Những người “gieo hạt trong mây”

Nam Hoàng - Ngân An| 05/11/2015 06:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thầy giáo Bộ đội Biên phòng dạy em cái chữ viết đấy. Thầy giáo Bộ đội Biên phòng dạy em hát ca vang lừng. Cái chữ sáng vùng sâu vùng xa yêu thương. Cái chữ đi theo em về bản, lên nương…”.

Theo câu hát của cô gái Mông nơi đại ngàn Mường Lát, chúng tôi tìm đến những lớp học biên phòng được mở giữa thung mây…

Hàng chục năm qua, thực hiện lời dạy của Bác Hồ đối với lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) và lời kêu gọi của Người trong việc “diệt giặc dốt”, những lớp học xóa mù chữ cho đồng bào đã góp phần nâng cao trình độ văn hóa cho nhân dân các dân tộc biên giới, góp phần đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bản địa.

Lớp học giữa đại ngàn

Từ Hà Nội, phải vất vả lắm chúng tôi mới có mặt ở Tén Tằn, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa khi ông mặt trời đi ngủ và con gà rừng tìm đường về ổ. Và, cũng vào lúc ấy, đã thành lệ, bà con nhân dân khắp các bản Chiềng Pục, Chiềng Cồng, Đoàn Kết… lại thắp đèn măng xông gọi nhau đi học. Lớp học đặt tại nhà văn hóa bản, buổi nào cũng có khoảng 20 học viên ở các độ tuổi từ 30 đến 50 theo học.  Trên các con đường dẫn về nhà văn hóa bản lấp loáng ánh đèn pin của các học viên.

Thượng úy Lê Đình Tuấn, cán bộ vận động quần chúng đồn biên phòng cửa khẩu Tén Tằn là thầy giáo đứng lớp ở bản Chiềng Cồng cho biết, lớp học của anh đa phần là những người đã có tuổi nên khả năng tiếp thu chậm, do vậy các giáo viên phải kết hợp giữa giảng dạy trực quan và lấy những sự việc cụ thể, gần gũi với đời sống bà con làm ví dụ minh họa.

Để tổ chức được một lớp học là biết bao công sức, Đồn Biên phòng Tén Tằn phải đến từng bản khảo sát số người mù chữ và tái mù chữ, sau đó xin ý kiến của Bộ chỉ huy cho phép phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện lên kế hoạch mở lớp. Tiếp đó, các cán bộ chiến sỹ lại cùng bà con dân bản đóng bàn, ghế, bảng viết, đồng thời vận động, quên góp sách vở để chuẩn bị cho khóa học mới. Lớp học thường được mở tại nhà văn hóa bản hoặc tại gia đình Trưởng bản vào các buổi tối. Trung tá, Chính trị viên Đồn Biên phòng Tén Tằn Nguyễn Văn Hải cho biết, từ năm 2011 đến nay, Đồn đã mở được 10 lớp học cho hàng trăm học viên là bà con dân bản ở độ tuổi từ 35-50 đi học.

Quan sát lớp học của các anh, dễ dàng nhận thấy việc giảng dạy của “những thầy giáo ngoài biên chế này” không hề đơn giản chút nào. Mỗi lớp cần đến 2 người, một giáo viên giảng dạy phía trên và một giáo viên đến từng bàn để chỉ dạy cho các học viên, chỗ nào học viên chưa hiểu sẽ giảng lại. Nhất là đối với các học viên lớn tuổi thì các anh phải vừa hướng dẫn vừa động viên để họ vượt qua mặc cảm để nỗ lực học tập. Từ lớp học này, những bàn tay lâu nay vốn chỉ quen cầm dao, cầm cuốc phát nương, làm rẫy nay đã viết được những con chữ mềm mại, những cái miệng chỉ biết nói tiếng dân tộc mình, giả giọng con chim, con hoẵng đã biết đọc mạch lạc, rõ ràng.

