Theo chia sẻ của nhiều giáo viên, đối với môn thi tiếng Anh trong kỳ thi THPT quốc gia, thí sinh không chỉ học từ vựng và cấu trúc trong SGK mà cần phải mở rộng, trau dồi thêm từ vựng bên ngoài như đọc sách báo nước ngoài, xem phim có phụ đề tiếng Anh....
Theo như đề thi tham khảo có 50 câu trắc nghiệm thuộc các dạng bài giống như đề thi năm 2018. Tuy nhiên tăng 2 câu ngữ pháp trong bài hoàn thành câu và giảm đi 2 câu đọc hiểu. Các kiến thức ngữ pháp, từ vựng chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12 và chủ đề của các bài đọc hiểu khá quen thuộc với thí sinh.
Ma trận đề thi tham khảo môn tiếng Anh kỳ thi THPT quốc gia 2019.
Nội dung đề thi gồm 8 dạng bài quen thuộc: Ngữ âm; Tìm lỗi sai; Hoàn thành câu; Chức năng giao tiếp; Từ đồng nghĩa – trái nghĩa; Tìm câu đồng nghĩa, nối câu; Hoàn thành đoạn văn
Đối với phần đọc hiểu: Tỉ lệ mức độ câu hỏi: 60% cơ bản và 40% nâng cao.
Ngoài bài đọc hiểu để phân hóa học sinh thì các câu hỏi dễ và khó nằm rải rác ở các dạng bài, nghĩa là mỗi một dạng bài đều có thể xuất hiện câu hỏi khó và thường là những câu kiểm tra về từ vựng.
Đi sâu vào phân tích từng dạng bài ra trong đề tham khảo kỳ thi THPT quốc gia 2019.
Ngữ âm: Dạng bài này kiểm tra cách phát âm/ đánh dấu trọng âm của các từ quen thuộc xuất hiện trong SGK, học sinh có thể dễ dàng làm được phần thi này.
2 câu hỏi về phát âm: 1 câu kiểm tra cách phát âm về nguyên âm và 1 câu về cách phát âm đuôi – ed.
2 câu hỏi về trọng âm kiểm tra cách đánh dấu trọng âm của từ có 2 và 3 âm tiết
Từ đồng nghĩa – trái nghĩa: Câu hỏi thuộc dạng bài này năm nay nhẹ nhàng hơn đề thi THPT quốc gia năm ngoái, một số từ xuất hiện trong SGK nên dựa vào ngữ cảnh rất dễ suy đoán nghĩa.
Hoàn thành câu: Tỉ lệ số câu hỏi ngữ pháp và từ vựng: 8/6
Số lượng câu hỏi trong phần này được tăng lên 2 câu kiểm tra về ngữ pháp.
Ảnh minh họa.
Các kiến thức ngữ pháp đã học trong chương trình THPT xuất hiện trong đề thi là: Mạo từ, câu điều kiện, thì động từ, mệnh đề nhượng bộ, giới từ, Word phrase, phân từ, bị động với danh động từ. Các câu hỏi ở các chuyên đề này cũng không gây khó khăn cho học sinh vì chỉ ở mức độ dễ và trung bình.
Từ vựng được kiểm tra dưới dạng: word choice, word form. Từ và các cụm từ cũng rất quen thuộc, một số từ nằm trong các bài reading ở SGK. Tuy nhiên, việc lựa chọn từ sao cho đúng với ngữ cảnh của câu lại khiến các bạn học sinh cảm thấy khó khăn vì một từ hoặc cụm từ lại có rất nhiều nghĩa hoặc có những cụm từ cố định mà không phải cứ đúng nghĩa cơ bản là có thể chọn được luôn.
Chức năng giao tiếp: Tình huống giao tiếp khá quen thuộc và rất đơn giản, đây là phần gỡ điểm cho học sinh.
Tìm câu đồng nghĩa – Nối câu: Dạng bài tìm câu đồng nghĩa: kiểm tra khả năng vận dụng các kiến thức ngữ pháp quen thuộc như câu so sánh, câu gián tiếp, modal perfect để viết lại câu. Những câu hỏi ở phần này ở mức độ trung bình, học sinh hoàn toàn có thể đạt điểm tối đa.
