Abigail “Abby” Loraine Hensel và Brittany “Britty” Lee Hensel, cả 2 đều 23 tuổi và là một trong những cặp song sinh kỳ lạ nhất thế giới.
23 năm qua, đôi chị em người Mỹ này đã luôn ở bên nhau – theo đúng nghĩa đen – và theo khẳng định mới nhất, họ sẽ cùng nhau bàn bạc kỹ lưỡng để tìm cách lấy chồng, sinh con hợp lý nhất.
Một cơ thể, hai tâm hồn
Sinh ngày 7/3/1990, Abby và Britty là cặp song sinh parapagus dicephalic – nghĩa là cặp song sinh dính liền tại Mỹ trong một gia đình đông anh chị em. Người mẹ tên Patty là y tá, còn cha Mike Hensel là một thợ mộc. Họ - mỗi người có một đầu riêng biệt, nhưng vẫn tồn tại những cơ quan sử dụng chung với nhau. Lúc mới sinh, các bác sĩ bảo với vợ chồng bà Patty, cả 2 đứa bé không thể sống quá một ngày. Rồi một tháng, một năm trôi qua, hai cô con gái vẫn lớn lên, trí tuệ phát triển bình thường. Khi sinh, cả 2 đã có một cánh tay thô sơ gắn liền với một xương bả vai ở phía sau. Để đảm bảo tính thẩm mỹ, cánh tay đã được gỡ bỏ, để lại xương bả vai.
Ca song sinh đặc biệt này bắt đầu nổi tiếng khắp nước Mỹ cũng như thế giới sau khi nhận được sự quan tâm của các phương tiện truyền thông kể từ khi họ xuất hiện đầu tiên trên The Oprah Winfrey Show vào tháng 4/1996. Họ nổi tiếng đến mức về sau được đưa ra chương trình thực tế rất riêng của họ, Abby và Brittany đã được trình chiếu trên TLC ngày 28/8/2012. Khi hai cô bé lên 10 tuổi, các giáo sư đã khuyên ông bà tiến hành phẫu thuật, bỏ đi một đầu, đó là cách duy nhất giữ mạng sống cho con. Điều đó có nghĩa vợ chồng bà phải lựa chọn giữ lại một trong hai cô con gái. Tuy nhiên, ông bà Patty không chấp nhận điều đó. Khi bước vào tuổi 12, họ đã phải trải qua một cuộc phẫu thuật tại Trung tâm chăm sóc sức khỏe đặc biệt cho trẻ em Gillette để chỉnh lại xương sống và mở rộng lồng ngực để giúp việc thở được dễ dàng hơn.
2 chị em nhà Abigail “Abby” Loraine Hensel và Brittany “Britty” Lee Hensel
Hai chị em, mỗi người quản lý một bên của cơ thể dính liền của họ. Ý thức liên lạc của từng người bị hạn chế một nửa cơ thể của mình. Cụ thể, mỗi người chỉ có thể cảm nhận được những va chạm vào bên cơ thể của mình: đầu của Abigail nghiêng về bên phải, đổ ra phía trước 5 độ còn đầu của Brittany nghiêng sang trái, đổ về phía sau 15 độ, khiến cô có trông có vẻ thấp hơn, kể cả khi ngồi. Chân của Brittany trong thực tế ngắn hơn chân Abigail gần 2 inches. Brittany thường đứng và bước đi trên đầu ngón chân, vì vậy cơ bắp chân cô lớn hơn so với Abigail. Sự tăng trưởng liên tục của cột sống Abigail đã được can thiệp bằng phẫu thuật để dừng lại sau khi Brittany sớm ngừng phát triển.
Khi nhìn bề ngoài dường như họ rất cân xứng, tạo cảm giác chỉ là 1 cơ thể bình thường. Tuy nhiên, trong thực tế, các bộ phận quan trọng bên trong đều có nhiều gấp đôi người thường. Mỗi người có một trái tim, dạ dày, cột sống và tủy sống riêng biệt. Mỗi đôi kiểm soát một nửa của mình trong cơ thể, điều hành một cánh tay và một cái chân.
