Những hoạt động đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội tại Cộng hòa Áo

Nhóm PV| 06/09/2021 09:58
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chiều 5/9 giờ địa phương (tối cùng ngày giờ Việt Nam), sau khi đến Vienna, Cộng hòa Áo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã gặp 6 Đại sứ Việt Nam tại châu Âu; gặp mặt đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Áo, Czech, Ba Lan, Đức, Hungary, Slovakia.

Là một trong những nền kinh tế phát triển hàng đầu trong Liên minh châu Âu, hiện Áo đang tích cực triển khai các biện pháp thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch với việc triển khai gói cứu trợ 50 tỷ euro, cắt giảm thuế, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, tăng cường đầu tư vào lĩnh vực kinh tế số, giáo dục... Áo cũng là một trong những nước phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam khi cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của nước ta còn chưa kết thúc. Trong những năm qua, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Áo được củng cố và phát triển. Áo đánh giá cao vai trò và vị thế của Việt Nam tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam và duy trì trao đổi đoàn cấp cao và hợp tác trên các diễn đàn đa phương.

nhung-hoat-dong-dau-tien-cua-chu-tich-quoc-hoi-tai-ao-11.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã gặp 6 Đại sứ Việt Nam tại châu Âu

Sau khi được đón tại sân bay Schwechat, tại Thủ đô Vienna, Cộng hòa Áo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có cuộc gặp 6 Đại sứ Việt Nam tại châu Âu gồm: Đại sứ Việt Nam tại Séc Thái Xuân Dũng; Đại sứ Việt Nam tại Slovakia Nguyễn Tuấn; Đại sứ Việt Nam tại Hungary Nguyễn Thị Bích Thảo; Đại sứ Việt Nam tại Ba Lan Nguyễn Hùng; Đại sứ Việt Nam tại Áo kiêm nhiệm Slovenia Nguyễn Trung Kiên và Đại sứ Việt Nam tại Đức Nguyễn Minh Vũ.

Quyết liệt hơn trong việc vận động để có vaccine, thiết bị y tế

Tại cuộc gặp, các Đại sứ đã báo cáo tình hình cộng đồng người Việt Nam tại các nước sở tại. Đáng chú ý là do tình hình dịch COVID-19 ở châu Âu diễn biến phức tạp trong năm 2020, nên bà con gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh và đời sống. Các Đại sứ cũng chia sẻ, cộng đồng người Việt Nam ở các nước sở tại có ý thức phòng, chống dịch bệnh rất cao, đồng ý tiêm chủng sớm vaccine phòng COVID-19 nên tỷ lệ tử vong và mắc bệnh thấp hơn so với sở tại.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn do COVID-19 nhưng bà con vẫn hướng về quê hương, đất nước, tích cực ủng hộ quỹ vaccine phòng, chống COVID-19, ủng hộ người dân vùng bị ảnh hưởng do thiên tai. Công đồng tại Séc đã ủng hộ quỹ vaccine 1,5 tỷ đồng, cộng đồng tại Đức ủng hộ 50.000 Euro.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các Đại sứ tiếp tục quan tâm đến mọi mặt đời sống, sinh hoạt của cộng đồng, đề nghị chính quyền sở tại đảm bảo y tế và an toàn sức khỏe, hỗ trợ sinh kế cho cộng đồng người Việt Nam, đồng thời Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng quán triệt tinh thần Kết luận 12 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới, trong đó thể hiện quan tâm và trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị đối với công tác về người Việt Nam ở nước ngoài.

Các Đại sứ cũng báo cáo đã chuyển thư của Chủ tịch Quốc hội đến Lãnh đạo Nghị viện các nước đề nghị hỗ trợ Việt Nam trong phòng chống dịch COVID-19, trong đó có chia sẻ vaccine cho Việt Nam và cho biết, sẽ tiếp tục tích cực thúc đẩy qua kênh Nghị viện đến Chính phủ các nước về việc này.

