Mỗi dịp 8/3, trong khi chị em váy áo xênh xang, son phấn lẫy lừng, hội hè chúc tụng, thì ở đâu đó nơi góc chợ, đầu đường vẫn còn có rất nhiều người phụ nữ phải bám vào đêm, cặm cụi, lầm lũi mưu sinh…
Những đêm dài bạc mắt
Những “kiếp vạc, thân cò” ấy đều biết rằng, cuộc mưu sinh hôm nay đang bào mòn sức khỏe, có thể phải đánh đổi bằng tương lai và đôi khi là chính sinh mạng của mình, nhưng không có cách nào khác, họ vẫn phải tìm kế sinh nhai. Hàng đêm, họ vẫn phải “đem thân ra ngoài gió bụi” để đánh đổi bát cơm, manh áo. Dù có mù lòa hay bệnh tật thì đó là chuyện của mai sau, còn hiện tại, những lo toan hằng ngày đang đè nặng lên vai họ trong suốt những đêm dài bạc mắt. Trong số đó, có những người suốt mấy năm liền không biết đến một đêm ngủ an lành. Đêm trắng là bát cơm, là tấm quần, manh áo, là đồng học phí của con, là viên thuốc cho cha, là kế sinh tồn của cả một gia đình.
Phút thảnh thơi hiếm hoi của những nữ “cửu vạn”
Trong những ngày Hà Nội trở lạnh, nhiệt độ ngoài trời vào buổi đêm có những lúc chỉ hơn chục độ C, đến 23 giờ 30 phút, phố phường không còn sự ồn ào thường thấy. Ở một góc nhỏ cuối đường Nguyễn Quý Đức, chị Nguyễn Thị Thơm (Hồng Sơn, Mỹ Đức, Hà Nội) đang gà gật bên bếp ngô, khoai và có kèm thêm vài xiên thịt nướng. Khách hàng thưa vắng, chị tranh thủ chợp mắt để lấy sức chống chọi với cái lạnh rơi rớt cuối mùa đông. Dưới ánh sáng vàng vọt hắt xuống từ mấy ngọn đèn cao áp, câu chuyện về cuộc mưu sinh của người đàn bà quê kiểng ấy được tãi ra, buồn hiu hắt.
Nhà 5 miệng ăn với ba mấy sào ruộng, chồng lại mắc bạo bệnh, đau yếu triền miên, nên từ mấy năm nay, chị Thơm phải ra Hà Nội mưu sinh, mỗi khi mùa màng đã cạn. Trước khi khăn gói ra Hà Nội, chị Thơm vốn thuộc “biên chế” trong đội quân xây dựng ở làng. Mấy năm vừa rồi kinh tế khó khăn, ít người xây nhà nên đội thợ giải nghệ, mỗi người tứ tán mỗi nơi. Không chấp nhận ngồi chơi xơi nước, chị ra “chợ người” ở cầu Mai Động tìm kiếm việc làm. “Đất có thổ công, sông có hà bá”, ban đầu, để xin được một xuất trong đội ngũ “cửu vạn” ở đây, chị đã phải nhờ người quen “có nhời” với một vài “đàn anh, đàn chị”. Lần “có nhời” đó, chị Thơm mất đứt non tạ thóc.
“Gọi là “đàn anh, đàn chị” cho oai thôi, chứ thực ra chúng nó chỉ là mấy đứa mặt mày non choẹt, đáng tuổi con chị ở quê thôi. Chẳng qua chúng nó cậy vào ít “số má giang hồ” rồi đứng ra bảo kê, thu tiền “phế” ở “chợ người”, chị Thơm kể. Từ đó, chị đêm ngủ nhà trọ, ngày vạ vật chờ khách. Hôm nào may mắn, chị kiếm được khoảng từ 200 - 300 ngàn.
Chị Thơm kể: “Vạ vật ngoài trời hại sức lắm, mùa nóng còn đỡ, mùa đông không khác gì hành xác. Hôm nào gặp khách thì kiếm được vài đồng, nhưng cũng nhiều hôm, cả ngày chỉ ngồi ngáp vặt. Đó là chưa kể gặp phải mấy khách hàng đáo để, làm không vừa ý họ chút vừa bị ăn chửi, mà có khi vừa mất tiền công. Cứ mỗi đận nông nhàn, người quê ùn ùn đổ ra phố. Đợi việc thì đến cả trăm người đấy, nhưng có ngày, chỉ chục người gặp may mắn, còn toàn cắp nón về không".
