Là phóng viên của Báo Công lý, cơ quan ngôn luận của TANDTC, tôi tự thấy mình thật sự may mắn khi được làm việc, tiếp xúc với lãnh đạo, Thẩm phán TAND các vùng miền.
Điều tôi thật sự ấn tượng đó là các đồng chí dù đứng ở cương vị nào cũng hăng say cống hiến sức mình vì công việc chung, nhưng khi chúng tôi đề cập đến vấn đề viết về họ, họ lại thường “thoái thác” lắc đầu…, bởi với họ, được làm, được góp sức mình mang công lý đến cho mọi người đã là một phần thưởng vô giá…
1. Vượt gần 800 km, tôi thật sự ấn tượng khi đến với TAND tỉnh Đăk Nông nơi “có cái gió, có cái nắng” và những cơn mưa rừng bất chợt đổ lên đầu đầy vẻ hờn giận như các thiếu nữ miền sơn cước đỏng đảnh tuổi mới lớn. Núi rừng bạt ngàn khiến tâm hồn mát rượi, thư thái và có cảm giác thật yên bình. Điều đó khiến những ai một lần đặt chân đến nơi đây đều cảm thấy lưu luyến khi ra về.
Cuộc trò chuyện với Chánh án TAND tỉnh Đắk Nông- Nguyễn Văn Úy cuốn hút bởi sự chân chất, gần gũi của những con người Miền Trung. Đối với ông, Tòa án ví như cái “duyên đời”. Trong khoảng thời gian từ năm 2006 đến năm 2010, ông giữ chức vụ Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Đắk Nông, Chủ tịch Hội luật gia tỉnh Đắk Nông. Từ tháng 6/2010 đến nay ông là tỉnh ủy viên, Bí thư Ban cán sự Đảng, Chánh án TAND tỉnh Đắk Nông, Chủ tịch Hội luật gia tỉnh. Điều để lại ấn tượng ở ông là dù ở bất kỳ cương vị nào ông đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Khi còn công tác tại Sở Tư pháp tỉnh, ông được Bộ Tư pháp, UBND tỉnh tặng nhiều bằng khen. Với cương vị là Chánh án TAND tỉnh, bản thân ông thể hiện là tấm gương dẫn đầu để CBCC trong đơn vị noi theo. Bản thân ông xác định, việc học không bao giờ muộn, cho dù mình đứng ở cương vị nào, vì vậy ông luôn học hỏi nâng cao trình độ, năng lực để đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới.
Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình trao quyết định bổ nhiệm Chánh án TAND tỉnh Quảng Trị cho ông Lê Hồng Quang
“Cứ nỗ lực hết mình ắt sẽ nhận được kết quả tốt, khó khăn thì nhiều nhưng cứ đổ lỗi cho hoàn cảnh thì không bao giờ thành công. Bản thân tôi cũng luôn trao đổi, chia sẻ thân mật với CBCC trong đơn vị để cùng nhau làm tốt chức trách nhiệm vụ được giao. Khó khăn thì cùng tìm cách tháo gỡ, không nề hà, cái cốt ở đây là làm sao đừng cố tình tạo ra khoảng cách giữa “sếp” và “lính”, như vậy tạo nên một khối đoàn kết và được như vậy công việc sẽ đạt được kết quả”, ông Úy chia sẻ.
Dưới sự “cầm lái” của ông, từ năm 2010 đến nay TAND tỉnh Đăk Nông luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao, nhiều năm liền được TANDTC tặng danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc” và Bằng khen… đó là những kết quả đáng ghi nhận đối với Tòa án tỉnh, một trong những tòa án có tuổi đời còn rất trẻ.
2. Người ta thường ví mảnh đất miền Trung, đặc biệt tỉnh Quảng Trị là vùng “chó ăn đá, gà ăn sỏi”, quanh năm gió Lào cát trắng… nên cái gì cũng khó. Với tôi lại khác, chính trong cái khó này tôi nhận ra những con người sinh ra và lớn lên trên mảnh đất ấy lại tiềm ẩn tố chất kiên trì, cần cù, sáng dạ vô cùng. Và, khi tôi gặp Chánh án TAND tỉnh Quảng Trị- Lê Hồng Quang thì những gì tôi nghĩ và nói quả thật chưa đủ.
Nghiêm túc trong công việc, chan hòa trong cuộc sống, kiên nghị trong công tác chuyên môn là điều kiện để “người anh cả” này lèo lái con thuyền của mình đi hết thành công này đến thành công khác. Tôi thường nói đùa mỗi lần gặp anh “Tòa Quảng Trị rung được chuông vàng” để ngụ ý đến kết quả mà Tòa án tỉnh đã đạt được trong thời gian qua. Và đạt được kết quả này, vai trò của người “cầm trịch” thực sự đáng ghi nhận, Chánh án Quang tâm sự: “Trong thời gian qua, là Chánh án TAND tỉnh tôi xác định rất rõ vai trò và trách nhiệm của mình vì vậy đã triển khai, tổ chức xét xử các loại án vượt chỉ tiêu được giao, đảm bảo chất lượng, đúng hạn luật định. Quản lý, phân công xét xử hợp lý các loại án, tăng cường xét xử án lưu động vượt chỉ tiêu đề ra. Triển khai thực hiện tốt chủ trương cải cách tư pháp, chỉ đạo tổ chức các phiên toà mẫu, mở rộng tranh tụng, đổi mới phương pháp xét hỏi. Tổ chức, quản lý chặt chẽ công tác thi hành án hình sự nói chung, đưa ra thi hành án hình sự đúng hạn luật định. Phối hợp tốt với Công an, VKS lựa chọn và chỉ đạo xét xử nhanh chóng một số vụ án trọng điểm trên địa bàn. Tham gia một cách tích cực và có hiệu quả các cuộc họp giữa 3 cơ quan làm án để thống nhất đường lối xử lý một số vụ án phức tạp, nổi cộm được cấp uỷ, chính quyền và dư luận quan tâm...”.
Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho Phó Chánh án TAND TP Đà Nẵng Đặng Ánh
Xác định điều kiện sinh sống của anh em trong đơn vị còn khó khăn nên Chánh án đã cùng tập thể lãnh đạo chú trọng chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho CBCC, tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao, tổ chức các chuyến tham quan, học hỏi trong và ngoài tỉnh, cũng như nước bạn Lào để CBCC có thêm hiểu biết, học hỏi thêm kinh nghiệm. Với trách nhiệm là Tỉnh uỷ viên và Đảng uỷ viên khối Đảng bộ các cơ quan cấp tỉnh, ông đã giữ mối quan hệ chặt chẽ giữa cấp uỷ với Tòa án; tham gia đầy đủ các cuộc họp để xây dựng chương trình hành động và nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; hoàn thành tốt nhiệm vụ của cấp uỷ giao phó.
Trong những năm qua, TAND tỉnh đã vinh dự được TANDTC tặng “Cờ thi đua”; “Tập thể lao động xuất sắc”, trong đó năm 2011 được TANDTC tặng Cờ thi đua; UBND tỉnh Quảng Trị tặng Cờ thi đua xuất sắc. Năm 2012, TAND tỉnh Quảng Trị được TANDTC tặng Cờ thi đua. Bản thân Chánh án Lê Hồng Quang từ năm 2004 đến năm 2012 liên tục là chiến sỹ thi đua cơ sở; trong đó có hai lần chiến sỹ thi đua TAND, một lần chiến sỹ thi đua toàn quốc. Từ năm 2009 đến năm 2012 được tặng 4 Bằng khen của các bộ ngành Trung ương và địa phương gồm: Bằng khen của Chánh án TANDTC; Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam; Công đoàn Viên chức Việt Nam; Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Trị.
3. Điểm dừng chân của phóng viên là “Thành phố đáng sống”- Đà Nẵng. Khi nói đến điều này không ít người đưa ra câu hỏi “chẳng nhẽ những thành phố còn lại là thành phố không đáng…”. Nói vậy thôi, để khẳng định TP Đà Nẵng là thành phố “có nhiều cái được” mà trong số đó có sự thân thiện của con người nơi đây vốn đã trở thành thương hiệu.
Cũng như người dân của những thành phố khác, người dân TP Đà Nẵng rất thân thiện cởi mở nhưng mặc nhiên lại khiêm tốn khi nói về mình. Đặc biệt là những người đang “cầm cân nảy mực” thì dường như họ càng khiêm tốn hơn. Phó Chánh án TAND TP Đà Nẵng- Đặng Ánh là một trong những con người như vậy. Đã từng là người lính cầm súng trên chiến trận, sau này người lính ấy lại cầm cân giữ công bằng cho xã hội nên ông luôn cho rằng mình là người “đặc biệt may mắn”. Ông tâm sự: “Bây giờ tôi lại cảm ơn vì có được những tháng ngày là người lính trước khi đến với công việc như hiện nay. Bởi tôi có được sự quyết tâm, quyết đoán trong công việc. Tôi xem xét nhìn nhận sự việc tỉ mẩn hơn, nhiều góc độ hơn để từ đó có hướng giải quyết tốt nhất. Tính kỷ luật cao trong quân đội cũng đã giúp cho tôi rất nhiều khi ứng dụng vào công việc hôm nay….”. Tiếp xúc với ông, mọi người nhận thấy rất rõ sự chân chất mộc mạc từ bên ngoài lẫn ở tính cách bên trong. Ông không muốn nói về mình, nhất là khi nói về những kết quả mà bản thân đã đạt được. Với cách suy nghĩ, cứ sống và cống hiến hết mình, tâm huyết với nghề thì nghề sẽ đạt được kết quả tốt, vì thế cho dù là khi chập chững bước vào nghề hay cả khi đã trở thành Thẩm phán, rồi Phó Chánh án TAND TP Đà Nẵng, ông luôn tâm niệm một điều đó là học và học.
Với những nỗ lực và cống hiến không ngừng nghỉ, năm 2005, ông Đặng Ánh vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Trong những năm công tác tại Tòa án, với nhiều chức vụ, đảm nhận nhiều nhiệm vụ công việc khác nhau, ở tất cả các lĩnh vực, chức vụ nào ông đều hoàn thành và hoàn thành xuất sắc, được nhận nhiều phẩn thưởng xứng đáng như các Huân, huy chương Lao động do Đảng và Nhà nước tặng thưởng. Trong đó để ghi nhận quá trình công tác từ 2008 đến 2012, vừa qua trong Hội nghị Tổng kết công tác năm, Phó Chánh án TAND TP Đà Nẵng Đặng Ánh được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì. Bên cạnh đó, hàng năm ông còn đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở; nhận bằng khen của Chánh án TANDTC; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ…
Những chuyến đi, những công việc và những nhân vật cụ thể tôi gặp, với tôi sự cống hiến của họ dù thầm lặng đến đâu thì khi thành quả đạt được đều như tiếng chuông được ngân xa. Trong tất cả những người ấy, không ai muốn ồn ào, không muốn xướng tên bởi với họ lớn nhỏ, xa gần đều là công việc mà một khi đã giữ “cán cân công lý” là nơi để người dân gửi gắm niềm tin thì đều phải thực tâm, trọn tình vì công việc. Tôi mạn phép được một lần “rung” nhẹ để tiếng chuông ấy được ngân lên thay lời cảm ơn của người dân khắp nơi gửi đến những người đã vì dân “Phụng công, thủ pháp”.