Dạng bài Nối câu: sử dụng thức giả định và đảo ngữ để nối câu. Trong phần này cũng không gây khó khăn cho học sinh, chỉ cần đọc kỹ là có thể làm được luôn.
Tìm lỗi sai: 2 câu kiểm tra lỗi sai ngữ pháp dễ dàng nhận ra luôn. Tuy nhiên, có một câu về lỗi sai từ vựng yêu cầu học sinh phải có kiến thức về từ vựng phong phú.
Điền từ: Chủ đề của bài điền từ cũng khá quen thuộc với học sinh: chủ đề về Technology.
Có 2 câu hỏi về Word choice, 1 về đại từ quan hệ, 1 về word form và 1 về liên từ. Các câu hỏi về Word choice luôn là câu hỏi khiến học sinh phân vân nhất và phải có vốn từ vựng phong phú. 3 câu hỏi còn lại về ngữ pháp học sinh vẫn có thể lấy điểm tối đa.
Phần đọc hiểu: Năm nay có sự thay đổi về số lượng câu đọc hiểu trong bài đọc hiểu 7 câu ( giảm xuống còn 5 câu). Bài đọc hiểu 8 câu vẫn ở mức khó hơn để phân loại học sinh.
Các loại câu hỏi của bài đọc hiểu: 2 câu hỏi ý chính, 2 câu hỏi về đại từ thay thế, 3 câu về từ gần nghĩa, 5 câu hỏi về thông tin chi tiết, 1 câu suy luận. Các loại câu hỏi này tương tự với đề thi năm 2018.
Các câu hỏi khó rơi vào câu hỏi về ý chính, tìm từ đồng nghĩa và suy luận, yêu cầu học sinh phải có tư duy logic, kỹ năng phân tích và suy luận tốt mới có thể làm được.
Theo như tổ giáo viên môn Ngoại ngữ của Hệ thống HOCMAI, về cơ bản, đề thi tham khảo THPT quốc gia năm 2019 xuất hiện các dạng bài giống như đề thi năm 2018. Tuy nhiên có sự thay đổi về số lượng câu ở phần hoàn thành câu và đọc hiểu.
Nội dung đề thi tham khảo 2019 chủ yếu nằm trong chương trình 12 .
Phạm vi kiến thức trong đề: Các chuyên đề ngữ pháp phổ biến (thì, mạo từ, câu bị động, câu điều kiện, mệnh đề nhượng bộ, danh động từ, câu gián tiếp) và từ vựng.
Về độ khó và sự phân bổ kiến thức: Tổng quan về độ khó của đề: 60% cơ bản + 40% nâng cao
Các câu hỏi dễ lấy điểm nằm ở các dạng bài: ngữ âm, câu giao tiếp, hoàn thành câu phần ngữ pháp, câu đồng nghĩa, nối câu, tìm lỗi sai
Các câu hỏi khó tập trung vào từ vựng như: Tìm từ đồng nghĩa trái nghĩa, các câu từ vựng trong phần hoàn thành câu và đọc hiểu.
Một số kiến thức ngữ pháp nâng cao như: Đảo ngữ, liên từ, phân từ, modal perfect
Phần đọc hiểu cũng là dạng bài để phân loại học sinh nhưng giảm 2 câu so với năm 2018
Để làm tốt bài thi tiếng Anh trong kỳ thi THPT quốc gia 2019, nhiều giáo viên cũng lưu ý các sĩ tử những điểm sau: Nắm chắc các kiến thức ngữ pháp thuộc chương trình THPT và tìm hiểu thêm các kiến thức ngữ pháp nâng cao.
Học từ vựng và cấu trúc trong SGK thì cần phải mở rộng và trau dồi thêm từ vựng ở bên ngoài như đọc sách báo nước ngoài, xem phim có phụ đề Tiếng Anh,…..
Luyện tập nhiều các dạng bài khó và những dạng bài mình cảm thấy yếu. Rèn luyện nhuần nhuyễn kỹ năng đọc hiểu, phân tích đoạn văn, khả năng suy luận để đoán nghĩa của từ.