Vừa nắn nót chép bài thơ “Đi học” vào cuốn vở ô li, chị Vi Thị Ven ở bản Chiềng Công vui vẻ: "Ban đầu, mình cũng ngại đi học, gần 50 tuổi đầu rồi mà đi học với mấy thằng Thao, thằng Luận, con Mỳ… đáng tuổi con, tuổi cháu của mình. Nhưng được sự động viên của các cán bộ, mình cũng nhận thấy việc học cái chữ là cần thiết, giúp mình biết tính tiền, biết đọc báo, giúp mình có thêm kiến thức để sản xuất, làm ăn nên mình quyết tâm đi học để biết đọc, biết viết".

Những người “gieo hạt trong mây”

Chiến sĩ BĐBP Thanh Hóa dạy chữ cho trẻ em dân tộc thiểu số

Già làng Lâu Văn Hự, một trong ba già làng đảm nhận trông coi ba cột mốc biên giới trên ba đỉnh núi cao nhất Thanh Hóa đón chúng tôi giữa lưng chừng trời của ngọn Pù Đứa. Bao năm qua, ông đảm nhiệm trông coi cột mốc G8 nằm cách nhà ông nửa ngày đường, cách mặt nước biển trên một ngàn mét để kiểm tra mà không đòi hỏi được trả công, dù chỉ một đồng. Già Hự bảo đó là để trả cái nghĩa mà BĐBP đã giúp dân tộc ông, bản làng ông được định cư tại đất này và có được sự bình yên, no ấm hôm nay.

Điều già Hư nói cũng là điều tôi được nghe rất nhiều từ những người dân biên giới xứ Thanh khi nhắc đến những người lính biên phòng, bởi cùng với cuộc sống mới, hàng trăm con em của đồng bào Mông nơi đây đã được dạy chữ, theo học hết cấp 3 và được bồi dưỡng, phát triển trở thành những cán bộ nòng cốt của địa phương, được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng.

“Một vùng biên giới rộng lớn đã dần ổn định và phát triển. Trong đó có đóng góp không nhỏ của những cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ “cõng chữ lên non…”, Thiếu tướng Lê Như Đức, Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP đã không giấu được niềm tự hào khi nhắc đến những người lính làm công tác xóa mù chữ của lực lượng mình. Đêm đó, chúng tôi nằm lại đồn Tén Tằn, nghe tiếng côn trùng rả rích, tiếng chim chuyền gọi bạn giữa rừng khuya, tiếng bước chân rất nhẹ của người lính trong phiên gác đêm và hình như cả tiếng ai đó đang đọc bài trong đêm vắng. 

 “Trồng người” nơi cửa biển

Với chức năng là “Một đội quân chiến đấu và là đội quân công tác”, những người lính biên phòng từ nơi “Trà Cổ rừng dương đến Cà Mau rừng đước” đã rất thành công trong việc vận động đồng bào đi học. Có cái chữ là có thêm tri thức, có thêm kinh nghiệm áp dụng vào sản xuất nông, lâm nghiệp, đời sống cũng từ đó mà phấn chấn, lạc quan hơn trước. Đồng bào dân tộc thêm tin tưởng vào Bộ đội Biên phòng, vào Đảng và Chính phủ, không nghe theo lời kẻ xấu kích động mà làm việc sai trái.

 Đảo Hòn Chuối nơi cửa biển Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau có một lớp học được lập lên trên hòn đảo “5 không” là không điện, không đường, không trường, không trạm, không nước sạch sinh hoạt. Và lẽ đương nhiên là trẻ con trên đảo cũng không được học hành. Xót xa trước những thiếu thốn, thiệt thòi của trẻ em làng đảo, từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước, cấp ủy, Chỉ huy Đồn biên phòng Hòn Chuối, BĐBP Cà Mau đã mở một lớp học tình thương nhằm phổ cập, xóa mù chữ cho con em trên đảo. Sau một thời gian, lớp học tạm gián đoạn và được mở trở lại vào năm 2007. Gọi là “lớp” nhưng thực ra chỉ là một căn phòng rộng chừng 50m2 dựng tạm bằng tôn, bên trong kê hai dãy bàn ghế cũng do chính các chiến sĩ đồn Hòn Chuối đóng.

