Sau 2 năm khai giảng trực tuyến do dịch bệnh, năm nay, các trường đều chú trọng xây dựng chương trình đặc biệt đón học sinh tựu trường, đánh dấu năm học bình thường mới. Dù ở bất cứ nơi đâu trên cả nước, những hình ảnh vui tươi, phấn khởi của các em học sinh trong đầu năm học mới đã khiến ngày này trở nên thiêng liêng vô cùng.
Lễ Khai giảng năm học 2022-2023 của khoảng 23 triệu học sinh được tổ chức thống nhất trên cả nước theo hướng gọn nhẹ, phù hợp với điều kiện của địa phương, nhà trường, tạo không khí vui tươi, phấn khởi của Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường.
Sau 2 năm khai giảng trực tuyến do dịch bệnh, năm nay, các trường đều chú trọng xây dựng chương trình đặc biệt đón học sinh tựu trường, đánh dấu năm học bình thường mới.
Trong đó, có hoạt động đón học sinh đầu cấp học; tổ chức cho học sinh tìm hiểu về truyền thống và các hoạt động của nhà trường; phổ biến nội quy, quy định của nhà trường; giới thiệu các hoạt động giáo dục, chương trình giáo dục, phương pháp học tập và rèn luyện ở trường, lớp…
Nhìn những nụ cười rạng rỡ của các em học sinh, sự phấn khởi tự hào hiện rõ trên từng khuôn mặt đã khiến ngày này trở nên linh thiêng và vô cùng ý nghĩa.
Những em ở các tỉnh, thành phố lớn với điều kiện đầy đủ cũng sẽ có niềm vui riêng. Những em dù hoàn cảnh vẫn thiếu thốn nhiều thứ thì cứ được cấp sách tới trường cũng là một nỗi niềm khó tả.
Mùa thu tháng Chín, mùa tựu trường. Người ta thường hay nhắc đến ngày khai giảng với hình ảnh cờ hoa rực rỡ trong nắng thu và là vàng bay. Nhưng ở đâu đó lại có một mùa khai giảng thật khác.
Niềm vui năm học mới đang được lan tỏa đến khắp mọi vùng miền trên cả nước, kể cả những nơi khó khăn, cheo leo nhất như Tu Nấc.
Hình ảnh lễ khai giảng đặc biệt ngay giữa đồi tại ngôi trường "hai không" - không điện, không nước sạch tại điểm trường thôn 5 Tu Nấc, xã miền núi Trà Cang, huyện Nam Trà My, Quảng Nam cũng đã khiến nhiều người xúc động.
Điểm trường thôn 5 Tu Nấc là một trong 15 điểm trường khó khăn, chưa có đường giao thông của xã miền núi Trà Cang, huyện Nam Trà My, Quảng Nam.
Nơi đây có 54 học sinh đồng bào Xơ Đăng (đa phần là con hộ nghèo) sống biệt lập trên núi. Thôn 5 Tu Nấc cũng được gọi là thôn 2 không - không điện lưới, không nước sạch, nước sinh hoạt được dẫn từ núi về lúc có lúc không.
Bữa ăn chưa đủ, việc học hành dựa cả vào thầy cô. Tuy nhiên, nhờ sự vận động của giáo viên, các em học sinh nơi đây đã có ý thức đến trường, yêu thích việc học.