Những mục tiêu và nội dung quan trọng của Hội nghị ngoại vụ toàn quốc lần thứ 21

17/12/2023 22:29
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bộ Ngoại giao luôn đồng hành, sát cánh cùng các địa phương chủ động khai thác cơ hội, tranh thủ điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh hội nhập quốc tế, thúc đẩy giao lưu, hợp tác với các đối tác; chọn lọc triển khai các hoạt động đối ngoại phù hợp với điều kiện và ưu tiên của mỗi địa phương, mang lại lợi ích thiết thực cho địa phương, doanh nghiệp và người dân.

Những mục tiêu và nội dung quan trọng của Hội nghị ngoại vụ toàn quốc lần thứ 21- Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng.

Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 và Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 21 sẽ được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 18 đến 23/12. Trước thềm chuỗi hoạt động quan trọng này, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng đã chia sẻ với báo chí những thông tin đáng chú ý.

Thứ trưởng cho biết những kết quả đạt được trong triển khai công tác đối ngoại địa phương từ Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 20 được tổ chức tháng 12/2021 đến nay?

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng: Triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, trên cơ sở Chương trình hành động của Hội nghị Ngoại vụ địa phương lần thứ 20, công tác đối ngoại địa phương trong ba năm qua đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả, sôi nổi, đạt nhiều kết quả tích cực, đóng góp quan trọng vào thành tựu đối ngoại của đất nước, thiết thực phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương.

Trong chặng đường đó, Bộ Ngoại giao luôn đồng hành, sát cánh cùng các địa phương chủ động khai thác cơ hội, tranh thủ điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh hội nhập quốc tế, thúc đẩy giao lưu, hợp tác với các đối tác; chọn lọc triển khai các hoạt động đối ngoại phù hợp với điều kiện và ưu tiên của mỗi địa phương, mang lại lợi ích thiết thực cho địa phương, doanh nghiệp và người dân.

Việc giao lưu, trao đổi đoàn địa phương với nước ngoài được khôi phục sau thời gian gián đoạn vì dịch COVID-19; số lượng thỏa thuận hợp tác tập trung vào những lĩnh vực thiết thực với phát triển của các địa phương được ký kết tăng nhanh. Giai đoạn 2021-2023, các địa phương đã ký kết 422 thỏa thuận với các địa phương/đối tác/doanh nghiệp nước ngoài. Đây là con số hết sức ấn tượng.

Công tác ngoại giao kinh tế được đẩy mạnh với tư duy mới, cách làm mới, trên tinh thần xác định ngoại giao kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, quan trọng nhất trong triển khai công tác đối ngoại địa phương. Các địa phương đã quán triệt và triển khai hiệu quả các chủ trương của Đảng và Nhà nước về công tác ngoại giao kinh tế và hội nhập quốc tế; cụ thể hóa thành các đề án, kế hoạch, chương trình hành động, thành lập cơ quan chuyên trách.

Hầu hết các địa phương đã ban hành Kế hoạch hành động triển khai công tác ngoại giao kinh tế. Các địa phương có nhiều sáng kiến, sáng tạo trong hợp tác quốc tế, chú trọng thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, các lĩnh vực mới nhằm phát triển bền vững như chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, đô thị thông minh....

Nhiều địa phương chủ động tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư quy mô lớn tại Việt Nam, triển khai các đoàn và hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch tại các địa bàn tiềm năng trên thế giới, qua đó tích cực mở rộng thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm, dịch vụ tiêu biểu, đặc trưng của địa phương mình.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hiện đã có mặt ở tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước. Tổng vốn FDI trong giai đoạn 2021-2023 đạt 48,2 tỷ USD tăng 22% so với giai đoạn trước. Công tác ngoại giao kinh tế thực sự đã phát huy vai trò là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững của các địa phương.

