Những khuất tất và sai phạm trong quyết định đầu tư của Hiệu trưởng Đại học Hoa Sen

An Nhiên| 02/08/2014 08:31
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 2/8 tới đây, Trường Đại học Hoa Sen (ĐHHS) sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường để giải quyết những khuất tất và mập mờ trong vấn đề quản lý tài chính của bà Bùi Trân Phượng - Hiệu trưởng nhà trường.

Ngoài những sai phạm mà Thanh tra Bộ GD&ĐT đã xử phạt hành chính ngày 21/4/2014 cũng như đưa ra kết luận ngày 30/5/2014 thì mới đây, bà Phạm Thị Thủy - Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen, đồng thời cũng là một cổ đông của trường đã lên tiếng tố cáo những sai phạm nghiêm trọng của bà Phượng trong công tác quản lý tài chính và báo động về biến động nhân sự tại ĐHHS.

Sai phạm về tài chính

Trong biên bản họp và quyết định của Hội đồng quản trị (HĐQT) vào đầu tháng 11/2011,  thì bà Bùi Trân Phượng và bà Phạm Thị Thủy sẽ đại diện cho ĐHHS góp 4 tỉ đồng với Công ty Tangka cùng thành lập Công ty TNHH Nhà hàng Khách sạn và Du lịch Vĩnh An (Công ty Vĩnh An) để phối hợp thực hiện dự án Vatel (Chương trình Cử nhân Quản lý khách sạn nhà hàng khách sạn Quốc Tế Vatel - Thuộc Vatel Development, CH Pháp). Tuy nhiên sau đó, Công ty Vĩnh An lại được thành lập với vốn điều lệ đăng ký lần đầu ngày 22/11/2011 là 1,2 tỉ đồng với những thành viên gồm: bà Bùi Trân Phượng, bà Phạm Thị Thủy cùng… ba cá nhân là Việt kiều Pháp mà các cổ đông ĐHHS đều không biết  là ai.

Những khuất tất và sai phạm trong quyết định đầu tư của Hiệu trưởng Đại học Hoa Sen

Bà Bùi Trân Phượng (giữa)

Ngay từ đầu, trong vấn đề đầu tư và thành lập Công ty Vĩnh An, bà Phượng đã không thực hiện đúng Nghị quyết và Quyết định của HĐQT ĐHHS về số vốn góp cũng như đối tượng góp vốn. Đồng thời, vị hiệu trưởng này còn kiêm luôn vị trí Giám đốc - Người đại diện theo pháp luật của Công ty Vĩnh An. Theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì Công ty Vĩnh An không được tổ chức đào tạo đại học và sau đại học tại trụ sở. Giữa ĐHHS và Công ty Vĩnh An ký hợp đồng dịch vụ hỗ trợ đào tạo, theo đó, những thực tập sinh của chương trình Vatel thuộc trường ĐHHS sẽ được cử đến Nhà hàng Vatel Sài Gòn của Công ty Vĩnh An để học thực hành và thực tập. Tuy nhiên, ngày 3/4/2014, Đoàn thanh tra Bộ GD&ĐT đã phát hiện tại phòng học lầu 2 của Công ty Vĩnh An (Số 120 Bis Sương Nguyệt Ánh, phường Bến Thành, quận 1,TP HCM) đang tổ chức học lý thuyết với 22 sinh viên. Việc bà Bùi Trân Phượng tự ý quyết định để Công ty Vĩnh An tổ chức đào tạo, thực hiện đào tạo (bố trí lịch học, mời giảng viên, thu học phí) chương trình Cử nhân Quản lý Khách sạn - Nhà hàng Quốc tế Vatel là vi phạm Quyết định số 2239/QĐ-BGDĐT ngày 15/6/2012 của Bộ GD&ĐT.

Ngày 21/4/2014, Thanh tra Bộ GD&ĐT đã có quyết định xử phạt đối với Công ty Vĩnh An là 55 triệu đồng và đình chỉ tất cả mọi hoạt động công ty 12 tháng vì đã tiến hành giảng dạy chương trình Vatel trái với quy định pháp luật, ký hợp đồng với 4 giảng viên không có bằng chuyên môn để đào tạo chương trình Vatel. Đồng thời, Thanh tra Bộ tiếp tục ra quyết định xử phạt ĐHHS 15 triệu đồng về việc thu học phí chương trình Vatel vượt mức so với quy định của Bộ GD&ĐT.

Theo Hợp đồng liên kết giữa ĐHHS và Vatel Developpement của Pháp thì ĐHHS có trách nhiệm quản lý học phí thu từ học viên; quản lý tài chính, giáo trình, sách, tài liệu và hồ sơ học viên. Nhưng ngay từ đầu với vị trí quản lý tuyệt đối ở cả ĐHHS và Công ty Vĩnh An, bà Phượng chủ trương tự quyết cho Công ty Vĩnh An trực tiếp thu học phí và xuất hóa đơn của Công ty cho học viên từ năm 2013 và đầu năm 2014 với mức thu 78 triệu đồng/ năm. Tổng thu học phí của sinh viên chương trình Vatel do Công ty Vĩnh An thu năm 2012, 2013 đến tháng 3/2014 là 15.918.795.200 đồng (gần 16 tỷ đồng) và số tiền thu vượt là 1.560.000.000 đồng.

