Nhân kỷ niệm 40 năm Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, chúng tôi có dịp được trò chuyện cùng Thiếu tướng Nguyễn Quang Phòng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, Bộ Công an về những ngày đầu tiếp quản Sài Gòn.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ ở cuối đường Đặng Văn Ngữ, vị Thiếu tướng và cũng là nhà lão thành Cách mạng đã ở tuổi 89 vẫn còn nguyên sự minh mẫn cũng như bầu nhiệt huyết của thời trai trẻ. Ký ức của những ngày đầu tham gia tiếp quản ùa về trong câu chuyện dài hết cả buổi sáng của ông dành cho chúng tôi. Và có những chuyện, có lẽ sẽ mãi mãi nằm sâu trong ký ức nếu chúng tôi không may mắn được nghe ông kể lại
Từ những chuyến xe bus dọc ngang thành phố…
“Có lẽ tôi sẽ kể cho các bạn nghe từ thời điểm bắt đầu cho chuyến đi tăng cường để chuẩn bị cho công tác tiếp quản Sài Gòn”, Thiếu tướng Nguyễn Quang Phòng bắt đầu câu chuyện một cách nhẹ nhàng.
Tháng 1/1975, Bộ Chính trị BCH Trung ương Đảng quyết định mục tiêu giải phóng hoàn toàn miền Nam trong hai năm 1975-1976 và dự kiến, nếu thời cơ đến sớm sẽ giải phóng miền Nam trong năm 1975. Sau mọi phân tích, nhận định vào tình hình thực tế, đến 7/4/1975, toàn bộ các cánh quân của ta ở khắp chiến trường nhận được lệnh: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ từng phút xốc tới chiến trường giải phóng miền Nam, quyết chiến và toàn thắng”.
Cùng với bên Quân đội, Bộ Công an dưới thời Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn cũng đã chuẩn bị lực lượng tăng cường chi viện cho miền Nam. Không khí chuẩn bị lúc đó rất khẩn trương và Đoàn do Thứ trưởng Viễn Chi làm Trưởng đoàn. Đến ngày 23/4, Đoàn công tác vào đến An ninh Trung ương cục ở Tây Ninh do ông Cao Đăng Chiêm (tức Sáu Hoàng) là Trưởng ban và ông Lâm Văn Thê (tức Ba Hương) làm Phó ban. Sau khi vào đến nơi, Đoàn công tác được phân công tăng cường cho các bộ phận và ông Phòng khi đó được tăng cường cho S35 vào tiếp quản Sài Gòn.
Thiếu tướng Nguyễn Quang Phòng hào hứng kể về những ngày đầu tham gia tiếp quản Sài Gòn
Sau khi nhận nhiệm vụ, Đoàn chuẩn bị mọi việc để vào tiếp quản Sài Gòn. Đến 30/4/1975, khi Tổng thống Việt Nam cộng hoà là Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, anh em cán bộ tăng cường được lệnh di chuyển vào Sài Gòn bằng mọi phương tiện và điểm tập kết là Tổng nha Cảnh sát tại đường Võ Tánh (nay là đường Nguyễn Trãi).
Với nhiệm vụ giúp các cơ quan vào tiếp quản, khi đó, các thành viên trong Đoàn đã đi lại như con thoi từ Bộ Y tế , Bộ Sắc tộc, rồi Đài Truyền hình Sài Gòn, Bộ Văn hoá, Bộ Dân vận và chiêu hồi, Bộ Ngoại giao… Tất cả để thực hiện việc tiếp quản được thuận lợi, đồng thời đảm bảo một mục tiêu quan trọng nhất là bảo vệ và thu thập tài liệu mà chính quyền Sài Gòn để lại.
Ở thời điểm đó, có khá nhiều xe của Tổng nha Cảnh sát để lại nhưng những cán bộ Công an như ông Phòng chẳng lấy làm phương tiện sử dụng cho công việc, chỉ suốt ngày di chuyển trên xe bus và trên đôi chân của mình. Niềm vui hân hoan chiến thắng đã khiến mọi người quên hết sự mệt nhọc trong công việc, cho dù ai ai khi về đến nơi ở cũng đều chỉ còn đủ sức để… lăn ra ngủ.
… Đến kho tài liệu vô giá
Có lẽ, việc chúng ta giải phóng Sài Gòn một cách thần tốc khiến chính quyền Sài Gòn rất bất ngờ. Chính vì vậy, gần như kho tài liệu của các cơ quan nơi chúng ta đến tiếp quản đều còn rất nhiều tài liệu quý giá. Trong đó phải kể đến hồ sơ tư liệu của Bộ Dân vận chiêu hồi, Tổng nha Cảnh sát, Cảnh sát đô thành…
Chúng ta thu hồi được 24.000 hồ sơ tại Bộ Dân vận chiêu hồi và đặc biệt hơn là 400 bộ hồ sơ của Cảnh sát đặc biệt và của Đặc ủy Trung ương tình báo. Đó là những tài liệu vô cùng quý giá đối với chúng ta thời điểm bấy giờ.
Vị cán bộ lão thành Cách mạng bảo, nhờ có số hồ sơ đó mà chúng ta nắm được tình hình nội gián của Nguỵ cài vào nội bộ của ta và cũng có những trường hợp xác minh, làm rõ được sự trong sạch cho đồng chí mình, bởi có những hồ sơ do chính Cảnh sát nguỵ đã nguỵ tạo ra. Những tài liệu đó còn có ích rất nhiều cho công tác an ninh sau này.