Ngay khi còn là trẻ sơ sinh, cả 2 đã phải bắt đầu phối hợp với nhau những bài vật lý trị liệu đầu tiên và cơ bản nhất về sự phối hợp của cơ thể. Bởi thế, trong một lúc cả 2 có thể cùng ăn những món ăn khác nhau, hai tay làm việc riêng biệt nhưng khi cần thiết sẽ phối hợp cực kỳ thuần thục trong những hoạt động như chạy bộ, bơi lội, gõ bàn phím, đi xe đạp, thậm chí là lái ô tô một cách bình thường.
2 chị em chụp ảnh cùng bạn
Chúng tôi là 2 người riêng biệt
Abigail và Brittany lớn lên tại New Germany và học tại trường trung học many Lutheran ở Mayer, Minnesota. Sau khi tốt nghiệp trung học vào năm 2008, họ trở thành sinh viên của trường đại học Bethel tại St. Paul, Minnesota, Mỹ.
Khi đi học, cặp sinh đôi tới trường và rất nổi tiếng. Nhưng những người bạn của họ vẫn cư xử với Abigail và Brittany như người bình thường. Khi những đứa trẻ hỏi hai cô bé song sinh rằng liệu có phải họ là một người với 2 đầu hay không thì Abigail và Brittany đã dõng dạc trả lời: Họ là hai người riêng biệt dính liền nhau. Điều đấy khuyến khích họ khẳng định những cá tính của mình. Họ luôn mua 2 vé xem phim dù chỉ sử dụng một chỗ ngồi, dùng những món ăn riêng, có hai chiếc bánh sinh nhật riêng cho mỗi người. Khi một trong hai cô bé có hành động sai trái, bố mẹ họ sẽ cẩn thận tìm hiểu và phạt đúng người có lỗi dù rằng người kia cũng có dính líu. Abigail có năng khiếu về môn toán còn Brittany lại thiên về viết văn. Khi có bài kiểm tra, mỗi người sẽ có riêng một tờ giấy và tự làm bài bằng bên tay của mình. Theo cô giáo Kevin Boozikee, họ có những câu trả lời khác nhau, suy nghĩ độc lập và điểm số cũng khác nhau.
2 chị em chạy xe ngoài đường.
Abigail cho biết: "Chúng tôi là hai người khác nhau, do đó luôn phải thường xuyên trao đổi, bàn luận để có sự thống nhất”. Hai chị em này đều vượt qua kỳ thi lấy bằng lái, cả phần thi viết và thực hành. Họ phải làm bài thi 2 lần, mỗi lần cho một người. Abigail đảm nhiệm nhấn pedan, bật đài, điều hòa và những thiết bị nằm bên phải chỗ ngồi, còn Brittany điều chỉnh đèn pha, xi nhan ở phía bên trái, họ cùng nhau điều khiển vô lăng. Khi họ tiến hành thi lấy bằng lái đã gây không ít sóng gió trong dư luận tại Mỹ. Một số ngạc nhiên hào hứng quan tâm theo dõi. Số khác lại tỏ ra lo lắng về khả năng an toàn của việc phối hợp giữa 2 nửa người của 2 chị em.
Mong tìm hạnh phúc và sinh con
Cặp sinh đôi này hiếm khi cãi cọ, mặc dù Abigail có xu hướng muốn lãnh đạo cả gia đình. Họ từng nghĩ đến việc tách nhau ra. Đó là lúc Abigail cảm thấy vô cùng mệt mỏi vì Brittany bị ốm và phải nằm trên giường. Abigail đã nghĩ tới việc phẫu thuật tách đôi nhưng khi Brittany bắt đầu kêu khóc thì Abigail đã tự nhủ mình rồi mọi việc sẽ ổn và họ sẽ không bao giờ chia cắt.
Cấu trúc cơ thể 2 chị em
Abigail thì nóng tính, bướng bỉnh và thích nước cam cho bữa sáng, còn Brittany lại là người hay pha trò trong gia đình, chỉ dùng sữa cho bữa ăn đầu ngày. Abigail yêu những thứ màu hồng và tất cả những vật dụng nhỏ đầy nữ tính, nhưng Brittany lại thích màu tím, nhuộm lai tóc sặc sỡ và đội những chiếc nón kỳ lạ. Để đạt sự thống nhất, cả 2 chị em đã quyết định trao quyền chọn quần áo luân phiên lẫn nhau. Hôm nay Abigail là nhà thiết kế và ngày hôm sau vai trò đấy sẽ được giao cho Brittany.