Những người “gieo hạt trong mây”

 Lớp học tình thương trên đảo Hòn Chuối (Ảnh: Phương Bằng)

Thượng úy Trần Bình Phục, thầy giáo phụ trách lớp nhớ lại những ngày đầu khó khăn vận động các em đến lớp: “Hồi đó dân đảo nghèo lắm. Đường sá khó khăn, các gia đình chưa ý thức hết giá trị của việc học chữ nên thường bắt tụi nhỏ ở nhà đi biển, bản thân tôi nhận nhiệm vụ đi xóa mù chữ cũng không có kỹ năng sư phạm. Giao thông, nghiệp vụ sư phạm thì mình có thể khắc phục được, nhưng để thay đổi nhận thức của bà con thì quả không dễ”. “Đến từng ngõ, gõ từng nhà” - chiến thuật của ba thầy giáo biên phòng trên đảo nhỏ đã phát huy hiệu quả. Các xóm dần dần có nhiều gia đình đưa trẻ đến lớp. Những hôm biển động, các thầy chia các hướng đón học sinh đến lớp, dạy xong lại đưa về.

Sau nhiều năm, nỗ lực của các anh đã được đền đáp xứng đáng, từ lớp học tình thương của đảo, đã có 3 học sinh theo học từ những ngày đầu vào bờ học tiếp, nay đã tốt nghiệp đại học. No ấm, bình yên và cái chữ đã “theo chân” những người lính biên phòng ở lại với đảo, dẫu sự nghiệp trồng người nơi đây mới dừng lại ở mức độ xóa mù chữ, chưa được công nhận là lớp học giáo dục quốc dân. Năm học mới này, tất cả học sinh trên đảo đã được trang bị đầy đủ sách giáo khoa, nhờ các tổ chức và cá nhân trong đất liền hỗ trợ.

“Thầy giáo áo lính” Trần Bình Phục phấn khởi nói với tôi rằng, năm nay tham gia lớp học tình thương năm nay có 19 em, từ lớp 1 đến lớp 5, trong đó có 8 em học lớp 2 là số lượng học sinh nhiều nhất ở các lớp học. Anh dịu giọng đầy thương mến: “Ba năm ở đảo, từ chỗ lạ lẫm giờ đã thấy thân quen như quê mình. Bà con thương cho từ trái cà, trái mắm, con cá... Học trò cũng mến thầy, chịu nghe lời. Đó là nguồn động viên tôi. Mỗi lần định giao lớp cho người khác, tụi nhỏ mếu máo bảo thầy ơi, đừng bỏ tụi con. Tôi sẽ gắn bó với lớp học đến khi nào không công tác ở đây nữa...”.

Lời tâm sự của người lính trẻ nơi cực Nam Tổ quốc cũng là tâm sự chung của những thầy giáo quân hàm xanh trên khắp mọi miền biên giới. Vượt lên sau mỗi cơn biến động, tình người các dân tộc nơi phên dậu đã dệt trên đất biên cương bạt ngàn màu xanh no ấm. Trong nhịp sinh sôi của thiên nhiên, nhịp phát triển của cả một vùng đất lớn ấy, có biết bao tâm sức của những người chiến sỹ quân hàm xanh làm nhiệm vụ cõng chữ lên non, chở chữ ra đảo như những người mà chúng tôi đã gặp. Những cống hiến thầm lặng của các anh đã vượt trên những tàn lá, có sức lan tỏa mạnh mẽ theo tiếng núi, tiếng rừng, tiếng suối nơi biên cương. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những người “gieo hạt trong mây”