Thời gian qua, do triển khai quyết liệt ngoại giao vaccine và đã thu được một số kết quả đáng khích lệ: Chính phủ Hungary đã tặng Việt Nam 100.000 liều vaccine. Chính phủ Slovakia tặng 150.000 liều và đang đàm phán để có thể nhượng cho Việt Nam từ 2-3 triệu liều vaccine, công ty CZ ở Slovakia cam kết tặng Thành phố Hồ Chí Minh máy thở và các vật tư y tế trị giá 200.000 Euro, Chính phủ Đức viện trợ 2,5 triệu liều và 75 máy thở, 15 màn hình, 20.000 máy đo nồng độ oxy; các bang, địa phương và các doanh nghiệp Đức ủng hộ 800.000 bộ xét nghiệm nhanh, hàng trăm ngàn khẩu trang y tế và nhiều thiết bị y tế khác.

Ba Lan là một trong những nước ủng hộ vaccine đầu tiên cho Việt Nam, đã tặng 500.000 liều vaccine và chuẩn bị ngày 7/9 sắp tới sẽ trao các thiết bị y tế, máy thở và máy ổn định nhịp tim trị giá 4 triệu USD và hiện hai bên đang đàm phán để có thể sớm ký thoả thuận chuyển nhượng 3 triệu liều vaccine. Chính phủ Séc đã viện trợ 250.000 liều và cam kết chuyển nhượng 500.000 liều vaccine phòng COVID-19.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có các nước châu Âu đã tích cực triển khai ngoại giao vaccine, đạt kết quả bước đầu rất tốt, đồng thời đề nghị các Đại sứ tiếp tục tích cực bằng mọi cách, mọi kênh, kể cả tranh thủ nguồn dôi dư, trao đổi hoặc mua vaccine phòng COVID-19.

Chủ tịch Quốc hội chỉ đạo các Đại sứ cần quyết liệt hơn trong việc vận động, tháo gỡ mọi vấn đề vướng mắc về thủ tục để có vaccine và trang thiết bị y tế nhanh nhất và sớm nhất; đồng thời khẳng định, Quốc hội sẽ cùng Chính phủ tích cực xem xét và giải quyết các vấn đề còn vướng mắc trong thủ tục để đẩy nhanh, đẩy mạnh việc mua, tiếp nhận vaccine phòng COVID-19 đáp ứng nhu cầu hết sức cần thiết trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19 hiện nay

Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời, một nguồn lực của dân tộc

Tối 5/9 giờ địa phương (rạng sáng ngày 6/9 giờ Việt Nam), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước ta tiếp tục có cuộc gặp mặt đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Áo, Czech, Ba Lan, Đức, Hungary, Slovakia.

nhung-hoat-dong-dau-tien-cua-chu-tich-quoc-hoi-tai-ao-2.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam gặp cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Áo.

Cùng dự cuộc gặp có: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng; các Đại sứ Việt Nam tại Áo, Czech, Ba Lan, Đức, Hungary, Slovakia.

Tại buổi gặp mặt, Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Cộng hòa Czech Nguyễn Duy Nhiên cho biết, cộng đồng người Việt tại Czech đã hội nhập sâu rộng và có nhiều đóng góp cho sự phát triển của nước sở tại. Vừa qua, cộng đồng người Việt tại Czech đã vinh dự được Thủ tướng Cộng hòa Czech đến thăm, động viên. Điều này đánh dấu và thể hiện vai trò quan trọng của cộng đồng người Việt Nam tại Czech.

“Việt Nam luôn là quê hương yêu dấu, luôn luôn ở trong tim cộng đồng người Việt, khi đất nước gặp khó khăn do thiên tai dịch bệnh, cộng đồng người Việt ở nước ngoài luôn hướng về quê hương đất nước bằng các hoạt động thiết thực”, ông Nguyễn Duy Nhiên bày tỏ.

Chủ tịch Hội Người Việt tại Ba Lan Trần Anh Tuấn chia sẻ, trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh, với tinh thần tương thân tương ái, nhiều hội đoàn người Việt tại Ba Lan nói riêng và châu Âu nói chung đã có nhiều hoạt động quyên góp ủng hộ quỹ vaccine, ủng hộ đồng bào trong nước.

