Phóng sự - Ghi chép

Những người anh em ‘nhỏ bé’ nơi Tây Bắc

Gia Bảo 07/09/2023 - 18:08

Cuộc sống khắc nghiệt nơi núi cao rừng thẳm đã có lúc đẩy dân tộc Khơ Mú đến bờ vực suy thoái giống nòi. Tuy nhiên, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cùng sự chung tay của cộng đồng, cuộc sống của đồng bào đang ngày một tốt đẹp hơn.

Dẫu chỉ có khoảng hơn 90 nghìn người, nhưng những người anh em “nhỏ bé” ấy đã và đang có nhiều đóng góp quan trọng trong việc giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ Tổ quốc. Những giá trị văn hóa bao đời của họ được lưu giữ và phục dựng đã dệt thêm gấm hoa cho bức tranh văn hóa đa sắc màu của đất nước.

Đặt tên theo cỏ cây, muông thú

Người Khơ Mú còn có các tên gọi khác như Xá Cẩu, Mứn Xen, Pu Thênh, Tềnh, Tày Hạy. Đây là một trong những nhóm sắc tộc lớn sinh sống tại khu vực miền Bắc nước Lào. Theo các nhà nghiên cứu, cách đây hàng trăm năm trước, người Khơ Mú di cư đến một số tỉnh miền núi Tây Bắc nước ta như: Sơn La, Lai Châu, Điện Biên... rồi dần lan tỏa tới các địa phương khác. Hiện nay, người Khơ Mú có khoảng 73 ngàn người sống ở 44 tỉnh và thành phố trên cả nước.

Theo tập quán, người Khơ Mú thường dựng làng ở lưng chừng núi, mỗi bản chỉ vài chục nóc nhà gồm mấy dòng họ cùng chung sống. Mỗi dòng họ của dân tộc này đều mang tên một loài vật hoặc cỏ cây. Có dòng họ coi thú, chim hoặc lấy một loại cây là tổ tiên ban đầu của mình, nên họ kiêng giết thịt và ăn thịt các loại động, thực vật này.

Từ bao đời nay, người Khơ Mú sống gắn chặt với núi rừng, thiên nhiên hoang dã. Người Khơ Mú chủ yếu trồng lúa, ngô trên nương, ít khi trồng lúa nước và cây trồng chính của họ là ngô, khoai, sắn. Trong canh tác, họ thường dùng dao, rìu, gậy chọc lỗ rồi tra hạt giống. Việc chăn nuôi gia súc, gia cầm phần lớn chỉ để phục vụ sinh hoạt và giết thịt vào các dịp lễ lạt, tiếp khách.

Tuy có nghề đan lát phát triển, bằng chứng là hầu hết các đồ dùng để vận chuyển, chứa lương thực của người Khơ Mú đều do tự bàn tay họ làm ra, song dân tộc này lại ít chú trọng đến việc đan sợi hay dệt vải. Thế nên, trang phục của họ thường được mua của người Thái đen.

phong-su-anh-1.jpg
Ông Lường Văn Hai: “Người Khơ Mú quan niệm vạn vật đều có linh hồn”.

Không giống như nhiều dân tộc thiểu số khác, người Khơ Mú đặc biệt tuân theo chế độ 1 vợ 1 chồng, hầu như không có chuyện đàn ông “5 thê 7 thiếp”. Nhờ vậy mà các cặp vợ chồng người Khơ Mú thường sống hạnh phúc, không mấy khi xảy ra mâu thuẫn, bất hoà.

Ông Lường Văn Hai ở Mường Mươn, Mường Chà, Điện Biên, cho biết: Người Khơ Mú sống theo gia đình nhỏ phụ quyền. Khi trai gái đến tuổi được tự do tìm hiểu bạn đời, nhưng để dẫn đến hôn nhân thì quyết định là do hai gia đình. Hôn lễ được tiến hành qua các lễ ngỏ lời rồi đến lễ dạm hỏi, sau đó lễ cưới được tổ chức bên nhà gái. Nhà trai phải dẫn sang nhà gái tiền mua người và đồ sính lễ. Cưới xong, người con trai ở rể bên nhà vợ một thời gian. Sau đó nhà trai lại tổ chức ăn uống, làm lễ đón dâu. Khi ở nhà vợ, người chồng đổi họ theo vợ, còn nếu có con thì con theo họ mẹ, trái lại khi về nhà chồng thì vợ phải đổi họ theo chồng và các con lại mang họ bố.

Một vòng đời của người Khơ Mú được bắt đầu bằng nghi lễ đặt tên. Theo quan niệm dân gian, việc đặt tên có ý nghĩa quan trọng trong việc hình thành tính cách, đôi khi chi phối tới số phận của một con người. Do đó, ngoài việc đặt tên theo giấy khai sinh thì thực hiện lễ đặt tên là không thể thiếu được đối với vòng đời của một người Khơ Mú.