Với một người từng kinh qua công tác tình báo và sau này là một cán bộ của Cục An ninh nội bộ đã giúp cho ông có được cái nhìn toàn diện với đống hồ sơ, giấy tờ ngổn ngang do Nguỵ quyền để lại. Ông bảo, khai thác đống hồ sơ mới là vấn đề quan trọng bởi mình phải biết chọn lọc và sử dụng tất cả các thông tin ấy một cách hữu ích nhất.
Mất khoảng ba tháng thu thập tài liệu và sau đó là quá trình xử lý, khai thác thông tin. Có lẽ, không có nước nào như nước ta thu hồi được số tài liệu quý giá và gần như nguyên vẹn khi tiếp quản Sài Gòn. Những tài liệu ấy chính xác, không những giúp cho ta vô hiệu hoá được nhiều đặc tình của Mỹ, Nguỵ cài vào hàng ngũ của chúng ta mà còn giúp cho cả một số nước bạn thời bấy giờ như Hungary, Ba Lan phát hiện ra những người đã bị CIA móc nối khi họ công tác tại Sài Gòn…
Nhân dân chào đón quân giải phóng tiến vào Sài Gòn
Hay khi tiếp quản ở Bộ Ngoại giao, ông Trần Kỷ Long là cán bộ của Ban Thống nhất Trung ương được phân công về làm Trưởng ban bảo vệ. Đêm hôm đó, có một hộp hồ sơ ở tầng hai đã bị đốt cháy và đã đặt ra nghi vấn có kẻ muốn huỷ đi thông tin quan trọng. Ngay sau đó, công tác bảo vệ tài liệu được tăng cường chặt chẽ hơn, đặc biệt ở những Bộ, ngành quan trọng. Tuy nhiên, những thiệt hại không đáng kể bởi những tài liệu quan trọng đã được thu giữ vào bảo quản nguyên vẹn.
Những hồi ức thú vị
Trong câu chuyện đầy hào sảng của vị tướng già, có những điều mà ông luôn cảm thấy thú vị như việc Tổng thống Nguỵ quyền Dương Văn Minh đi tham gia học tập, cải tạo. Hồi đó, vệc gọi tập trung, học tập và cải tạo của khối dân sự do Bộ Công an thực hiện nên ông có dịp tiếp xúc với khá nhiều người tham gia làm việc cho Nguỵ quyền Sài Gòn bấy giờ.
Ông bảo sau quá trình học tập, trong bản tiếp thu của mình, Dương Văn Minh thừa nhận rằng, hệ thống lý luận và những tư duy của chúng ta rất hay và đặc biệt là tinh thần hoà hợp dân tộc là điều mà một người ngay lúc còn ở cương vị Tổng thống như Dương Văn Minh cũng chưa từng nghĩ đến. Hồi đó, Dương Văn Minh vẫn ở biệt thự Phong Lan và ngày nào đi học cũngcó xe ôtô tới đón đi. Trước ngày 25/4/1976, ngày Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của nước Việt Nam thống nhất, Dương Văn Minh được xét đủ tiêu chuẩn là cử tri để được cầm lá phiếu tham gia bầu cử và chỉ điều đó thôi đã làm ông ta thấy rất vui.
Đan xen giữa câu chuyện về những ngày tiếp quản Sài Gòn là những chia sẻ về chuyện đời, chuyện nghề của một cán bộ Công an lâu năm trong cuộc đấu tranh phòng, chống gián điệp biệt kích Mỹ - Nguỵ từ giai đoạn 1961 đến 1973. Liên tục trong 12 năm, chúng ta đã vô hiệu hoá được hàng ngàn tên gián điệp biệt kích được tung ra miền Bắc cũng như thu giữ rất nhiều vũ khí, điện đài… Những vũ khí ấy ngay lập tức lại được trang bị cho biệt động của ta sử dụng để đánh địch ngay tại hang ổ của chúng.
Trong giọng kể đầy hào hứng của Thiếu tướng Nguyễn Quang Phòng, chúng tôi như thấy lại cả một trận đồ bát quái liên hoàn mà thế hệ những cán bộ Công an như ông đã xây dựng nên, để chống lại kế hoạch phá hoại miền Bắc bằng biệt kích gián điệp mà Mỹ - Nguỵ đã dày công xây dựng và đổ vào đó không ít người và tiền của.
Một điều khá thú vị là trong khoảng thời gian tiếp quản Sài Gòn, vào tháng 5/1975, ông đã gặp đối thủ trước đây là đại tá Nguỵ Trần Khắc Kính, Giám đốc Trung tâm huấn luyện và tung gián điệp biệt kích ra miền Bắc, khi đó đang bị giam tại trại giam Chí Hoà. Trong buổi gặp gỡ ấy, Trần Khắc Kính thừa nhận: “Gián điệp biệt kích chúng tôi phái ra miền Bắc thì các ông nắm hết được rồi còn gì. Ngay từ toán Castor đầu tiên nhảy dù ngày 27/5/1961 cũng đã bị các ông bắt rồi…”.
Câu chuyện với chúng tôi với Thiếu tướng Nguyễn Quang Phòng có lẽ còn kéo dài nếu không có tiếng chuông đồng hồ nhắc nhở đã quá giờ trưa. Dù tiếc nuối nhưng chúng tôi cũng phải chào ra về và xin một cái hẹn lần sau để có thể tiếp tục được nghe ông kể về quãng thời gian hai năm, ông làm việc ở Sài Gòn ngay sau ngày giải phóng.