Bếp đồ nướng này là “cần câu cơm” của cả gia đình chị Thơm
Cũng theo chị Thơm, mấy năm nay nhiều chợ lao động mới mọc lên, tình trạng thất nghiệp càng gia tăng. Đó là chưa kể đến chuyện “nhàn rỗi sinh nông nổi”. Xa nhà, công việc bấp bênh, sống hàng ngày hàng đêm theo kiểu tụ bạ, đã không ít người sa đà vào bài bạc. Lúc đầu chỉ để chơi cho vui lúc rảnh rỗi, sau thành gỡ gạc sát phạt nhau. Những người nông dân hiền lành mới hôm nào lên thành phố hòng mong chăm chỉ mưu sinh, bỗng dưng trở thành những con bạc khát nước, thành kẻ nợ nần. Nhiều người lao vào nghiện rượu, có khi dùng ma túy.
Tính toán, cân nhắc mãi, chị Thơm quyết định chuyển sang bán đồ ăn vặt. Khi thì thúng khoai, khi sọt ngô, mùa nào thức ấy, chị “chở quê ra phố”. Tối nào đông khách, bán hết hàng, tiền lãi chị thu được khoảng trên dưới 3-4 trăm ngàn. Thương mẹ, đứa con gái lớn của chị cứ đòi nghỉ học ra Hà Nội kiếm việc làm phụ giúp gia đình, nhưng chị không đồng ý. Chị bảo: “Ngày nào mẹ còn khỏe, mẹ sẽ cố làm để nuôi các con ăn học. Đời bố mẹ không được học hành đã khổ rồi, đời các con phải khác”.
Giờ mỗi tháng, trừ tiền ăn uống, thuê trọ, chị Thơm cũng để ra được 3 - 4 triệu gửi về nuôi con và thuốc thang cho chồng. “Nhẽ ra giờ hết hàng rồi, mấy hôm nay trời trở lạnh, ế quá! Tôi đang cố từ giờ đến tết cố kiếm ít tiền về lợp lại cái mái nhà với mua cho con bé thứ 2 cái xe đạp. Nhìn hàng ngày nó phải “cuốc bộ” 3, 4 cây số để đến trường, tội lắm!”, chị Thơm chia sẻ.
Lặn lội thân cò
Kế bên cái bếp nướng của chị Thơm là quán nước nhỏ của một người đàn bà đã ngoại lục tuần. Trên chiếc bàn nhựa, lèo tèo vài chai nước ngọt, dăm viên kẹo cao su, bao thuốc nằm chơ lơ trên mặt bàn nhựa. Lúc tôi đến, quán có ba gương mặt nhàu nhĩ, đăm chiêu đang ngồi ơ hờ đốt thuốc, thả những đụn khói mỏng vào làn mưa lất phất. Có vẻ họ chẳng buồn quan tâm đến chuyện mấy chai nước ngọt kia có còn hạn sử dụng hay không, mấy chén trà bà chủ quán vừa rót đậm nhạt thế nào. Họ ngồi đốt thời gian. Không gian chảy xệ.
Thấy có khách mới, bà chủ quán đưa tay lên dụi mắt mấy cái rồi từ từ ngồi dậy. Khuôn mặt đăm chiêu, nhàu nhĩ. Bà tên Thêu, 63 tuổi, quê ở Thạch Thành, Thanh Hóa. Nhà bà ở quê, cũng con đàn cháu đống nhưng đứa nào cũng khốn khó, làm lụng vất vả cũng chỉ đắp đậy miếng ăn. Để đỡ gánh nặng cho con cháu, bà lặng lẽ bỏ nhà theo mấy người phụ nữ trong họ ra Hà Nội bán hàng. Khi đi, tài sản bà mang theo chỉ có vài bộ quần áo, một đôi dép với toàn bộ số tiền tích cóp để trong cái ống bương. Cái quán này là bà được một người cùng quê “chuyển nhượng”.