Công tác ngoại giao văn hóa, quảng bá du lịch được các địa phương chú trọng với nhiều hoạt động đa dạng, phong phú, sáng tạo, góp phần nâng tầm và lan tỏa các giá trị văn hóa địa phương Việt Nam đến cộng đồng quốc tế Một số lễ hội, festival địa phương đã trở thành "thương hiệu" ở khu vực và trên thế giới như Festival Huế, Lễ hội đèn lồng Thành Tuyên, tuần lễ du lịch Ninh Bình "Sắc vàng Tam Cốc", tuần lễ biển Nha Trang, thi pháo hoa Đà Nẵng…

Công tác người Việt Nam ở nước ngoài, lãnh sự và bảo hộ công dân, công tác thông tin đối ngoại và các mặt công tác khác... đều có sự phối hợp ngày càng chặt chẽ giữa Bộ Ngoại giao với các địa phương, triển khai đồng bộ, bài bản, hiệu quả. Các địa phương, nhất là các tỉnh, thành phố có đường biên giới đất liền và ven biển, có đóng góp quan trọng trong công tác bảo vệ chủ quyền biên giới lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo.

Với sự đồng hành của Bộ Ngoại giao, công tác bồi dưỡng cán bộ đối ngoại tại các địa phương có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ đối ngoại địa phương ngày càng đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển và hội nhập mới của đất nước và của các địa phương.

Thúc đẩy ngoại giao kinh tế ở cấp độ địa phương là một trong những ưu tiên cao nhất

Thưa Thứ trưởng, Bộ Ngoại giao cùng các địa phương đã cụ thể hóa như thế nào chủ trương của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII ngoại giao kinh tế lấy địa phương làm trung tâm phục vụ?

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng: Trong gần 3 năm qua, Bộ Ngoại giao đã chủ động, tích cực đồng hành, sát cánh cùng các địa phương thúc đẩy triển khai công tác đối ngoại nói chung và ngoại giao kinh tế nói riêng; đóng vai trò tham mưu, kết nối, mở đường hỗ trợ các địa phương mở rộng quan hệ đối ngoại, quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư, thu hút tối đa các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển kinh tế - xã hội các địa phương.

Chúng tôi xác định hỗ trợ thúc đẩy ngoại giao kinh tế ở cấp độ địa phương là một trong những ưu tiên cao nhất trong triển khai công tác ngoại giao kinh tế của Bộ và các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, với tinh thần phục vụ, hết lòng, đồng hành, hỗ trợ.

Thứ nhất, Bộ Ngoại giao chủ động, tích cực phối hợp với các địa phương tăng cường tổ chức, tham gia các hoạt động, sự kiện kết nối, thu hút đầu tư, thương mại, du lịch và văn hóa… giữa địa phương, doanh nghiệp với các đối tác, hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài; tổ chức hơn 40 hội nghị theo nhiều lĩnh vực khác nhau phù hợp với thế mạnh của địa phương.

Bộ Ngoại giao hỗ trợ địa phương đón tiếp các đoàn nước ngoài; đẩy mạnh đa dạng hóa các đối tác, vừa tiếp tục khai thác tốt các đối tác lâu năm, truyền thống vừa tìm kiếm thêm cơ hội hợp tác với các đối tác mới như Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ, Israel, các nước Trung Đông, Nam Mỹ, châu Phi….

Thứ hai, Bộ Ngoại giao tích cực hỗ trợ kết nối các địa phương, doanh nghiệp trong nước với các đối tác nước ngoài với nhiều hình thức linh hoạt như kết nối các địa phương với các Đại sứ quán, Hiệp hội doanh nghiệp các nước tại Việt Nam, nhất là những thị trường lớn, những đối tác có kỷ niệm năm tròn, năm chẵn quan hệ ngoại giao; giới thiệu các địa phương Việt Nam tham gia nhiều sự kiện, hội chợ, triển lãm uy tín ở nước ngoài; cung cấp thông tin về kinh tế, đầu tư cho các đối tác nước ngoài có nhu cầu; tổ chức nhiều đoàn khách quốc tế tham dự các sự kịện do địa phương tổ chức, kết nối các hiệp hội doanh nghiệp làm việc trực tiếp với lãnh đạo địa phương.

Các cơ quan đại diện Việt Nam luôn tích cực tìm kiếm các các đối tác, các tập đoàn có thế mạnh, tiềm năng, đưa vào tìm hiểu các cơ hội đầu tư tại địa phương, tập trung vào các lĩnh vực mới mà Việt Nam đang có nhu cầu như chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, đô thị thông minh….