“Việc đặt tên có thể sau khi đứa trẻ sinh được ba ngày, nhưng cũng có thể kéo dài lâu hơn khi đứa trẻ tròn 1 tuổi. Trong lễ cúng đặt tên, ông mo sẽ lấy xương cánh gà chặt nhỏ ra treo các đồng bạc lên rồi đeo lên cổ cho em bé. Sau đó, ông mo thả hạt gạo lên quả trứng để xem tên nào phù hợp với em bé. Nếu bé hợp tên nào thì thả 2 hạt gạo lên trứng, ông mo nói chẵn mà thả được 3 lần chẵn thì tên đó hợp”, ông Hai chia sẻ.

phong-su-anh-2.jpg
Chuẩn bị đàn cúng trong Lễ hội cầu mùa

Độc đáo Lễ hội cầu mùa

Tuy có số dân ít ỏi, song người Khơ Mú có nhiều nét văn hóa hết sức đặc sắc. Đến nay, dân tộc này vẫn bảo lưu, trao truyền được nhiều phong tục, tập quán độc đáo và riêng biệt. Trong đó, đáng kể nhất là Lễ hội cầu mùa - một nghi lễ nông nghiệp quan trọng trong đời sống kinh tế cũng như văn hóa tinh thần của đồng bào Khơ Mú và lưu giữ từ đời này qua đời khác.

Từ xa xưa, người Khơ Mú đã quan niệm vạn vật đều có linh hồn và các yếu tố thiên nhiên như: Trời, đất, nương rẫy… đều có quan hệ mật thiết với đời sống và quá trình sản xuất của con người. Từ niềm tin vào các thế lực siêu nhiên đó, người Khơ Mú từ thuở sơ khai đã có nhiều nghi lễ thờ cúng để thể hiện ước muốn mùa màng bội thu, cuộc sống no ấm, đầy đủ như khát vọng ngàn đời của các cư dân nông nghiệp khác.

Lễ cầu mùa có tên là "Tê Hrệ", được tổ chức khi cây lúa nương bắt đầu xanh tốt. Cây lúa lên cao bằng gang tay hay bằng đầu gối, công việc nương rẫy lúc này đã vào giai đoạn thảnh thơi, cộng đồng, làng bản sẽ cùng tham gia tổ chức Lễ cầu mùa nhằm thể hiện lòng thành kính đến các vị thần linh, lòng biết ơn đến các vị giống cây trồng, đặc biệt là “mẹ lúa” đã nuôi dưỡng lớp lớp con cháu, bà con dân bản từ thế hệ này đến thế hệ khác.

Xuất phát từ ý nghĩa nhân sinh quan đó, nên nghi lễ thường được tổ chức tại một mảnh nương lúa là trung tâm của nhiều mảnh nương khác, có vị trí đẹp có thể quan sát nhiều mảnh nương lân cận của nhiều hộ gia đình. Cũng vì vậy mà nghi lễ cầu mùa của dân tộc Khơ Mú được tổ chức cho nhiều gia đình cùng khu vực canh tác nương rẫy hoặc có thể làm lễ chung cho cả bản tùy vào điều kiện canh tác hàng năm.

Theo nghi thức truyền thống, trước khi tổ chức lễ hội khoảng một đến hai tháng, các gia đình trong bản sẽ họp bàn, thống nhất việc chọn và ấn định ngày lành tháng tốt để tổ chức lễ, chuẩn bị đóng góp các lễ vật, phân công công việc tổ chức cúng lễ cầu mùa.

Khi đến ngày đã định, vào sáng sớm, người dân trong bản sẽ có mặt đông đủ tại mảnh nương được chọn để tổ chức nghi lễ. Khai lễ, thầy cúng trong bộ trang phục truyền thống màu chàm đen, đầu quấn khăn cùng với những người phụ lễ sẽ mang đồ lễ ra nơi có lán nương. Đội phụ lễ sẽ dựng một cái giàn (tiếng Khơ Mú gọi là “Rang tê”) được dựng bởi 4 cột tre, nối 4 xà giữa các cột và đặt một cái phên đan bằng tre ở giữa, cao khoảng 80cm để thầy cúng bày đồ lễ lên.

