Những lá phiếu của niềm tin và trách nhiệm

Mộc Miên| 23/05/2021 15:01
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mỗi cử tri hãy thực hiện nghĩa vụ công dân bằng tất cả niềm vinh dự, trách nhiệm, sự sáng suốt, tâm huyết và niềm tin vào lá phiếu trên tay mình.

nhung-la-phieu-gop-gio-thanh-bao.jpg
Hình ảnh cử tri nhiều địa phương đi bầu cử sáng ngày 23/5

Chiều nay (23/5), Gần 70 triệu cử tri cả nước đang tiếp tục tỏa về các khu vực bầu cử để thực hiện quyền công dân, lựa chọn những đại biểu xứng đáng đại diện cho mình tại cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất  là Quốc hội và tại Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Dù trong những ngày này, cả nước đang phải gồng mình chống dịch COVID-19, vẫn không ngừng có thêm ca lây nhiễm trong công đồng tại nhiều địa phương, nhưng khó khăn đó đã và sẽ không thể làm lung lay quyết tâm và ý chí tổ chức thành công cuộc bầu cử.

Cách đây 75 vào ngày 6 tháng Giêng năm 1946 đã diễn ra ngày Tổng tuyển cử tự do đầu tiên của trong lịch sử dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại của chúng ta lúc ấy đã ra lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu. Người từng nói ngày bầu cử là một ngày vui sướng của đồng bào ta, ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình.

Trong bối cảnh nước nhà còn bị chia cắt, miền Nam còn chưa được giải phóng, Bác nêu rõ ngày bầu cử là cử tri thể hiện trách nhiệm công dân của mình đối với đồng bào miền Nam ruột thịt với sức mạnh của lá phiếu. Theo Bác: “Dân ta sẽ tỏ cho các chiến sĩ ở miền Nam rằng: Về mặt trận quân sự, thì các chiến sĩ dùng súng đạn mà chống quân thù. Về mặt chính trị, thì nhân dân dùng lá phiếu mà chống với quân địch. Một lá phiếu cũng có sức lực như một viên đạn”.

Bác còn nói: “Đi bầu cử để chứng minh cho toàn thế giới biết được vị thế mới của Việt Nam - Một quốc gia độc lập, có chủ quyền”.

Người ra sức kêu gọi cử tri hăng hái thực hiện quyền công dân, nhất là quyền bầu cử của mình để “tự do lựa chọn và bầu ra những người xứng đáng thay mặt cho mình, và gánh vác việc nước”. Và theo Bác “mỗi người đều nên vui vẻ hưởng quyền lợi của một người dân độc lập, tự do”.

75 năm đã trôi qua từ lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến hôm nay, gần 70 triệu cử tri của một đất nước Việt Nam đã hoàn toàn độc lập tự do, đang không ngừng nỗ lực vươn lên bằng khát vọng đổi mới phát triển, không ngừng hội nhập với vị thế ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế lại bước vào cuộc bầu cử mang tính lịch sử. Cuộc bầu cử diễn ra tại thời điểm cả nước ta ra sức thi đua lập thành tích chào mừng thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã trở thành một sự kiện chính trị trọng đại của Đảng ta, đất nước ta và dân tộc ta, có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp tiếp tục đổi mới toàn diện và đồng bộ, phát triển đất nước nhanh và bền vững hơn trong thời kỳ mới.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng từng nhấn mạnh Bầu cử là cơ hội để nhân dân ta thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua việc lựa chọn, bầu ra những đại biểu tiêu biểu, thật sự có đức, có tài, xứng đáng đại diện cho nhân dân tại Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Đây cũng là dịp để tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Trong bài viết mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh vai trò của người dân trong tham gia quản lý xã hội. Việc người dân thực hành dân chủ trực tiếp thông qua lá phiếu, và dân chủ gián tiếp thông qua người đại diện là đại biểu Quốc hội, là những cơ chế trọng yếu để đảm bảo thực hiện vai trò đó.