Nhiều người rất tò mò về cuộc sống cá nhân của 2 chị em, nhất là sau khi họ cùng nhau tốt nghiệp đại học Bethel University. Mặc dù họ đang rất lạc quan và hạnh phúc với hiện tại nhưng chắc chắn họ sẽ gặp nhiều thử thách trong tương lai! Điều gì sẽ xảy ra khi họ trở thành những phụ nữ trưởng thành và bắt đầu đối mặt với những chuyện “người lớn” như yêu, ghét và những cảm xúc thầm kín Hay quyết định sẽ sinh con của họ sẽ ra sao vì điều này đòi hỏi sự đồng tình của cả hai người? Ông Mike chia sẻ, ông tin sẽ sớm đến một ngày những cô con gái của ông lập gia đình và sống hạnh phúc.
Mới đây, hai cô đã bộc bạch ước muốn của mình : "Mong muốn của chúng tôi bây giờ là sinh được một em bé". Hiện cả hai người rất khao khát được làm mẹ. Về mặt sinh học thì điều này là hoàn toàn có thể bởi Abigail và Brittany cùng có chung một sơ quan sinh sản hoạt động tốt. Đặc biệt khi qua kiểm tra, về lý thuyết thì con cái của 2 chị em sẽ là một cơ thể bình thường như những người khác.
2 chị em cùng sử dụng máy tính
Trăm lạ chuyện song sinh dính liền
Về mặt lý thuyết, song sinh dính liền thường là những cặp song sinh cùng trứng (khiến họ giống nhau hoàn toàn về giới tính) và gặp sự cố trong quá trình phân bào trong tử cung của người mẹ. Quả trứng được thụ tinh và tách thành 2 hợp tử riêng biệt nhưng quá trình này bất ngờ dừng lại khi chưa hoàn tất sẽ khiến cặp song sinh bị dính liền với nhau. Tỷ lệ này vào khoảng 1/50.000 – 1/200.000.
Lori và Dori là cặp song sinh dính liền kỳ lạ, mặc dù có đầu dính nhau nhưng giới tính của họ lại rất khác thường. Lori là một người phụ nữ bình thường thì em gái Dori (đã đổi tên thành Geogre) lại muốn sống như một người đàn ông. Geogre không thể đi lại được nên luôn phải ngồi trên một chiếc xe lăn do Lori đẩy. Họ vẫn sống bình thường, làm mọi việc cùng nhau, vẫn đi du lịch và thậm chí Lori có bạn trai. Lori thích chơi bowling, mua sắm còn Geogre nhút nhát và sống hướng nội.
Cặp song sinh Ronnie và Donnie chào đời ngày 28/10/1951 là cặp song sinh dính liền nhiều tuổi nhất thế giới. Cặp đôi này dính liền nhau ở phần bụng, có tim, phổi và dạ dày riêng biệt nhưng các cơ quan nội tạng thiết yếu lại dính liền với nhau và họ chỉ có một bộ phận sinh dục. Khi mới sinh, các bác sĩ cho rằng nếu không tách rời họ thì họ sẽ không sống nổi. Ấy vậy mà bộ đôi này, dù không phẫu thuật vẫn sống khỏe mạnh gần 60 năm ở Dayton, bang Ohio (Mỹ).
Cặp song sinh Tatiana và Krista Hogan, 4 tuổi, ở Vernon, British Columbia, Canada, mang hai cơ thể khác biệt nhưng chung nhau bộ não hoàn chỉnh, một dạng song sinh dính đầu cực hiếm. Điều này giúp cả 2 sở hữu khả năng rất đặc biệt: Bé này có thể nhìn thông qua mắt của bé kia.
Trong 500 năm gần đây có khoảng 600 cặp sinh đôi dính liền sống sót (70% là song sinh nữ). Từ giữa thế kỷ 20, các ca phẫu thuật tách rời đầu tiên được tiến hành. Tuy tỷ lệ thất bại còn cao nhưng giới y khoa cho rằng kiến thức và kỹ năng thu thập được từ những ca mổ đã thực hiện sẽ giúp ích cho các ca mổ sau này.