Khi mọi thứ sắp đặt xong, thầy cúng thắp một cây nến sáp ong trên mâm lễ, rót rượu vào hai chén. Lúc này những người phụ lễ tiến hành cắt tiết lợn và hai con gà, đồng thời bôi tiết lên ba tấm phên đan (“ta hlệ”). Hai cái phên đan sẽ cắm hai bên mâm lễ, cái còn lại cắm phía thầy cúng để ngăn chặn ma tà không được mời gọi đến tranh phần các thần linh. Rồi thầy cúng hướng về mâm lễ, chắp tay lạy bốn hướng và bắt đầu khấn cúng, mời thần linh về chứng nhận đồ lễ.

Kết thúc quá trình mời thần linh chứng nhận đồ lễ, thầy cúng giao cho các thành viên phụ lễ mang đồ lễ đi chế biến, nấu nướng chín. Tiếp đến Thầy cúng tự tay bày đồ lễ đã chín lên giàn để khấn cúng, mời các thần linh hưởng thụ đồ lễ và phù hộ cho dân bản.

phong-su-anh-3.jpg
Các điệu múa của người Khơ Mú thường tái hiện hoạt động trong đời sống

Nhiều nét văn hóa đặc sắc

Cũng giống như nhiều dân tộc khác, âm nhạc và múa hát là 2 thứ “gia vị” đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người Khơ Mú. Các điệu múa đặc sắc nhất của dân tộc này có thể kể đến như: Múa chiêng kết hợp với ống tre, ống nứa (Tẹ ôm đing); múa đánh đao (tẹ tăm đao); múa sạp (tẹ khiêps); múa chọc lỗ tra hạt (tẹ chư mon); múa lắc eo (tẹ cưn viết guông); múa cá lượn (tẹ gănr cạ); múa vòng tròn (Tẹ kưn vong do)... Mỗi điệu múa đều được dẫn dắt bởi những đạo cụ tạo ra âm điệu, tiết tấu riêng. Ví dụ như múa dỗ ống thì các ống tre được gõ xuống nền nhà hay mặt gỗ để tạo âm thanh, nhịp điệu.

Do cuộc sống của người Khơ Mú gắn với núi cao rừng thẳm, nên các điệu múa của họ thường tái hiện hoạt động trong đời sống sinh hoạt như: Chọc lỗ tra hạt, đuổi chim, đi rừng, đi nương, bắt cá... Tuy các động tác múa đều đơn giản nhưng vẫn uyển chuyển, đẹp mắt. Qua các điệu múa, người Khơ Mú muốn gửi gắm tâm tư, tình cảm, ước mong về sức khỏe, mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa; thúc giục, động viên nhau nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, gắn bó ruộng nương, yêu lao động sản xuất. Ðồng thời, cũng thể hiện khát vọng tình yêu đôi lứa, tinh thần đoàn kết, tính cộng đồng.

Bà Lường Thị Nên, người Khơ Mú, thành viên Đội văn nghệ bản Ten, xã Mường Phăng, huyện Ðiện Biên, tỉnh Điện Biên, chia sẻ: “Nhìn các điệu múa của người Khơ Mú tưởng chừng như đơn giản, nhưng để múa đẹp, có hồn là rất khó. Ví như múa Ong eo thì phải lắc hông, uốn eo, mô phỏng theo các động tác, cử chỉ lao động hàng ngày của người dân (gặt lúa, bẻ ngô, hái rau, nhổ cỏ, đơm tép, giặt giũ), thường diễn ra trong lễ tết, mừng cơm mới; múa cá lượn vào dịp vui, lễ sửa nhà với những động tác mô phỏng quẫy đuôi, chuyển động của loài cá; múa chọc lỗ tra hạt đúng như cái tên của nó, nam vừa nhún nhảy vừa dùng cây gậy chọc lỗ trên mặt đất, nữ vừa tra hạt giống vừa tiến, chân gạt nhẹ lấp đất”…

Còn ông Lường Văn Hai cho biết thêm: “Vì thể hiện cuộc sống lao động sản xuất nên các động tác múa của người Khơ Mú thường khỏe khoắn, dứt khoát, mang tính sôi động. Khi tiếng chiêng đánh càng khỏe, càng nhanh thì các đạo cụ cầm tay của người múa như ống tre dỗ xuống đất càng mạnh, nhịp múa càng hối hả, tạo nên không khí rạo rực, lôi cuốn mọi người hòa chung vào điệu múa”.

­Có thể nói, dẫu “nhỏ bé”, nhưng những “người anh em” Khơ Mú với lối sống chuẩn mực, lành lẽ, chan hòa của mình đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc giữ gìn an ninh trật tự ở nhiều xã bản vùng cao, biên giới. Đặc biệt, những giá trị văn hóa bao đời của họ được lưu giữ và phục dựng đã và đang dệt thêm gấm hoa cho bức tranh văn hóa đa sắc màu của 54 dân tộc Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những người anh em ‘nhỏ bé’ nơi Tây Bắc