Phát biểu tại cuộc gặp mặt, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gửi tới cộng đồng người Việt Nam tại Áo, Czech, Ba Lan, Đức, Hungary, Slovakia những tình cảm ấm áp nhất từ quê hương. Cho rằng, đây là cuộc tiếp xúc cử tri rất đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội cảm ơn cộng đồng người Việt Nam tại Áo, Czech, Ba Lan, Đức, Hungary, Slovakia và các nước châu Âu khác đã có nhiều kiến nghị, đóng góp ý kiến đối với đất nước cũng như với công tác người Việt Nam ở nước ngoài.

Chủ tịch Quốc hội bày tỏ vui mừng nhận thấy cộng đồng người Việt Nam tại Áo, Czech, Ba Lan, Đức, Hungary, Slovakia rất chăm chỉ làm ăn, hội nhập tốt và tuân thủ pháp luật sở tại; đánh giá cao các hội đoàn người Việt tại đây đã rất nỗ lực phát huy tinh thần đoàn kết của cộng đồng và kết nối cộng đồng với Đại sứ quán cũng như trong nước, luôn đoàn kết, hướng về Tổ quốc, đã và đang có những đóng góp nhất định với sự phát triển của nước bạn. Chủ tịch Quốc hội trân trọng cảm ơn cộng đồng người Việt Nam ở các nước đã luôn hướng về quê hương, tích cực hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và ủng hộ đồng bào ở trong nước bị ảnh hưởng bởi thiên tai, lũ lụt.

Chủ tịch Quốc hội cũng bày tỏ chia sẻ sâu sắc với những khó khăn, mất mát của kiều bào vì đại dịch COVID-19 và chia sẻ, càng trong những thời điểm khó khăn, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài càng phải đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau.

Chủ tịch Quốc hội thông báo Bộ Chính trị vừa ban hành Kết luận số 12 về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới sau hơn 5 năm thực hiện Chỉ thị 45-CT/TW ngày 19/5/2015 về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị khóa IX về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài; khẳng định Đảng và Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nói chung và cộng đồng người Việt ở Áo, Czech, Ba Lan, Đức, Hungary, Slovakia nói riêng. Trong điều kiện đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”, Đảng và và Nhà nước đã kịp thời có các biện pháp hỗ trợ, tổ chức gần 200 chuyến bay đưa hơn 53.000 công dân từ hơn 50 quốc gia/vùng lãnh thổ về nước.

"Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Nhà nước luôn khuyến khích, tạo điều kiện để bà con về thăm quê hương, đầu tư sản xuất kinh doanh, đồng thời có những biện pháp hỗ trợ để cộng đồng ổn định địa vị pháp lý, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc ở sở tại”, Chủ tịch Quốc hội khẳng định.

Ghi nhận các kiến nghị của kiều bào về việc gìn giữ văn hóa, dạy tiếng Việt và nhấn mạnh đây là nhu cầu rất chính đáng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại Kết luận số 12, Bộ Chính trị đã giao cho Ban cán sự Đảng Chính phủ, Ban cán sự Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu một cách căn cơ, bài bản và có hệ thống về xây dựng, soạn thảo sách giáo khoa, giáo viên, cơ sở vật chất để hỗ trợ dạy tiếng Việt cho con em người Việt là thế hệ thứ hai, thứ ba… sinh ra và lớn lên ở nước ngoài.

Chủ tịch Quốc hội cũng đồng tình với nhiều đề xuất tâm huyết của kiều bào về việc tổ chức các hoạt động kết nối sinh viên, thanh niên Việt Nam ở nước ngoài với trong nước để tăng cường sự gắn bó, bồi đắp tình cảm cũng như đóng góp tích cực cho quê hương, đất nước.

Với kiến nghị liên quan đến vấn đề quốc tịch, tại Kết luận số 12, Bộ Chính trị đã xác định việc giải quyết vấn đề này phù hợp với quy định của Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và tinh thần của Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Quốc hội sẽ làm hết sức mình triển khai hiệu quả công tác người Việt Nam ở nước ngoài theo đúng tinh thần Kết luận số 12 của Bộ Chính trị để chăm lo hơn nữa cho đồng bào ta ở nước ngoài, đồng thời phát huy nguồn lực to lớn, tinh thần yêu nước của đồng bào hướng về quê hương, đất nước.