Những ca tách các cặp song sinh dính liền: Tỷ lệ rủi ro cao
Tỷ lệ sống sót của các cặp song sinh dính liền rất thấp. Có khoảng 25% cặp chết chỉ sau một ngày và chỉ 5 – 25% các em có thể sống sót. Và đặc biệt, các ca song sinh dính liền là gái có tỷ lệ cao đến gấp 3 lần trường hợp các bé trai. Có 2 giả thuyết vẫn được sử dụng để giải thích về hiện tượng song sinh dính liền. Lý thuyết được nhiều thế hệ chấp nhận gọi là sự phân chia nhân, là trứng thụ tinh được tách ra chưa hoàn toàn. Trong khi đó, lý thuyết thứ hai là sự hỗn hợp, là trứng thụ tinh đã được tách biệt, nhưng tế bào gốc sẽ tìm những điểm giống nhau và kết hợp (dính) với nhau.
Theo bác sĩ S.D. Sharma, giám đốc bệnh viện J.K. Lone, những cặp song sinh hai đầu (Hội chứng Dicephalic Parapagus) đều chết ngay sau khi chào đời và phần lớn những ca được ghi nhận đều mang giới tính nữ. Theo ước lượng tỷ lệ song sinh dính nhau là 1/100.000 các trẻ sơ sinh và tỷ lệ sống sót ở những trường hợp này là 1/10.000.
Hình ảnh phòng phẫu thuật tác trẻ song sinh
Dù các tiến bộ y khoa đang ngày càng vượt trội nhưng việc tách các ca song sinh dính liền thường rất nguy hiểm, có thể cướp đi mạng sống của một trong 2 người hay thậm chí giết chết cả cặp song sinh, nếu phần chia sẻ là các bộ phận quan trọng. Nó làm dấy lên hàng loạt câu hỏi về đạo đức, khiến các ca phẫu thuật phân tách khó lòng được tiến hành nếu gây nguy hiểm tới tính mạng của một trong 2 người.
Nỗ lực tách rời các cặp song sinh dính liền đầu trưởng thành chỉ diễn ra một lần duy nhất, trường hợp của Laden và Laleh Bijani (Iran) vào năm 2003. Khi ấy 2 anh em đã 29 tuổi, khao khát có cuộc sống độc lập đã thôi thúc họ tiến hành cuộc phẫu thuật, bất chấp rủi ro. Nhưng thật buồn là cả 2 người đã chết trong quá trình phẫu thuật.
Tuy nhiên, các ca tách rời đã diễn ra thành công trên các cặp song sinh dính liền đầu còn nhỏ tuổi. Cuối năm 2011, các bác sỹ ở Chile đã tách thành công cặp bé gái song sinh dính liền có tên Maria Paz và Maria Jose. Cả 2 bị dính liền ngực, bụng và khung xương chậu. Ca phẫu thuật ma-ra-tông kéo dài đến 18 giờ, được truyền hình và internet hồi hộp dõi theo. Thực tế, cả 2 chị em đã phải trải qua 8 lần phẫu thuật để có thể tách rời nhau bởi cả 2 cùng chung quá nhiều cơ quan nội tạng, thậm chí là cả hệ thống tiết niệu. Được biết, khoảng 100 người đã tham gia vào tiến trình phẫu thuật, trong đó có 24 bác sĩ phẫu thuật và bác sĩ gây mê.
Ở Việt Nam cũng chứng kiến nhiều ca song sinh dính liền. Mới đây nhất, ngày 1/7 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum, xuất hiện một cặp song sinh là hai bé gái dính nhau phần bụng chào đời ở hoàn cảnh cực kì nguy hiểm bởi các bé ra đời bằng phương pháp đẻ thường. Ngay sau đó, nhờ sự hỗ trợ từ các bác sĩ Bệnh viện Nhi đống 1, Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum đã thực hiện thành công ca mổ tách rời hai bé sơ sinh Y Chi Ưng và Y Ta Ưng.