Từ hôm ra Hà Nội, bà Thêu thuê trọ trong Triều Khúc cùng với hai phụ nữ cùng làng, cùng làm nghề “buôn thúng bán bưng”. Tuổi già cơm niêu nước lọ, lại cộng thêm phải lao lực về đêm nên từ ngày ra Hà Nội, sức khỏe bà ngày càng hao sút, căn bệnh lao phổi có nguy cơ tái phát. Thế nhưng, gánh nặng áo cơm không cho bà chùn bước. Liên tục suốt mấy tháng liền, bà Thêu chỉ nghỉ hàng có vài đêm. Mỗi buổi hàng như thế, bà thường bán từ 11h đêm đến 5h sáng hôm sau, tiền lời lãi cũng được vài ba trăm bạc. Phần để trang trải cuộc sống, phần bà tích cóp phòng khi nằm xuống. Bà Thêu bảo, có chỗ ngồi, chỗ nghỉ đàng hoàng thế này là may mắn hơn vạn người rồi, chứ ở bến tàu, bến xe hay trong các khu chợ đầu mối, người ta còn phải phơi ngoài sương gió cả đêm!
Ở chợ đầu mối Long Biên, đêm nào cũng có đến hàng trăm lao động ngoại tỉnh quần quật mưu sinh bất chấp trời mưa rét. Họ đến từ các tỉnh ven Hà Nội như Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Hưng Yên, Vĩnh Phúc… Công việc chính của họ là khuân vác hàng tại hai tuyến chợ Long Biên và Đồng Xuân. Ban ngày tỏa đi kiếm việc làm thuê khắp nơi, đêm về họ tiếp tục bán sức kiếm tiền. Lẽ thường xưa nay, cửu vạn là công việc nặng nhọc dành cho những người đàn ông khỏe mạnh, nhưng có một điều lạ là ở đây đa số dân bốc vác đều là phụ nữ “chân cứng vai mềm”. Mỗi một đêm như thế, gò lưng đẩy hay oằn vai gánh từ 0 đến 7 giờ, mỗi người cũng chỉ kiếm được 200 – 250 ngàn đồng.
Đặt gánh hàng xuống điểm tập kết, chị Phạm Thị Nhài cho biết, mỗi gánh thế này chị được trả 7.000 đồng cho quãng đường hơn 200m từ chợ ra đường Yên Phụ. Đêm nào gặp mối, chị gánh được chừng 30 gánh, đêm nào không tranh được việc, chị kê đòn gánh để… ngồi. Quê chị Nhài ở Thái Thụy, Thái Bình. Chồng chị bị tai nạn lao động nằm một chỗ, ba đứa con lại đang đi học, đứa lớn nhất học năm thứ 2 trường Đại học Thủy Lợi, đứa nhỏ nhất lớp 9, nên ngày con cả của chị bắt đầu bước chân vào giảng đường, cũng là ngày chị tất tả lên Hà Nội làm thuê. Hai mẹ con thuê chung một chỗ, ngày chị đi lau dọn nhà và làm thuê một số việc lặt vặt, tối đến ra chợ đầu mối này làm cửu vạn. Tháng trừ tiền sinh hoạt của hai mẹ con, chị gửi về nhà từ 1,5 đến 2 triệu đồng.
Đàn ông tha hương đã khổ, phụ nữ kiếm sống xa quê như chị Nhài còn khổ hơn nhiều. Bởi, bên cạnh những hạn chế về sức khoẻ, chị còn phải đối mặt với trăm ngàn bất trắc. Chị Nhài tâm sự: “Giờ người nhiều, việc ít, nhiều khi tranh giành, cấu xé nhau chỉ vì bao ngô, tải gạo. Mình yếm thế, lại là người quê nên không tránh khỏi bị bắt nạt. Thậm chí có giành được công việc rồi cũng phải chuyên tâm làm sao cho cẩn thận. Sơ sểnh chút hoặc làm phật ý chủ hàng là y rằng phải nghe lời nhiếc móc, chửi bới. Toàn dân chợ búa, họ có biết tình nghĩa gì đâu. Thậm chí, nhiều chủ hàng sau khi thuê xong thì nợ tiền khuân vác, vận chuyển. Lâu dần không nhắc thành quên, mà có đòi mình cũng chỉ dám nhẹ nhàng không sợ người ta “phật lòng”, lần sau sẽ thuê người khác”.
Phận đàn bà, lại đất khách quê người, nhiều khi chị Nhài, chị Thơm, bà Thêu cũng như ngàn vạn người phụ nữ đang lầm lũi mưu sinh ở đất Thủ đô này phải nuốt chặt vào lòng những cực nhọc, tủi hờn, lam lũ. Chỉ vì miếng cơm manh áo, chỉ vì tương lai của những đứa con, họ mới phải khoác trên mình màu áo của đêm.