Nếu không quan tâm đến chính trị, làm thế nào để cử tri thực thi hai quyền dân chủ nói trên? Quan tâm đến chính trị không chỉ để phục vụ những mục đích "bao đồng" mà còn bảo vệ lợi ích hợp pháp của mỗi cá nhân. Mỗi đại biểu Quốc hội đại diện cho một khối cử tri nhất định, và họ sẽ là kênh truyền dẫn khả dĩ nhất giúp tiếng nói của người dân được lắng nghe.

Ngày hội lớn của non sông đất nước đã và đang diễn ra, cử tri từ các thành phố lớn, tới vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…, cử tri thuộc mọi lứa tuổi, thành phần tôn giáo hãy cùng hướng về Ngày hội non sông với chung một trách nhiệm và niềm tin. Đừng một ai ngần ngại cho rằng “ở nhà tránh dịch nhờ “bỏ phiếu hộ”, coi chuyện bỏ phiếu là chuyện không làm ra cơm áo gạo tiền, hay đó là câu chuyện chính trị của những người “làm trong nhà nước”.

Chúng ta đôi khi trách các đại biểu Quốc hội không tích cực trên nghị trường, thậm chí có người suốt cả nhiệm kỳ không hề phát biểu trước Quốc hội, mà quên rằng, điều đó có một phần từ chính mình. Bởi chính lá phiếu nhỏ bé chúng ta cầm trên tay ngày hôm nay đang góp phần quyết định, chọn ra nhưng gương mặt mới vào Quốc hội, đại diện cho nguyện vọng và ý chí của cử tri góp ý kiến xây dựng thiết chế, luật pháp, đòi hỏi những thay đổi về chính sách.

Bỏ lá phiếu vào hòm có lẽ là việc nhẹ nhàng, nhưng nó chỉ là điểm khởi đầu của quá trình "giám sát" đại biểu Quốc hội trong 5 năm tới. Nó chứa đựng niềm tin và hy vọng trong suốt nhiệm kỳ đó. Tất nhiên, Quốc hội không “trăm tay nghìn mắt” để giải quyết tất cả các sự vụ được người dân ủy thác. Nhưng những vấn quốc tế lớn lao lao như chủ quyền lãnh thổ, biển đảo, dịch bệnh toàn cầu… hay cả những vấn đề gần gũi, thiết thực với từng ngườn dân hơn như chuyện học hành của con cái, vấn đề nhà ở đất đai, giá điện nước hàng ngày, thậm chí là mớ rau, thịt cá của mỗi gia đình ngày mai và con cái chúng ta sau này có được lắng nghe, thấu hiểu và điều chỉnh hay không cũng một phần bắt nguồn từ lá phiếu bầu cho những đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ mới này.

Thế giới đang biến đổi và phân hóa sâu sắc cùng những thách thức lớn lao chưa từng có. Việt Nam chúng ta trong đó đã và đang đi con đường phù hợp riêng, phát triển bằng chính sự nhẫn nại và tự cường để đến năm 2030, Việt Nam hoàn thành mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá, cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực ASEAN về công nghiệp, trong đó một số ngành công nghiệp có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển hiện đại.

Hòa trong đó, Quốc hội Việt Nam- cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước, cùng Hội đồng nhân dân các cấp đã và đang không ngừng đổi mới, có những thích ứng linh hoạt, phù hợp với xu thế, để nâng cao chất lượng hoạt động, hướng tới sự chuyên nghiệp, gần dân, sát dân và vì dân. Đồng thời củng cố và mở rộng; tăng cường đối ngoại song phương, tạo sự chuyển biến tích cực trong quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với các nước trong khu vực và thế giới. Nhân sự là yếu tố tiên quyết để tạo nên thành công cả tiến trình đó. Vì vậy, mỗi lá phiếu của cử tri cả nước hôm nay sẽ “góp gió thành bão” tạo nên chất lượng cốt lõi hoạt động của các cấp ngành trong tương lai.

Mỗi cử tri hãy nhận thức sâu sắc ý nghĩa quan trọng của cuộc bầu cử đối với sự phát triển của đất nước, đối với tiền đồ của dân tộc. Từ đó phát huy cao độ tinh thần yêu nước, thực hiện nghĩa vụ công dân bằng niềm vinh dự, trách nhiệm, sự sáng suốt, tâm huyết và niềm tin vào lá phiếu trên tay mình.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những lá phiếu của niềm tin và trách nhiệm