Nhân dịp này, Hội người Việt Nam tại Cộng hòa Czech cũng đã trao tặng 230 triệu đồng ủng hộ Thành phố Hồ Chí Minh chống dịch COVID-19.

nhung-hoat-dong-dau-tien-cua-chu-tich-quoc-hoi-tai-ao.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới sân bay Schwechat, Vienna, Áo

Trước đó, chiều 5/9 giờ địa phương (tối cùng ngày giờ Việt Nam), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã đến Vienna, Cộng hòa Áo, bắt đầu các hoạt động tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 theo lời mời của Chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) Duarte Pacheco, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Áo Wolfgang Sobotka.

Đón Chủ tịch Quốc hội và Đoàn tại sân bay Schwechat có: Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Áo Nguyễn Trung Kiên; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Đôn Tuấn Phong và cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Áo.

Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới (WCSP5) là hoạt động nghị viện đa phương cấp cao nhất do Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) phối hợp với Liên Hợp Quốc tổ chức theo cơ chế 5 năm một lần, với chương trình nghị sự là những nội dung bao trùm, có tính thời sự, cấp thiết trên toàn cầu.

Với sự tham dự của 144 nhân vật cấp Chủ tịch Quốc hội và 30 cấp Phó Chủ tịch Quốc hội các nước trên thế giới, WCSP5 sẽ tập trung thảo luận về chủ đề chung “Sự dẫn dắt nghị viện vì hợp tác đa phương hiệu quả hơn nhằm mang lại hòa bình, phát triển bền vững cho người dân và trái đất”. Trong khuôn khổ Hội nghị sẽ có các phiên thảo luận chung chuyên đề về: Hướng tới một Hiệp ước toàn cầu về bình đẳng giới; Giảm thiểu tác động của đại dịch Covid - 19; Phục hồi sau đại dịch, chuyển đổi nền kinh tế để ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy phát triển bền vững; Cân bằng mối quan hệ giữa cởi mở, minh bạch và khả năng tiếp cận của nghị viện và vấn đề an ninh; Nghị viện và quản trị toàn cầu, tăng cường vai trò của nghị viện đối với hoạt động của Liên Hợp Quốc. Dự kiến, Hội nghị sẽ thông qua Tuyên bố Cấp cao về chủ đề chung của Hội nghị.

Theo lịch trình, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ tham dự lễ khai mạc, tham dự các Phiên thảo luận chung và Phiên thảo luận chuyên đề...

Trong thời gian tham dự Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội dự kiến có các cuộc gặp với Chủ tịch IPU, Tổng Thư ký IPU; tiếp xúc song phương với một số Trưởng đoàn/Chủ tịch Nghị viện các nước.

Tại Cộng hòa Áo, dự kiến Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam cũng sẽ có các hoạt động song phương như: hội kiến Lãnh đạo nghị viện Áo; thăm, gặp gỡ, trao đổi với Lãnh đạo một số tổ chức quốc tế có trụ sở tại Vienna, gặp gỡ một số doanh nghiệp tại Áo đang triển khai các dự án hợp tác hoặc có tiềm năng hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực năng lượng, vật liệu xây dựng, viễn thông, công nghệ thông tin; thăm Đại sứ quán, gặp gỡ cộng đồng Việt Nam tại Áo, Hungary và Slovakia.

Được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Cộng hòa Áo, Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần này thể hiện quyết tâm của Hội đồng Quốc gia Áo và Nghị viện các nước châu Âu đem lại sức sống mới, khôi phục niềm tin của người dân khu vực châu Âu đối với chính sách và sự phát triển của Liên minh châu Âu, đồng thời, gắn kết quan hệ trên kênh nghị viện giữa các quốc gia trên thế giới. Vì thế, việc Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tham dự Hội nghị còn thể hiện sự ủng hộ của Quốc hội nước ta đối với Nghị viện Áo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những hoạt động đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội tại Cộng hòa Áo