Mới đây, Hiệp hội công nghiệp bán dẫn của Mỹ, tập đoàn John Cockerill của Bỉ, đoàn các doanh nghiệp Saudi Arabia, các doanh nghiệp Ấn Độ, …đã vào nghiên cứu đầu tư vào các nghành công nghiệp, trong đó có công nghiệp bán dẫn, hydro xanh tại một số địa phương.

Từ những nỗ lực ngoại giao kinh tế ban đầu của các bộ, ngành, trong đó có Bộ Ngoại giao và đặc biệt các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, nhiều dự án đầu tư nước ngoài quy mô lớn đã và đang được triển khai như tại các địa phương như các Trung tâm Nghiên cứu phát triển của Samsung, LG, Nhà máy trung hòa carbon của Lego...

Thứ ba, xác định thông tin, tham mưu là nhân tố quyết định, Bộ Ngoại giao đặc biệt chú trọng việc chia sẻ, cập nhật thông tin cho các địa phương, từ những trao đổi lãnh đạo địa phương, lãnh đạo cơ quan ngoại vụ về các cơ hội ngoại giao kinh tế đến cung cấp thông tin, đánh giá về tình hình kinh tế thế giới, các tác động đến Việt Nam gửi Lãnh đạo các tỉnh, thành phố.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và các Lãnh đạo Bộ trong năm qua đã có nhiều chuyến công tác đến các địa phương trong cả nước, tiếp thu 76 kiến nghị từ 45 địa phương về công tác ngoại giao kinh tế, xây dựng cơ chế phối hợp giữa Bộ với các địa phương để liên tục đôn đốc, rà soát kết quả triển khai các cam kết hỗ trợ của Bộ Ngoại giao.

Có thể khẳng định, quán triệt sâu sắc chủ trương của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Bộ Ngoại giao và các địa phương đã đồng sức, đồng lòng đẩy mạnh triển khai công tác đối ngoại và ngoại giao kinh tế, tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức, đạt những kết quả thiết thực cho phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, góp phần vào những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, không ngừng củng cố, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Thứ trưởng cho biết những mục tiêu và nội dung quan trọng sẽ được thảo luận tại Hội nghị ngoại vụ toàn quốc lần thứ 21 sắp tới?

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng: Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh chóng, khó lường; trong nước, kinh tế đứng trước nhiều cơ hội song thách thức, khó khăn cũng rất lớn, Hội nghị ngoại vụ lần này sẽ tập trung trao đổi, xây dựng định hướng để phát huy hơn nữa vai trò của đối ngoại địa phương, trọng tâm là phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và nâng cao vị thế của các địa phương; đồng thời, tăng cường sự hiện diện, nâng tầm của ngoại giao và công tác đối ngoại địa phương.

Hội nghị sẽ tập trung vào chủ đề "Phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại phục vụ phát triển bền vững của địa phương"; trao đổi các định hướng, giải pháp cụ thể hóa việc tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại địa phương trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển kinh tế-xã hội bền vững của các địa phương, nhất là thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi xanh, chuyển đổi số. Chủ đề của Hội nghị được các địa phương nhất trí cao, đánh giá mang tính thời sự và có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển bền vững của các địa phương.

Ba nội dung trọng tâm tại Hội nghị là: Đẩy mạnh công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế đáp ứng yêu cầu phát triển của các địa phương trong tình hình mới; đổi mới sáng tạo, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại phục vụ phát triển bền vững của các địa phương; tăng cường thu hút đầu tư chất lượng cao hướng tới mục tiêu phát triển xanh và bền vững của địa phương.

Nhân dịp Hội nghị sẽ có phiên gặp gỡ, kết nối các địa phương với ngoại giao đoàn và các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.

Chúng tôi mong rằng và tin tưởng rằng qua Hội nghị, các bộ, ngành, địa phương, các Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cùng các đối tác trong và ngoài nước sẽ có cơ hội chia sẻ những thông tin, kinh nghiệm, cách làm mới, hướng đi mới, sáng tạo, thực chất để phối hợp triển khai công tác đối ngoại địa phương một cách toàn diện, hiệu quả hơn nữa, góp phần thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những mục tiêu và nội dung quan trọng của Hội nghị ngoại vụ toàn quốc lần thứ 21