồng nghiệp không trụ nổi đành phải bỏ nghề kiếm việc khác mưu sinh.”
Tìm lại nhịp thời gian cho những kỷ vật
Ngày nay, những cửa hàng như của ông Thu, bà Bút không còn đều khách như xưa, hầu như chỉ là những mối quen đã hình thành lâu năm. Ít khách, khiến công việc của những người thợ sửa đồng hồ chỉ đơn thuần là lau dầu và thay pin định kỳ. Tùy theo từng loại đồng hồ mà giá của hai dịch vụ này khoảng 50 – 100 nghìn đồng cho mỗi lần thay pin và lau dầu.
Anh Phạm Tuấn Anh, thợ sửa đồng hồ trên đường Tô Hiệu cho biết: “Nghề sửa đồng hồ bây giờ không khác gì đi câu, lúc đông lúc vắng khách, nhưng đông nhất cũng chỉ khoảng 4, 5 khách một ngày, thậm chí hôm ngồi cả buổi cũng không có ai. Trung bình thu nhập mỗi tháng bình quân khoảng 3 – 4 triệu”.
Còn đối với những người thợ gắn bó cả đời với nghề sửa đồng hồ như ông Thu thì nỗi buồn không chỉ từ sự đi xuống của thu nhập mà còn đến từ những thử thách trong nghề ngày càng giảm.
Giờ đồng hồ rẻ, người ta dùng hỏng mua cái mới. Vậy nên, hiện tại, hiếm khi ông Thu có cơ hội thể hiện kinh nghiệm và sự khéo léo của người thợ trong việc “tìm lại nhịp thời gian đã mất” cho những chiếc đồng hồ và người ta cũng sẽ không thể biết được sự tài hoa của những người thợ giỏi, khi không trực tiếp chứng kiến họ làm việc.
Ông Phạm Bá Thu đang sửa đồng hồ cho khách
Tan sở, chị Nguyễn Thị Hợi, sống tại khu vực Chợ Cột Đèn, (quận Lê Chân) đem “chiếc máy thời gian” là kỷ vật ngày cưới của cha mẹ, đến để ông Thu “bắt bệnh”. Sau khi nghe mô tả “triệu chứng”, ông áp tai vào chiếc đồng hồ, chăm chú nghe từng tiếng tích tắc rồi tháo dần từng bộ phận, dùng kính lúp kiểm tra từng chi tiết. Gần 5 phút sau, ông Thu ngẩng đầu lên, hỏi “Đồng hồ kỷ niệm, ít dùng đến, thấy chạy chậm nên mới lên dây cót à”.
Chị Hợi giật mình vì ông thợ đoán trúng phóc, ngạc nhiên, gật đầu theo phản xạ. Thấy khách tỏ vẻ thán phục, ông Thu bình thản: “Tôi sửa đồng hồ đã 47 năm, bệnh kiểu này vẫn thường gặp. Đồng hồ của chị là loại cơ tự động lên dây cót, nhưng nếu không thường xuyên sử dụng thì lâu lâu cũng phải dùng tay lên dây cót. Nhưng nếu “căng” quá tay thì “tóc đồng hồ” sẽ bị rối dẫn đến trục trặc”.
Theo ông Thu những người như chị Hợi đem đồng hồ đến sửa ngày càng hiếm. Nhưng bù lại, bây giờ mỗi chiếc “máy thời gian” tìm đến ông để sửa chữa đều có một hoàn cảnh đặc biệt, hầu như đều là những kỷ vật không bao giờ quên của mỗi người.
Vì vậy, chiếc đồng hồ không đơn thuần là vật lưu trữ thời gian mà đôi khi còn lưu giữ những câu chuyện cuộc đời đầy xúc động. Ông Thu khẳng định: “Khi nào còn thời gian, còn những chiếc đồng hồ kỷ vật, thì còn những người thợ như chúng tôi.