Hiện nay, khi được HĐQT ĐHHS yêu cầu báo cáo tình hình tài chính hoặc chuyển doanh thu từ học phí về trường theo đúng quy định thì bà Phượng không báo cáo hoặc liên tục kêu lỗ. Cần nói thêm rằng: Trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh của mình, Công ty Vĩnh An luôn báo lỗ tương đương bằng số tiền thu được của học viên. Bên cạnh đó, mặc dù đã giữ lại toàn bộ học phí của học viên ĐHHS nhưng Công ty Vĩnh An lại luôn được ĐHHS “ưu ái” ký duyệt cho mượn, chi hộ nhiều khoản tiền, đơn cử là số tiền 1 tỉ đồng (ghi nhận trong xác nhận nợ giữa ĐHHS và Công ty Vĩnh An ngày 06/12/2013) hay khoản tiền 40.000 USD đến nay vẫn chưa được Công ty Vĩnh An xác nhận nợ.

Không dừng ở đó, bà Bùi Trân Phượng với tư cách là Hiệu trưởng, người trực tiếp ký trên các báo cáo tài chính phải chịu trách nhiệm về việc gần 119 tỉ đồng tiền thu học phí năm 2013 - 2014 được chuyển vào các khoản “Học phí thu trước” và “Nợ phải trả” thay vì “Doanh thu”. Sự việc bị phanh phui, ngày 20/5/2014, ĐHHS đã bị cơ quan thuế phạt gần 4 tỉ đồng tiền phạt chậm nộp thuế. Đồng thời, HĐQT ĐHHS cũng đã có văn bản thừa nhận 119 tỉ này đã bị giấu đi.

Thanh lọc hay… thanh trừng?

Trong thời gian bà Phượng lãnh đạo từ năm 2009 đến hết tháng 5/2014 thì tổng số nhân viên/giảng viên nghỉ việc là 404 người. Tỉ lệ nghỉ việc chung của toàn trường luôn cao, đặc biệt là giai đoạn 2009 - 2011. Tỉ lệ thay đổi ở quản lý cấp trung (Trưởng/Phó phòng, Trưởng/Phó Khoa, Giám đốc/Phó Giám đốc) luôn ở mức báo động đỏ là trên 40%. Tính riêng trong năm 2014, bà Phượng đã ra liên tục hơn 10 quyết định miễn nhiệm như với các vị Nguyễn Trung Đức - Giám đốc Trung tâm Anh ngữ Hoa Sen, ông Lê Xuân Quỳnh - Phó trưởng Ban Đảm bảo chất lượng - Thanh tra, ông Nguyễn Trung Đức - Trưởng khoa Đào tạo chuyên nhiệm, ông Nguyễn Trọng Duy - Giám đốc Trung tâm đào tạo, bà Trần Thị Minh Hương - Phó Giám đốc trung tâm đào tạo…

Mới đây nhất, ngày 7/7/2014, bà Bùi Trân Phượng đã ra quyết định miễn nhiệm chức danh Phó Hiệu trưởng của bà Phạm Thị Thủy. Liệu đây có phải là hành động “thanh trừng” cho những ai dám chống đối hay tố cáo những sai phạm của bà Phượng trong việc quản lý điều hành ĐHHS và tại các công ty mà ĐHHS đầu tư? Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về vụ việc. 

Trao đổi với phóng viên, bà Thủy nói trong mệt mỏi: “Tôi từng là học trò của cô Phượng, tôi rất tôn trọng nhưng vẫn phải lên tiếng, không thể chịu đựng được việc cô bày bố, sắp đặt và thao túng mọi hoạt động. Sự việc sẽ nghiêm trọng hơn, uy tín của nhà trường sẽ bị ảnh hưởng nếu chúng tôi không lên tiếng”.

Không chỉ bà Thủy, bà Phan Thị Thu Trang (ngụ Gò Dầu, Tân Phú), một cổ đông khác của ĐHHS cũng bức xúc: “Việc tổ chức Đại hội Cổ đông bất thường mấy ngày nữa là do nhóm các cổ đông chúng tôi làm quyết liệt yêu cầu tổ chức, bà Bùi Trân Phượng phải có những giải thích thỏa đáng về tình hình tài chính của trường và các sai phạm liên tiếp mà Thanh tra Bộ GD&DT đã vào cuộc xử phạt”.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những khuất tất và sai phạm trong quyết định đầu tư của Hiệu trưởng Đại học Hoa Sen